RSS Feed for Giới khoa học nhận xét về phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 12:56
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giới khoa học nhận xét về phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam

 - Lời đầu tiên, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới TS. Tô Văn Trường (chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường) cùng với đồng nghiệp của mình đã có ý kiến nhận xét về "phản biện khoa học, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn tới" của Tạp chí Năng lượng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi trân trọng tiếp thu các ý kiến nhận xét và rất mong các chuyên gia, nhà khoa học, cũng như bạn đọc ở trong nước và quốc tế tiếp tục đóng góp ý kiến cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam trong các phản biện, kiến nghị sắp tới.

Thủ tướng giao BCT nghiên cứu phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Thủ tướng đề nghị Tạp chí Năng lượng VN tiếp tục đóng góp cho ngành dầu khí


DƯỚI ĐÂY LÀ NỘI DUNG NHẬN XÉT CỦA TS. TÔ VĂN TRƯỜNG:

Văn phòng Chính phủ có Công văn số: 6885/VPCP-CN, ngày 20 tháng 7 năm 2018 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về "phản biện khoa học, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn tới". Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.  

Sau khi thảo luận với bạn hữu, đồng nghiệp, dưới góc nhìn của chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường, tôi có một số ý kiến nhận xét dưới đây để những người quan tâm tham khảo.

Nhận xét chung

Tạp chí Năng lượng Việt Nam là một trong những tạp chí khoa học có uy tín, được nhiều người quan tâm, đón đọc. Các kiến nghị đề xuất được tổng hợp từ các bài báo phản biện khoa học, có giá trị tham khảo lớn trong việc hình thành một chiến lược phát triển của công nghiệp dầu khí nói riêng và ngành năng lượng Việt Nam nói chung.

Về cơ bản, dầu khí là nguồn năng lượng nhiên liệu chiến lược của nhiều quốc gia phục vụ cho nhiều mục tiêu không thể thay thế được, hoặc khó khăn trong việc thay thế bao gồm:

1/ Làm nhiên liệu cho việc chạy các động cơ dùng trong ngành giao thông vận tải (xăng máy bay, xăng dầu cho xe ô tô, tàu vận tải đường sắt và đường thủy).

2/ Làm nhiên liệu  cho các lò nung đốt trong công nghiệp như các loại lò hơi trong sản xuất công nghiệp dân dụng, phân bón, hóa dầu, lò nung gốm sứ, v.v.

3/ Làm nhiên liệu cho nhu cầu sinh sống trong gia đình.

4/ Làm nhiên liệu cho phát điện tại các nhà máy nhiệt điện dầu và khí.

5/ Cuộc chiến về giá dầu mang yếu tố chính trị rất cao, đã tác động sâu rộng lên nhiều nền kinh tế của các quốc gia liên quan. Điển hình là cuộc chiến giá dầu Mỹ - Nga vừa qua đã làm kinh tế Nga lâm vào khó khăn. Tương tự là việc giảm giá dầu nhờ dầu/khí đá phiến cũng làm khối OPEC đau đầu đối phó. Chính yếu tố giá dầu thấp làm cho các dự án về xăng E5 không đạt hiệu quả như mong đợi.

6/ Với Việt Nam, thách thức lớn nhất là đảm bảo nguồn cung ứng dầu khí cho các nhu cầu nội địa, đặc biệt là trong sản xuất điện năng. Kể cả khi đã huy động tất cả các nguồn cung khí đốt từ các mỏ Lô B, Sư Tử Trắng, Cá Rồng Đỏ, Cá Voi Xanh thì Việt Nam vẫn phải tính đến các phương án nhập khẩu năng lượng.

7/ Giai đoạn trước, việc tận thu khai thác dầu để đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng GDP đã dẫn tới hệ luỵ là nhiều mỏ suy kiệt nhanh hơn dự kiến, do không đủ thời gian phục hồi.

Trong quá trình hình thành và phát triển, ngành dầu khí ban đầu tập trung nhiều vào phần tìm kiếm và khai thác với sự hợp tác của các chuyên gia và công ty nước ngoài với mục tiêu bán sản phẩm dầu thô rồi sau đó triển khai sang hoạt động chế biến sản xuất các sản phẩm với các nhà máy lọc dầu như: Dung Quất, Nghi Sơn và rồi sau này phát triển sang nhiều lĩnh vực khác như sản xuất cồn, xơ sợi, đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện, đóng tàu và nhiều đầu tư ngoài ngành khác.

Lĩnh vực cốt lõi của ngành dầu khí vẫn là tìm kiếm và khai thác với nguồn lực đã được đầu tư từ lâu có kinh nghiệm, có nghiên cứu và phát triển vậy nên nguồn lực này cần tiếp tục phát huy. Ngày nay, việc phát huy nguồn lực không nên chỉ chú trọng trong nước mà cần phải nhìn ra toàn thế giới trong thời kỳ hội nhập. Nếu chỉ nhìn trong nước thì khi trong nước hết nguồn thì ta hết việc. Tuy nhiên, nếu ta nhìn ra nước ngoài thì cơ hội vẫn luôn có đó. Các tập đoàn năng lượng lớn đâu có khai thác trong nước đâu. Xin lưu ý khi đem chuông đi đánh nước người thì phải sẵn sàng cho việc trả giá để đừng vì những thất bại ban đầu mà nhụt chí, đồng thời phải có mức dự phòng tốt để những thất bại khi xảy ra không làm cho mình bị tê liệt. Đây là bài toán vô cùng khó đòi hỏi mấy vấn đề sau:

1/ Cần người đứng đầu chịu trách nhiệm là người có tâm và có tầm.

2/ Cần phải cho họ sự chủ động tự làm, tự chịu trách nhiệm.

3/ Cần sự đãi ngộ sòng phẳng xứng đáng theo cơ chế thị trường.

4/ Việc đem chuông đi đánh xứ người cần có đội ngũ nhân sự giỏi và được đãi ngộ xứng đáng. Bởi vậy, cơ chế cần phải là cơ chế doanh nghiệp tự chủ và trong nhiều trường hợp cần ra ngoài khuôn phép nhà nước.

5/ Cần có phương thức người đứng đầu chịu trách nhiệm hưởng theo lợi nhuận đạt được và mức độ chịu trách nhiệm khi thất bại một cách rõ ràng. Loại bỏ được các yếu tố phi chuyên môn để người quản lý doanh nghiệp chuyên tâm với công việc kinh doanh của mình.

6/ Có phương thức rút kinh nghiệm hợp lý để hình thành chiến lược dài hơi cho hoạt động bền vững lâu dài của doanh nghiệp trong hoạt động tìm kiếm khai thác trong ngành dầu khí không bị phụ thuộc vào nguồn mỏ trong nước.

Ngành dầu khí luôn liên quan đến an ninh năng lượng. Giá dầu khí luôn là vũ khí để các cường quốc kinh tế quân sự, hoặc cường quốc dầu mỏ đấu tranh với nhau nên biến động lên xuống thất thường và việc giảm sự phụ thuộc vào dầu khí sẽ đem lại lợi ích lớn trong cân bằng năng lượng của quốc gia. Ta hãy đánh giá bài toán về năng lượng.

7/ Năng lượng cơ bản nhất được sử dụng phổ biến là điện năng. Điện năng có thể chuyển đổi thành hầu hết các dạng năng lượng khác. Điện năng có thể được sản xuất bởi than, dầu, khí, năng lượng tái tạo (sinh khối, gió, mặt trời, vv...).

8/ Dầu sau khi được tinh chế thành các sản phẩm (xăng, dầu diesel) được sử dụng cho các động cơ trong ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, các động cơ này sử dụng xăng dầu nhiều trong các khu dân cư đông đúc là nguồn gây ô nhiễm không khí và bụi PM2.5 ở mức độ cao. Đây là lý do nhiều nước châu Âu chuyển sang xu hướng dùng các phương tiên giao thông chạy điện. Đây là xu thế tất yếu để đảm bảo môi trường trong lành ở các khu đô thị lớn. Việc sử dụng khí thiên nhiên trong giao thông cũng được coi là giảm ô nhiễm môi trường đô thị do mức phát thải thấp hơn dầu.

9/ Việc phát điện bằng khí thiên nhiên hóa lỏng do đặc tính giá thành cao, mặc dù có lợi thế về đầu tư nhanh, thiết bị gọn, ít phát thải nhưng Việt Nam chỉ nên đầu tư nhiệt điện khí, khi ta có nguồn cấp ổn định tại chỗ phong phú và đầy đủ (hoặc nhập khẩu) trong tuổi thọ dự án và đã hoàn thành công tác quy hoạch hệ thống cảng xuất nhập, kho bãi, đường ống dẫn. Nhân đây, tôi muốn nói rõ hơn việc xây dựng các cụm điện khí ở miền Nam nhằm thực hiện hai mục tiêu: (i) tận dụng nguồn khí đồng hành từ các dự án khai thác dầu khí để phát điện; (ii) đảm bảo tính đa dạng của cơ cấu nguồn điện, từ góc nhìn an ninh năng lượng.

10/ Nhiệt điện than mặc dù có nhược điểm là phát thải môi trường lớn nhưng giá than ít biến động, nguồn cấp cũng khá phong phú. Điều quan trọng là phải đảm bảo sử dụng được công nghệ ít phát thải và trang thiết bị tiêu chuẩn phù hợp, áp dụng các quy trình quản lý xây lắp và quản lý môi trường theo Best Available Practice (ví dụ trường hợp Nhiệt điện than Mông Dương 2), đồng thời có được chính sách tốt, đồng bộ cho khả năng tận dụng tro xỉ thải làm vật liệu xây dựng, phụ gia xi măng, hay các ứng dụng dân dụng khác.

11/ Năng lượng tái tạo là một cơ hội lớn đang phát triển của thế giới nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu, khí và năng lượng hóa thạch khác. Hiện tại, nó chưa đủ phù hợp để thay thế năng lượng hóa thạch, tuy nhiên nó có tiềm năng lớn trong tương lai. Để phát triển được nó thì cần phát triển mạnh các nghiên cứu khoa học, công nghệ liên quan đến nó và ngành dầu khí với nguồn lực vượt trội và kinh nghiệm về thăm dò, khai thác ngoài khơi có ưu thế lớn để phát triển năng lượng đại dương như năng lượng gió ngoài khơi, sóng biển, thủy triều và có thể là năng lượng mặt trời, đặc biệt cho các vùng hải đảo xa bờ. Tuy nhiên, không nên hy vọng thu lời ngắn hạn với các dự án này. Bởi vậy, việc dịch chuyển PVN thành tập đoàn năng lượng mà lại chỉ loay hoay với năng lượng tái tạo thì sẽ không phù hợp.

12/ Ngành dầu khí có lợi thế về năng lực chế tạo lắp đặt các kết cấu ngoài khơi nên có thể dễ dàng làm chủ công nghệ gió xa bờ (tất nhiên turbine gió vẫn phải nhập ngoại). Ngoài ra, các công nghệ năng lượng mới như điện thuỷ triều cũng cần được ưu tiên nghiên cứu và ngành dầu khí có đủ trang thiết bị cần thiết để thực hiện đo đạc mô phỏng các dòng chảy, vv...

13/  PVN với khả năng của mình, cũng có thể chuyển dịch sang hướng tìm hiểu và khai thác các nguồn lợi hải sản, cơ khí đóng tàu, nghiên cứu hệ sinh thái biển, vv... góp phần cho đảm bảo chủ quyền biển đảo.

14/ Với các dự án bị chậm tiến độ và đội vốn như Nhiệt điện Thái Bình, Sông Hậu, Long Phú cần nhanh chóng tạo cơ chế đặc biệt nhằm thúc đẩy hoàn thiện dự án để đưa vào vận hành, khai thác. Các nhà máy nhiên liệu sinh học, nhà máy đóng tàu Dung Quất nên xem xét đánh giá dây chuyền công nghệ đã đầu tư và chất lượng sản phẩm để đưa ra các quyết định phù hợp. Sự thua lỗ của các nhà máy nhiên liệu sinh học có một phần nguyên nhân từ chính sách sử dụng xăng pha cồn không được thực hiện như kế hoạch, trong khi các quyết định đầu tư luôn được thực hiện theo xu hướng đón đầu thị trường. Việc thoái vốn và bán cổ phần trong những dự án này cần cân nhắc kỹ, bởi lẽ nó đem lại thiệt hại lớn cho nhà nước trong khi chỉ một chính sách về nhiên liệu sinh học hợp lý là có thể khiến cho các nhà máy hoạt động có lãi và tránh được giải thể.

Theo tôi, nên thanh lý, hoặc cho phá sản các nhà máy nhiên liệu sinh học không hiệu quả, đóng tàu  Dung Quất, sản xuất sợi để PVN tập trung vào làm các mục tiêu đã đề ra.

Việc phát triển một lĩnh vực luôn có yếu tố quyết định của người đứng đầu. Trong yếu tố con người thì lựa chọn được người lãnh đạo có phẩm chất tốt là quan trọng nhất.

Việc phát triển yếu tố con người cần được thực hiện thông qua 3 hoạt động:

Một là: Thuê nhân sự phù hợp với nhiệm vụ.

Hai là: Đào tạo nhân sự đáp ứng nhiệm vụ.

Ba là: Tạo cơ chế để nhân sự phát triển được sở trường năng lực và chịu trách nhiệm đối với công việc của mình.

Tất cả những yếu tố đó đều đòi hỏi người lãnh đạo phải có tầm nhìn và phẩm chất nổi bật để sử dụng, phát triển nguồn nhân lực.

Việc phát triển một ngành công nghiệp đương nhiên không đồng nghĩa với việc phát triển một công ty hay một tập đoàn. Bởi vậy, việc tạo cơ chế khuyến khích để tất cả các thành phần kinh tế tham gia được vào sân chơi trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa sẽ tạo ra một môi trường phát triển và cạnh tranh lành mạnh theo thông lệ kinh tế thị trường. Điều này giúp thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành từ thượng nguồn đến hạ nguồn cùng phát triển, từ thăm dò khai thác đến dịch vụ khoan, địa vật lý giếng khoan, cung cấp trang thiết bị, các dịch vụ kỹ thuật, khoa học công nghệ, đào tạo, nghiên cứu triển khai, hợp tác quốc tế, vv... Tất cả những doanh nghiệp này có thể xoay quanh để phục vụ cho doanh nghiệp mẹ hoặc đôi khi có thể có những doanh nghiệp lớn tạo ra thế cạnh tranh với PVN để hình thành một thị trường sôi động, loại bỏ tính độc quyền. Đây là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của ngành dầu khí cũng như của tất cả các lĩnh vực kinh tế khác của đất nước.

Nhận xét cụ thể

Người đọc nhận thấy trong báo cáo có một số điểm cần trao đổi:

1/ Mục "2.4 Trong khi đó, trên thế giới: (i) Xu thế chung là các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối, điện nhiệt, sóng biển, vv...) đang được quan tâm, đầu tư và phát triển mạnh mẽ".

Dẫn chứng trên là chuẩn xác. Tuy nhiên, với điều kiện Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ điện năng lượng tái tạo, hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Nếu phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển,...) thì chi phí đầu tư khá cao. Các nhà đầu tư của tư nhân trong nước, chỉ quan tâm đến hiệu quả đầu tư (hiệu quả về mặt tài chính) của dự án mà ít quan tâm đến vấn đề công nghệ có lạc hậu hay không? Thực trạng này bị "sụp bẫy" công nghệ lạc hậu, rẻ tiền, gây ô nhiễm môi trường. Tích lũy dần theo thời gian, Việt Nam sẽ trở thành bãi rác khổng lồ. Đây thực sự đây là mối lo ngại của những người làm chuyên môn trước sức ép truyền thông rất lớn trong thời gian gần đây để PR cho điện mặt trời và điện gió. Thực tế,  khi rà soát các dự án đầu tư điện tái tạo đã cho thấy trong trường hợp dự án điện gió Tuy Phong (dự án đầu tiên của Việt Nam) thì chủ đầu tư đã "sập bẫy" của nhà cung cấp giải pháp turbine.

2/ Mục 4.1. nói "...vừa thăm dò khai thác dầu khí, vừa sản xuất các loại năng lượng tái tạo" trong thực tế đang thiếu tiền để thăm dò, nghiên cứu phát triển... Hay trong khi ta còn yếu kém về trình độ, trang thiết bị và con người... lại xin "cho phép PVN rút ngắn quy trình thẩm định, phê duyệt (các dự án) với các cơ quan liên quan..."?

3/ "Trữ lượng dầu mỏ và khí thiên nhiên… của VN không lớn", "…có nguồn tài nguyên dầu khí đủ để phát triển hoàn chỉnh chuỗi giá trị", "NHƯNG VỀ CƠ BẢN SẼ NHẬP KHẨU RÒNG DẦU KHÍ"?

4/ "Các công nghệ thăm dò, khai thác dầu khí ngày càng phát triển càng làm cho giá dầu khó dự báo và tăng nguy cơ giảm hiệu quả, năng lực cạnh tranh của ngành dầu khí Việt Nam,…"

Xin lưu ý: Mới đầu khai thác dầu đá phiến ở Mỹ thì giá dầu đá phiến cao, có lo ngại không cạnh tranh được với dầu khai thác thông thường, rồi phong trào phản đối vì tác động môi trường. Nhưng nhờ có công nghệ được cải tiến làm cho giá dầu này giảm đi và tác động môi trường cũng giảm đi, khiến cho sản lượng dầu đá phiến Mỹ tăng và xuất khẩu sang các nước khác.

Tôi đã tra cứu nhiều thông tin tư liệu về đề tài dầu đá phiến đăng tải trên tạp chí Công nghiệp và tạp chí Công nghiệp khai thác mỏ nhận thấy:

Thứ nhất: Dầu khí thuộc an ninh năng lượng quốc gia, ở nước nào cũng chú ý. Nhưng tôi có cảm nhận chỉ có PVN lo vấn đề này ư? Vì sao báo cáo không đề cập đến lĩnh vực tư nhân, hoặc nước ngoài tham gia trong khi nhà nước không có nhiều vốn? Nếu tách bạch quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp, thì cả PVN và tư nhân mới có điều kiện phát triển độc lập.

Theo một nghiên cứu của một nhóm chuyên gia kinh tế Harvard thì cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề tư nhân hoá trong an ninh năng lượng, vì đầu tư cho tư nhân là nhằm mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận nên sẵn sằng hy sinh các mục tiêu an ninh năng lượng cho lợi nhuận (kể cả bán cho Trung Quốc). Do đó, việc tham gia của khối tư nhân cần được tách bạch rõ ràng: Nhà nước nắm các cơ sở trọng yếu về an ninh, và tập trung đầu tư các dự án theo chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong khi tạo điều kiện cho khối tư nhân đầu tư vào các dự án với các chỉ tiêu tài chính tốt. Các dịch vụ công phục vụ khối tư nhân cần được tính đúng, tính đủ để tránh lợi dụng chính sách.

Thứ hai: Phải chăng, tập đoàn nhà nước nên chú trọng vào THƯỢNG NGUỒN, còn HẠ NGUỒN nên tạo điều kiện cho tư nhân và nước ngoài tham gia liên doanh, hoặc đầu tư 100%, kể cả khâu phân phối.

Thứ ba: Hệ số đàn hồi điện/GDP của Việt Nam luôn ở mức cao từ 1,6 đến 2,0 trong khi tại nhiều nước trên thế giới con số này là dưới 1,0. Hệ số đàn hồi cao này của Việt Nam phản ảnh việc sử dụng điện quá nhiều vì giá điện thấp như công nghiệp thép, xi măng,... chính sách tiết kiệm điện chưa đi vào thực tiễn.

Lưu ý vấn đề của Việt Nam là chạy đua theo các chỉ tiêu FDI và GDP nên sẵn sàng chấp nhận các dự án đầu tư với công nghệ trung bình của thế giới, dẫn tới tiêu thụ điện năng lớn. Đồng thời với việc duy trì giá bán điện giá thấp, các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện năng ít có động lực sử dụng điện năng hiệu quả.

Thứ tư: Về phát triển năng lượng tái tạo, ở các nước ASEAN như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia,... kể cả anh Trung Quốc, họ đều làm dự án thí điểm, có sự hỗ trợ về mặt tài chính từ nhà nước, trên cơ sở thí điểm họ xây dựng Quy chuẩn, Tiêu chuẩn, Quy định,... Sau khi nắm vững công nghệ mới chuyển sang cho phép đầu tư đại trà. Trong khi đó, ở Việt Nam thì làm ngược lại (như các dự án điện mặt trời hiện nay). Cách làm này, thật sự không ổn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, không lường hết được. Nguy cơ vận hành không an toàn hệ thống điện quốc gia là có khả năng xảy ra.

Thứ năm: Mục "5.3. Đối với mỏ khí Cá Voi Xanh hợp tác với ExxonMobil (Hoa Kỳ), cần xác định các ưu tiên về an ninh biển đảo ở khu vực trục dọc trên cụm đảo Hoàng Sa xuống dưới Trường Sa khi đàm phán. Ngoài ra, cần thấy là trữ lượng dầu đã cạn, thì với trữ lượng khí lớn như mỏ Cá Voi Xanh (tương đương 176 tỷ m3 khí), mang lại 20 tỷ USD cho ngân sách quốc gia trong vòng đời 20 năm khai thác là rất lớn. Theo đó, các dự án điện hạ nguồn có thể cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia theo hình thức BOT".

Hiện nay ta mới thăm dò, khai thác ở thềm lục địa, chưa có thể vươn ra ngoài khơi xa của Biển Đông do tiềm lực kinh tế, quốc phòng và kỹ thuật, chưa thu hút được các tập đoàn nước ngoài vào vì họ cũng rất ngại các vùng tranh chấp và cũng không muốn mất đi đối tác làm ăn lớn hơn ta nhiều lần. Cho nên về lâu về dài, vấn đề này xử lý thế nào với TQ là chủ yếu, rồi với Indonesia, Philippines, Brunei…

Thứ sáu: Dự án nhiệt điện khí, có ưu điểm là ít gây ô nhiễm môi trường hơn nhiệt điện than nhiều, khả năng khởi động nhanh, đáp ứng nhu cầu chạy phủ đỉnh cho hệ thống điện. EVN có kinh nghiệm trong việc quản lý đầu tư xây dựng và vận hành an toàn, tin cậy các nhà máy điện khí BOT Phú Mỹ. Câu hỏi đặt ra là có cần thiết đề xuất "các dự án điện hạ nguồn có thể cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia theo hình thức BOT"? Câu trả lời là không nên, cần để cho các nhà đầu tư trong nước có cơ hội làm chủ và lớn dần theo thời gian. Việc xây dựng các nhà máy điện khí khí này nên giao EVN quản lý, thực hiện đầu tư. Do đó, cần có cơ chế/mô hình đầu tư phù hợp để EVN chủ động trong việc kêu gọi cùng đầu tư các dự án điện khí.

Theo tôi hiểu mô hình BOT trong đầu tư nguồn điện đang không được Bộ Công Thương ủng hộ vì lý do giá điện mà EVN phải mua bị cố định ở mức cao trong toàn bộ thời hạn hợp đồng, và do thiếu điện nghiêm trọng nên Việt Nam phải chấp nhận hy sinh trong giai đoạn vừa qua. Trong giai đoạn tới đây, khi Việt Nam chuyển sang áp dụng thị trường bán buôn điện cạnh tranh thì các bên mua buôn điện (các tổng công ty điện lực và các hộ tiêu thụ điện lớn) sẽ ưu tiên chọn mua nguồn điện giá rẻ hơn (thường là thuỷ điện, hoặc điện than), nhưng các dự án BOT giá cao lại không bị bắt buộc tham gia thị trường điện để giảm giá, đồng thời cũng không bị ràng buộc trách nhiệm trong việc hỗ trợ điều độ lưới, đặc biệt là điều độ tần số khi có sự tham gia lớn của các nguồn điện mặt trời và điện gió.

Kết luận

Bản báo cáo kiến nghị của Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lương Việt Nam rất có giá trị, đặc biệt đi sâu phân tích cả thời cơ và thách thức của ngành dầu khí. Tuy nhiên, cần phải nêu rõ thêm mục tiêu và chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam là gì, đã đúng và đủ chưa (cả về kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao...) sau đó mới là việc thực hiện mục tiêu chiến lược ấy ra sao, rồi đưa ra các phân tích đầy đủ hơn để đưa ra các đề xuất, mà trước tiên là về vĩ mô rồi mới đến các việc cụ thể.  TVT 

--------------------------------

LTS: Vì trong khuôn khổ "Báo cáo tổng hợp các bài báo phản biện khoa học" (6 trang nội dung) gửi Thủ tướng không thể liệt kê hết tất cả các thông tin, do đó, chúng tôi có gửi kèm theo "Phụ lục các bài báo phản biện" bao gồm 22 bài viết, khoảng 140 trang. Nếu bạn đọc quan tâm, có thể tham khảo thêm thông tin trên NangluongVietnam.vn trong chuyên mục: Nhận định - Phản biệnXin trân trọng cảm ơn.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động