RSS Feed for Chuyên gia năng lượng Việt Nam nhận định về sự cố thủy điện ở Attapeu (Lào) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 06:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyên gia năng lượng Việt Nam nhận định về sự cố thủy điện ở Attapeu (Lào)

 - Theo nhận định bước đầu của các chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, dự án đập Thủy điện Xe Pian Xe Namnoy thuộc tỉnh Attapeu (Lào) đang trong giai đoạn kỹ thuật "dẫn dòng năm cuối" - các đập phải thi công theo phương thức "đuổi" (nâng cao dần) đến cao trình thiết kế. Do lũ dẫn dòng chỉ tính với tần suất 5%-10% và năm nay lũ về vượt mức thiết kế nên việc nâng cao trình của các đập (đất) lên đạt mức thiết kế chưa xong. Trong khi đó, công trình đập tràn (đập chính) chưa hoàn thành. Vì vậy, khi nước tràn qua (vì đây chỉ là đập đất - giống như các đê sông) nên đập bị phá hủy.

Thủ tướng giao BCT nghiên cứu phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Sơ đồ đơn giản hóa Thủy điện Xe Pian Xe Namnoy của Lào. Ảnh: FB Nhat Dinh. 

Vào ngày 24/7/2018, đập Thủy điện Xe Pian Xe Namnoy thuộc tỉnh Attapeu (Lào) đã bị sập khi đang thi công, khiến hàng trăm người đang mất tích.

Dự án đập Thủy điện Xe Pian Xe Namnoy nằm ở tỉnh Attapeu, thuộc phía Nam nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, đập sẽ có công suất 410MW và sẽ có thể sản xuất khối lượng điện vào khoảng 1.860 Gigawatt giờ mỗi năm.

Dự án này có chi phí ước tính khoảng 1,02 tỉ USD, và là dự án BOT đầu tiên được thực hiện bởi các công ty Hàn Quốc tại Lào. Quá trình nghiên cứu thực hiện dự án này đã hoàn tất vào tháng 11/2008. Đập thủy điện được khởi công vào tháng 2/2013 và theo kế hoạch ban đầu nó sẽ được đi vào hoạt động trong năm 2018.

Công ty Thủy điện Xe Pian Xe Namnoy, đơn vị chủ quản của đập thủy điện là một liên doanh được thành lập bởi ba Công ty SK Engineering and Construction (SK E&C), Tập đoàn điện Phương Tây Hàn Quốc (KOWEPO), Tập đoàn Sản xuất Điện Ratchaburi (RATCH) và Công ty Cổ phần Quốc gia Lào (LHSE) vào tháng 3/2012.

Trong ba công ty này, SK E&C nắm giữ 24% cổ phần, LHSE 26%, còn RATCH và KOWEPO cùng nhau chia đôi số cổ phần còn lại.

Dự án Thủy điện Xe Pian Xe Namnoy nằm trên cao nguyên Bolaven, cách thủ đô Vientiane của Lào khoảng 550km về hướng Đông Nam. Dự án bao gồm việc xây dựng ba con đập chính là đập Houay Makchan, đập Xe Pian và đập Xe Namnoy nằm dọc sông Mê Kông.

Quần thể đập Xe Pian Xe Namnoy sẽ có một hồ chưa nước nhân tạo lớn trên sông Xe Namnoy, cao 73m và dài 1.600m. Ngoài ra nó còn có một hệ thống đường ngầm dưới đất, đường ống dẫn nước và một khu vực gồm bốn tổ hợp phát điện lớn. Các tổ hợp này sẽ hoạt động nhờ dòng chảy của nước từ độ cao 630m trước khi được xả ra ngoài.

Lượng điện từ Thủy điện Xe Pian Xe Namnoy một phần sẽ được bàn giao cho Cơ quan Sản xuất Điện Thái Lan (EGAT) thông qua đường dây 230/500kV và cho Công ty Điện Lào (EdL) qua đường dây 115kV.

Trong số 410MW điện từ nhà máy sản xuất được, 370MW sẽ được bán cho EGAT theo hợp đồng kéo dài 27 năm mà Lào ký kết với Thái Lan vào tháng 1/2012, và 40MW còn lại sẽ được bán cho EdL.

Theo các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, đập Thủy điện Xe Pian Xe Namnoy là đập "yên ngựa" được xây dựng bằng đất, đá, đang trong quá trình xây dựng, dự kiến đến sẽ hoàn thiện vào 3/2019.

Dự án này đang trong giai đoạn kỹ thuật "dẫn dòng năm cuối" - các đập phải thi công theo phương thức "đuổi" (nâng cao dần) đến cao trình thiết kế. Do lũ dẫn dòng chỉ tính với tần suất 5%-10% và năm nay lũ về vượt mức thiết kế, nên việc nâng cao trình của các đập (đất) lên đạt mức thiết kế chưa xong. Trong khi đó, công trình đập tràn (đập chính) chưa hoàn thành. Vì vậy, khi nước tràn qua (vì đây chỉ là đập đất - giống như các đê sông) nên đập bị phá hủy.

Còn theo nhận định của Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Khammany Inthirath, nguyên nhân chính của thảm hoạ là mưa lớn quá mức cùng việc đập đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa hoạt động hiệu quả. Ông nói: "Có thể có vết nứt trong đập, khiến nước chảy qua và làm lỗ to ra, gây vỡ. Nguyên nhân thứ hai có thể là cấu trúc đập chưa đủ vững chắc". 

Các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng, bài học rút ra ở đây là: tiến độ thi công các dự án thủy điện phải được xây dựng, thực hiện và kiểm soát rất nghiêm ngặt. Không như các dự án khác, việc chậm tiến độ thi công có thể chỉ tăng tổng mức đầu tư. Đối với các dự án thủy điện, ngoài nguy cơ tăng tổng mức đầu tư còn có thể dẫn đến sự cố. Vì vậy, các dự án thủy điện phải thực hiện tiến độ thi công đúng và phù hợp với quy luật của thời tiết (mưa/lũ).

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động