RSS Feed for Bình luận về EOR19 và các kiến nghị khi lập Quy hoạch điện, năng lượng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 22:12
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bình luận về EOR19 và các kiến nghị khi lập Quy hoạch điện, năng lượng

 - Sau một số trao đổi, bình luận đa chiều về Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 (EOR19) trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam, TS. Nguyễn Mạnh Hiến - nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng đã có một vài ý kiến chia sẻ với bạn đọc như sau:

 


Trao đổi thêm về phản biện của Nhóm xây dựng Báo cáo EOR19
Phản hồi phản biện EOR19 trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Ý kiến phản biện về Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019



Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 (EOR19) là một công trình nghiên cứu bài bản, công phu của nhiều chuyên gia từ các cơ quan quản lý, nghiên cứu năng lượng của Đan Mạch và Việt Nam. 

Báo cáo EOR19 bao gồm 7 chủ đề chính: 

1/ Các kịch bản. 

2/ Các kết quả chính của mô hình hóa. 

3/ Các nguồn năng lượng. 

4/ Tiết kiệm năng lượng (TKNL).

5/ Năng lượng tái tạo (NLTT). 

6/ Cân bằng hệ thống điện. 

7/ Tác động khí hậu và ô nhiễm.

Chủ đề 1 bao gồm 5 kịch bản cốt lõi được thiết kế để khảo sát những triển vọng khác nhau của hệ thống năng lượng (HTNL) Việt Nam là: 

1/ Kịch bản (C0) không hạn chế - đây là kịch bản lý thuyết mô phỏng một tương lai không đạt được các mục tiêu về NLTT, hoặc không hạn chế nguồn nhiệt điện than và không áp dụng các công nghệ TKNL ở phía cầu. 

2/ Kịch bản (C1) với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo (NLTT).

3/ Kịch bản (C2) không đầu tư nhiệt điện than (NĐT) mới từ sau 2025.

4/ Kịch bản (C3) tiết kiệm năng lượng (TKNL) và:

5/ Kịch bản (C4) kết hợp (C1 + C2 + C3). 

Tất cả các kịch bản này được tính toán dựa trên cơ sở kết hợp chặt chẽ của 3 mô hình:

- Mô hình TIMES bao trùm toàn bộ HTNL gồm cả phần cung, cầu và khai thác nhiên liệu.

- Mô hình BALMOREL mô tả chi tiết ngành điện.

- Mô hình PSS/E thể hiện chi tiết lưới điện.

Những chỉ số chính của các kịch bản được nghiên cứu tính toán trong các mô hình (bao gồm chi phí hệ thống, phát thải CO2, tỷ trọng NLTT, nhập khẩu nhiên liệu, mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu đối với HTNL và hệ thống điện vào năm 2030 và 2050) được thể hiện trong chủ đề thứ 2 về các kết quả chính của mô hình hóa.

Các chủ đề còn lại chủ yếu có vai trò phân tích các thông tin, số liệu đầu vào phục vụ cho tính toán trên mô hình cho 5 kịch bản đề xuất trên đây.

Như phần mở đầu đã nêu rõ mục tiêu của EOR19: Việt Nam có cơ hội lớn theo đuổi một lộ trình phát triển bền vững khi xét đến các cơ hội sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và tiềm năng của các nguồn năng lượng gió và mặt trời của Việt Nam. Giá thành ngày càng giảm của các công nghệ này cũng như công nghệ pin lưu trữ năng lượng đã cho Việt Nam một lựa chọn thuận lợi khi chuyển đổi sang năng lượng xanh. 

Tuy nhiên, một lộ trình như vậy cũng kéo theo những thách thức nhất định trong việc mở rộng và tích hợp NLTT vào hệ thống năng lượng và khai thác tiềm năng TKNL theo hướng tối ưu chi phí trong các ngành.

Những thách thức này phải được giải quyết bằng các biện pháp chính sách. Dựa trên mô hình hệ thống năng lượng được tư liệu hóa đầy đủ và chi tiết, Báo cáo EOR19 cung cấp nền tảng trên cơ sở kịch bản hoá để hỗ trợ các quyết định chính sách bằng cách làm rõ triển vọng phát triển hệ thống năng lượng đến năm 2050.

Báo cáo trình bày 5 kịch bản xem xét các xu hướng phát triển khác nhau với chi phí thấp nhất cho hệ thống năng lượng Việt Nam. Các kịch bản này không phải là các lộ trình phát triên “được khuyến nghị” đối với hệ thống năng lượng, mà là các kịch bản (nếu - thì) có tính chỉ dẫn, trong đó đưa ra các đánh giá về các chủ đề phù hợp cho bối cảnh của Việt Nam.

Do đó, mục đích của Báo cáo EOR19 là định hướng cho các nhà hoạch định chính sách và thúc đẩy thảo luận về quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời cung cấp thông tin đầu vào cụ thể cho việc lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VIII (Quy hoạch điện VIII) và Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, theo chúng tôi, kịch bản không đầu tư NĐT mới từ sau 2025 (C2) trên thực tế không phù hợp với điều kiện của Việt Nam - bởi vì còn rất nhiều dự án NĐT, theo QHĐ VII (điều chỉnh) phải đi vào hoạt động trước năm 2025 và 2030, nhưng đến nay vẫn chưa khởi công, thậm chí chưa có ‘động tĩnh’ gì và không biết đến khi nào mới bắt đầu thực hiện các thủ tục đầu tư.

Trên tinh thần này, chúng tôi kiến nghị khi lập Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch năng lượng quốc gia sẽ xem xét nghiên cứu 5 kịch bản sau đây: 

1/ Kịch bản không hạn chế (C0) bao gồm cả điện hạt nhân (ĐHN), tương tự như trong Quy hoạch điện VII, nhưng ĐHN đưa vào sau năm 2030 và coi đây là kịch bản phát triển bình thường (BAU). 

2/ Kịch bản mục tiêu NLTT (C1) tương tự như trong EOR19. 

3/ Kịch bản TKNL phía cung (C2) với việc cải tạo các nhà máy nhiệt điện than cũ bằng công nghệ tiên tiến - siêu tới hạn (supercritical), hoặc trên siêu tới hạn (ultra-supercritical), cũng như cải tạo các nhà máy tua bin khí hỗn hợp hết hạn sử dụng. Việc áp dụng lưới điện thông minh để giảm tổn thất điện năng cũng cần được xét đến. 

4/ Kịch bản TKNL phía cầu (C3) tương tự như trong EOR19, và 

5/ Kịch bản kết hợp (C4) tương tự như trong EOR19./.

TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động