RSS Feed for Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 của EVN | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 27/04/2024 05:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 của EVN

 - Chiều 2/2, căn cứ vào kết quả kiểm tra của tổ công tác, Bộ Công Thương đã công bố nội dung về giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Xây dựng phương án giá điện theo biến động giá dầu
Chỉ số tiếp cận điện năng: Hướng tới đích 35 ngày

Thực hiện Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương đã thành lập tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ông Đinh Thế Phúc cho biết công tác kiểm tra dựa trên tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện. Ảnh: Hải Vân

Tổ công tác gồm đại diện: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Thời gian qua, Tổ công tác đã kiểm tra thực tế tại Công ty mẹ - EVN và một số đơn vị thành viên của EVN.

Giá thành sản xuất kinh doanh năm 2014

Căn cứ vào kết quả kiểm tra của tổ công tác, Bộ Công Thương công bố nội dung về giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 của EVN. Theo ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, công tác kiểm tra dựa trên tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Trong quá trình kiểm tra tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện 2014, tổ công tác đã căn cứ vào các nguyên tắc sau để phân tách và kiểm tra các thành phần chi phí:

Một là, giá thành sản xuất kinh doanh điện chỉ bao gồm giá thành sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác.

Hai là, tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành.

Ba là, chi phí mua điện từ các nhà máy điện độc lập, từ các nhà máy điện đã cổ phần hoá có ký hợp đồng mua bán điện với EVN, từ các nhà máy điện thuộc công ty TNHH một thành viên hạch toán độc lập với EVN xác định thông qua hợp đồng mua bán điện.

Bốn là, chi phí sản xuất điện từ các nhà máy hạch toán phụ thuộc EVN được xác định căn cứ vào số liệu chi phí đã được kiểm toán độc lập xác nhận.

Năm là, việc kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, gồm: Báo cáo chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 của EVN do kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam) kiểm toán.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 sau kiểm toán của EVN, báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên.

Hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện (kiểm tra chọn mẫu) và tài liệu do các đơn vị được kiểm tra cung cấp theo yêu cầu của tổ công tác.

EVN chịu trách nhiệm về tính chính xác và tính trung thực của các số liệu báo cáo cho tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Sáu là, việc kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 không bao gồm thanh kiểm tra việc chấp hành của EVN đối với các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn và tài sản, các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp, các quy định về đầu tư, đấu thầu xây dựng công trình điện và mua sắm, thanh lý thiết bị.

Việc kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 không bao gồm việc tính toán, kiểm tra cơ cấu sản lượng điện phát. Khi có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề liên quan, giá thành sản xuất kinh doanh điện sẽ được hiệu chỉnh tương ứng.

Về giá thành sản xuất kinh doanh điện các khâu, năm 2014, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 128,63 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất hệ thống điện là 8,49%, thấp hơn 0,9% so với chỉ tiêu 9,39% quy định tại Quyết định số 1177/QĐ-BCT ngày 15/3/2012 của Bộ Công Thương, về việc phê duyệt Đề án giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2012-2016.

Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 - 2015 của EVN quy định điện dùng cho truyền tải và phân phối điện năm 2015 không cao hơn 8%.

Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2014 là 198.003,52 tỷ đồng, thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 là 1.539,35 đ/kWh, trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là 152.920,70 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.188,86 đ/kWh.

Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 10.520,39 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 81,79 đ/kWh.

Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 33.657,25 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 261,66 đ/kWh.

Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 905,18 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 7,04 đ/kWh.

Chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014.

Khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện trong năm 2014 tại các huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và xã đảo Thạnh An (TP Hồ Chí Minh) là 142,76 tỷ đồng do giá bán điện bình quân thực tế tại các huyện đảo Phú Quốc, Phú Quý, Lý Sơn, Côn Đảo và xã đảo Thạnh An chỉ bằng 58,62%, 31,99%, 26,78%, 33,28% và 17,53% giá thành sản xuất kinh doanh điện.  

Doanh thu bán điện năm 2014 là 197.128,89 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.532,55 đ/kWh.  

Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2014 là 1.698,46 tỷ đồng, gồm thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng: 444,25 tỷ đồng.

Thu nhập từ hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các Tổng công ty Điện lực: 1.153,21 tỷ đồng.

Thu nhập từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần (số liệu EVN báo cáo): 101 tỷ đồng.

Tổng cộng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2014 của EVN là 823,83 tỷ đồng.

Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam), các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá thành điện (lỗ chênh lệch tỷ giá) đến 31/12/2014 của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia là 1.682,21 tỷ đồng, Tổng công ty Phát điện 1 là 641,75 tỷ đồng, Tổng công ty Phát điện 3 là 810,94 tỷ đồng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng là 392,12 tỷ đồng và Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là 1.260,46 tỷ đồng.

Vẫn phải kêu gọi tiết kiệm điện

Trao đổi với báo giới, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết, giá điện đã không tăng nhưng một loạt chi phí theo tính toán sơ bộ đang phải treo.

Cụ thể là việc điều chỉnh giá than cho sản xuất điện theo lộ trình, điều chỉnh giá khí bao tiêu, biến động tỷ giá, nộp thuế tài nguyên nước, chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ, lắp đặt tụ bù, một số chi phí của các nhà máy IPP theo yêu cầu của Chính phủ, bổ sung chi phí môi trường năm 2011-2012 của các nhà máy thủy điện nhỏ dưới 30 MW và chênh lệch tỷ giá còn treo lại, tổng cộng là 15.000 tỷ đồng.

Để giải quyết bài toán tăng giá điện, EVN kiến nghị Chính phủ cho hoãn khoản chênh lệch tỷ giá 8.811 tỷ đồng vì đây là chế độ kế toán. Một số khoản chi phí thanh toán cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Chính phủ cho phép chậm lại.  

Nếu tăng trưởng phụ tải ở miền Nam quá nhanh trong khi nhiều nhà máy trong khu vực chưa vào kịp (gần 3000MW công suất các nhà máy đang xây dựng), nguy cơ thiếu điện cao, buộc EVN phải đổ dầu vào đốt thì giá thành sản xuất điện trong năm tới sẽ rất cao.

Giải pháp quan trọng nhất lúc này, ông Tri nói “vẫn phải kêu gọi tiết kiệm điện”.

Liên quan đến việc EVN đề nghị tăng giá điện trong thời gian tới, ông Đinh Thế Phúc cho biết, theo quy định tại Quyết định 69, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ xem xét phương án giá điện do EVN trình, nếu phương án giá điện tăng từ 7-10% thì EVN được quyền tăng sau khi được Bộ Công Thương phê duyệt, còn trên 10% Bộ Công Thương sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chi phí giá thành của EVN là các yếu tố đầu vào khi phát điện. Việc tăng giá điện trong năm 2015 sẽ phải tính toán trên cơ sở thực tế, như giá than đã tăng theo lộ trình, giá khí, phụ thuộc vào cơ cấu nguồn điện khi huy động, nhất là vào mùa khô. 

Đề cập đến vấn đề tổn thất điện năng trong năm 2013 là 8,87%, thấp hơn so với kế hoạch do Bộ Công Thương phê duyệt nhưng lại phải truyền tải cao, ông Phúc cho rằng có nguyên nhân từ tổn thất lưới điện truyền tải Bắc - Nam tăng cao trung bình 2 lần, trong đó, truyền tải từ miền Bắc vào miền Trung tăng 1,99%, miền Trung vào Nam tăng 2,4%. 

Về việc EVN vẫn phải mua điện từ Trung Quốc trong khi hệ thống điện đã có dự phòng, theo ông Đinh thế Phúc, từ năm 2004, EVN đã mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 220kV. Thời kỳ đó Việt Nam thiếu điện trầm trọng, nếu không có nguồn điện này, EVN sẽ phải tiết giảm điện.

Tuy nhiên, từ năm 2012 trở lại đây, khi các nhà máy thủy điện có thủy văn thuận lợi nên nguồn điện mua từ Trung Quốc đã giảm. Cụ thể, năm 2012 là 3,2 tỷ kWh, năm 2014 là 2,29 tỷ kWh và dự kiến năm 2015 là 1,8 tỷ kWh.  

Với các nước ASEAN, Việt Nam tham gia kết nối lưới điện, đặc biệt là các nước Tiểu vùng sông Mê Kông như Lào và Cămpuchia để tận dụng công suất dư thừa của nước bạn phục vụ nhu cầu tăng trưởng nước mình.

Ông Đinh Quang Tri cho rằng, trong điều kiện hệ thống điện trong nước bị sự cố, việc kết nối lưới với các nước trong khu vực là một trong những định hướng chiến lược mà thế giới đang thực hiện.

Việc mua điện từ Trung Quốc, Lào và Cămpuchia là có lợi từ hai phía. Trong đó, Việt Nam mua điện từ Trung Quốc khoảng cách gần hơn nên điện áp ổn định hơn. Do vậy, EVN chủ trương khi đã kết nối lưới điện với các nước thì tiếp tục duy trì mua điện.

“Định hướng này không những làm cho dự phòng hệ thống điện cao, mà độ tin cậy lưới điện cũng tăng lên, giảm sức ép về đầu tư”, ông Tri nói.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động