RSS Feed for Thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam phát triển | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 25/12/2024 15:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam phát triển

 - Ngày 11/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội và Đại sứ quán Ai-len tổ chức Hội nghị điện gió Việt Nam thường niên lần thứ hai. Hội nghị nhằm thảo luận về tiềm năng của ngành điện gió tại Việt Nam và tác động của năng lượng tái tạo trong khu vực.

Phát triển điện gió, mặt trời ở Việt Nam: Nhìn từ công tác quy hoạch

Hội nghị điện gió Việt Nam thường niên lần thứ hai.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á của GWEC cho biết: Sự thay đổi trong chính sách địa phương đang tạo ra động lực đổi mới và mở ra những cơ hội đáng kể cho sự phát triển của thị trường điện gió tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Với việc thiết lập biểu giá (Feed-in-Tariff) thuận lợi và mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng cho đến năm 2030, rõ ràng Chính phủ đã sẵn sàng chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.

Tuy nhiên, theo bà Liming Qiao, than tiếp tục là nguồn năng lượng chính ở các thị trường Đông Nam Á, vì vậy, cần phải vượt qua các rào cản như các vấn đề tài chính của dự án và khả năng tiếp cận vốn vay của các hợp đồng mua bán điện (PPA) để tiếp tục mở rộng trong khu vực.

“Chúng tôi mong muốn được hợp tác với tất cả các bên liên quan trong khu vực, nhằm phát triển các khung pháp lý phù hợp và vượt qua những rào cản này để đảm bảo rằng các quốc gia trong khu vực đều được hưởng những lợi ích thực sự từ điện gió” - bà Liming Qiao chia sẻ.

Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành của GWEC cho biết: Đông Nam Á có đầy đủ các yếu tố cơ bản để trở thành thị trường điện gió lớn. Với dân số đang gia tăng, GDP ngày càng cao, nhu cầu năng lượng tăng cao hơn bao giờ hết cùng với những lo ngại về an ninh năng lượng, điện gió đang hỗ trợ đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao của khu vực theo phương thức duy trì hàm lượng carbon thấp, tiết kiệm chi phí và mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương. 

Báo cáo Market Intelligence mới của GWEC cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng nhất trong khu vực về cả gió trên bờ và trên biển, với công suất dự kiến 1GW sẽ được lắp đặt vào năm 2021. Đường bờ biển dài 3.000 km giúp Việt Nam có được nguồn tài nguyên tốt nhất cho cả gió trên bờ và trên biển, và đây là quốc gia duy nhất trong khu vực đã phát triển điện gió trên biển với 99 MW đã được lắp đặt.

“Chúng tôi rất vui mừng khi được quay trở lại Hà Nội trong năm thứ hai liên tiếp với sự hỗ trợ của chính phủ và ngành công nghiệp để khám phá Việt Nam đã làm thế nào để có thể trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực điện gió và trở thành tấm gương cho khu vực” - Ông Ben Backwell nhấn mạnh.

Theo ông Naveen Ballachandran, Cố vấn đặc biệt của GWEC, điện gió là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng vốn đầu tư toàn cầu cho điện gió đạt mức 107 tỷ USD với hơn 1,15 triệu lao động trên toàn thế giới.

Ngày càng nhiều thị trường lựa chọn điện gió làm nguồn cung năng lượng, bởi đây là lựa chọn sản xuất điện chi phí hiệu quả nhất. Năm 2017, tại hơn 30 quốc gia, điện từ nguồn năng lượng tái tạo, khi chưa được trợ giá, có giá thấp hơn điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Tới năm 2025, điện gió có thể trở thành động lực phát triển chính hướng tới tương lai năng lượng bền vững và sẽ là tình hình chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Dự án điện gió đã tạo ra động lực thúc đẩy thị trường năng lượng gió của Việt Nam và thu hút một loạt các dự án khác. Hiện đã có 228MW công suất điện gió được lắp đặt và Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu công suất điện gió 800MW vào năm 2020, 2.000MW năm 2025 và mức 6.000MW năm 2030.

Theo ông Naveen Ballachandran, Chính phủ Việt Nam đã đi đầu và thiết lập các mục tiêu năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và phát triển kinh tế năng lượng bền vững. Mục tiêu hiện tại là cung cấp 10,7% sản lượng điện đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030. Việt Nam cũng đã thiết lập mục tiêu 800 MW gió cụ thể vào năm 2020 để đáp ứng các mục tiêu năng lượng tái tạo.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực điện gió (Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam).

Về cơ chế giá, đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (tương đương 8,5 Uscents/kWh); dự án điện gió trên biển là 2.223 đồng/kWh (tương đương 9,8 Uscents/kWh) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là khá hấp dẫn.

Mặc dù vậy nhưng theo thống kê gần đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, tính đến hết 31/5/2019, 7 nhà máy điện gió đã được đưa vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 331 MW và các nhà máy điện gió đã phát trong tháng 5 là 14,5 triệu kWh.

Ngoài những khó khăn trong phát triển điện gió như hạ tầng lưới điện, một số yếu tố kỹ thuật, sự phụ thuộc vào thời tiết... thì vấn đề tài chính luôn là mối quan tâm của doanh nghiệp.

Để phát triển điện gió tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần có sự ổn định về chính sách thu hút đầu tư, nghiên cứu phát triển công nghệ, đặc biệt là sự vào cuộc của các định chế tài chính trong nước và quốc tế.

MAI THẮNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động