RSS Feed for Khi có ‘nhu cầu khẩn cấp’ Việt Nam sẽ thuê tàu - nhà máy điện nổi | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 06:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Khi có ‘nhu cầu khẩn cấp’ Việt Nam sẽ thuê tàu - nhà máy điện nổi

 - Trong trường hợp các dự án nhiệt điện phía Nam vẫn tiếp tục chậm tiến độ, để đảm bảo cấp điện cho miền Nam, có thể xem xét tới khả năng thuê các tàu, xà lan/nhà máy điện nổi để cung cấp điện. Theo đánh giá, với thời gian giao hàng ngắn, hợp đồng từ 3 đến 10 năm, dải công suất dao động trong khoảng 30 - 620 MW... đây là giải pháp ngắn và trung hạn tương đối hiệu quả cho các quốc gia có nhu cầu điện khẩn cấp.

Ứng phó cấp điện thế nào khi Việt Nam gặp biến cố ‘cực đoan kép’?


Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực cho biết: Đến năm 2030, công suất của các nhà máy điện sử dụng LNG là 12.750 MW (không tính các nhà máy cũ chuyển sang sử dụng LNG), trong đó 6.000 MW đã được quy hoạch trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) gồm các dự án Nhơn Trạch 3 và 4 (1.500 MW) và Sơn Mỹ 1 và 2 (4.500 MW).

Trong tính toán này, dự án Nhiệt điện Kiên Giang (1.500 MW) - trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) được quy hoạch sử dụng khí lô B - phải chuyển sang sử dụng LNG.

Số liệu cập nhật cho thấy, khí lô B chỉ đủ cung cấp cho Trung tâm Điện lực Ô Môn nên dự án Nhiệt điện Kiên Giang (nếu xây dựng) thì phải chuyển đổi sang sử dụng LNG. Địa điểm và phương án xây dựng nguồn cấp LNG cho dự án này không được đánh giá cao, nên cần thiết phải đánh giá, xem xét địa điểm khác thuận lợi hơn tại miền Nam để thay thế.

Như vậy, giai đoạn 2026-2030, tổng công suất các dự án điện sử dụng LNG cần bổ sung thêm vào Quy hoạch là 6.750 MW.

Theo đề xuất của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, thì ngoài phát triển ở miền Nam, cần xem xét nghiên cứu phát triển các dự án điện sử dụng LNG khu vực miền Bắc để thay thế cho các dự án nhiệt điện than Hải Phòng 3 và Vũng Áng 3.

Mặt khác, ngoài các nhà máy điện mới sử dụng LNG, các nhà máy điện hiện có thuộc Trung tâm Điện lực Phú Mỹ, Bà Rịa, Hiệp Phước, từ 2021 sẽ chuyển dần sang sử dụng khí LNG do nguồn khí Đông Nam bộ cạn kiệt.

Như vậy, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện đang sử dụng khí Đông Nam bộ phải chuyển đổi sang sử dụng LNG là khoảng 4.200 MW.

Về giải pháp đảm bảo cung ứng điện trong ngắn và trung hạn, báo cáo Ban Chỉ đạo cho rằng, ngoài dự án điện khí LNG Bạc Liêu đã được bổ sung Quy hoạch, cần xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện sử dụng LNG như: Long Sơn, Cà Ná mà Bộ Công Thương đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Còn trong trường hợp các dự án nhiệt điện phía Nam vẫn tiếp tục chậm tiến độ, để đảm bảo cấp điện cho miền Nam, có thể xem xét tới khả năng thuê các tàu, xà lan/nhà máy điện nổi để cung cấp điện.

Theo đánh giá, với thời gian giao hàng ngắn, hợp đồng từ 3 đến 10 năm, và dải công suất dao động trong khoảng 30 MW đến 620 MW... đây có thể được coi là giải pháp ngắn hạn, trung hạn tương đối hiệu quả cho các quốc gia có nhu cầu điện khẩn cấp.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng đề xuất xem xét chuyển đổi nhiên liệu đối với Nhà máy Nhiệt điện Hiệp Phước (hiện hữu), công suất 3x125 MW sang sử dụng LNG và bán toàn bộ điện năng lên lưới. Cùng với đó là lắp đặt bổ sung thêm 3 tua bin khí, nâng quy mô công suất lên 3x 270+125 MW (tổng 1.185MW) để nâng cao hiệu suất và bổ sung nguồn điện, giảm sản lượng điện thiếu cho hệ thống điện quốc gia từ cuối năm 2022./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động