RSS Feed for Dấu ấn công nghệ GE trong Công trình Thủy điện Lai Châu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 05:02
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dấu ấn công nghệ GE trong Công trình Thủy điện Lai Châu

 - Nhà máy Thủy điện Lai Châu đã chính thức về đích sớm 1 năm so với kế hoạch. Trong thành công này có sự đóng góp đáng kể của GE, nhà cung cấp thiết bị cho dự án. Một lần nữa, cam kết tất cả vì khách hàng của GE được hiện thực hóa tại các công trình.

GE theo đuổi môi trường sạch hơn
Tuabin khí HA: Nâng hiệu suất NM điện chu trình hỗn hợp
Số hóa đem lại giá trị gia tăng lớn cho ngành năng lượng

Dự án trọng điểm

Nhà máy Thủy điện Lai Châu được khởi công vào ngày 5/1/2011 với quy mô 3 tổ máy, tổng công suất thiết kế 1.200 MW. Sau khi cả ba tổ máy đi vào vận hành, Nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh/năm.

Đây là 1 trong 4 dự án thủy điện trên hệ thống Sông Đà và là dự án thủy điện cuối cùng trong quy hoạch trên dòng sông này.

Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Cường Lâm tặng ông Fabia Nossaes - Giám đốc bộ phận Hydro, GE Renewable Energy bức tranh Nhà máy Thủy điện Lai Châu.

Xét về quy mô, Nhà máy Thủy điện Lai Châu là công trình thủy điện lớn thứ ba tại Đông Nam Á, chỉ sau Nhà máy Thủy điện Sơn La (2.400 MW) và Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (1.920 MW).

Tại Thủy điện Lai Châu, GE chịu trách nhiệm thiết kế, cung cấp, hướng dẫn lắp đặt và khởi động ba tua-bin thủy điện Francis 400 MW, máy phát, hệ thống điều tốc, cũng như hệ thống kích từ tĩnh và các hệ thống DCS điều khiển nhà máy.

Các thiết bị và hệ thống được sử dụng trong nhà máy, cụ thể là hệ thống điều tốc Digital NEYRPIC, hệ thống kích từ và hệ thống ALSPA DCS điều khiển nhà máy, là công nghệ mới nhất trên thế giới hiện nay. Tại Việt Nam, công nghệ này đã được sử dụng tại các nhà máy thủy điện Sơn La, Huội Quảng, Lai Châu, Đa Nhim, Đại Ninh, Sesan 4 và sắp tới sẽ được sử dụng trong Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng, Thủy điện Đa Nhim mở rộng và thủy điện Trị An.

Theo ông Fabio Nossaes, Giám đốc bộ phận Hydro (các thiết bị thủy điện), GE Renewable Energy, dự án được hoàn thành một năm sớm hơn kế hoạch một phần lớn là nhờ kinh nghiệm mà GE đã tích lũy được khi tham gia dự án Thủy điện Sơn La - nơi tổ máy cuối cùng bắt đầu vận hành vào năm 2012.

“Nhà máy Thủy điện Lai Châu dùng những thông số kỹ thuật giống như Nhà máy Thủy điện Sơn La, nên chúng tôi không cần phải làm lại nghiên cứu thủy lực, cũng như thử nghiệm mô hình. Vì thế, thời gian thực hiện dự án đã giảm bớt được 6 tháng”, ông Nossaes nói.

Ngay sau khi dự án bắt đầu, Công ty bắt tay ngay vào việc lập kế hoạch chiến lược cho việc thiết kế, mua thiết bị, chế tạo và vận chuyển.

“Những thiết bị này đều có kích cỡ và khối lượng lớn, nên buộc phải vận chuyển bằng đường thủy trên Sông Đà. Nhưng tháng 1 đến tháng 6 hàng năm là mùa khô trên lưu vực Sông Đà, thuyền không đi qua được. Do đó, GE phải tối ưu hóa việc chế tạo và vận chuyển sao cho các bộ phận đến được cảng Hải Phòng đúng thời gian dự tính”, ông Nossaes giải thích.

GE đã ưu tiên việc sản xuất thiết bị cho Thủy điện Lai Châu. Trong một số trường hợp, lãnh đạo của GE đã đưa ra quyết định rất nhanh để xưởng chế tạo đảm bảo đúng tiến độ.

Ngoài ra, vì đội ngũ kỹ sư và nhân công làm việc trong dự án Lai Châu cũng chính là những người đã làm tại Dự án Sơn La trước đó, các quy trình cũng trở nên thuận lợi hơn.

“Điều này rất quan trọng vì nó cho phép các bộ phận của GE và khách hàng, cũng như các đội thiết kế và tư vấn trao đổi trực tiếp với nhau dễ dàng hơn”, ông nói.

Việc hoàn thành Dự án Lai Châu sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Bên cạnh việc cung cấp cho lưới điện 4,7 tỷ kWh/năm, tiến độ thi công nhanh hơn cũng đồng nghĩa với một khoản chi phí đáng kể được tiết kiệm, vậy nên tổng lợi ích quy đổi ra lên đến 7.000 tỷ đồng.

Tiếp nối truyền thống

Thành công của GE ở Thủy điện Lai Châu là bước tiếp nối thành công tại Thủy điện Sơn La mà đội ngũ GE đã đạt được trong những điều kiện còn khó khăn hơn. Cho tới thời điểm này, Thủy điện Sơn La là nhà máy quan trọng và lớn nhất tại Việt Nam, đóng góp vào lưới điện khoảng 10 % tổng công suất phát điện của cả nước.

“Thời gian để thực hiện dự án này rất gấp gáp, chỉ vỏn vẹn 3 năm từ lúc hợp đồng có hiệu lực đến khi tổ máy đầu tiên bắt đầu phát điện. Bởi vậy, EVN, GE và các đối tác xây dựng đều phải chịu áp lực”, ông Nossaes kể lại.

Bên cạnh đó, những chậm trễ trong trao đổi thông tin giữa bên xây dựng và bên cung cấp thiết bị cũng là một trở ngại khi thực hiện dự án.

Ngoài ra, khó khăn cũng nằm ở một số những chính sách và tiêu chuẩn địa phương không được nói rõ trong hợp đồng. Ví dụ, trong việc sắp xếp hệ thống phòng cháy - chữa cháy của nhà máy, có một sự khác nhau rất lớn giữa tiêu chuẩn thế giới và tiêu chuẩn Việt Nam. Để giải quyết, GE phải chỉnh sửa thiết kế để hợp với quy định của Việt Nam.

“Tiêu chuẩn của Việt Nam thường là theo tiêu chuẩn của Nga, rất khác với tiêu chuẩn của thế giới và GE,” ông giải thích.

Tuy nhiên, mọi việc cũng dần đi vào quỹ đạo. GE đã đặt sự ưu tiên về chất lượng và bàn giao đúng kế hoạch. Ông Nossaes cho biết, được sự cho phép của lãnh đạo của GE, đội ngũ làm việc trong dự án Sơn La đã quyết định bắt đầu nghiên cứu thủy lực trước để phát triển một mô hình hiện đại nhất cho nhà máy, và mua các tấm thép để chế tạo ra vành tua-bin và buồng xoắn, những bộ phận quan trọng nhất.

“Thời gian giữa việc hoàn thành một tổ máy đến lúc hoàn thành tổ máy tiếp theo chỉ là 40 ngày theo hợp đồng, thay vì 120 ngày như GE vẫn thường làm”, ông Nossaes giải thích.

Cuối cùng, mô hình của nhà máy được chứng minh là có hiệu suất cao và rất ổn định và GE đã bàn giao sáu vành tua-bin và buồng xoắn sớm hơn kế hoạch.

Thời gian không phải là hạn chế duy nhất cho đội ngũ GE. Vì đường giao thông từ cảng Hải Phòng lên Nhà máy Thủy điện Sơn La không được thiết kế để chở thiết bị lớn và nặng, nên những thiết bị như bánh xe công tác, trục, và hệ thống nắp chụp tua-bin, phải được vận chuyển bằng đường thủy. Mà mực nước Sông Đà thì rất thấp vào mùa khô, giữa tháng 1 và tháng 6, nhiều khi không thể vận chuyển được.

GE biết cần phải có một kế hoạch sản xuất và bàn giao được tính toán kỹ càng. Đơn cử như bánh xe công tác của tổ máy thứ 6 phải được sản xuất và bàn giao xong trong thời gian rất ngắn, bất chấp những hạn chế về điều kiện chuyên chở. Do đó, GE đã thành lập một đội chỉ tập trung vào sản xuất và hoạt động 24 giờ mỗi ngày trong suốt hai tháng.

Ngoài ra, để đảm bảo tiến độ lắp đặt, rất nhiều lần GE đã cho xe tải chở thiết bị gấp qua biên giới Việt-Trung. Nhờ những biện pháp này, GE đã hoàn thành dự án Sơn La đúng kế hoạch.

Nói về hai dự án, ông Nguyễn Cường Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng tăng công suất nhà máy là một nhu cầu cấp thiết cần phải giải quyết khi những nguồn sản xuất điện chính đang giảm dần và tiềm năng thủy điện gần như đã được khai thác hết. Việc Nhà máy Thủy điện Lai Châu hoàn thành trước kế hoạch một năm là một kết quả đáng ghi nhận và sẽ mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế-xã hội cho vùng và cho cả nước. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác chặt chẽ với GE sẽ tiếp tục mang lại nhiều dự án thành công hơn nữa trong tương lai.”

Theo ông Nossaes, thành công của hai nhà máy thủy điện là lời khẳng định với EVN và chính phủ Việt Nam rằng, GE luôn thực hiện đúng cam kết của mình với khách hàng.

“Với hai dự án này, chúng tôi khẳng định cam kết phát triển cùng Việt Nam. Khi năng lượng tái tạo ngày càng được khai thác và sử dụng nhiều hơn trên thế giới, chúng tôi có mặt ở đây để hỗ trợ Việt Nam khai thác các nguồn năng lượng xanh và sạch hơn cho phát triển bền vững”, ông nói.

THANH NGỌC

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động