RSS Feed for Công ty Thủy điện Sơn La vượt khó, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 13/01/2025 12:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Công ty Thủy điện Sơn La vượt khó, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả

 - Trước thềm năm mới - Xuân Ất Tỵ (2025), ông Khương Thế Anh - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La đã có những chia sẻ với bạn đọc Tạp chí Năng lượng Việt Nam về một vài nét chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2024, cũng như nhiệm vụ đặt ra trong năm 2025 và các giải pháp, kế hoạch triển khai để hoàn thành. Cùng với đó là chia sẻ về vai trò cắt lũ, giảm lũ cho hạ lưu trong cơn bão số 3 (Yagi) của hồ Sơn La và đề xuất điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng theo hướng vận hành linh hoạt.
Thủy điện Việt Nam trong biến đổi khí hậu - Bài học từ công tác vận hành năm 2024 Thủy điện Việt Nam trong biến đổi khí hậu - Bài học từ công tác vận hành năm 2024

Năm 2024, với điều kiện thủy văn thuận lợi hơn năm 2023, các nhà máy thủy điện đã phát huy được vai trò của mình là vận hành linh hoạt với sản lượng cao để cấp điện cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trong năm qua đã xuất hiện những cơn bão, lũ lớn bất thường. Các nhà máy thủy điện trên sông Đà, sông Chảy, sông Gâm đã không thể cắt lũ, hay làm chậm lũ cho vùng hạ lưu công trình (dù đã thực hiện theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng). Vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, chúng ta cần vận hành hệ thống thủy điện như thế nào? Tổng hợp, phân tích, đề xuất giải pháp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Công ty Thủy điện Sơn La vượt khó, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả
Ông Khương Thế Anh - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La.

Nhân dịp xuân 2025, xin ông cho biết một vài nét chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Thủy điện Sơn La trong năm 2024?

Ông Khương Thế Anh: Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình hình thế giới có nhiều biến động, hiện tượng biến đổi khí hậu, phụ tải hệ thống điện tăng cao (đặc biệt trong các tháng cao điểm nắng nóng), tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo tham gia ngày càng nhiều, tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục gặp nhiều khó khăn… Song với sự đồng lòng, nỗ lực của toàn thể CBCNV, Công ty Thủy điện Sơn La đã quản lý vận hành an toàn, hiệu quả 2 công trình Thủy điện Sơn La và Lai Châu đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật do EVN giao.

Bên cạnh đó, Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp vận hành linh hoạt 2 hồ chứa để góp phần điều tiết cắt lũ hiệu quả vào mùa lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, đồng thời thực hiện tiết kiệm giữ nước để đảm bảo cung ứng điện trong những tháng cao điểm nắng nóng năm 2024, cũng như các năm tới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và EVN.

Kết quả sản lượng điện sản xuất đến hết ngày 31/12/2024 là 12,395 tỷ kWh, đạt 102,06% kế hoạch EVN giao. Trong đó, Thủy điện Sơn La là 8,725 tỷ kWh và Lai Châu là 3,669 tỷ kWh.

Năm 2024, Công ty đã nộp ngân sách 2.563 tỷ đồng. Trong đó, nộp tại tỉnh Sơn La 1.148 tỷ đồng, tỉnh Lai Châu 792 tỷ đồng, tỉnh Điện Biên 179 tỷ đồng và Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam 444 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu kỹ thuật như: Hệ số khả dụng, tỷ lệ dừng máy sự cố, tỷ lệ dừng máy do bảo dưỡng, tỷ lệ điện tự dùng… đều đạt kế hoạch đề ra.

Trong công tác chuyển đổi số, Công ty thực hiện một số nội dung:

Thứ nhất: Thực hiện điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng theo định hướng vận hành linh hoạt tiến dần vận hành theo thời gian thực. Phối hợp với các đơn vị, cơ quan chuyên ngành hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng công cụ hỗ trợ dự báo khí tượng thủy văn và tính toán điều tiết hồ chứa tiến tới vận hành hồ chứa theo thời gian thực.

Thứ hai: Thực hiện công tác xây dựng và mở rộng Trung tâm Kiểm soát an toàn công trình thủy điện trên bậc thang sông Đà theo định hướng của Tập đoàn, đảm bảo quản lý tập trung, nâng cao công tác quản lý an toàn công trình.

Thứ ba: Nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp Trung tâm giám sát từ xa 2 nhà máy thành Trung tâm điều khiển xa 2 Nhà máy Thủy điện Sơn La, Lai Châu (OCC) tiến tới kết nối, điều khiển tập trung các nhà máy thủy điện, năng lượng tái tạo trong khu vực.

Trong công tác an sinh xã hội, mặc dù tài chính khó khăn, nhưng Công ty đã lựa chọn thực hiện một số chương trình có ý nghĩa lớn. Cụ thể là thực hiện công tác an sinh xã hội và tri ân khách hàng qua chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” đến người dân của địa phương khu vực lân cận 2 công trình; tham gia chương trình hiến máu nhân đạo; tuyên truyền đảm bảo an toàn vùng hạ du 2 công trình thủy điện và sử dụng điện tiết kiệm…

Bên cạnh đó, Công ty đã kêu gọi CBCNV đồng lòng, tự nguyện thực hiện đóng góp tương trợ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các gia đình bị ảnh hưởng do mưa lũ trên địa bàn.

Kể từ năm 2012 - khi Nhà máy Thủy điện Sơn La đưa vào vận hành, hồ Sơn La, hồ Hòa Bình với dung tích phòng lũ lên tới 7 tỷ m3 đã tham gia chống lũ rất hiệu quả cho hạ du đồng bằng Bắc bộ và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Xin ông cho biết, vai trò cắt lũ, giảm lũ cho hạ lưu trong cơn bão Yagi của hồ Sơn La đã được thực hiện như thế nào và hiệu quả ra sao?

Ông Khương Thế Anh: Từ khi Thủy điện Sơn La đi vào vận hành, kết hợp với các hồ chứa trên lưu đã phát huy hiệu quả nhiệm vụ điều tiết lũ, cấp nước cho hạ du và cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Vào mùa lũ hàng năm, căn cứ vào tình hình khí tượng thủy văn, Công ty đã thường xuyên đề xuất cho cấp có thẩm quyền sử dụng dung tích phòng lũ để cắt lũ cho hạ du.

Với trận lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 (Yagi), Thủy điện Sơn La đã giảm phát điện để giảm lưu lượng về hồ Hòa Bình, từ đó Thủy điện Hòa Bình giảm lưu lượng xả về hạ du. Với việc điều tiết đó, ngoài việc mực nước tại đồng bằng Bắc bộ giảm mà còn tích nước sớm cho các hồ chứa trên lưu vực sông Đà.

Theo đánh giá, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (Số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019) hiện nay không còn phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp? Với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, nếu phải sửa đổi Quy trình này, thì hướng sửa đổi nên như thế nào?

Ông Khương Thế Anh: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng. Dưới sự tác động của nhiều yếu tố, lòng dẫn sông Hồng đã và đang hạ thấp làm ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho nông nghiệp và sinh hoạt, đặc biệt do mực nước hạ thấp nên nước tại sông Hồng không chảy vào các sông nhánh làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Ngoài ra, trên toàn bộ lưu vực sông Hồng (cả phía Trung Quốc) đã xây dựng nhiều đập thủy điện là chậm, giảm lũ cùng như tích trữ nước cho mùa khô.

Với lý do trên, Công ty đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn khảo sát, tính toán để đề xuất điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng theo hướng vận hành linh hoạt, theo hướng không cố định mực nước trong các thời kỳ mùa lũ mà theo dự báo khí tượng thủy văn để điều tiết, nhưng không làm ảnh hưởng đến dung tích phòng lũ. Công ty cũng đang đề xuất để tính toán lại dung tích phòng lũ để sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Để vận hành linh hoạt, Công ty đã được EVN cho phép lắp đặt bổ sung nhiều thiết bị đo mưa, đo lưu lượng để kết hợp với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo báo được chính xác và kịp thời hơn.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định về kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Hồng. Đây là cơ sở để Công ty Thủy điện Sơn La nói riêng và các cơ quan, tổ chức có kế hoạch sử dụng nước hiệu quả, đặc biệt khi hạn hán xảy ra.

Công ty Thủy điện Sơn La vượt khó, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả
Hình ảnh sương sớm trên công trình Thủy điện Sơn La.

Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Công ty là gì, thưa ông?

Ông Khương Thế Anh: Năm 2025 xác định sẽ tiếp tục gặp một số khó khăn. Nổi bật là tình hình thế giới có nhiều biến động, hiện tượng biến đổi khí hậu, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo đưa vào vận hành ngày càng nhiều. Vì vậy, năm 2025 Công ty cần tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh như:

1. Quản lý vận hành các tổ máy và các hạng mục công trình Thủy điện Sơn La, Lai Châu an toàn, hiệu quả, đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật EVN giao.

2. Không để xảy ra sự cố, tai nạn lao động gây thiệt hại cho người, thiết bị và công trình.

3. Thực hiện các biện pháp vận hành linh hoạt các hồ chứa hiệu quả, sử dụng tối đa nước, đảm bảo an toàn cho công trình, hạ du.

4. Tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Về sản lượng điện sản xuất, năm 2025, Công ty phấn đấu đạt 12,960 tỷ kWh. Trong đó, Thủy điện Sơn La 8,540 tỷ kWh và Thủy điện Lai Châu 4,420 tỷ kWh.

Trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa, Công ty phấn đấu hoàn thành 100% các hạng mục sửa chữa được EVN giao thực hiện trong năm 2025, đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ. Nỗ lực giảm thời gian dừng máy bảo dưỡng để tăng tính dự phòng cho hệ thống điện. Không bố trí lịch sửa chữa các tổ máy vào mùa cao điểm nắng nóng và mùa lũ.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện theo chủ trương của EVN về việc triển khai áp dụng công tác sửa chữa bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy, ổn định của thiết bị (RCM).

Thưa ông, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ này, Công ty đề ra các giải pháp và kế hoạch triển khai như thế nào?

Ông Khương Thế Anh: Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Công ty đề ra các giải pháp và kế hoạch triển khai cụ thể như sau:

Thứ nhất: Vận hành các tổ máy và các hạng mục công trình theo các quy trình, quy định. Tuân thủ phương thức vận hành của Công ty TNHH MTV Vận hành Hệ thống điện, Thị trường điện Quốc gia (NSMO) và các quy trình vận hành hồ chứa.

Thứ hai: Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng thiết bị để đảm bảo các tổ máy vận hành an toàn, tin cậy. Tuân thủ chấp hành các quy trình, quy định về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố chủ quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị.

Thứ ba: Theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn để chủ động tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền khai thác tối ưu nguồn nước, nâng cao hiệu quả phát điện của các Nhà máy trên lưu vực sông Đà. Đặc biệt, Công ty đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để trình và phê duyệt điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa theo hướng linh hoạt vào trước mùa lũ năm 2025.

Thứ tư: Tiếp tục thực hiện và đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, như áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác quản lý.

Vượt qua các khó khăn, thách thức, năm 2025, tập thể CBCNV Công ty Thủy điện Sơn La thi đua lao động sản xuất, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra để đón một mùa xuân mới, với thắng lợi mới.

Xin cảm ơn ông. Nhân dịp chuẩn bị chào đón xuân Ất Tỵ 2025, xin chúc ông và tập thể Người lao động Công ty Thủy điện Sơn La luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thắng lợi mới trong thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025!

NGUYỄN TIẾN SỸ (THỰC HIỆN)

Có thể bạn quan tâm

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động