RSS Feed for 10 sự kiện tiêu biểu của EVN năm 2013 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 04:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

10 sự kiện tiêu biểu của EVN năm 2013

 - Với ngành Điện, năm 2013 được đánh giá là năm có nhiều thành công mang tính đột phá. Tuy còn không ít khó khăn, thử thách nhưng tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu của EVN trong năm 2013:

>> Phó thủ tướng chỉ đạo EVN công khai, minh bạch giá điện
>> Vượt qua rào cản, EVN tạo dựng bước đột phá chiến lược mới

1. Cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh có lãi, góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2013 cả nước đạt 5,42%

Năm 2013, nguồn điện đã đáp ứng được cả về sản lượng và công suất. Hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành Hệ thống điện quốc gia của EVN đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác hiệu quả các yếu tố thuận lợi về thuỷ điện, huy động hợp lý cơ cấu các nguồn phát điện.

Điện sản xuất và mua năm 2013 đạt 127,84 tỷ kWh, tăng 8,47% so với năm 2012. Trong đó điện do EVN sản xuất hoàn thành vượt mức kế hoạch với sản lượng 56,45 tỷ kWh, điện mua đạt 72,14 tỷ kWh.

Điện thương phẩm: EVN đã cung cấp cho các khách hàng sử dụng điện 115,06 tỷ kWh, tăng 9,1% so với năm 2012, trong đó: điện tiêu dùng trong nước đạt 113,4 tỷ kWh, tăng 9,15%. Điện cấp cho công nghiệp - xây dựng chiếm 52,8%, tăng 9,35% so với năm 2012; cho quản lý tiêu dùng dân cư chiếm 36,3%, tăng 8,66%; cho thương mại - dịch vụ chiếm 4,7%, tăng 8,49%; cho nông lâm ngư nghiệp chiếm 1,3%, tăng 21,1%; các thành phần khác chiếm 4,9%, tăng 7,27%.

Tới cuối năm 2013 có 20,6 triệu khách hàng ký hợp đồng mua điện với các điện lực, tăng thêm 787.000 khách hàng so với năm 2012. EVN cũng đã đưa điện lưới quốc gia về tới trên 98% số xã, trên 97% số hộ dân nông thôn.

2. Đưa điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm ra các huyện đảo

Trong năm 2013, EVN đã triển khai các dự án đưa điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm ra các huyện đảo Cô Tô, Phú Quốc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo - một thành tựu mà không nhiều quốc gia trên thế giới đạt được.

* Hoàn thành dự án đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô với tinh thần “thần tốc, táo bạo, sáng tạo”

Dự án đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh được khởi công ngày 04/11/2012 và khánh thành ngày 16/10/2013, sau 350 ngày đêm khẩn trương thi công, lập kỷ lục công trình đầu tiên của ngành điện được thi công đảm bảo cả về tiến độ và chất lượng. Tổng mức đầu tư dự án 1.106 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tiên trong cả nước thi công cáp ngầm 22kV (dài 23,166km) dưới đáy biển với công nghệ hiện đại và rải dây điện 110kV (dài 10,2 km) trên không bằng khinh khí cầu. Dự án đảm bảo cấp điện cho khoảng 1.600 hộ dân khu vực thị trấn Cô Tô và xã Thanh Lân thuộc huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

Thi công tuyến cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc

* Khởi công tuyến cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc

Đây là hạng mục cuối cùng trong dự án đầu tư đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang) bằng cáp ngầm xuyên biển 110kV, với tổng mức đầu tư 2.336 tỷ đồng. Quy mô dự án bao gồm: (1) tuyến cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc chiều dài 58km và (2) phần lưới điện 110kV trên bờ Phú Quốc gồm: đường dây 110kV Phú Quốc (2 mạch dài 7,6 km), trạm biến áp 110 kV Phú Quốc dung lượng 40 MVA. Việc Chính phủ, Bộ Công Thương giao cho EVN thực hiện dự án thể hiện vai trò quan trọng, tiên phong của EVN trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.

Dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc là dự án nhóm A có quy mô lớn, công nghệ phức tạp và có tuyến cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Dự kiến công tác lắp đặt phần cáp ngầm dưới đáy biển và đấu nối sẽ hoàn thành vào ngày 13/01/2014.

Ngoài việc cung cấp điện cho các nhu cầu hiện tại, dự án còn cấp mới cho các phụ tải quan trọng như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển quốc tế An Thới, Cảng nội địa Dương Đông, cấp điện cho nhân dân các xã Gành Dầu, Bãi Thơm và nhiều khu vực khác chưa có điện trên đảo như ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh, cũng như phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ du lịch mà Phú Quốc đang có lợi thế…

3. Nhà máy Thủy điện Sơn La được trao tặng 3 giải thưởng năng lượng châu Á 2013

Để ghi nhận những đóng góp xuất sắc cho ngành công nghiệp điện, EVN - chủ đầu tư và Tập đoàn Alstom - đơn vị cung cấp thiết bị cơ điện của công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La đã được trao tặng ba giải thưởng tại Lễ trao Giải thưởng Năng lượng châu Á 2013 (Asian Power Awards 2013) do Tạp chí Năng lượng châu Á (Asian Power) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Ba giải thưởng bao gồm: Giải Vàng cho danh hiệu 'Nhà máy điện được triển khai nhanh của năm' (Fast Track Power Plant of the Year), giải thưởng “Dự án Thủy điện của năm” (Hydro Power Project of the Year) và giải "Công ty Điện của năm" (Power Utility of the year). Trước đó, Câu lạc bộ Nhà báo KH&CN Việt Nam đã bình chọn công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2012.

4. Hoàn thành chiến dịch 55 ngày đêm thi công cải tạo gộp đường dây 500kV Đăk Nông - Phú Lâm và Tân Định - Phú Lâm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thành đường dây mạch kép, giải phóng hành lang tuyến cho ĐZ 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông.

Trong số các công trình điện trọng điểm quốc gia, dự án đường dây (ÐD) 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần ổn định lưới truyền tải điện, giải quyết tình trạng khó khăn cho hệ thống điện miền Nam giai đoạn 2014 - 2015 và các năm sau. ​Công trình có tổng mức đầu tư 9.288 tỷ đồng, xây dựng ĐD mạch kép dài 437,5 km với 926 vị trí móng, đi qua 6 tỉnh, thành phố gồm: Gia Lai, Đăk Lăk, Ðăk Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.

Do địa hình chật hẹp, không có mặt bằng để bố trí đất cho hành lang tuyến ĐD 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông tại khu vực huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh; từ tháng 10 đến tháng 11/2013, EVN đã phải cắt điện lần lượt các tuyến ĐD 500kV Bắc Nam mạch 1 (đoạn Đăk Nông - Phú Lâm) và mạch 2 (đoạn Tân Định - Phú Lâm) trong 55 ngày (từ 01/10/2013 đến ngày 24/11/2013) phục vụ thi công cải tạo, gộp mạch 1 và mạch 2 ĐD 500kV Bắc Nam vào một tuyến cột 2 mạch để giải phóng hành lang tuyến cho ĐD 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông.

Trong suốt thời gian 55 ngày đêm thi công, mặc dù phải cắt điện liên tục ĐD 500kV Tân Định - Phú Lâm và đặc biệt 2 lần cắt điện cả 2 ĐD nhưng EVN đã đảm bảo cung ứng đủ điện liên tục và an toàn cho miền Nam, không thực hiện tiết giảm điện trong thời gian cắt điện các đoạn ĐD 500 kV. Các đơn vị thi công đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn gồm: (i) Thi công mới, đào đúc móng với khối lượng bê tông 1.725,8 m3, vận chuyển và lắp dựng hoàn chỉnh 18 vị trí cột thép với trọng lượng 724,19 tấn, gia công và lắp dựng 117,37 tấn thép móng, kéo rải căng dây 2 mạch 500kV, phân pha 4 dây với chiều dài tổng cộng là 7,5km; (ii) Tháo hạ 17 vị trí cột và dây trên ĐD 500kV Tân Định - Phú Lâm.

Phu My Song May (chi Loan Cong thuong).JPG

Đường dây 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây

5. Hoàn thành vượt kế hoạch ĐTXD với việc lần đầu tiên giá trị đầu tư đạt trên 100.000 tỷ đồng, chiếm 9,5% tổng mức ĐTXD toàn xã hội

Tập đoàn đã thực hiện khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện lớn hơn rất nhiều so với năm 2012, hoàn thành được nhiều dự án, tăng cường năng lực cung cấp điện của hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cấp điện cho miền Nam, cho thủ đô Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm.

Đặc biệt đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành 6 tổ máy với tổng công suất 1.420MW gồm, đạt 100% kế hoạch. Đó là: tổ máy 1&2 thủy điện Bản Chát (2x110 MW), tổ máy 1&2 nhiệt điện Nghi Sơn 1 (2x300 MW), tổ máy 2 nhiệt điện Quảng Ninh 2 (300MW) và tổ máy 1 nhiệt điện Hải Phòng 2 (300MW). Như vậy, đến cuối năm 2013, EVN sở hữu 19.065 MW công suất phát điện, chiếm khoảng 60% tổng công suất đặt toàn hệ thống.

Năm 2013, là năm thành công của công tác dịch vụ khách hàng 

6. Hoàn thành các mục tiêu quan trọng của “Năm kinh doanh và dịch vụ khách hàng”

Năm 2013, EVN lấy chủ đề là “Năm kinh doanh dịch vụ khách hàng”, đánh dấu bước chuyển hướng công tác dịch vụ khách hàng từ cung cấp những dịch vụ mình có sang nắm bắt nhu cầu để từng bước đáp ứng theo yêu cầu dịch vụ của khách hàng, vì khách hàng. EVN đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng của “Năm kinh doanh và dịch vụ khách hàng” thông qua việc triển khai song song hai nhiệm vụ lớn, đó là: (1) hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh và dịch vụ khách hàng theo 4 nhóm chỉ tiêu (kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng dịch vụ khách hàng) và (2) thực hiện củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các công ty điện lực/điện lực cấp quận, huyện. Các khâu đột phá được lựa chọn trong năm là nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và củng cố, chỉnh trang, thực hiện chế độ giao dịch “1 cửa” tại Phòng Giao dịch khách hàng ở các CTĐL/ĐL cấp quận, huyện trên cả nước. 

Các TCTĐL đã tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện, phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong cắt điện sửa chữa, tổ chức xử lý sự cố nhanh..., để nâng cao độ ổn định, tin cậy và chất lượng cung cấp điện, số lần mất điện và thời gian mất điện của khách hàng đã giảm một nửa so với năm 2012. Đến cuối năm 2013, các TCTĐL đã hoàn thành việc củng cố, nâng cấp “Phòng giao dịch khách hàng” tại tất cả trụ sở các CTĐL/điện lực cấp quận, huyện theo mẫu thống nhất của TCTĐL, tạo không gian giao tiếp thân thiện, thuận tiện cho khách hàng, thực hiện rà soát, sửa đổi các quy trình, quy định theo hướng đơn giản, minh bạch, công khai về thủ tục.

Với cơ chế “Một cửa - Phòng Giao dịch khách hàng”, các đơn vị đã rút ngắn được chu trình xử lý nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho khách hàng và khách hàng dễ kiểm tra giám sát. Ngoài ra, các đơn vị đã mở rộng các kênh thông tin phục vụ khách hàng qua tin nhắn SMS, trang Web... Các CTĐL/ĐL đã đưa các đội quản lý tổng hợp về địa bàn, sát khách hàng hơn để giải quyết kịp thời hơn các nhu cầu của khách hàng. Để chủ động nắm bắt được yêu cầu của khách hàng, năm 2013 EVN và các TCTĐL đã thuê tư vấn độc lập thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. 

7. Năm 2013 đánh dấu một năm Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện tái cơ cấu

Theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI, Quyết định số 1782/QĐ-TTg ngày 23/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ). Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn đề ra các phương hướng, nhiệm vụ cùng nhiều biện pháp để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn và đổi mới quản trị doanh nghiệp. Theo đó, EVN cũng đã tích cực tìm kiếm các đối tác để chuyển nhượng vốn góp và đã hoàn thành thoái vốn một phần tại Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu và Ngân hàng TMCP An Bình với tổng vốn thu về 288 tỷ đồng…

Theo lộ trình, đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái vốn tại các công ty thuộc các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bảo đảm EVN có cơ cấu hợp lý, tập trung mọi nguồn lực cho ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh điện; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội và quốc phòng, an ninh; nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội.

8. Các Tổng công ty Phát điện 1,2,3 đi vào hoạt động ổn định

Các Tổng công ty Phát điện 1,2,3 (các Genco) đã chính thức hoạt động đầy đủ theo mô hình Công ty TNHH MTV, đã nhận bàn giao quyền điều hành, vốn, tài sản và làm chủ đầu tư các dự án nguồn điện. Sau một năm hoạt động, các Genco đã hoàn thiện bộ máy quản lý, kiện toàn nhân sự, ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động, hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh và đi vào hoạt động ổn định.

9. Công tác tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện có nhiều chuyển biến tích cực

Trong năm 2013, công tác thực hiện tiết kiệm điện trên cả nước đã có nhiều chuyển biến mới với sự tăng cường chỉ đạo từ Tập đoàn xuống đến các điện lực cơ sở. Các Tổng công ty điện lực đều thực hiện vượt chỉ tiêu tiết kiệm điện. Các công ty điện lực đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể như tổ dân phố/ thôn ấp, hội LHPN, đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc...  phát động nhiều phong trào tiết kiệm điện thiết thực trong cộng đồng như: “phong trào gia đình tiết kiệm điện”, “khu dân cư tiết kiệm điện”, “tuyến phố kiểu mẫu/tiết kiệm điện”, tuần lễ “tuyên truyền tiết kiệm điện”; “tuyên truyền tiết kiệm điện trong trường học ”, tổ chức hội nghị khách hàng gắn với nội dung sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Kết quả trong năm 2013, sản lượng điện tiết kiệm toàn Tập đoàn ước đạt 2.625 triệu kWh, bằng 2,3% điện thương phẩm, vượt 31,5% kế hoạch. Việc triển khai chương trình tiết kiệm điện không những đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực đối với khách hàng sử dụng điện, mà EVN cũng là đơn vị được hưởng lợi trực tiếp, đó là giảm áp lực về vốn, giãn tiến độ đầu tư cho các công trình nguồn và lưới điện, giảm quá tải, sự cố, hư hỏng thiết bị điện trong quá trình vận hành, có điều kiện tốt hơn để hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khách hàng.

10. Công tác an sinh xã hội được tiếp tục đẩy mạnh

Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn coi việc tham gia các chương trình hỗ trợ cộng đồng là nhiệm vụ chính trị xã hội quan trọng của Tập đoàn và các đơn vị, qua đó khẳng định vai trò, vị trí của Tập đoàn kinh tế Nhà nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đối với cộng đồng.

Từ năm 1995 đến nay Tập đoàn đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào các quỹ tấm lòng vàng, quỹ xoá đói giảm nghèo, quỹ giúp trẻ em nghèo vượt khó, khắc phục hậu quả lũ lụt... và đang phụng dưỡng suốt đời gần 300 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo nhất nước thuộc 20 tỉnh, EVN đã tham gia hỗ trợ đầu tư 347 tỷ đồng đưa điện tới các hộ của 3 huyện nghèo: Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên thuộc tỉnh Lai Châu, nâng tỷ lệ hộ có điện tại đây từ 40% lên gần 80%.

Đặc biệt, trong năm 2012 - 2013, EVN đã trao tặng 104 suất học bổng (mỗi suất trị giá 10 triệu đồng) cho 104 em học sinh nghèo vượt khó trên mọi miền đất nước thông qua chương trình truyền hình thực tế “Ước mơ Việt Nam” do EVN phối hợi với Hội Khuyến học Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Chương trình đã tạo được tiếng vang và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng cũng như đông đảo khán giả truyền hình.

Năm 2014, ngoài các em học sinh THCS, chương trình sẽ mở rộng lựa chọn thêm các em học sinh lớp 12, với mong muốn học bổng của EVN sẽ hỗ trợ các em một phần kinh phí thi vào đại học.

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Bí ẩn người phụ nữ quyền lực nhất Triều Tiên
Công bố những điều chưa biết về Giáo hoàng Francis
“Dấu lặng” của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Tranh chấp lãnh thổ của các cường quốc chuyển hướng về Bắc Cực
Cảnh báo thạm họa từ một cuộc chiến tranh hạt nhân
Giới chuyên gia khuyên Trung Quốc phải coi trọng Việt Nam

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động