RSS Feed for Tầm nhìn Việt Nam về tương lai năng lượng tái tạo | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 06:13
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tầm nhìn Việt Nam về tương lai năng lượng tái tạo

 - Mới đây trên trang mạng Eastasiaforum đã đăng tải bài viết của TS. Margareth Sembiring - chuyên gia phân tích cao cấp tại Trung tâm RSIS đề cập đến sự trỗi dậy của năng lượng tái tạo bắt nguồn từ nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và tầm nhìn của Việt Nam trong việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu. NangluongVietnam Online trân trọng gửi tới bạn đọc nội dung bài viết dưới đây.

GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,8%/năm trong giai đoạn 1990-2013, và được dự báo là duy trì quanh mức 7% một năm trong giai đoạn 2016-2030. Công nghiệp hóa, cùng với sự phát triển dân số, làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng, mà đặc biệt là điện. Sự gia tăng này có thể nhìn thấy rõ ràng thông qua mức tăng trưởng trung bình 5,7%/năm của lượng tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong giai đoạn 1990-2012, và tăng 14% đối với lượng tiêu thụ điện năng trong cùng giai đoạn.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng, Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) dự kiến sản lượng điện của Việt Nam cần đạt đến mức 194-210 tỷ kWh trong năm 2015, 330-362 tỉ kWh năm 2020 và 695-834 tỉ kWh trong năm 2030. Khi nhu cầu tổng thể năng lượng gia tăng, đương nhiên nhu cầu đối với năng lượng tái tạo cũng sẽ được thúc đẩy.

So với các nguồn năng lượng truyền thống khác như dầu mỏ và than đá, năng lượng tái tạo còn tương đối mới ở Việt Nam. Năng lượng tái tạo xuất hiện nhờ sự định hướng mạnh mẽ từ các chính sách của chính phủ và chủ yếu được đặt trong khung chương trình giảm phát thải khí nhà kính (greenhouse gas - GHG) và phát triển bền vững.

Một ví dụ là Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 đã nhận định việc phát triển năng lượng tái tạo sạch và việc gia tăng tỉ trọng của loại năng lượng này trong tổng thể năng lượng tiêu dùng tại Việt Nam là các ưu tiên để phát triển một nền kinh tế bền vững. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cũng nhấn mạnh sự phát triển “các loại năng lượng tái chế và năng lượng mới, bao gồm điện gió, năng lượng mặt trời, thuỷ triều, địa nhiệt, nhiêu liệu sinh học và năng lượng vũ trụ” là con đường giúp giảm phát thải khí nhà kính. Tương tự, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 cũng đề cập trực tiếp đến nhu cầu thúc đẩy năng lượng tái tạo sạch để giảm phát thải khí nhà kính.

Cam kết phát triển năng lượng bền vững một lần nữa được phản ánh trong quy hoạch năng lượng của Việt Nam. Quy hoạch điện 7 ban đầu dự đoán tỉ trọng năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện sẽ tăng lên từ 3,5% trong năm 2010 lên 4,5% trong năm 2020 rồi 6% trong năm 2030. Bản điều chỉnh của Quy hoạch này này còn đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn là đạt mức tỉ trọng 5% trước năm 2020 và 11% trước năm 2050. Bản điều chỉnh của Quy hoạch được thực hiện vào tháng 3 năm 2016 đưa ra kế hoạch chi tiết hơn nhằm tăng cường việc sử dụng năng lượng tái tạo đến năm 2030, với điểm nhấn đặc biệt là thuỷ điện.

Để hiện thực hoá tầm nhìn năng lượng của mình, Việt Nam đã thực hiện các chính sách có thể để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Luật Điện lực Việt Nam chỉ rõ sự cần thiết phải có các ưu đãi trong đầu tư, giá điện và thuế. Nghị định 04/2009/NĐ-CP đưa ra thêm nhiều ưu đãi và hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường, bao gồm năng lượng tái tạo.

Nhu cầu đối với các loại năng lượng tái tạo đang tăng lên nhờ khoảng trống lớn giữa công suất lắp đặt hiện tại và sản lượng mục tiêu đã đặt ra. Tuy nhiên, mặc dù đã có những hỗ trợ và ưu đãi dành cho khu vực tư nhân, lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn chưa cất cánh như kế hoạch.

Một nghiên cứu được thực hiện năm 2012 đã chỉ ra các yếu tố chính cản trở sự phát triển của năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Các trở ngại này bao gồm việc thiếu một khung pháp lý rõ ràng cho các dự án năng lượng tái tạo, giá năng lượng tái tạo thấp, quy trình thiết lập các dự án dài dòng và chi phí giao dịch cao, và cuối cùng là sự thiếu tin tưởng vào bảo lãnh của Chính phủ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong khi các ưu đãi có vẻ có tác dụng đối với các dự án thuỷ điện có công suất đã lắp đặt nhỏ hơn 30 MW, những ưu đãi này lại không đem lại kết quả thuận lợi tương tự trong các dự án điện gió và khí ga sinh học.

Những khám phá này nhấn mạnh sự bất tương xứng giữa việc đề ra chính sách và thực thi chính sách. Giải quyết được vấn đề này chính là chìa khoá để phát triển thành công năng lượng tái tạo.

Sự trỗi dậy của năng lượng tái tạo bắt nguồn từ nhu cầu năng lượng ngay càng tăng và tầm nhìn của Việt Nam trong việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Việc phụ thuộc quá nhiều và lâu dài vào than đá, như nêu trong bản điều chỉnh mới nhất của Quy hoạch điện 7, cho thấy một thông điệp trái ngược. Bản quy hoạch khiến người ta hình dung đến sự gia tăng tỉ trọng của năng lượng tái tạo cùng lúc với sự gia tăng của than đá trong sản xuất điện từ 49,3% trong năm 2020 lên 55% trong năm 2025. Trong số tất cả các nguyên liệu hoá thạch, than đá chứa hàm lượng các-bon cao nhất và là nguồn phát thải các-bon-đi-ô-xin đáng kể.

Các công nghệ than đá sạch có thể đã có và thường được nhắc đến là phương pháp xử lý than đá ít gây ảnh hưởng đến môi trường hơn. Tuy nhiên, tác động sau cùng của việc giảm phát thải khí nhà kính từ các nguồn năng lượng tái tạo và việc gia tăng khí thải từ than đá vẫn còn là câu hỏi lớn.

Rất nhiều nỗ lực và nhiều khoản đầu tư lớn đã đổ vào việc triển khai năng lượng tái tạo. Việc duy trì đồng thời năng lượng tái tạo và than đá có thể được cho là cần thiết ở thời điểm này. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu chi tiết hơn về tác động của hướng đi này đối với sự phát thải các-bon để đảm bảo rằng các khoản đầu tư vốn lớn là đáng đồng tiền bát gạo.

Việt Nam gần như sẽ tiếp tục phụ thuộc vào than đá trong tương lai gần. Trong bối cảnh còn thiếu các thông tin có giá trị và đáng tin cậy về lượng phát thải khí nhà kính tổng thể và những hậu quả rất đáng kể không mong muốn về khí hậu, năng lượng tái tạo vẫn được cho là liều thuốc tốt nhất cho vấn đề biến đổi khí hậu và đề xuất tốt nhất cho phát triển bền vững. Và do đó, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là hết sức cấp thiết.

Các dự án NLTT Việt Nam có cơ hội vay vốn từ quốc tế
Tín hiệu khả quan về năng lượng sạch tại Việt Nam
Phát triển năng lượng sinh khối: Kinh nghiệm từ Hoa Kỳ
Bình Thuận bắt đầu đo nắng, quy hoạch điện mặt trời
Các dự án NLTT Việt Nam có cơ hội vay vốn từ quốc tế

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HẠNH/CVD (lược dịch)

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động