RSS Feed for PPP: Kênh dẫn vốn cho năng lượng tái tạo phát triển | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 18:49
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

PPP: Kênh dẫn vốn cho năng lượng tái tạo phát triển

 - Nhu cầu năng lượng tăng mạnh, mô hình đối tác công tư (PPP) được xem là kênh huy động tài chính và công nghệ hiệu quả từ khu vực tư nhân cho phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Khởi động dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận
Trà Vinh trao giấy đầu tư dự án điện gió 2.400 tỷ đồng

Quy hoạch Điện VII dự kiến đưa tỷ lệ năng lượng tái tạo (NLTT) trong sản xuất điện đạt 4,5% vào năm 2020 và 6% vào 2030. Theo đó, mức tăng trưởng tương ứng phải đạt 16 tỷ kWh (6-7 nghìn MW) và 42-45 tỷ kWh (15-20 nghìn MW).

Mô hình TPP, giải pháp hiệu quả để ngành NLTT phát triển. 

Tìm nguồn năng lượng thay thế, NLTT được xem là giải pháp bền vững cho Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn lực Nhà nước và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có hạn, rất cần khối tư nhân tham gia phát triển nguồn năng lượng này.

Nhiều thách thức

Việc xem xét khai thác nguồn NLTT có ý nghĩa hết sức quan trọng với Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, phát triển NLTT chưa thực sự thu hút khối tư nhân tham gia.

Chính phủ đã ban hành quyết định về một số cơ chế , chính sách hỗ trợ các dự án theo cơ chế phát triển sạch từ năm 2007. Nhưng ông Vũ Đình Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Phong điện Fuhrlaender Việt Nam, cho biết, các quy định ưu đãi theo quyết định này vẫn chung chung và cách vận dụng rất khác nhau.

Theo ông Tuấn, nếu không có sớm chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhanh các dự án điện từ nguồn NLTT thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 20 tỷ kWh điện.

NLTT chậm phát triển, nguyên nhân được chuyên gia Hồ Công Hòa - Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cho là do “cơ chế giá điện chưa rõ ràng”.

Điện gió l.614 đồng/kWh, khoảng 7,8 cent, hỗ trợ bên mua 207 đồng/kWh (khoảng 1 cent). Điện sinh khối: 1.220 đồng/kWh, khoảng 5,8 cent. Điện CTR: đốt 2.114 đồng/kWh, khoảng 10,05 cent. Rác chôn là 1.532 đồng/kWh, khoảng 7,25 cent.

Ông Hòa mô tả môi trường đầu tư vẫn mang nặng “tư duy nhiệm kỳ”, trong khi nguồn lực doanh nghiệp tư nhân trong nước thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm.

Môi trường kinh doanh chưa thông thoáng, chưa minh bạch. Nguồn cầu chưa chắc chắn, do độc quyền, khả năng đấu lưới khó khăn. Thị trường thiếu sức cạnh tranh giữa các DNNN và DN tư nhân, trong bối cảnh tồn tại cơ chế “nhiều cửa”, thiếu thông tin, thiếu sự ổn định của chính sách.

NLTT có thể góp phần to lớn vào việc đáp ứng nhu cầu về năng lượng trong tương lai của Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình PPP tại Việt Nam thời gian qua, theo ông Hòa, cũng gặp một số thách thức.

Giao dịch và chi phí pháp lý cao, có thể phải mất nhiều năm đàm phán. Đàm phán hợp đồng phụ thuộc lớn vào năng lực đàm phán, thẩm định dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nếu nhà đầu tư tư nhân bị phá sản, làm gián đoạn việc cung ứng dịch vụ, sẽ nảy sinh các vấn đề về chính trị. Cạnh đó, sự tham gia của nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ “trục lợi” nhằm rút tiền của nhà nước. Cái bóng “tư nhân hóa” vẫn tồn tại do nhận thức của người dân và cơ quan nhà nước chưa đầy đủ về PPP - khó chấp thuận trên giác độ chính trị.

Nhìn một cách tổng thể, ông Hòa khẳng định “các vấn đề trên chỉ là một số khuyết điểm và có thể khắc phục được” bởi hành lang pháp lý PPP đã được cải thiện.

Ưu điểm PPP

Ưu tiên phát triển NLTT là chủ trương đúng của Chính phủ, nhưng vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nhu cầu tài chính cho phát triển NLTT rất lớn, trong khi nguồn lực của nhà nước có hạn.

Hành lang pháp lý PPP

Trước ngày 14-2-2015, nước ta vẫn tồn tại hai văn bản pháp luật điều chỉnh về PPP nhưng còn có nhiều điểm thiếu nhất quán.

Ngày 14-2-2015, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2015 NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP, hợp nhất Nghị định 108/2009/NĐ-CP với Quyết định 71/2010/QĐ-TTg.

Ngày 17-3-2015, Chính phủ ban hành Nghị định 30-2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Triển khai mô hình TPP, phát huy được nguồn lực từ khu vực tư nhân, theo chuyên gia Hồ Công Hòa, là giải pháp hiệu quả để phát triển nguồn NLTT, bảo vệ môi trường.

Thứ nhất, tăng tính khả thi và giảm rủi ro của dự án. Song để dự án mang lại lợi ích kinh tế, cần có sự hỗ trợ của chính phủ trong các dự án PPP.

Thứ hai, tối ưu hóa vòng đời dự án, Nhà nước không phải bỏ vốn lớn ban đầu. Nhà nước sẽ chi trả cho các hoạt động và chuyển giao thành công tác dịch vụ đã ký kết, thay vì đầu tư một khoản vốn lớn ban đầu và doanh nghiệp tư nhân sẽ chi trả các khoản đầu tư ban đầu.

Thứ ba, chia sẻ lợi ích và rủi ro các bên liên quan theo cơ chế đồng thuận. Thực tế, sẽ không có hợp đồng nếu đẩy rủi ro quá mức cho tư nhân nếu rủi ro cao cho nhà kinh doanh, bất ổn tài chính và kỹ thuật.

Ngược lại, cũng sẽ không có hợp đồng nếu đẩy rủi ro quá mức cho nhà nước. Một hợp đồng tốt chỉ diễn ra khi cân bằng rủi ro cho hai bên (điều chỉnh theo định kỳ)

Thứ tư, cơ chế tiếp cận, sự khác biệt giữa cách tiếp cận dựa trên đầu vào truyền thống và tiếp cận dựa vào kết quả đầu ra.

Thứ năm, hạn chế độc quyền nhà nước và độc quyền tư nhân trong cung ứng dịch vụ công.

Nếu mô hình độc quyền giúp nhà nước nắm quyền sở hữu, kiểm soát, mang liệu hiệu quả thấp, thiếu hụt vốn, thì mô hình tư nhân hóa cung ứng dịch vụ công sẽ khiến Nhà nước mất độc quyền sở hữu và mất quyền kiểm soát.

Theo ông Hồ Công Hòa, PPP sẽ giúp giải quyết yếu điểm của độc quyền tư nhân và độc quyền nhà nước trong cung ứng dịch vụ công. Vẫn thu hút được vốn, công nghệ và quản trị của tư nhân. Nhà nước vẫn giữ nguyên quyền sở hữu, kiểm soát dịch vụ công và rảnh tay thực hiện các nhiệm vụ khác.

Thứ sáu, thu hút vốn, công nghệ và kỹ năng quản trị của tư nhân. PPP là phương thức phù hợp để huy động vốn và công nghệ của tư nhân, tăng khả năng đầu tư của tư nhân. Có sự tham gia của nhà nước, giá mua điện có thể được cải thiện.

Môi trường đầu tư, cơ chế hợp đồng dài hạn, ổn định; yêu cầu thông tin, công khai, minh bạch và bình đẳng, có sự tham gia của nhà nước, hạn chế độc quyền, nguồn cầu chắc chắn, có sự hỗ trợ/tham gia của tư nhân, đảm bảo tăng tính khả thi về tài chính, cũng như hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các nhà tài trợ nước ngoài (ODA), là những yếu tố đảm bảo dự án PPP NLTT mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, để thu hút tư nhân tham gia đầu tư vào ngành NLTT, theo ông Hòa, cần tiến hành một số biện pháp: Thúc đẩy cơ chế minh bạch thông tin liên quan đến lập quy hoạch, định hướng đầu tư, lựa chọn dự án và nhà đầu tư, các thông tin liên quan đến thị trường năng lượng tái tạo; cách tính giá, chi phí điện.

Cùng với đó, ông Hòa nói cần đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, dần dần xóa bỏ sự độc quyền cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp nhà nước cũng như đẩy nhanh chương trình cải các thủ tục hành chính, nhằm xóa bỏ cơ chế “nhiều cửa” và phòng chống tham nhũng.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động