Đấu thầu các dự án điện mặt trời: Kinh nghiệm của Nam Phi
15:37 | 28/11/2017
Quy định giá điện mặt trời Việt Nam trong 20 năm tới
Điện mặt trời lắp mái tại Việt Nam nối lưới là khả thi
Dữ liệu bức xạ mặt trời Việt Nam sẽ được cấp miễn phí
Ông Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Nhằm mục đích đẩy mạnh khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo trong nước, từng bước gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, cải thiện cơ cấu ngành năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời đặt ra các mục tiêu phát triển.
Cụ thể, tại Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh) đặt mục tiêu đến năm 2020, điện mặt trời đạt 800 MW, tầm nhìn đến năm 2030 là 1.000 MW. Theo đó, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam.
Đặc biệt, mới đây, ngày 12/9/2017, Bộ Công Thương đã chính thức ban hành Thông tư quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Theo Thông tư này, các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 Uscent/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD). Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước 30/6/2019 theo hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng 20 năm.
Theo Thông tư, các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Bên cạnh đó, dự án điện mặt trời còn được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...
"Bằng những việc làm cụ thể trên, Chính phủ đã thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhằm thực hiện hiện mục tiêu về Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh)" - Ông Phương Hoàng Kim nhấn mạnh.
Ông Phương Hoàng Kim cho biết, trong thời gian qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhận được rất nhiều đề xuất về các dự án điện mặt trời, với tổng công suất trên 13.000 MW. Tuy nhiên, để phát triển các dự án này, chúng ta phải đối phó với rất nhiều khó khăn thách thức như: hạ tầng, nguồn và lưới điện, vấn đề đấu nối vào lưới điện của Việt Nam… Đặc biệt là các dự án điện mặt trời tập trung ở một số tỉnh của miền Trung như Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh Đắk Lắc, Tây Ninh.
Qua hội thảo này, với kinh nghiệm trong việc xây dựng, thực hiện cơ chế đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo thành công ở châu Phi, đặc biệt ở Nam Phi, sự tích cực tham gia thảo luận, trao đổi của các chuyên gia, ý kiến từ phía các chủ đầu tư sẽ giúp Bộ Công Thương cùng với WB xây dựng thành công cơ chế đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo và giúp phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo đạt được các mục tiêu do Chính phủ đề ra.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ như: WB, ADB, GIZ, KFW, EU, USAID… tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế khuyến khích khác như: cơ chế đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế hạn mức năng lượng tái tạo.
Toàn cảnh hội thảo.
Tiếp đó, hội thảo đã được nghe giáo sư Anton Eberhard - Đại học Cape Town, trình bày tham luận về "Tổng quan thị trường điện của Nam Phi" và "Đấu thầu các dự án điện mặt trời của Nam Phi: Thiết kế, thực hiện, kết quả và thách thức".
Hội thảo cũng dành thời gian thảo luận chuyên sâu về lựa chọn địa điểm, đấu nối lưới diện, chuẩn bị mặt bằng; chuyển dịch từ FIT sang đấu thầu; đặc trưng về đấu thầu từ các thị trường khác, vv…
MAI THẮNG