RSS Feed for Đan Mạch cam kết giúp Việt Nam hiện thực hóa điện gió | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 00:36
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đan Mạch cam kết giúp Việt Nam hiện thực hóa điện gió

 - Với ưu thế của mình, Đan Mạch sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc hiện thực hóa, thậm chí là vượt xa cả các mục tiêu đã đề ra trong lĩnh vực điện gió.

Khánh thành Nhà máy điện gió Phú Lạc (giai đoạn 1)
Công bố kết quả chương trình Solar Hub tại miền Nam
Khởi động dự án điện gió lớn nhất Việt Nam

Theo báo cáo tại Hội thảo Phát triển năng lượng gió tại Việt Nam được tổ chức sáng nay (29/11) tại Hà Nội do Đại sứ quán Đan Mạch và nhà cung cấp năng lượng điện gió hàng đầu thế giới (Vestas) đồng tổ chức cho biết: Danh mục các dự án điện gió của Việt Nam mang lại lợi nhuận rất hiếm hoi, chưa đáp ứng được mục tiêu khi ban hành chính sách về điện gió.

Hiện tại Việt Nam mới chỉ có các dự án: trang trại gió tại Tuy Phong, Bình Định (2012) (vốn tư nhân) công suất 30 MW (20 x 1.5 MW Fuhrlaender); Trang trại gió Công Lý, Bạc Liêu (2013/15) (do VDB tài trợ) công suất 99,2 MW (62 x 1,6 MW General Electrics); Hệ thống năng lượng hỗn hợp đảo Phú Quý (do PVN tài trợ)công suất 6 MW (3 x 2.0 MW Vestas); Trang trại gió Phú Lạc (2016) (do EVN/KFW tài trợ) công suất 24 MW (12 x 2.0 MW Vestas). 

Nguyên nhân chủ yếu của chiến lược phát triển điện gió tiến triển chậm, theo các chuyên gia là do suất đầu tư dự án điện gió cao so với các nguồn điện truyền thống, giá mua điện gió chưa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, nguồn cung cấp linh kiện, thiết bị và dịch vụ trong nước còn hạn chế, nguồn nhân lực kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, thị trường vốn còn hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, cùng với sự tăng trưởng mạnh về kinh tế của Việt Nam trong những thập kỷ qua và dự báo trong thời gian tới nhu cầu về điện năng sẽ rất lớn. Dự báo tốc độ tăng trưởng điện sản xuất bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020 là 10,7%/năm và giai đoạn 2021-2025 là 8,6%/ năm.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao trong khi việc cung ứng năng lượng đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề thách thức, Chính phủ Việt Nam đánh giá việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mang tính chiến lược xét trên mọi khía cạnh cả về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và phát triển bền vững, giảm thiểu tác động môi trường.

Theo Quy hoạch điện Quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/3/2016, mục tiêu phát triển điện gió được đặt ra là tổng công suất nguồn điện gió đạt 800 MW vào năm 2020, đạt 2.000 MW năm 2025 và đạt khoảng 6.000 MW năng lượng gió vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.

Để thúc đẩy đầu tư phát triển điện gió, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, trong đó quy định giá điện FIT cho điện gió và quy định bên mua điện phải bao tiêu toàn bộ sản lượng điện gió phát lên hệ thống.

Cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các tổ chức như WB, GIZ và KfW đang tiến hành Chương trình đo gió tại khoảng 30 điểm trên toàn quốc nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu tiềm năng gió đầy đủ và cập nhật bản đồ gió Việt Nam.

Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng tái tạo khá lớn gồm các nguồn thủy điện nhỏ, gió, sinh khối, mặt trời, rác thải... Với hơn 3.200 km bờ biển, diện tích tiềm năng điện gió tốt và khá tốt tại Việt Nam vào khoảng 2.700 km2, tương đương khoảng 10.000 MW điện gió trong đất liền. Tiềm năng ước tính là 24GW (công suất hệ thống hiện tại: 39 GW).

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết:  Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn chỉnh khung chính sách pháp lý, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả bộ máy tổ chức, phương thức quản lý trong lĩnh vực điện gió. Đặc biệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiên cứu sửa đổi giá bán điện gió ở các mức khác nhau cho các khu vực dự án trong đất liền và trên biển để thống nhất áp dụng cho tất cả các dự án điện gió trên phạm vi cả nước theo hướng tăng giá mua điện gió quy định tại Quyết định 37/2011/QĐ-TTg.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch chia sẻ, với ưu thế của mình, Đan Mạch sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc hiện thực hóa, thậm chí là vượt xa cả các mục tiêu đã đề ra trong lĩnh vực điện gió.

Còn theo ông Chris Beaufait, Chủ tịch Vestas châu Á - Thái Bình Dương, là quốc gia có lưu trữ lượng gió lớn sẽ giúp Việt Nam đảm bảo tốt hơn vấn đề an ninh năng lượng thông qua việc giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu và những biến động trên thị trường than đá và dầu khí quốc tế.

Vestas - nhà cung cấp năng lượng điện gió hàng đầu thế giới cam kết sẽ đưa ra giải pháp giúp khách hàng giảm chi phí phát điện thông qua ứng dụng cánh quạt dài, lắp đặt tháp gió cao hơn cùng với danh mục các loại tua bin thuộc nhóm đa dạng nhất trong ngành năng lượng tái tạo hiện nay.

NangluongVietnam Online

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động