RSS Feed for ĐHN Ninh Thuận 1: Nội địa hóa, phần không thể thiếu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 15/01/2025 17:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

ĐHN Ninh Thuận 1: Nội địa hóa, phần không thể thiếu

 - Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam (Ninh Thuận 1) do Nga xây dựng sẽ ứng dụng công nghệ Multi-D. Ông Alexey Sachik, đại diện công ty NIAEP, thuộc ROSATOM, cho biết: “Tỷ lệ nội địa hóa có thể cao tới 30%”.

Điện hạt nhân vượt trội nhờ Multi-D
“Việt Nam không thiếu nhân tài để phát triển điện hạt nhân”
Multi-D tối ưu hóa thi công nhà máy điện hạt nhân

Ông Alexey Sachik, đại diện công ty NIAEP, thuộc ROSATOM.

Multi-D khẳng định tính vượt trội so với các công nghệ khác, song theo ông, mô hình Multi-D có đáp ứng được điều kiện, đặc thù của Việt Nam?

Không nghi ngờ gì, công nghệ Multi-D có tính thích ứng cao vì cấu hình của nó đã tính đến rất nhiều khía cạnh và được dựa trên số liệu cụ thể. Công nghệ Multi-D cho phép xây dựng mô hình chi tiết quá trình xây dựng và lắp đặt trên cơ sở mô hình 3-D để tối ưu hóa nhiều khía cạnh trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân từ những bước đầu tiên của quá trình chuẩn bị, cũng như xem xét các cách thức quản lý tài nguyên và khi cần thiết sẽ tiến hành thay đổi trên mô hình 3D nhằm tối ưu hóa. Một mô hình Multi-D gồm có mô hình không gian thông minh, bao gồm các bản vẽ và hình ảnh 3D, tiến độ thực hiện công việc dựa trên năng suất lao động và khối lượng thực thể được đưa ra trong các thông số kỹ thuật và chi phí xây dựng.

Mô hình Multi-D đã chứng minh tính ưu việt của nó trong những dự án được thực hiện tại Nga và đang được lên kế hoạch để ứng dụng tại các dự án nước ngoài. Tất cả các thành tựu công nghệ đều đã được sử dụng trong quá trình thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân Rostov. Một trong những ví dụ thành công của việc ứng dụng công nghệ Multi-D là thiết kế vỏ lò phản ứng hạt nhân dựa trên quá trình lắp đặt các thiết bị vận hành lò khác, nhờ đó quá trình thi công có thể đạt đúng với tiến độ đã được đưa ra.

Bên cạnh đó, nhờ có công nghệ này mà việc xây dựng tổ máy 3 của nhà máy điện hạt nhân Rostov đã hoàn thành trước tiến độ 2 tháng, tiết kiệm được 7% quỹ thời gian và nguồn lực tài chính đáng kể. Một ví dụ thành công khác là về xây dựng và lắp đặt tổ máy số 2 Nhà máy nhiệt điện Yuzhnouralskaya 2 ở Chelyabinsk, đã được đưa vào hoạt động vào tháng 11/2014.

Theo ông khả năng tiếp cận công nghệ, quản lý của chuyên gia Việt Nam chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong toàn bộ dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1?

Hiện tại, nội địa hóa là một phần không thể thiếu trong hoạt động của ROSATOM. Chúng tôi lên kế hoạch để các nhà thầu Việt Nam và các chuyên gia tham gia vào việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tỷ lệ nội địa hóa có thể cao tới 30%.

ROSATOM trong năm 2014 đã tổ chức những khóa thực tập cho các chuyên gia Việt Nam tại nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng của Nga. Hơn 150 chuyên gia Việt Nam đã hoàn thành khóa thực tập tại công trường xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Rostov. Quá trình thực tập bao gồm làm việc với các tài liệu kỹ thuật, làm quen với thủ tục an toàn, nghiên cứu các tiêu chuẩn chất lượng của Nga liên quan tới vận hành nhà máy hạt nhân.

Nhưng sẽ mất bao nhiêu thời gian để phía Việt Nam có thể đảm nhiệm toàn bộ công việc quản lý, công nghệ, vận hành...?

Câu trả lời không chỉ đơn thuần về việc nắm bắt công nghệ mà về sự tích hợp của các khuôn khổ kỹ thuật, pháp lý và quản lý giúp cho các chuyên gia Việt Nam hoàn tất tất cả các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á bắt đầu sử dụng cộng nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình. Việt Nam cũng đồng thời có nền tảng kỹ thuật vững chắc. Với những kinh nghiệm của mình, cũng như sự hỗ trợ đáng tin cậy từ phía đối tác, Việt Nam có khả năng chuẩn bị tất cả cơ sở hạ tầng, nhân lực và khuôn khổ luật pháp cho sự thành công trong tương lai.

Nhờ có công nghệ Multi-D, việc xây dựng tổ máy 3 của nhà máy điện hạt nhân Rostov đã hoàn thành trước tiến độ 2 tháng, tiết kiệm được 7% quỹ thời gian và nguồn lực tài chính đáng kể.

Với thực trạng hiện nay của Việt Nam, theo ông, khi tiếp cận công nghệ Multi-D, phía Việt Nam sẽ gặp những khó khăn nào?

Việt Nam đang là nơi tụ hội của các tiến bộ về công nghệ trong lĩnh vực thiết kế và quản lý xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Công nghệ Multi-D được phát triển trong những năm gần đây cho phép quản lý việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong toàn bộ chu kỳ hoạt động của nhà máy. Đây là một trong những công nghệ tốt nhất trên thế giới. Sự ra đời của công nghệ quản lý chu kỳ hoạt động giúp đảm bảo công suất và hiệu quả kinh tế cao hơn trong suốt quá trình hoạt động của cơ sở hạt nhân, đồng thời tối ưu hóa chế độ tải và nâng cao độ an toàn nhờ có tính năng mô phỏng quá trình hoạt động từ trước và tính năng giám sát toàn bộ quá trình vận hành.

Với tảng kỹ thuật vững chắc của Việt Nam và mối quan hệ gần gũi giữa hai quốc gia trong lĩnh vực giáo dục và khoa học, Việt Nam cũng sẽ phát triển nguồn nhân lực tại các cơ sở đào tạo trong nước. Để đào tạo nhân lực, điều quan trọng cần nắm được là ngành công nghiệp hạt nhân không chỉ bao gồm điện hạt nhân. Nhân viên vận hành nhà máy điện hạt nhân cần có nền tảng khoa học đại cương (vật lý, toán học, kỹ thuật) vững chắc. Những lĩnh vực này là cốt yếu cho sự thành công của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.

Công nghệ Multi-Dcó thể áp dụng cho các nguồn điện khác như thủy điện, nhiệt điện không, thưa ông?

Công nghệ Multi-D được ứng dụng không chỉ trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà còn trong các cơ sở kỹ thuật phức hợp. Một ví dụ về việc tiết kiệm được chi phí lớn nhờ ứng dụng công nghệ Multi-D là quá trình xây dựng và lắp đặt tổ máy số 2 Nhà máy nhiệt điện Yuzhnouralskaya - 2 tại vùng Chelyabinsk (Ural), đi vào hoạt động vào 11/2014. Chúng tôi đã thành công trong việc truyền tải dữ liệu về mô hình 3D của nhà máy nhiệt điện vào hệ thống vận hành, hoàn tất công việc xây dựng và lắp đặt đúng tiến độ và tiết kiệm được chi phí nhờ có công nghệ Multi-D. Nhà máy nhiệt điện Yuzhnouralskaya là một trong những nhà máy nhiệt điện đầu tiên ở Nga, với công suất thiết kế hơn 1.000 MW, và là một trong những nhà máy điện đầu tiên ở Ural và Siberia sử dụng nồi hơi cao áp. Nhà máy này cung cấp điện cho các thành phố phía Nam Ural và nhiệt cho mục đích kinh doanh và sinh hoạt tại Yuzhnouralsk. Tổ máy thứ 2 của nhà máy nhiệt điện gồm 2 tổ máy chu trình hỗn hợp, với công suất mỗi tổ máy là 400MW. Các thiết bị chính bao gồm, tua bin khí và hơi nước Siemens AG hiệu suất cao SGT5-4000F, 2 nồi hơi Atomenergomash P-140, và 2 máy tua bin ngưng tụ hơi nước SST-3000 sản xuất bởi Siemens AG.

Công nghệ Multi-D sẽ luôn luôn được nâng cao và cải tiến. Trong số những cải tiến nâng cao, chúng ta có thể đề cập đến phát minh hệ thống quản lý thiết kế và xây dựng, cũng như việc tích hợp hệ thống này vào mô hình Multi-D. Theo dự báo của chúng tôi, việc áp dụng các phương pháp tiếp cận có hệ thống này vào dự án nhà máy điện hạt nhân cho phép chúng tôi rút ngắn thời gian triển khai gần 10%.

Cảm ơn ông.

HẢI VÂN (thực hiện)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động