“Việt Nam không thiếu nhân tài để phát triển điện hạt nhân”
16:30 | 16/12/2014
Điện hạt nhân vượt trội nhờ Multi-D
3 trường đại học đào tạo nhân lực điện hạt nhân
Điện hạt nhân: Việt Nam thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Ông Valery Karezin - Giám đốc Dự án của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM).
PV: Hiện nay, 1300 cán bộ được đào tạo về công nghệ hạt nhân đang sinh sống tại Việt Nam, 1000 trong số đó đang công tác tại VINATOM, VARANS và VAEA, ông có nhận định gì về tình hình nhân sự tại Việt Nam?
Ông Valery Karezin: Việt Nam không thiếu nhân tài. Trong những năm tới, có thể sẽ có những khó khăn, do nhà máy điện hạt nhân mới đòi hỏi nhiều nhân sự đã qua đào tạo. Do đó, giải pháp tối ưu là thực hiện việc đào tạo nhân sự (bao gồm cả các nhà nghiên cứu không trực tiếp tham gia vận hành nhà máy điện hạt nhân) tại các viện, trường đại học của Nga. Tuy nhiên, với nền giáo dục khoa học ứng dụng tốt của Việt Nam và các mối quan hệ truyền thống khăng khít trong lĩnh vực giáo dục đại học và khoa học giữa hai nước chúng ta, Việt Nam cũng triển khai việc đào tạo nhân lực của mình tại các trường đại học trong nước. Điều quan trọng là cần phải hiểu rằng công nghiệp hạt nhân không chỉ bao gồm điện hạt nhân. Đào tạo nhân sự vận hành nhà máy điện hạt nhân là không thể nếu như nền khoa học cơ bản không được phát triển mạnh mẽ: vật lý, toán học, khoa học ứng dụng; những môn học này là rất thiết yếu cho việc đào tạo thành công nguồn nhân lực đạt yêu cầu.
PV: Theo kế hoạch phát triển công nghiệp hạt nhân quốc gia, trong 15 năm, Việt Nam cần ít nhất 6000 chuyên gia trong lĩnh vực này. Theo kinh nghiệm của Rosatom, đây có phải là con số chính xác? ROSATOM sẽ hỗ trợ đào tạo nhân lực cho Việt Nam như thế nào?
Ông Valery Karezin: Các chương trình hợp tác đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghiệp hạt nhân giữa Nga và Việt Nam đã bắt đầu từ những năm 1970, trong quá trình phục hồi lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt.
Kể từ năm 2010, Nga và Việt Nam đã cùng triển khai một chương trình huấn luyện nhân lực công nghiệp hạt nhân cho Việt Nam tại Nga. Đến năm 2014 đã có hơn 340 sinh viên Việt Nam học tập tại các trường đại học ở Nga về công nghệ hạt nhân. Sự hợp tác trong lĩnh vực này đang được tăng cường. Mục tiêu cơ bản của Việt Nam là thiết lập hệ thống giáo dục của riêng mình trong lĩnh vực điện hạt nhân và tự chu cấp đầy đủ cho tuổi trẻ các khóa đào tạo mà không có sự trợ giúp của các nước khác.
ROSATOM cũng tổ chức cho các chuyên gia Việt Nam thực tập tại các công trình nhà máy điện hạt nhân đang được thi công. Năm 2014 đã có hơn 150 chuyên gia hoàn thành khóa thực tập tại công trường nhà máy điện hạt nhân Rostov. Nội dung thực tập là làm việc với tài liệu kỹ thuật, làm quen với quy trình an toàn, nghiên cứu các yêu cầu của Nga về chất lượng và các điều cần thiết liên quan đến vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Tại Nga, làm việc trong công nghiệp hạt nhân rất được coi trọng, các học viện đặc biệt không gặp phải vấn đề gì trong việc lựa chọn sinh viên công nghệ hạt nhân xuất sắc. Các cuộc thi tuyển chọn sinh viên vào các học viện này được thực hiện rất nghiêm ngặt. Tại Việt Nam, cách nhìn nhận của công chúng (theo hướng tiêu cực) về làm việc trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân sẽ ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển điện hạt nhân.
Bên cạnh đó, ROSATOM phối hợp với Việt Nam về một số dự án cho thanh thiếu niên. Năm 2013, Học viện giáo dục (thuộc Tập đoàn ROSATOM) đã tổ chức một cuộc thi vật lý dành cho học sinh Việt Nam, thí sinh thắng cuộc được trao phần thưởng và cơ hội học tập tại Nga. Năm 2014, một cuộc thi tương tự cùng một số hoạt động khác cho thanh thiếu niên cũng đang trong quá trình lên kế hoạch triển khai.
PV: Việt Nam dự định xây dựng một trung tâm đào tạo công nghệ hạt nhân, theo quan điểm từ ROSATOM, Việt Nam cần tuân theo những nguyên tắc gì? Liệu ROSATOM có hỗ trợ dự án này không?
Ông Valery Karezin: Vào ngày 21 tháng 11 năm 2011, tại Hà Nội, Liên bang Nga và CHXHCN Việt Nam đã ký một thỏa thuận liên chính phủ về việc hợp tác xây dựng một trung tâm công nghệ và khoa học hạt nhân tại Việt Nam.
Nhiệm vụ của trung tâm là hỗ trợ giải quyết các vướng mắc trong nghiên cứu, phát triển về kỹ thuật cũng như đào tạo nhân lực khi triển khai dự án thi công nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, tổ chức nghiên cứu với các thiết bị tiên tiến nhất, sử dụng phóng xạ để triển khai trong các lĩnh vực vật liệu mới, công nghệ sinh học, y sinh, điều khiển học và tự động hóa.
Với mức độ phức tạp cao của dự án, ROSATOM đã đề xuất xây dựng trung tâm một cách từ từ, theo phương án hoàn thiện từng mô đun một.
Trung tâm dự kiến sẽ bao gồm một lò phản ứng nghiên cứu công suất 15 MW, một phòng thí nghiệm vật liệu, một tổ hợp hóa xạ và các thiết bị vật lý nhiệt. Các nghiên cứu tiên tiến nhất về điện hạt nhân, khoa học vật liệu lò phản ứng, cũng như các nghiên cứu cơ bản sử dụng phóng xạ nơ-tron sẽ được thực hiện. Lò phản ứng nghiên cứu của trung tâm cũng sẽ được sử dụng để sản xuất các đồng vị phóng xạ cho y học và công nghiệp, cũng như các ứng dụng khác.
Việc xây dựng trung tâm sẽ tạo điều kiện để Việt Nam lâp nên một cơ sở R&D hoàn chỉnh cho phát triển cao độ R&D trong công nghiệp hạt nhân cũng như đào tạo nhân lực chất lượng cao cần thiết cho cơ sở hạ tầng hạt nhân trong tương lai. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng, không thể phát triển các công nghệ mới đầy hứa hẹn của tương lai mà không có một trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân tiên tiến nhất.
Nga sẽ cung cấp cho Việt Nam một khoản vay chính phủ để xây dựng trung tâm. Theo đó, ROSATOM được chỉ định đại diện Liên bang Nga thực thi trách nhiệm của mình. Các thành viên của ROSATOM chủ động phối hợp với các chuyên gia và giới chức Việt Nam trong việc chuẩn bị thi công. Các chuyên gia Nga đã lập và chuyển giao cho các đồng nghiệp Việt Nam các tài liệu nghiên cứu tiền khả thi, bao gồm mô tả chi tiết các đặc điểm và tính chất nghiên cứu phù hợp, cũng như các tài liệu về một lò phản ứng nghiên cứu của trung tâm. Các tài liệu này được các chuyên gia Việt Nam hoàn toàn chấp nhận, bởi các công nghệ hạt nhân của Nga nổi tiếng trên thế giới, và, đương nhiên cả ở Việt Nam, nơi mà một lò phản ứng nghiên cứu do các chuyên gia Nga tạo lập đang hoạt động tại Đà Lạt. Các công nghệ này cho phép tạo ra các phương tiện nghiên cứu hiệu quả và an toàn đáp ứng các yêu cầu gắt gao nhất.
PV: Theo kinh nghiệm của Nga, nhân sự cho các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cần đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu nào?
Ông Valery Karezin: Những yêu cầu đối với các nhà máy điện hạt nhân này sẽ tương tự như những điều đưa ra tại phần “Sơ lược về tiêu chuẩn đối với các vị trí biên chế nhân sự của các tổ chức năng lượng hạt nhân” trong tài liệu Hướng dẫn Kỹ năng Thống nhất cho các vị trí Quản lý, Chuyên gia và Nhân viên (phê duyệt bởi Bộ Y tế và Phát triển Xã hội Liên bang Nga, Chỉ dẫn số 977 ngày10/12/2009).
Theo tài liệu này, những người làm việc tại nhà máy điện hạt nhân, tùy thuộc vào vị trí, phải có từ trình độ trung cấp đến cao đẳng chuyên nghiệp và phải làm việc tại nhà máy điện hạt nhân đến 8 năm mới được quyền nắm giữ vị trí quản lý thích hợp tại một nhà máy điện hạt nhân.
Tiêu chuẩn điện hạt nhân Nga đòi hỏi giáo dục và đào tạo sau tốt nghiệp cho một vị trí được quy hoạch. Đối với các vị trí khác nhau, các khóa đào tạo như thế này có thể kéo dài từ 3 tới 6 tháng và lên tới 3 hoặc 4 năm cho việc đào tạo đặc biệt, thực tập nội trú và lấy văn bằng hai tại những vị trí thích hợp của nhà máy điện hạt nhân. Với chức vụ Kỹ sư trưởng và Trưởng ca, tập huấn có thể mất 7 tới 8 năm sau khi tốt nghiệp.
Nga có kinh nghiệm phong phú trong việc đào tạo nhân sự vận hành nhà máy điện hạt nhân cho nhiều quốc gia đã và đang có các điều kiện ban đầu tương đồng với Việt Nam (Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Belarus). Trong quá trình thi công nhà máy điện hạt nhân, các công nghệ huấn luyện ứng dụng cho phép đào tạo thành công đội ngũ nhân sự có kỹ năng bao gồm chủ yếu những người tốt nghiệp các trường đại học và nhóm khá nhỏ các chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp năng lượng truyền thống.
Đồng thời với việc đào tạo nhân lực, đất nước cần phải thiết lập được hệ thống đào tạo hiệu quả riêng của mình để đào tạo nhân sự và duy trì tài năng điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu hiện nay về vận hành và triển khai các dự án điện hạt nhân của đất nước trong tương lai.
PV: Xin cảm ơn Ông!
LÊ MỸ (thực hiện)