RSS Feed for Phát triển nhiệt điện than phải gắn với bảo vệ môi trường | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 11:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển nhiệt điện than phải gắn với bảo vệ môi trường

 - “Hiện tại và trong giai đoạn phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, việc phát triển nhiệt điện than cần đi đôi với bảo vệ môi trường…”, đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tại Hội thảo phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam tổ chức ngày 29/8, tại Hà Nội.

Một số vấn đề về cung cầu than cho nền kinh tế Việt Nam
Thị trường than ASEAN và những rủi ro của Việt Nam
Than Indonesia trong cân bằng năng lượng Việt Nam

Hội thảo phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Vai trò quan trọng của nhiệt điện than

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Hồng Tịnh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội nhấn mạnh: Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt tháng 3/2016 cho thấy vai trò của các nhà máy nhiệt điện chạy than là hết sức quan trọng.

Tỷ lệ nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện giai đoạn 2016 đến năm 2030 được dự báo luôn ở mức cao, từ 30% năm 2015 lên 49% năm 2020, 55% năm 2025. Tương ứng về công suất tăng từ 13,2GW năm 2015 lên 26GW năm 2020 và 48GW năm 2025…bình quân tăng khoảng 10%/năm.

Tại Hội thảo này, sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và các chủ đầu tư thảo luận và phân tích các kết quả đã đạt được, các vấn đề còn tồn tại sẽ giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước có các điều chỉnh về quản lý phù hợp để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo điện cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và đáp ứng các quy định về môi trường; đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các dự án nguồn điện đáp ứng nhu cầu điện năng, giải quyết các vấn đề về khí thải, nước thải và xử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: trong giai đoạn 2016-2030, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân là 7,0%/năm, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và 2026-2030 là 10%, 8,5% và 7,5%.

Hiện nay, nguồn thủy điện, về cơ bản thủy điện vừa và lớn đã được khai thác hết, tổng công suất đưa vào cân đối khoảng 20.000 MW, điện sản xuất trên 70 tỷ kWh. Từ sau năm 2020 sẽ tiếp tục phát triển và khai thác các dự án thủy điện nhỏ ít tác động đến môi trường.

Nguồn than, theo Quy hoạch ngành Than, tổng nguồn than trong nước cho điện có thể đưa vào cân đối trong dài hạn khoảng 45-50 triệu tấn/năm, đủ cấp cho khoảng 15.000 MW, với sản lượng điện trên dưới 88 tỷ kWh. Từ năm 2017, dự kiến nhập than, lượng than nhập khoảng 85 triệu tấn vào năm 2030.

Nguồn khí, sau năm 2023, dự kiến sẽ nhập khẩu LNG để bổ sung khí cho các nhà máy tua bin khí cụm Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch, khi khí từ mỏ Nam Côn Sơn suy giảm. Các nguồn khí mỏ Lô B dự kiến được khai thác vào năm 2020, nguồn khí mỏ Cá Voi Xanh dự kiến khai thác năm 2023, có thể kéo dài đến 2045-2048. Tổng công suất nhiệt điện khí (dùng khí đốt trong nước) đưa vào cân đối trong dài hạn chỉ dừng ở mức trên 12.000 MW, với sản lượng điện khoảng 63 tỷ MW.

Nguồn năng lượng tái tạo, gồm: thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đạt khoảng 27.200 MW, với tỷ trọng 21% vào năm 2030.

Trên cơ sở cân đối nhu cầu điện và tiềm năng năng lượng sơ cấp trong giai đoạn này, Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2016 (QHĐ7). Theo đó, dự báo nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh và 506 tỷ kWh. Theo QHĐVII điều chỉnh, đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm 49,3% điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiến 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300MW chiến 53,2% điện sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, ngày 22/11/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 31/2016/QH14 về việc dừng chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận… như vậy, hiện tại và trong giai đoạn phát triển đến 2030, tầm nhìn 2035, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

PGS, TS. Trương Duy Nghĩa.

Nói về tỷ lệ nhiệt điện than trên thế giới, PGS, TS. Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho biết: Trung Quốc là nước có tỷ lệ nhiệt điện than rất cao (79%), còn trung bình toàn thế giới là 41,2%. Song là nước sản xuất nhiều điện nhất thế giới nên sản lượng điện do nhiệt điện than của Trung Quốc rất lớn, tới 4.600 tỷ kWh (lớn hơn tổng sản lượng điện của nước Mỹ).

PGS, TS. Trương Duy Nghĩa khẳng định, trên thế giới, điện năng do nhiệt điện than vẫn là chủ đạo. Cụ thể, Mông Cổ (95,1%), Nam Phi (93,8%), Ba Lan (86,7%), Hồng Kông (71,2%), Úc (68,%), Ấn Độ (67,8%), Israel (59%), Đức (45%), Hàn Quốc 43,2%...

“Các nước đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện. Đây là thời kỳ phát triển mạnh kinh tế, nhu cầu điện năng rất cao. Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo và mới bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than…”, PGS, TS. Trương Duy Nghĩa nhấn mạnh.

Song hành với bảo vệ môi trường

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, để phát triển nhiệt điện than trong giai đoạn tới, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại có các thông số hơi (nhiệt điện, áp suất) trên tới hạn và trên siêu tới hạn để nâng cao hiệu suất các tổ máy, giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát thải ra môi trường.

“Phát triển nhiệt điện than cần đi đôi với bảo vệ môi trường…”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.

Đối với các dự án xây mới sẽ áp dụng các công nghệ xử lý khói thải, nước thải tiên tiến (De-Sox, De-NOx, ESP khử bụi), đối với các nhà máy đang vận hành, sẽ tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện đầy đủ các quy định vận hành, cải tiến, nâng cấp, lắp đặt thêm các hệ thống thiết bị xử lý môi trường; tăng cường các giải pháp xử dụng tro xỉ, thạch cao để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, san lấp công trình xây dựng…nhằm đáp ứng các quy định về phát thải của Việt Nam cũng như của quốc tế.

Theo TS. Trần Văn Lượng - Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), để đảm bảo việc phát triển nhiệt điện than gắn với phát triển bền vững, ngoài sự vào cuộc của các nhà máy, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các nhà máy nhiệt điện than có thể chủ động xử lý các vấn đề môi trường của nhà máy.

Cụ thể, sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ theo hướng loại bỏ giấy phép “Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường” theo Khoản 5 Điều 32 để các doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng dễ dàng tiếp cận và xử ly, tái chế tro, xỉ của nhà máy NĐT.

Sớm ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền. Làm cơ sở để quản lý chất lượng các loại tro, xỉ cũng như việc sử dụng các loại tro, xỉ cho các mục đích khác nhau.

Đồng thời, sửa đổi QCVN 22:2009/BTNMT phù hợp với thực tế hoạt động của các nhà máy và đảm bảo lộ trình áp dụng Quy chuẩn phù hợp với các nhà máy NĐT.

Sửa đổi các quy định liên quan đến việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy định về xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.

MAI THẮNG

Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 1)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 2)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 3)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 4)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 5)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 6)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 7)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 8)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 9)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 10)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 11)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 12)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 13)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 14)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 15)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 16)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 17)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 18)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 19)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 20)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động