Đà Nẵng đề nghị thủy điện ĐăkMi 4 điều tiết nước cho hạ lưu
12:04 | 27/03/2013
>> Quảng Nam yêu cầu kiểm định an toàn các đập thủy điện
>> Nghệ An chấm dứt quyền đầu tư 6 dự án thủy điện
HẢI CHÂU
Việc thuỷ điện Đăk Mi 4 không xả nước về hạ lưu sông Vu Gia theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ gây tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cho TP Đà Nẵng - Ảnh: Hải Châu
Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, lượng mưa trung bình trong mùa mưa năm 2012 trên lưu vực sông Vu Gia chỉ đạt 40% lượng mưa trung bình nhiều năm; lượng mưa từ đầu năm 2013 đến nay nhỏ. Trong khi đó, thủy điện ĐakMi 4 nằm ở thượng nguồn sông Vu Gia lại không xả nước về hạ lưu.
Từ đó đã dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trên lưu vực sông Vu Gia. Thậm chí mực nước 2,21m đo được tại Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) ngày 18/3 được ghi nhận là mức thấp kỷ lục trong tháng 3 kể từ 30 năm nay trở lại đây. Mực nước trước đập dâng An Trạch (Đà Nẵng) cũng chỉ đạt 1,5m dù đã đóng kín toàn bộ các cửa của hệ thống đập dâng này (gồm các đập: An Trạch, Hà Thanh, Bàu Nít và Thanh Quýt).
Do nguồn nước từ thượng nguồn Quảng Nam đổ về ít đã khiến thuỷ triều lấn sâu vào đất liền nên sông Cầu Đỏ - nguồn cung cấp nước chính cho Đà Nẵng bị nhiễm mặn dài ngày. Có thời điểm độ mặn lên tới gần 3.000mg/lít, gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế nên không thể sử dụng để xử lý thành nước sinh hoạt. Từ cuối tháng 11/2012 đến nay, nhà máy nước Đà Nẵng phải lấy nước thô từ đập dâng An Trạch trên sông Yên, cách đó khoảng 8km về xử lý thành nước sinh hoạt nên chi phí vận hành tăng rất cao.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp của gần 7.000ha lúa thuộc các huyện: Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam) và Hoà Vang (TP. Đà Nẵng) cũng bị thiếu nước nghiêm trọng do không đủ lưu lượng và hụt đầu nước ở các trạm bơm khiến máy bơm không hoạt động được.
"Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Công văn số 2840/VPCP-KTN, ngày 29/4/2010, UBND TP. Đà Nẵng kính đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường làm việc với Bộ Công Thương yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4 (là Công ty Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) - PV) xả nước về lại sông Vu Gia để chống hạn, với lưu lượng 25m3/s" - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nêu rõ.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí sau khi có thông tin về việc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Đà Nẵng đề xuất UBND TP. Đà Nẵng ra văn bản vừa nêu, ông Đỗ Xuân Yến, Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Đăk Mi 4, cho rằng: Đăk Mi 4 đã thống nhất với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chỉ dành nguồn nước từ sông Vu Gia đổ về sông Thu Bồn (qua 2 tổ máy phát điện) để chống xâm nhập mặn, phục vụ chống hạn cho vụ hè - thu tới ở vùng Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên.
Theo ông Đỗ Xuân Yến, sở dĩ có thỏa thuận đó là vì Thủy điện Sông Tranh 2 ở thượng nguồn Thu Bồn đang bị “trục trặc”, không thể giữ và điều tiết được nguồn nước cho hạ du. “Bây giờ Đà Nẵng có kiện ra Chính phủ thì cứ kiện, chúng tôi cũng không có nước đâu mà điều tiết về nhánh Vu Gia” - ông Đỗ Xuân Yến thách thức.
Như vậy, dù đã có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Luật Tài nguyên nước cũng quy định, trong trường hợp cần thiết phải ưu tiên hàng đầu cho nguồn nước phục vụ sinh hoạt thay vì sản xuất tưới tiêu nhưng Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về chia sẻ nguồn nước. Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài, nguồn nước về đập dâng An Trạch của Đà Nẵng sẽ cạn kiệt. Nếu không có sự chia sẻ nguồn nước hợp lý từ phía Quảng Nam thì cả triệu dân Đà Nẵng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhiễm mặn.
Trước tình hình đó, cùng lúc với việc gửi văn bản cho Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cùng kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công Thương yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4 xả nước về lại sông Vu Gia, với lưu lượng 25m3/s theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại công văn 2840/VPCP-KTN, ngày 29/4/2010 của Văn phòng Chính phủ.
Đồng thời Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất giao Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Quảng Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn TP. Đà Nẵng nghiên cứu giải pháp cấp bách tại cửa sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc) để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của hai địa phương.
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Trung Quốc đừng dại thử lòng yêu nước của dân tộc Việt!
Liệu sẽ có trục Bắc Kinh - Mạc Tư Khoa?
Kết cục cay đắng của trùm tài phiệt Nga Berezovsky
Biển Đông: Trung Quốc chôn bom nổ chậm, quốc tế lo ngại
Kỷ nguyên Tập - Lý chính thức bắt đầu
Triều Tiên: 'Cuộc chiến tranh lần 2 là không tránh khỏi'
Nga chuẩn bị bàn giao tàu ngầm cho Việt Nam
Người Nga và kịch bản Trung Quốc tấn công Nga
Nguồn: infonet