Xem xét mô hình quản lý sàng tuyển than trong 'tái cơ cấu'
15:25 | 11/07/2013
>> Bốn nội dung quan trọng trong tái cơ cấu ngành Than Việt Nam
>> 10 lý do phải tái cơ cấu ngành Than Việt Nam
>> Đổi mới mô hình tăng trưởng của Vinacomin một cách bài bản
>> Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh của Vinacomin
Việc đánh giá lại mô hình sàng tuyển than tập trung là rất cần thiết trước khi lập quy hoạch chi tiết.
NGUYỄN VĂN THẮNG
Theo Quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Mục tiêu quy hoạch sàng tuyển than là: Trước năm 2015 hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch bố trí các cơ sở sàng tuyển vùng Quảng Ninh, nhằm mục tiêu tối ưu hóa công tác vận chuyển than, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng về các chủng loại than qua sàng tuyển và đảm bảo phù hợp quy hoạch phát triển đô thị vùng than, quy hoạch giao thông, cảng biển, yêu cầu bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2020 phát triển chế biến than theo hướng đa dạng hóa sản phẩm (nhiên liệu đốt trực tiếp, than dùng cho luyện kim, khí hóa than, nhiên liệu lỏng từ than, nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất v.v…).
Với mục tiêu quan trọng trên, việc đánh giá lại mô hình sàng tuyển than tập trung là rất cần thiết trước khi lập quy hoạch chi tiết.
Hiện trạng công tác chế biến than của Vinacomin
Hiện trạng: Tổng sản lượng than nguyên khai (NK) khai thác của Vinacomin 2010: 46,8 triệu tấn, sản lượng than NK vào các nhà máy sàng tuyển: 17.6 triệu tấn, tương đương 37,61%, tỉ lệ than cám sàng khô 32-38%.
Số lượng than NK còn lại được sàng tách cám khô kết hợp nghiền, hoặc tuyển trong các mô đun tuyển nhỏ tại các đơn vị sản xuất. Hiện nay có 3 nhà máy sàng - tuyển than có khả năng đạt công suất: Cửa Ông: 11.5 triệu tấn, Hòn Gai: 3 tiệu tấn và Vàng Danh: 3 triệu tấn.
Nhà máy sàng - tuyển than Hòn Gai và Cửa Ông là các nhà máy sàng - tuyển tập trung, nhận nhiệm vụ sàng - tuyển than nguyên khai các mỏ thuộc khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả, dây chuyền công nghệ của nhà máy tương đối hiện đại. Tuyển không phân cấp bằng máy lắng kết hợp tuyển xoáy lốc huyền phù manhêtít có áp 02 sản phẩm và máng xoắn tuyển cấp hạt mịn, hệ thống điều khiển nhà máy cơ bản đảm bảo hiện đại, tập trung.
Hiện tại các nhà máy đang đang nâng cấp hoàn thiện khâu xử lý bùn nước: Tuyển than Cửa Ông đã đầu tư hệ thống lọc ép tăng áp than bùn công suất 1 triệu tấn/năm (đạt tỉ lệ 40-45% sản lượng bùn nước hiện tại) thay cho hệ thống bể lắng ngoài trời hiện có, sản phẩm than bùn sau lọc ép có độ ẩm W≤20% và công nghệ đảm bảo thu hồi tối đa lượng nước tuần hoàn, hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường khu vực vịnh Bái Tử Long.
Tuyển than Hòn Gai đã đầu tư hệ thống tuyển nổi than bùn kết hợp hệ thống lọc ép tăng áp. Sản phẩm sau tuyển và lọc ép là cám 3 và đá thải, các sản phẩm này đều có độ ẩm đạt W≤20%, công nghệ này đảm bảo thu hồi tối đa lượng nước tuần hoàn.
Nhà máy sàng - tuyển than Vàng Danh sử dụng công nghệ tuyển huyền phù manhêtít: Tuyển than cấp +15mm bằng máy tuyển thùng CKB, có bổ sung tuyển xoáy lốc huyền phù 2 sản phẩm tuyển than cấp hạt 1-35mm. Sản lượng nguyên khai khai thác còn lại 29,2 triệu tấn (62.4%) được sàng tách cám khô tại mỏ, cấp +50mm được nhặt tay lấy than cục xô. Cấp hạt 15-50mm tiêu thụ trực tiếp hoặc đưa vào chế biến theo các công nghệ: nghiền thành than cám để pha trộn tiêu thụ, hoặc một số mỏ tuyển nâng cấp bằng các modul tuyển nhỏ như tuyển huyền phù tự sinh, huyền phù manhêtít tang quay, tuyển khí.
Vinacomin hiện có 15 cụm modul tuyển nhỏ có tổng công suất 5.9 triệu tấn. Năm 2010 sản lượng vào tuyển 3.1 tiệu tấn có độ tro trung bình Ak=56,15% (chủ yếu than don xô, bã sàng), than sạch thu hồi 1.5 tiệu tấn, đạt 48.52%, độ tro than sạch: Ak=32.13%. Đá thải 1.6 triệu tấn, chiếm 51.48%, độ tro thải Ak=79.26%.
Nhận xét:
1. Ưu điểm:
Các nhà máy sàng tuyển tập trung đạt và vượt công suất thiết kế, công nghệ hiện đại, hệ thống bùn nước được đầu tư khép kín và tận thu nước tuần hoàn tối đa. Cơ bản đã đạt được mục tiêu đầu tư, giải quyết tốt vấn đề tuyển nâng cao chất lượng than phục vụ xuất khẩu.
Các cụm sàng tại mỏ đã đáp ứng được công tác sàng tách cám khô phần sản lượng NK còn lại. Các modul tuyển nhỏ cơ bản đã đáp ứng được công tác tuyển nâng cấp than don xô, bã sàng, đất đá lẫn than… có chất lượng thấp thành than có chất lượng cao hơn (than cục don 6, cám 5 hoặc cám 6A ) phục vụ nhu cầu tiêu thụ. Có khả năng công nghệ mềm dẻo, đáp ứng tốt công tác tận thu tài nguyên, đá thải đảm bảo có độ tro >75%. Diện tích sử dụng đất không lớn, mức đầu tư vừa phải. Dễ huy động nguồn lực xã hội hóa vào đầu tư. Thuận tiện trong việc đổ đất đá thải và xử lý môi trường bùn, nước thải ngay tại mỏ, không ảnh hưởng đến các khu dân cư. Giảm đáng kể chi phí vận chuyển than và đất đá thải. Chi phí sàng tuyển thấp hơn so với nhà máy tuyển tập trung.
2. Nhược điểm:
Các nhà máy sàng tuyển tập trung có hạn chế về khả năng tận thu tài nguyên chưa triệt để vì hiện tại các nhà máy tuyển tập trung chỉ nhận sàng tuyển cám 5 nguyên khai cho các mỏ do đã vượt công suất thiết kế. Đổ đất đá thải ra ngoài môi trường vịnh (Nhà máy sàng tuyển than Cửa Ông; Hòn Gai). Hệ thống thu hồi bùn nước chưa triệt để vẫn còn để hồ bùn tự nhiên chiếm diện tích và thải nước ra ngoài môi trường (Nhà máy sàng tuyển than Cửa Ông; Hòn Gai). Công nghệ vận tải hiện sử dụng ô tô hoặc đường sắt nên chi phí vận tải lớn, ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư. Công nghệ sàng tuyển chưa thực sự mềm dẻo, khó đáp ứng được yêu cầu khi thay đổi nguồn than nguyên khai đầu vào. Tốn chi phí nhân công vào các khâu phụ trợ: Quản lý; vận chuyển; sửa chữa; đời sống; y tế… (Nhà máy sàng tuyển than Cửa Ông hiện có trên 4.000 công nhân; Nhà máy sàng tuyển than Hòn Gai có trên 1.500 công nhân). Mức đầu tư lớn: trong giai đoạn 2011-2015 khi Vinacomin tiến hành đồng thời ĐTXD các dự án nhà máy sàng tuyển tập trung và các tuyến băng tải vận chuyển than nguyên khai từ các mỏ về nhà máy thì sẽ cần vốn đầu tư rất cao, có thể làm giảm hiệu quả SXKD và ảnh hưởng xấu đến mục tiêu phát triển bền vũng của Vinacomin. Trung bình 1 NM sàng tuyển tập trung có công suất 3-4 triệu tấn/năm để hoàn thiện có tổng mức đầu tư khoảng 2000 tỉ đồng; vận chuyển than nguyên khai vào NM, than sạch từ NM đến nơi nhận than bằng băng tải có tổng cung độ 7-10km có tổng mức đầu tư khoảng 600-1000 tỉ đồng...
Các cụm sàng tại mỏ: Chất lượng than đầu ra chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Công nghệ sàng tuyển đơn giản, công suất nhỏ, khó áp dụng công nghệ tự động hóa điều khiển. Sử dụng nhiều lao động thủ công.
Đề xuất quy hoạch công tác chế biến than của Vinacomin
Để lập ra quy hoạch chi tiết đầu tư các cụm sàng mới, trước tiên phải cân đối nhu cầu sản phẩm tiêu thụ của thị trường. Theo định hướng phát triển của các ngành năng lượng đến 2015 lượng than cấp cho điện sẽ chiếm tỷ lệ rất lớn, chưa kể nhu cầu các ngành công nghiệp khác. Sản lượng than khai thác thì không thể tăng mãi được, khi các dự án đầu tư mở mỏ mới còn chưa kịp thực hiện.
Dự báo sau 2015 còn có thể phải nhập khẩu than để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Vì vậy lượng than xuất khẩu năm 2015 chỉ còn 4 - 5 triệu tấn chủ yếu là các loại than cục chất lượng tốt (cục 4-6) và than cám 6-9 vùng Hòn Gai; Cẩm Phả.
Căn cứ theo nhu cầu đó thì công suất các nhà máy tuyển tập trung hiện nay là có thể đáp ứng tốt sản lượng than xuất khẩu. Còn lại các nhu cầu trong nước không đòi hỏi than chất lượng cao, nên không cần phải đầu tư các nhà máy sàng tuyển than có công suất lớn, công nghệ đắt tiền.
Các đề xuất cụ thể như sau:
Các nhà máy sàng tuyển tập trung: Nhà máy tuyển than Cửa Ông duy trì công suất hiện tại, đầu tư hiện đại hóa hệ thống thu hồi bùn nước.
Nhà máy tuyển than Vàng Danh đầu tư cải tạo và mở rộng, hiện đại hóa nâng công suất trên cơ sở cân đối nguồn than nguyên khai cung cấp và bãi đổ thải hợp lý.
Nhà máy tuyển than Hòn Gai duy trì như hiện có và sẽ giải tán khi công suất khai thác mỏ vùng Hòn Gai giảm đi.
Nhà máy tuyển than Khe Chàm xem lại công nghệ, quy mô đầu tư. Hiện tại khu vực này công suất các mỏ còn tương đối lớn, nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa có: đầu vào và đầu ra của nhà máy hiện nay chưa có.
Nhà máy tuyển than Khe Thần đang trong giai đoạn chuẩn bị giải phóng mặt bằng, cần xem xét điều chỉnh ngay, vì với công suất 4 triệu tấn than nguyên khai chỉ phục vụ cho Nam Mẫu là không đáp ứng được mục tiêu sàng tuyển tập trung. Bãi đổ thải 75ha trong khu vực dân cư là chưa đáp ứng mục tiêu đảm bảo môi trường. Suất đầu tư gần 2.000 tỷ đồng là chưa đáp ứng mục tiêu tiết kiệm đầu tư; cần nhanh chóng đánh giá lại mục tiêu đầu tư, hiệu quả kinh tế thật chi tiết trên cơ sở cân đối sản phẩm và nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Đặc biệt, với tính chất than vùng Uông Bí có hàm lượng lưu huỳnh cao, ngoài ra than vùng này cũng chỉ tuyển ra được cám 3 TCVN, khó tuyển ra cám 1, 2 TCVN để phục vụ xuất khẩu. Sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế, công nghệ… đạt thì mới tiến hành giải phóng mặt bằng, nếu không đạt nên ngừng đầu tư như Dự án cảng Kê Gà để tránh các hệ lụy về sau do sai lầm trong định hướng đầu tư.
Đối với bể than đồng bằng Sông Hồng: Tùy thuộc vào tiến độ đầu tư, công suất và công nghệ khai thác, nhu cầu sử dụng về chủng loại than, xem xét đầu tư các cơ sở sàng tuyển, chế biến, sử dụng than (Tổ hợp năng lượng điện - khí; than - khí - nhiên liệu lỏng, nhà máy sàng tuyển chế biến than) với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường tại tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên, phù hợp với sản lượng khai thác.
Các cụm sàng tại mỏ: Tăng cường sử dụng các công nghệ tuyển than chất lượng thấp thành than có chất lượng cao để tận thu tối đa tài nguyên, nâng cao hệ số thu hồi tại các mỏ. Khuyến khích các mỏ kêu gọi hình thức xã hội hóa đầu tư vào các cụm modul sàng tuyển nhỏ phù hợp với công suất và công nghệ khai thác của mỏ. Đặc biệt nên nghiên cứu hình thức đầu tư theo hình thức BOT hoặc BT với yêu cầu các nhà đầu tư phải sử dụng nhân công tại chỗ của các đơn vị. Quản lý chặt chẽ các chỉ tiêu công nghệ về hệ số thu hồi, tỷ lệ hao hụt trong khai thác, vận chuyển, chế biến. Yêu cầu đảm bảo đất đá thải của mỏ đều có độ tro Ak> 78%. Linh hoạt trong vận hành và sử dụng theo từng chất lượng than đầu vào cụ thể. Chế biến nhiều chủng loại theo nhu cầu thực tế của thị trường tiêu thụ. Tập trung nhiều modul vào các cụm để dễ dàng xử lý nước và bùn thải nhằm đảm bảo các yếu tố môi trường đồng thời có điều kiện đầu tư các thiết bị xử lý tận thu than bùn phục vụ cho các nhu cầu dân sinh khác.
NangluongVietnam.vn
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Tổng thống Putin: 'Ai Cập bên bờ vực nội chiến'
Nhìn từ chuyện Bộ trưởng muốn cách chức Giám đốc Sở
Tác chiến điện tử: Sự thành bại của chiến tranh công nghệ cao
Vận mệnh quốc gia và lòng tự trọng...