RSS Feed for Việt Nam và Nhật Bản bàn về ứng phó sự cố hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 18:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam và Nhật Bản bàn về ứng phó sự cố hạt nhân

 - Triển khai xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, việc ứng phó sự cố trong trường hợp khẩn cấp là hết sức quan trọng, cần được nghiên cứu từ giai đoạn đầu chuẩn bị dự án.

Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân
Phát triển hạ tầng điện hạt nhân theo yêu cầu của IAEA

Để nâng cao hơn nữa nhận thức về lĩnh vực này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)  phối hợp với Trung tâm Thông tin Điện lực Nhật Bản (JEPIC) tổ chức Hội thảo “Ứng phó sự cố hạt nhân”, tại Hà Nội, từ ngày 19-22/1.

Qua hội thảo, các đại biểu sẽ nhận thức cụ thể, rõ ràng hơn về các vấn đề liên quan đến kế hoạch ứng phó với sự cố hạt nhân. Ảnh: Hải Vân

Để đưa Việt Nam thành nước công nghiệp và hiện đại, các yếu tố về đa dạng hoá nguồn năng lượng, đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng an toàn, bền vững, bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường là những nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Cường Lâm trong bài phát biểu của mình đã đề cấp tới chương trình điện hạt nhân của Việt Nam bắt đầu phát triển, với cột mốc là việc Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư hai  nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận.

Chính phủ Việt Nam cũng đã quyết định hợp tác với Liên bang Nga để xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và hợp tác với Nhật Bản để xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Theo hướng đó, ông Nguyễn Cường Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam là một chiến lược mang tính dài hạn của quốc gia bên cạnh việc tận dụng nguồn tài nguyên trong nước và nhập khẩu năng lượng ở mức độ thích hợp. 

Thời gian qua, ông Lâm nói EVN và các bộ, ngành của Việt Nam đã có những hoạt động tích cực nhằm triển khai những hoạt động của các dự án điện hạt nhân, trong đó tập trung cho nhiều hoạt động về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, nhằm đáp ứng 19 yêu cầu về hạ tầng của IAEA.

Đối với việc triển khai xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, ông Lâm nói rằng việc “ứng phó sự cố trong trường hợp khẩn cấp là hết sức quan trọng, cần được nghiên cứu từ giai đoạn đầu chuẩn bị dự án”.

“Kế hoạch ứng phó sự cố cũng là một trong những nội dung quan trọng trong hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu khả thi của Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2”, ông Lâm cho biết.

Theo Ban Tổ chức, trong 4 ngày diễn ra hội thảo, các bài trình bày sẽ đề cập đến các biện pháp phòng chống cháy nổ trong nhà máy điện hạt nhân, an ninh hạt nhân, kế hoạch hành động bảo vệ người dân trong trường hợp sự cố, tai nạn hạt nhân Fukusima, các ảnh hưởng bức xạ hạt nhân đối với người dân và môi trường xung quanh…

Ông Nguyễn Cường Lâm hi vọng qua hội thảo này, các đại biểu sẽ có “nhận thức cụ thể, rõ ràng hơn” về các vấn đề liên quan đến kế hoạch ứng phó với sự cố hạt nhân, từ đó hỗ trợ quá trình chuẩn bị và triển khai dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Theo ông Hiroki Takimoto - Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế về Điện hạt nhân (JICC) - Nhật Bản, từ tháng 10/2010, khi Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã ký một thoả thuận hợp tác xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2, cho đến nay, các cơ quan phía Nhật đã rất tích cực hỗ trợ triển khai dự án này.

Hội thảo lần này liên quan đến ứng phó sự cố tại nhà máy điện hạt nhân, ông Hiroki Takimoto nói “muốn giúp Việt Nam hiểu và có cách nhìn về việc ứng phó khi xảy ra thiệt hại tại nhà máy điện hạt nhân từ thời điểm phát sinh sự cố”.

Nhật Bản đã trải qua thảm hoạ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi, và đó cũng là một trong những bài học rút ra được trong các kế hoạch cũng như cách thức tổ chức ứng phó khi xảy ra sự cố hạt nhân.

Với kinh nghiệm như vậy, qua hội thảo lần này phía Nhật Bản muốn chia sẻ những cách thức ứng phó khi xảy ra sự cố hạt nhân. Cách thức ứng phó tuỳ theo phạm vi, mức độ của các tai nạn này được xử lý, ứng phó như thế nào?

Đặc biệt, từ dưới góc độ của chủ đầu tư, sẽ phải đưa vào chương trình ứng phó của mình như thế nào khi xảy ra sự cố hạt nhân tuỳ theo từng mức độ, quá trình.

Ông Hiroki Takimoto hi vọng những hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản giành cho Việt Nam sẽ đóng góp vào chương trình phát triển điện hạt nhân trong tương lai.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động