Việt Nam muốn mua mỏ than tại Nam Phi
09:10 | 12/11/2019
Nhập khẩu than cho điện và phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Trao đổi với lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoáng sản - Năng lượng Nam Phi Thabo - ông Mokoena cho biết, các cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai quốc gia trong lĩnh vực khai thác than và năng lượng Nam Phi là rất lớn, bởi quốc gia này có trữ lượng than hàng đầu thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tiếp xúc song phương với Thứ trưởng Bộ Khoáng sản và Năng lượng Nam Phi Thabo Mokoena. Nguồn Báo Công Thương.
Trong tiếp xúc song phương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã thông báo cho phía Nam Phi về nhu cầu nhập khẩu than phục vụ các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời đề nghị làm rõ các quy định liên quan tới việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam mua mỏ than và kinh doanh khai thác, xuất khẩu than tại Nam Phi.
Mặt khác, hai bên cũng đã trao đổi các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực điện và năng lượng tái tạo. Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị phía Nam Phi sớm hoàn tất các thủ tục nội bộ để hai bên có thể ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản.
Phía Nam Phi thông báo, về cơ bản đã hoàn tất các thủ tục nội bộ và đề nghị hai bên trao đổi, thống nhất các thủ tục, thời điểm ký kết.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Công Thương Việt Nam cũng đã đề nghị hai bên phối hợp để tổ chức một diễn đàn hợp tác năng lượng nhân dịp ký MOU hợp tác khoáng sản trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng của hai nước có nhu cầu hợp tác.
Theo nguồn tin Tạp chí Năng lượng Việt Nam, trữ lượng và chất lượng than Nam Phi tính đến cuối năm 2017 là 9.893 triệu tấn (trong đó toàn bộ là than Antraxit và Bitum) chiếm 1% tổng trữ lượng than toàn thế giới. Nam Phi là quốc gia có trữ lượng đứng thứ 12 trên thế giới.
Than của Nam Phi chủ yếu tập trung ở khu vực Waterberg và Witbank, với tỉ trọng lần lượt là 29,4% và 52,6%, các khu vực còn lại chiếm tỉ trọng từ 2,6% đến 6,2%. Than có chất lượng từ trung bình đến cao chiếm phần lớn trong tổng trữ lượng than của Nam Phi. Chỉ có than tại khu vực South Rand có nhiệt trị 4.300 kcal/kg và khu vực Vereeniging - Sasolburg, nhiệt trị 3.775 kcal/kg, còn tại các khu vực khác than đều có nhiệt trị trên 6.000 kcal/kg. Hầu hết các mỏ có hàm lượng lưu huỳnh trong than dưới 1%.
Thị trường xuất khẩu than truyền thống của Nam Phi từng là châu Âu, đặc biệt là Hà Lan, Bỉ và Anh. Sau năm 2000, khi việc giảm phát thải GHG bắt buộc thực hiện theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia, chủ yếu là ở châu Âu đã triển khai thực hiện Nghị định thư, do đó nhập khẩu than bắt đầu suy giảm. Hiện nay, xuất khẩu than của Nam Phi chủ yếu được dành cho Ấn Độ với tỉ trọng chiếm khoảng 45% tổng lượng than xuất khẩu. Trung Quốc, vốn từng nhập khẩu một lượng lớn than đá từ Nam Phi, tuy nhiên những năm gần đây đã không nhập khẩu than từ nước này.
Nam Phi hiện có 3 cảng biển phục vụ xuất khẩu than nối liền với các vùng mỏ bằng hệ thống đường sắt, trong đó có cảng Richards Bay ở phía Nam Nam Phi với công suất 91 triệu tấn/năm là cảng xuất khẩu than lớn nhất thế giới./.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM