RSS Feed for Vẫn còn ý kiến ‘thiếu cơ sở’ về dự án Thủy điện Hòa Bình (mở rộng) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 23:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vẫn còn ý kiến ‘thiếu cơ sở’ về dự án Thủy điện Hòa Bình (mở rộng)

 - Nhận xét bài “Vì sao nên mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình?” ThS. Trần Văn Minh - Hội Tưới tiêu Việt Nam cho rằng: “Bài viết này mang tính ngụy biện cho những sai sót trong việc lựa chọn phương án Thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2”. Để rộng đường dư luận, dưới đây chúng tôi giới thiệu ý kiến phản biện của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về vấn đề này.
Thủy điện Hoà Bình (mở rộng) trước nguy cơ phát sinh chi phí đầu tư Thủy điện Hoà Bình (mở rộng) trước nguy cơ phát sinh chi phí đầu tư

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trên công trường dự án Thủy điện Hoà Bình mở rộng (ngày 28/7), ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng: Nếu dự án này không được triển khai thi công trở lại sớm sẽ có nguy cơ mất an toàn các hạng mục công trình đang thi công dở dang và phát sinh chi phí đầu tư xây dựng, dẫn đến ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án.

Vì sao nên mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình? Vì sao nên mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình?

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (mở rộng) sau một thời gian thi công, trong các ngày 17 - 20/10 và 6/11/2021 có hiện tượng sạt lở trong hố móng tại vị trí mở rộng Nhà máy. Sau sự cố này, một số ý kiến đề nghị vì sự an toàn của công trình Thủy điện Hòa Bình cần xem xét lại - liệu có nên mở rộng thêm 2 tổ máy hay không? Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây để bạn đọc tham khảo.

Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình là công trình thủy điện đa mục tiêu, bao gồm: Chống lũ, phát điện, t­ưới tiêu, đảm bảo giao thông thủy. Công trình được đưa vào vận hành tất cả 8 tổ máy từ ngày 4/4/1994, cho đến nay Nhà máy luôn thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Công trình Thủy điện Hòa Bình có chức năng và nhiệm vụ chính sau đây:

1/ Phát điện: Với công suất đặt 1.920 MW và khi làm việc độc lập sẽ phát ra lượng điện năng khoảng 8,2 tỷ kWh hàng năm và khi làm việc trong bậc thang hoàn chỉnh, hàng năm sản xuất xấp xỉ 10 tỷ kWh, tăng thêm khoảng 1,8 tỷ kWh so với khi làm việc độc lập.

2/ Phòng chống lũ cho hạ lưu: Với nhiệm vụ phòng chống lũ cho hạ du, hồ chứa Hòa Bình cùng hồ chứa Thủy điện Sơn La dành dung tích phòng lũ 7,0 tỷ m3 nước để cùng các hồ chứa trên sông Gâm và các công trình chống lũ khác sẽ bảo vệ thung lũng sông Hồng khỏi những cơn lũ có tần suất đến 0,2%.

3/ Cấp nước: Ngoài 2 nhiệm vụ phát điện và phòng chống lũ hạ du, Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình còn bổ sung nước về mùa kiệt cho đồng bằng sông Hồng để phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông - Xuân và giao thông thuỷ.

Thống kê tình hình vận hành của Thủy điện Hoà Bình trong vòng 17 năm gần đây cho thấy: Hằng năm Nhà máy phải xả lũ một lượng khá lớn vào tháng 6 đến tháng 9. Do vậy, việc nghiên cứu mở rộng Thủy điện Hoà Bình nhằm tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Bắc, đặc biệt là trong các giờ cao điểm, góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống.

Ngày 10/1/2021 tại tỉnh Hòa Bình đã tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình mở rộng. Theo đó, sẽ lắp đặt thêm 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240 MW, sản lượng phát điện trung bình hằng năm tăng thêm khoảng 488,3 triệu kWh. Như vậy, sau khi hoàn thành nâng cấp, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình sẽ có 10 tổ máy với tổng công suất lắp máy 2.400 MW (tương đương với công suất lắp máy của Nhà máy Thủy điện Sơn La hiện nay).

Hồ thủy điện Hòa Bình là hồ điều tiết theo mùa (điều tiết năm), biên độ dao động mực nước trong năm rất lớn khoảng 37m (từ mực nước dâng bình thường 117m xuống mực nước chết 80m). Cũng như công trình Thủy điện Thác Bà, công trình Thủy điện Hòa Bình có quy trình quản lý, vận hành khai thác riêng. Giai đoạn đầu khi vận hành, quy trình do Liên Xô giúp xây dựng, sau đó được các chuyên gia trong nước cập nhật, bổ sung và hoàn thiện thêm. Việc quản lý khai thác luôn tuân thủ các quy định trong quy trình nói trên. Nhiều năm trước khi hồ Thủy điện Tuyên Quang chính thức được đưa vào vận hành khai thác (2007), Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện lớn đã xây dựng trên lưu vực sông Hồng nhằm phát huy hiệu quả khai thác thủy điện và phòng chống lũ của các công trình này.

Năm 2007 Công trình Thủy điện Tuyên Quang chính thức đưa vào khai thác. Và cũng bắt đầu từ mùa lũ năm 2007 công việc vận hành điều tiết hồ Thủy điện Hòa Bình và các hồ chứa lớn khác trên lưu vực sông Hồng trong mùa lũ còn phải tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các quyết định sau đây:

- Từ mùa lũ năm 2007 đến hết mùa lũ năm 2010 tuân thủ Quyết định số 80/2007/QĐ-TTg ngày 1/6/2007 về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà trong mùa lũ hàng năm.

- Mùa lũ năm 2011 tuân thủ Quyết định số 859/QĐ-TTg ngày 6/6/2011 về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang trong mùa lũ năm 2011.

- Từ mùa lũ năm 2012 đến hết mùa lũ năm 2014 tuân thủ Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 10/2/2011 về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang trong mùa lũ hàng năm.

- Từ mùa lũ năm 2015 đến hết mùa lũ năm 2018 tuân thủ Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 17/9/2015 về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, bao gồm các hồ Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu, Bản Chát và Huội Quảng.

- Từ mùa lũ 2019 đến nay tuân thủ Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được phê duyệt tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tường Chính phủ. Tại Điều 6 của Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 quy định: Để đảm bảo chống lũ an toàn và nâng cao hiệu ích phát điện, quy định 3 thời kỳ vận hành trong mùa lũ như sau:

1. Thời kỳ lũ sớm: Từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 19 tháng 7.

2. Thời kỳ lũ chính vụ: Từ ngày 20 tháng 7 đến 21 tháng 8.

3. Thời kỳ lũ muộn: Từ ngày 22 tháng 8 đến 15 tháng 9 (chi tiết cách vận hành trong mùa lũ nêu tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tường Chính phủ).

Vận hành đảm bảo an toàn công trình thủy điện Hòa Bình được nêu tại Điều 6 như sau:

- Khi mực nước hồ Hòa Bình đã ở cao trình 117m mà dự báo lũ đến hồ tiếp tục tăng, mực nước hồ có thể vượt cao trình 117,3m thì bắt đầu chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình: Mở dần, hoặc mở liên tiếp các cửa xả đáy, xả mặt, các cửa lấy nước vào tua bin đã được mở hết.

- Trong trường hợp hồ Sơn La có nguy cơ xảy ra sự cố, hồ Hòa Bình cần được nhanh chóng xả lũ để đưa mực nước hồ về dưới cao trình 111m.

Như vậy, khi Thủy điện Hòa Bình mở rộng thêm 2 tổ máy sẽ tận dụng được lưu lượng xả thừa để phát điện, nâng sản lượng phát điện trung bình hằng năm tăng thêm khoảng 488,3 x 106 kWh. Ngoài ra, còn góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng công suất và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng độ tin cậy, an toàn của hệ thống…).

Mới đây, ngày 14/4/2022, Tạp chí Môi trường có đăng bài: Giải pháp cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình cho Thủ đô Hà Nội của nhóm tác giả (ThS. Trần Văn Minh và nhóm tác giả) viết: “Nước sinh hoạt, nước môi trường các sông hồ và nước cho nông nghiệp chủ yếu bằng tự chảy, để thay thế phương thức cấp nước hiện nay là đơn lẻ, chủ yếu sử dụng nguồn nước tại sông Hồng, bơm quá nhiều cấp, tốn kém, giá thành cao và hoàn toàn bị động. Biện pháp công trình lấy nước từ hồ Hòa Bình là xây dựng cống lấy nước qua đập chính, dẫn nước về khu vực sử dụng nước, nước nông nghiệp và nước môi trường cùng dẫn về các sông, hồ và kênh trên toàn bộ khu vực sử dụng nước (xem hình 1). Nước cho sinh hoạt cùng được dẫn chung từ hồ về khu cấp nước thứ cấp 1, sau đó tiếp tục dẫn về các trung tâm xử lý nước trước khi cấp sử dụng”. Và các tác giả lý giải: “Chỉ sử dụng chỉ khoảng 3 tỷ m3 nước hàng năm lấy trực tiếp từ hồ Hòa Bình cho Hà Nội, so với lượng nước trung bình hàng năm chảy về hồ là 44 tỷ m3 là một tỷ lệ không đáng kể. Ngoài ra, sản lượng điện của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình sẽ bị giảm khoảng 300 triệu kWh, so với tổng lượng điện trung bình hàng năm của nhà máy là 8.160 triệu kWh chiếm tỷ lệ 4%, là nhỏ không đáng kể”.

Vẫn còn ý kiến thiếu cơ sở về dự án mở rộng Thủy điện Hòa Bình
Hình 1. Sơ đồ cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình cho Thủ đô Hà Nội (Nguồn: ThS. Trần Văn Minh, ThS.Trần Cẩm Hương và ThS. Phạm Tiến Kỳ).

Về ý tưởng này có mấy điểm không hợp lý như sau:

Thứ nhất: Nhiệm vụ của hồ Hòa Bình đã được nêu rõ với 3 nội dung đó là: Phát điện, chống lũ và cấp nước cho hạ du. Sau khi lưu lượng nước chảy qua hệ thống tua bin và qua hệ thống các cửa van xả lũ xuống hạ lưu công trình, các hộ dùng nước vùng hạ lưu có thể dùng bơm (hiện nay đang sử dụng) đưa nước đến các vị trí cần sử dụng.

Thứ hai: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình có chủ sở hữu là EVN, do vậy, không thể đòi hỏi EVN phải cấp nước từ trong hồ qua hệ thống tự chảy (không qua hệ thống tua bin) để cấp nước sinh hoạt cho Hà Nội và khu vực tưới phục vụ nông nghiệp như ý tưởng các tác giả đề xuất.

Thứ ba: Giả dụ rằng: “Giải pháp cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình cho Thủ đô Hà Nội” được thực hiện, thì hằng năm “chỉ cần sử dụng lượng nước 3 tỷ m3 từ hồ Hòa Bình cho cả năm, không cần xả gia cường thủy điện” (theo như tính toán của nhóm tác giả) - nghĩa là bình quân mỗi tháng sử dụng 250 triệu m3 nước. Mong các tác giả hãy xem Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được phê duyệt tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 để hình dung liệu hồ Hòa Bình có cần điều tiết lũ khi đã thực hiện “giải pháp cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình cho Thủ đô Hà Nội” hay không?

Thứ tư: Việc tính toán thiệt hại mới chỉ tính do lấy 3 tỷ m3 trực tiếp từ hồ để cấp nước cho Hà Nội làm cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình giảm 300 triệu kWh (theo tính toán của nhóm đề ra ý tưởng), thế còn lấy nước tưới cho nông nghiệp qua hệ thống tự chảy sẽ làm giảm sản lượng điện của nhà máy bao nhiêu thì không thấy đưa ra con số tính toán?

Nên nhớ rằng, hằng năm, hồ Hòa Bình vận hành qua tua bin để cấp nước phục vụ cấy lúa Đông - Xuân (ví dụ phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông - Xuân 2021 - 2022 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ), hàng ngày, tùy thuộc vào điều kiện nguồn nước, Thủy điện Hòa Bình có thể ngừng vận hành phát điện trong các chu kỳ thấp điểm của phụ tải (từ 21h hôm trước đến 6h sáng hôm sau), các ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết và vận hành linh hoạt với lưu lượng xả trung bình ngày trong khoảng từ 450 - 600 m3/s đối với tháng 11/2021; 500 - 700 m3/s đối với tháng 12/2021 và tháng 1/2022 (trừ các ngày xả nước gia tăng).

Thứ năm: Ngoài ra, biện pháp công trình (như hình 1) nếu được thực thi sẽ rất tốn kém do chênh lệch cột nước khá cao, khoảng 110m và với chiều dài từ Hòa Bình về Hà Nội (theo đường chim bay) là khoảng 60 km, việc vận hành đường ống có áp để cấp nước sinh hoạt và tưới phục vụ nông nghiệp (mạng lưới chi chít như hình 1) với ước tính kinh phí đầu tư 46.000 tỷ đồng là chưa thỏa đáng.

Thứ sáu: Nhóm tác giả còn nhận định: “Giải pháp này nếu được triển khai sẽ tận dụng được nguồn nước thừa trong mùa mưa để phát điện”. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Phát điện bằng cách nào?

Kết luận:

Việc mở rộng 2 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đem lại hiệu quả kinh tế và các lợi ích trong quản lý, vận hành là không thể bàn cãi. Ngoài ra, việc mở rộng thêm 2 tổ máy của Thủy điện Hòa Bình là hoàn toàn thực hiện đúng Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2016.

Tuy nhiên, ThS. Trần Văn Minh thuộc Hội Tưới tiêu, ngày 31/7/2022 lại đưa ra nhận xét về bài viết “Vì sao nên mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình?” là “mang tính ngụy biện cho những sai sót trong việc lựa chọn phương án Thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2” là hoàn toàn thiếu cơ sở. Và chính đề xuất của tác giả về giải pháp cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình cho Thủ đô Hà Nội thay cho việc mở rộng 2 tổ máy Nhà máy Thủy điện Hòa Bình xứng đáng được nhận giải thưởng Ig Nobel./.

TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo: Giải pháp cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình cho Thủ đô Hà Nội. Th S.Trần Văn Minh và nhóm tác giả (Tạp chí Môi trường Online 14/4/2022).

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động