RSS Feed for Tương lai thế giới phụ thuộc vào chiến lược phát triển bền vững | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 25/04/2024 23:41
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tương lai thế giới phụ thuộc vào chiến lược phát triển bền vững

 - Trong báo cáo mới nhất về tiến bộ của nguồn nhân lực trong biến đổi khí hậu (Chương trình Phát triển LHQ - UNDP) khẳng định, tương lai của thế giới phụ thuộc rất nhiều vào những lựa chọn con đường phát triển bền vững ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính của châu Á - Thái Bình Dương, nơi sinh sống của hơn 50% dân số thế giới và hơn 50% số siêu thành phố trên toàn cầu.


Báo cáo của UNDP nhấn mạnh, đã đến lúc các nước châu Á - Thái Bình Dương phải quyết định hành động để cân bằng giữa việc tăng trưởng kinh tế và tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Thành công hay thất bại của các nước này sẽ tác động lớn đến toàn thế giới. Châu Á - Thái Bình Dương phải tiếp tục tăng trưởng kinh tế để cứu hàng trăm triệu người khỏi đói nghèo, nhưng cũng phải có giải pháp thích hợp trước các hiểm họa biến đổi khí hậu để tồn tại.

Mô hình ưu tiên tăng trưởng trước, làm sạch môi trường sau không thể là một lựa chọn phát triển của các nước khu vực này.

Mục tiêu của khu vực đã rõ ràng: Giảm đói nghèo, tăng thịnh vượng phải song hành với giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến mức thấp nhất.

Báo cáo của UNDP nêu rõ, châu Á - Thái Bình Dương không chỉ phải hành động khẩn cấp để giảm khí thải mà còn có nhiều cơ hội khác nhau để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển.

Để phản ứng hiệu quả trước biến đổi khí hậu, các nước trong khu vực cần thay đổi phương thức sản xuất hàng hóa, tăng mùa vụ cây trồng và chăn nuôi, tạo nhiều nguồn năng lượng theo hướng xanh hơn, giảm khí thải lớn hơn nhằm đảm bảo bền vững môi trường và tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người nghèo.

Châu Á - Thái Bình Dương đã nổi lên như là công xưởng toàn cầu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thế giới, nhưng các nước đang phát triển của khu vực đã tiêu dùng tới 80% lượng tiêu thụ than của thế giới và 85% nguồn năng lượng then chốt của khu vực là từ nguồn nhiên liệu hóa thạch gồm: than, dầu mỏ và khí đốt.

Các nước châu Á cũng thải ra 37% tổng lượng khí thải toàn cầu từ sản xuất nông nghiệp. Châu Á-Thái Bình Dương là thị trường tiêu dùng lớn, nhưng bất bình đẳng. Hơn 900 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, 1,9 tỷ người chưa được tiếp cận các điều kiện vệ sinh cơ bản, nhưng có tới 2,5 tỷ thuê bao điện thoại di động.

Báo cáo của UNDP đề xuất 8 biện pháp để châu Á - Thái Bình Dương tăng khả năng phản ứng trước biến đổi khí hậu và giảm nhanh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đó là: Khuyến khích quá trình chuyển nhanh sang công nghệ xanh, giảm nhanh lượng khí thải từ công nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh hơn, hỗ trợ sản xuất năng lượng sạch hơn, cải thiện cuộc sống của người nghèo ở thành phố và nông thôn, mở rộng tài chính từ các các nguồn trong nước, quốc tế, tài chính công và tư nhân, tăng cường nguồn tri thức về biến đổi khí hậu cho công dân, tăng cường hợp tác xuyên biên giới để chia sẻ kinh nghiệm và các đường lối xử lý biến đổi khí hậu hiệu quả.

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa khuyến cáo các nước châu Á - Thái Bình Dương cần dành ưu tiên, tăng đầu tư cho quản lý rủi ro thiên tai đô thị.

Theo ADB, bảo vệ tài sản đô thị cần phải là một trong những ưu tiên hàng đầu, bởi 2/3 dân số châu Á được dự báo sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050 - nơi sẽ đóng góp tới 70% GDP của khu vực, trong khi nhiều thành phố lớn của châu Á đang nằm tại các địa điểm dễ bị lũ lụt, bão nhiệt đới, nước biển dâng, động đất và sóng thần đe dọa.

Theo đó, chính phủ các nước châu Á cần chú trọng đúng mức và tăng đầu tư cho quản lý rủi ro thiên tai đô thị, bởi theo tính toán của các nhà kinh tế, cứ 1 USD chi cho lĩnh vực này sẽ giúp giảm được 7 USD thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra.

Thiệt hại trung bình hàng năm do thiên tai gây ra cho châu Á - Thái Bình Dương vào khoảng 53,8 tỷ USD, do vậy việc chuyển trọng tâm từ phục hồi và tái thiết sau thiên tai cho đầu tư vào việc thích ứng, phòng ngừa, bảo vệ và giảm thiểu rủi ro trước thiên tai sẽ đem lại hiệu quả cao hơn nhiều, cả về người lẫn của.

Lung Linh (nguồn: Bộ TN&MT)


 

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động