RSS Feed for Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 4) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 05:58
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 4)

 - Khi công trình Thủy điện Hòa Bình vừa phát điện tổ máy 1, tháng 4/1989, theo tiếng gọi của Sê San, từ sông Đà, một đoàn cán bộ, kỹ sư đã mang ba lô lên đường đi về phía Nam, lên Tây Nguyên đặt viên gạch đầu tiên để thực hiện dự án Thủy điện Ialy. Trong số những người đó, các kỹ sư Vũ Đức Thìn, Trần Quý Hảo, Hồ Sĩ Bảo là những hạt giống đỏ của Ban quản lý Thủy điện Hòa Bình vào gieo mầm để thành lập Ban quản lý Thủy điện Ialy (ngày 8/5/1989).

Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 3)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 2)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 1)
Vai trò và tầm quan trọng các dự án thủy điện của EVN
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Tạm kết)

KỲ 4: NGUỒN NĂNG LƯỢNG DÒNG SÊ SAN

Công trình Thủy điện Ialy nằm trên sông Sê San, một phụ lưu lớn của sông Mê Kông. Sông Sê San ở thượng nguồn có 2 nhánh chính. Ở bên phải là nhánh Krông Pôkô, bắt nguồn từ phía Nam dãy Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum. Ở bên trái là nhánh Đăk Bla bắt nguồn từ phía Nam, dãy Ngọc Krinh. Hai nhánh gặp nhau ở hạ lưu thành phố  Kon Tum, chảy qua thác Ialy sang lãnh thổ Campuchia.

Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Sê San chảy qua 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai, với tổng chiều dài 237 km, diện tích lưu vực 11.450 km2 và với tổng lượng dòng chảy hàng năm  khoảng 11 tỷ m3. Đến tuyến đập Ialy, sông Sê San dài 169 km và có diện tích lưu vực 7.455 km2.

Sông Sê San có nguồn thủy năng tương đối dồi dào, đứng thứ 3 sau sông Đà và sông Đồng Nai. Trữ năng lý thuyết của sông Sê San vào khoảng 21,7 tỷ kWh/năm, trữ năng kinh tế - kỹ thuật đạt khoảng 7,9 tỷ kWh/năm.

Từ nhiều năm của thế kỷ trước, nhiều hãng tư vấn nước ngoài và cơ quan trong nước như Nippon Koe - Nhật Bản (1966), Uỷ ban Quốc tế sông Mê Kông (1971), Viện quy hoạch Bộ Thủy lợi (1978), Trung tâm nghiên cứu và thiết kế thủy điện Bộ Điện và Than (1980) đã có các nghiên cứu về sử dụng nguồn thủy năng sông Sê San. Viện năng lượng và điện khí hóa - Bộ Năng lượng (1988) đã hoàn thành Thuyết minh tổng quan sử dụng nguồn năng lượng sông Sê San, kiến nghị bậc thang thủy điện 6 bậc trên dòng sông này. Riêng Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 (Bộ Năng lượng) đã nhiều năm nghiên cứu, khảo sát, thiết kế và hoàn thành Luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình Thủy điện Ialy (1990).

Tháng 3/1983, chúng tôi đã cùng các chuyên gia Ủy ban Quốc tế sông Mê Kông vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm (lúc đó còn Phun rô) đã vào nghiên cứu, khảo sát tuyến đập tại thác Ialy. Bằng Quyết định số 346/CT, ngày 24/9/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật công trình Thủy điện Ialy.

Truyền thuyết của đồng bào Gia Rai kể: thác Ialy được ví như dòng nước mắt của nàng HLy. Nàng HLy là con gái của một trưởng bản, rất xinh đẹp. Đến tuổi lấy chồng nàng có nhiều chàng trai theo đuổi, trong đó có 2 người cùng yêu say đắm nàng là Y Rôk và Y Rit. Chàng Y Rôk ở làng bên, khỏe, đẹp, mạnh mẽ được nàng HLy yêu quý, nhưng nhà lại quá nghèo. Chàng Y Rit là con nhà giàu có, cũng giỏi giang nên được gia đình HLy ưng thuận, nhưng nàng lại không ưa cái bụng. Không muốn ép con gái, cha nàng đã cho làm cuộc thi kén rể. Qua thi tài phát rẫy, làm nương, đơm cá, bẫy thú… 2 chàng "kẻ tám lạng người nửa cân". Không thể phân thắng bại, cha nàng đành đố "ai dám vượt sông Sê San qua núi Beuchoong mang về cho ta con cọp dữ thì người đó sẽ được con ta chọn làm chồng".

Đứng trước dòng Sê San cuồn cuộn chảy, chàng Y Rit sợ hãi, lẳng lặng quay về làng. Còn chàng Y Rôk chào nàng HLy, đeo nỏ và tên ra sau lưng, lao người xuống sông bơi qua bên kia dòng nước hung dữ. Ngày này qua ngày khác, vẫn không thấy chàng Y Rôk trở về. Nàng HLy thì cứ héo mòn chờ đợi. Hàng ngày nàng  đến nơi 2 người chia tay nhau mà khóc. Một năm rồi hai năm trôi qua vẫn không thấy chàng về. Nàng HLy kiệt sức và chết ở đó. Những giọt nước mắt của nàng đã biến thành dòng thác Ialy.

Thác Ialy một bên ở xã Iamnông, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai, một bên thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Thác cao gần 40 mét. Theo Luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt, tuyến đập Ialy nằm ngay phía thượng lưu thác có chiều dài 1.160 mét, chiều cao lớn nhất 65 mét, là loại đập đá đổ có lõi bằng đất sét. Mức nước dâng bình thường 515 mét, mức nước chết 490 mét. Dung tích toàn bộ hồ chứa 1.037 triệu m3, dung tích hữu ích 779 triệu m3. Hồ chứa nước rộng 64,5 km2. Công trình có 2 đường hầm dẫn nước, chiều dài mỗi hầm 3.750 mét, đường kính 7 mét.

Tiếp theo là tháp điều áp 2 buồng, buồng trên và buồng dưới. Tiếp theo nữa là 4 đường hầm áp lực, chiều dài mỗi hầm trung bình 250 mét, đường kính 4,5 mét, dẫn nước vào 4 tổ máy, công suất mỗi tổ 180 MW, tổng công suất 720 MW, điện lượng trung bình năm 3,65 tỷ kWh. Kể cả gian biến thế và 2 đường hầm dẫn ra, tất cả đều nằm trong lòng núi bờ phải.

Khối lượng công tác chính gồm đào đất đá 7,7 triệu m3, trong đó đào ngầm 854 nghìn m3, đắp đất đá các loại 8,7 triệu m3, bê tông 574 nghìn m3, với gần 240 nghìn m3 bê tông ngầm, lắp đặt gần 20 nghìn tấn thiết bị. Đây là nhà máy thủy điện ngầm lớn thứ  2 của Việt Nam sau Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Tuy vậy, do ưu thế chênh lệch địa hình cộng thêm chiều cao thác nước nên cột nước thiết kế Nhà máy Thuỷ điện Ialy cao hơn Hòa Bình đến 2,3 lần. Vì thế, số lượng các hạng mục công trình của tuyến năng lượng nhiều hơn, dài hơn và phức tạp hơn.

Nhận thức được tuyến năng lượng phức tạp nên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép chủ đầu tư - Tổng công ty Điện lực Việt Nam thuê Viện thiết kế thủy công Matxcơva thiết kế tuyến năng lượng, Viện thiết kế thủy công Ucraina thiết kế đầu tràn, Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 là "cơ quan nhận thầu chính thiết kế, chịu trách nhiệm thiết kế tuyến áp lực, lập tổng dự toán, tổng tiến độ, tổng mặt bằng, chịu trách nhiệm chính về phối hợp với các cơ quan thiết kế nước ngoài thiết kế tuyến năng lượng và thiết kế công nghệ thuộc công trình thủy điện Ialy". Đồng thời cho phép thực hiện hình thức chỉ định thầu cung cấp thiết bị cơ điện là Liên bang Nga, thiết bị cơ khí thủy công là Ucraina. Một số chuyên gia đầu ngành của Nga, Ucraina đã từng tham gia Thủy điện Hòa Bình được mời làm chuyên gia cố vấn cho Ban quản lý dự án. Tổng thầu xây dựng là Tổng công ty sông Đà, đơn vị lắp máy là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam.

Ngày 4/11/1993, công trình Thuỷ điện Ialy được khởi công xây dựng trong niềm vui hân hoan của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các vị lãnh đạo các bộ, ngành, 3 tỉnh  Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc và Thành phố Hồ Chí Minh, cùng đại diện chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đã long trọng nhấn nút nổ mìn khởi công công trình.

Do điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp nên các nhà thiết kế bố trí các công trình phụ trợ, khu lán trại, khu đập tràn, hầm xả lũ thi công nằm bên bờ trái sông Sê San, kênh dẫn dòng và cửa lấy nước, nhà máy bên bờ phải. Mùa khô năm 1993-1994 qua sông bằng cầu phao, mùa lũ đi bằng phà. Năm 1995 đi từ bờ trái sang bờ phải bằng cầu cứng tạm lắp qua kênh dẫn dòng bờ phải. Mùa khô năm 1997 sau khi đã đắp đập lấp kênh thì dỡ cầu phao, giao thông đôi bờ đi qua tuyến đập đang đắp dở.

Công việc thi công trên công trường thay đổi như con thoi là vậy. Nhưng khó nhất, phức tạp nhất vẫn là công tác đào hầm tuyến năng lượng. Công tác đào hầm chính là đường găng của tiến độ thi công công trình. Để phục vụ thi công hệ thống công trình ngầm, cơ quan thiết kế Nga đã thiết kế một hệ thống 14 hầm phụ với tổng chiều dài trên 4,5 km để đi đến mọi vị trí cần thiết.

Được phép của Nhà nước và Hội đồng quản trị EVN, Phó tổng giám đốc EVN Trần Viết Ngãi, người trực tiếp chỉ đạo thi công công trình, quyết định cho nhập một số máy khoan thủy lực 2 cần như Boomer, Tamrock và máy khoan Robin để khoan đào hầm. Đây là những máy khoan hiện đại nhất, thế hệ mới nhất, lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam, mục đích là để nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh tiến độ đào hầm, đảm bảo môi trường làm việc cho công nhân. Một quyết định cực kỳ sáng suốt mang tầm chiến lược đã đem lại hiệu quả to lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ đào gian máy, gian biến thế và đặc biệt là 4 đường hầm áp lực nghiêng 14 độ.

Trên mặt trận đền bù, di dân, tái định cư, Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện khẩn trương. Công tác tuyên truyền, vận động bà con rời bỏ nơi ở cũ đến nơi ở mới buổi đầu không dễ. Nhưng dần dần bà con hiểu ra mình đi là để nhà nước làm ra "cái điện" nên đồng tình. Nhiều làng mới được xây dựng đồng bộ với cơ sở hạ tầng đầy đủ như điện, đường, trường, trạm, nước, nhà sinh hoạt (nhà rông) để đón dân lên ở. Công tác khai hoang xây dựng đồng ruộng để cấp đất sản xuất cho bà con cũng được tiến hành chu đáo.

Ngoài nhà cửa, đất sản xuất được cấp, bà con còn được hỗ trợ các loại giống để trồng trọt, bò, dê để chăn nuôi. Nói chung bà con phấn khởi và yên tâm.

Sau gần 7 năm thi công, đương đầu với thời tiết khắc nghiệt và địa hình hiểm trở, hàng vạn công nhân, kỹ sư, chuyên gia, cán bộ quản lý trên công trường đã biến cả vùng thác Ialy hoang sơ thành một công trình vĩ đại. Trong thời gian ấy, có đến 32 cán bộ, công nhân đã nằm lại mãi mãi bên dòng sông Sê San vì dòng điện cho đất nước.

Ông Huỳnh Nở - Phó trưởng ban Ban quản lý dự án, về sau là Giám đốc Nhà máy, quyết tâm chỉ đạo hoàn thành bằng được hạng mục "Đài tưởng niệm những người đã hy sinh vì công trình Thủy điện Ialy" trước ngày khánh thành công trình.

Ngày 7/5/2000, tổ máy số 1 của nhà máy thủy điện lớn đầu tiên trên sông Sê San đã hòa lưới điện quốc gia, ngày 12/12/2001, tổ máy cuối cùng phát điện và ngày 27/4/2002 khánh thành công trình.

Đón đọc kỳ tới: Nguồn năng lượng trên dòng sông Đồng Nai

KSCC. NGUYỄN ĐỨC ĐẠT - HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động