RSS Feed for Thủy điện Ialy mở rộng trước nguy cơ chậm tiến độ: Nguyên nhân và các kiến nghị | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 00:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủy điện Ialy mở rộng trước nguy cơ chậm tiến độ: Nguyên nhân và các kiến nghị

 - Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, công suất 360 MW, tổng mức đầu tư gần 6.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình quý 4/2024. Hiện nay, trên công trường dự án, ngay trong những ngày đầu năm, hàng trăm kỹ sư, công nhân vẫn đang cần mẫn lao động ngày đêm. Họ đang dồn sức, tập trung cao độ để hoàn thành công trình trọng điểm này. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Dự án có nguy cơ chậm tiến độ thi công do phải trình lại chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Giải pháp thiết kế, thi công mở rộng Nhà máy Thủy điện Ialy Giải pháp thiết kế, thi công mở rộng Nhà máy Thủy điện Ialy

Tính đến thời điểm này, các điều kiện cần và đủ để triển khai dự án Thuỷ điện Ialy (mở rộng) đã có: Hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật - thi công, nguồn vốn, nhà thầu thi công... đã được ký kết. Vấn đề còn lại là trong quá trình triển khai xây dựng, các bên liên quan phải tuân thủ nghiêm quy trình kiểm soát để giảm thiểu tác động đến môi trường, xã hội và an toàn tuyệt đối cho Nhà máy Thuỷ điện Ialy (hiện hữu).

Dự án Thủy điện Ialy mở rộng - Công trình cấp thiết của hệ thống điện Việt Nam Dự án Thủy điện Ialy mở rộng - Công trình cấp thiết của hệ thống điện Việt Nam

Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, việc mở rộng Nhà máy Thủy điện Ialy là cấp thiết trong hoàn cảnh hiện nay (khi điện mặt trời đã đạt trên 20.000 MW). Mặt khác, việc mở rộng sẽ làm tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải trong mùa khô, đặc biệt là trong các giờ cao điểm, qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống, giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, cũng như tăng công suất phản kháng chạy bù cho hệ thống khi có yêu cầu...

Trên dòng sông Sê San chảy qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, Nhà máy Thủy điện Ialy là một công trình trọng điểm quốc gia, lớn thứ ba cả nước, được xây dựng trên địa bàn 2 huyện Chưpăh, tỉnh Gia Lai và huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, với 4 tổ máy có tổng công suất 720 MW và sản lượng điện bình quân 3,68 tỉ kWh/năm. Thủy điện Ialy được khởi công xây dựng năm 1993 và hoàn thành vào năm 2003. Một điều đặc biệt là phần lớn các hạng mục của Nhà máy Thủy điện Ialy được xây dựng ngầm trong lòng núi và là công trình thủy điện duy nhất ở Việt Nam có hệ thống cáp dầu 500 kV.

Thủy điện Ialy mở rộng trước nguy cơ chậm tiến độ: Nguyên nhân và các kiến nghị
Gian máy ngầm Nhà máy Thủy điện Ialy.

Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng công suất 360 MW gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 180 MW, được xây dựng bên bờ phải sông Sê San, thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Dự án mở rộng đã được đưa bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, ban hành kèm theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc đầu tư mở rộng dự án Thủy điện Ialy với mục tiêu tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm. Góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn công suất và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, độ an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống. Tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hàng năm, tăng thêm giá trị sản lượng điện trung bình năm khoảng 233,20 triệu kWh/năm, góp phần giảm chi phí nhiên liệu, giảm phát thải CO2 và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, việc mở rộng Nhà máy sẽ giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Ngày 8/5/2021, công trình Thuỷ điện Yaly mở rộng đã chính thức được triển khai thi công xây dựng, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên với diện dích khoảng 2,46 ha. Về nội dung này, đại diện chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án Điện 2 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết như sau:

Ngày 20/10/2017, Bộ Công Thương đã có Văn bản số: 9758/BCT-ĐL báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, đã nêu rõ việc tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành trong quá trình thẩm định báo cáo NCTKT. Trong văn bản kết quả thẩm định này đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: (1) xem xét dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng là trường hợp đặc biệt để chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng tự nhiên; (2) Trên cơ sở chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng được chấp thuận, thông qua chủ trương đầu tư dự án. (Diện tích rừng tự nhiên đã được Bộ Công Thương đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng trong Báo cáo thẩm định số: 9758/BCT-ĐL là 4,66 ha).

Theo đề nghị nêu trên của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số: 38/QĐ-TTg ngày 10/01/2018.

Dự án đã được Bộ Công Thương thẩm định Thiết kế cơ sở (Văn bản số: 2610 BCT-ĐL ngày 16/4/2019 về thông báo kết quả thẩm định) và EVN quyết định đầu tư (Quyết định số: 384/QĐ-EVN ngày 27/9/2019) với tiến độ phát điện vào quý 3/2024. Thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng của dự án đã được Bộ Công Thương thẩm định (Văn bản số: 7666/BCT-ĐL ngày 12/10/2020 về thông báo kết quả thẩm định) và EVN phê duyệt Thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình theo Quyết định số: 207/QĐ-EVN ngày 11/11/2020.

Thủy điện Ialy mở rộng trước nguy cơ chậm tiến độ: Nguyên nhân và các kiến nghị
Kiểm tra thực địa Thiết kế kỹ thuật công trình Thuỷ điện Ialy mở rộng (tháng 11/2019).
Tuy nhiên, sau khi Nghị định số: 83/2020/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số: 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020, dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng đã phải lập lại hồ sơ trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên do trong nội dung Quyết định số: 38/QĐ-TTg ngày 10/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ chưa nêu phần xác định diện tích rừng được chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Từ tháng 8/2020, Ban Quản lý dự án Điện 2 đã tổ chức thực hiện điều tra đánh giá hiện trạng rừng và trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng cho dự án (Tờ trình UBND tỉnh Gia Lai số: 02/TTr-EVNPMB2 ngày 07/01/2021; Văn bản trình UBND tỉnh Kon Tum số: 926/EVNPMB2-PBTGPMB ngày 15/12/2020 và Văn bản số: 142/EVNPMB2-PBTGPMB ngày 01/02/2021). Diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng bởi dự án là 2,46 ha; trong đó trên địa bàn Gia Lai có diện tích 1,02 ha rừng tự nhiên (bao gồm, diện tích 0,53 ha xây dựng móng trụ, diện tích 0,09 ha mở rộng trạm phân phối và diện tích 0,4 ha làm kênh xả, kênh dẫn dòng Nhà máy); trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 1,44 ha rừng tự nhiên (bao gồm, đường thi công TC1: 0,91ha; tháp điều áp và cửa hầm phụ số 2: 0,53ha).

Ngày 02/3/2021, UBND tỉnh Kon Tum có Tờ trình số: 20/TTr-UBND và ngày 05/3/2021, UBND tỉnh Gia Lai có Tờ trình số: 278/TTr-UBND trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) về Hồ sơ trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên cho dự án.

Bộ NN&PTNT đã thành lập Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) tại Quyết định số: 2048/QĐ-BNN ngày 12/5/2021; trong quá trình thẩm định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Bộ NN&PTNT đã lấy ý kiến tham gia bằng văn bản của các bộ, ngành liên quan. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, UBND các tỉnh Kon Tum, Gia Lai đã có các văn bản báo cáo giải trình bổ sung (Số: 3480/UBND-NNTN ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh Kon Tum và Số: 1635/UBND-NL ngày 26/10/2021 của UBND tỉnh Gia Lai). Đến ngày 29/12/2021, Bộ NN&PTNT đã hoàn thành tổng hợp ý kiến thẩm định của các bộ, ngành và có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên cho dự án (tại Văn bản số: 9045/BNN-TCLN) với diện tích rừng tự nhiên đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng cho dự án là 2,46 ha. Hiện tại, Văn phòng Chính phủ đã tổng hợp ý kiến tham mưu của các vụ chuyên ngành và đã trình Thủ tướng Chính phủ tháng 1/2022.

Nguy cơ chậm tiến độ xây dựng dự án:

Trong số các hạng mục công trình chiếm dụng diện tích rừng tự nhiên nêu trên, có 3 hạng mục công trình sẽ bị chậm tiến độ kéo theo chậm tiến độ chung của dự án nếu thủ tục chuyển đổi về mục đích sử dụng rừng tự nhiên của dự án tiếp tục bị chậm. Cụ thể bao gồm:

Một là: Hạng mục Kênh dẫn dòng Nhà máy phải hoàn thành trước ngày 30/8/2021 để kịp tiến độ thi công đào hố móng, nhưng đến nay chưa thể hoàn thành do vướng 0,44 ha đất rừng chưa được chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên (hiện trạng chủ yếu là vách đá ven sông Sê San). Vướng mắc này cũng đã làm phát sinh kinh phí do phải thay đổi biện pháp thi công thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thi công trong phạm vi không vướng rừng, phần đá còn lại sẽ phải thi công giai đoạn 2 sau khi hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng bằng biện pháp khoan nổ nhỏ kèm theo các giải pháp như đào xúc quăng tải, che chắn bảo vệ bê tông tường dẫn dòng đã thi công với khoảng cách tới biên rừng chỉ khoảng 9 m.

Ngoài ra, nếu không kịp thi công trước mùa lũ năm 2022, phần diện tích vướng đất rừng này chắc chắn phải lùi lại sang mùa khô năm 2023 mới có thể thi công hoàn thành. Hạng mục này bị chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sơ đồ dẫn dòng khu Nhà máy và có thể ảnh hưởng đến chất lượng các hạng mục công trình đã thi công cũng như tiến độ thi công hạng mục Nhà máy trong trường hợp mùa lũ phải xả tràn qua lòng sông chưa được mở rộng theo thiết kế được duyệt.

Hai là: Hạng mục đường thi công TC1, là tuyến đường duy nhất để ra khu phụ trợ số 2 của công trình, là nơi quy hoạch trạm nghiền, trạm trộn và bãi tập kết vật liệu đất đá từ đào hố móng các hạng mục công trình của dự án. Tuyến đường này theo kế hoạch tổng thể của dự án phải được thi công hoàn thành trước khi khởi công các hạng mục công trình chính. Tuy nhiên do 400 m đường vướng đất rừng tự nhiên nên hiện vẫn chưa triển khai thi công được. Công trường đã phải thỏa thuận cải tạo lại tuyến đường hiện hữu với độ dốc lớn để đi tạm. Trong trường hợp hoàn thiện thủ tục chuyển đổi đất rừng, khi thi công tuyến đường TC1 theo thiết kế được duyệt sẽ phải phá dỡ tuyến đường tạm hiện có, từ đó kéo theo nguy cơ chồng chéo khi vừa thi công tuyến đường, vừa phải đảm bảo đường vận chuyển vật liệu ra khu phụ trợ số 2 dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ chung của dự án.

Ba là: Hạng mục tuyến đường dây 500 kV đấu nối phải triển khai thi công từ đầu năm 2022 theo tổng tiến độ dự án, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thi công được do vướng thủ tục chiếm dụng đất rừng tự nhiên tại các vị trí móng cột.

Để hoàn thành phát điện đúng tiến độ, dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng hiện nay đang mong chờ chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng 2,46 ha rừng.

Nhận xét và kiến nghị:

Với các trình tự nêu trên, có thể nhận thấy rằng, trước đây trong quá trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Thuỷ điện Ialy mở rộng, các bộ, ngành chức năng từ những năm 2017 đã đồng thời xem xét nội dung chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong nội dung văn bản trình kết quả thẩm định BCNCTKT để Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Tiếp theo, việc thẩm định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án theo thủ tục sau này của Nghị định 83/2020/NĐ-CP đã thực hiện từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021 với đầy đủ trình tự và nội dung được Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện thẩm định.

Ngoài ra, các số liệu của hồ sơ đã sử dụng đạt mức khảo sát chi tiết tương ứng với TKCS, TKKT của dự án. Hiện nay, dự án đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ do còn nhiều thủ tục cần phải giải quyết tiếp theo, vì vậy, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần khẩn trương phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án Thuỷ điện Ialy mở rộng, đồng thời chỉ đạo các cấp quản lý nhà nước tại địa phương hỗ trợ chủ đầu tư để giảm mức độ chậm trễ tiến độ thi công dự án.

Nhìn rộng ra, để cải cách các thủ tục hành chính, chúng tôi cho rằng: Đối với các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư (thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ) thì cần xem xét phân cấp cho UBND cấp tỉnh nơi có dự án quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng (nếu có) của dự án trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngoài vấn đề giảm các thủ tục hành chính, việc phân cấp còn có tác dụng nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan Nhà nước tại địa phương, giúp dự án triển khai đảm bảo tiến độ. Vì vậy, kiến nghị các bộ chức năng và Chính phủ nghiên cứu ban hành sửa đổi Nghị định 83/2020/NĐ-CP để phân cấp những nội dung vấn đề trên./.

THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động