Những thủy điện chỉ có khoảng 100 triệu m3 nước, chúng tôi gọi đây là "thủy điện con cóc". Hồ đó chưa lượng nước rất ít, nó không bao giờ được giao nhiệm vụ thủy lợi. Làm thủy lợi nghĩa là khi lũ về thì hồ hứng nước lại để giảm dòng lũ cho hạ lưu. Khi hạn hán thì mở ra để chống hạn. Nhiệm vụ này phải như Hồ Hòa Bình 9 tỉ m3 mới làm được. Ở Việt Nam chỉ có mấy hồ như Hồ Hòa Bình, Hồ Trị An (2,5 tỉ m3), Thủy điện Thác Bà (1,7 tỉ m3), một vài thủy điện không lớn bằng nhưng có thể điều hòa cho vùng đất nhỏ.
Không có khả năng này, thì các thủy điện nhỏ như Hố Hô chỉ là nạn nhân của cơn lũ lớn. Vì bản thân nó chứa được quá ít nước, khi lũ lớn về, buộc phải xả ra. Do đó, việc Hố Hô xả lũ là hoàn toàn tất yếu và bất khả kháng, hoàn toàn tự nhiên.
Nước xả ấy có phải của Hồ Hố Hô không? Không phải, vì bản thân hồ không sinh ra nước, mà chỉ xả hết nước lũ mà hồ không thể chứa được. Nói là xả lũ nhưng thực tế là thủy điện cho nước lũ đi qua hồ mà thôi. Mà cho chảy qua là nước của trời, không phải nước của thủy điện.
Việc báo trước cho dân trước khi xả lũ là những hồ có nhiệm vụ thủy lợi, còn những hồ nhỏ không có khả năng làm nhiệm vụ thủy lợi, thì không ai giao cho nhiệm vụ đó. Hồ thủy điện nhỏ không có khả năng điều tiết lũ, việc điều tiết lũ cho hạ lưu phải những hồ rất lớn mới có thể đảm nhận được.
Thông thường, để báo trước được phải có những trạm thủy văn cách xa hàng trăm km. Ngành khí tượng thủy văn phải theo dõi rất kỹ, phải thông báo và dự báo chính xác. Còn các thủy điện nhỏ như Hố Hô hoàn toàn cũng chỉ là nạn nhân của cơn lũ, như dân chúng. Chúng ta cứ đổ tội cho thủy điện là một sai lầm kinh khủng.
Thủy điện nhỏ không ảnh hưởng gì đến dòng nước, bởi hồ chứa rất nhỏ, không có tác dụng ngăn lũ. Dòng nước xả ra không phải tự thân hồ có, mà là nước mưa, khi không thể chứa được thì các hồ này buộc phải xả, nếu không muốn đối mặt với nguy cơ vỡ đập.
Việc tích nước, xả nước của các thủy điện lớn đều có quy trình chặt chẽ, do Thủ tướng phê duyệt. Quy trình đó được nghiên cứu rất kỹ, quy định rất chi tiết, ví dụ: với điều kiện nào, thời gian nào, mức nước bao nhiêu thì phải bắt đầu tích, hoặc phải bắt đầu xả, rồi tích bao nhiêu, xả bao nhiêu, trong bao lâu. Còn những thủy điện nhỏ, vừa như thủy điện Hố Hô, chỉ khoảng trên dưới 100 triệu m3, với lũ như vừa rồi thì chỉ 1 - 2 giờ là hồ đã đầy nước, lấy đâu ra thời gian mà thực hiện quy trình.
Muốn xây dựng quy trình để thông báo kế hoạch xả lũ, thì phải có hệ thống đo lường khí tượng thủy văn. Không có dự báo thủy văn thì làm sao có quy trình. Nhiều người không biết cứ đòi cái "thủy điện con cóc" ấy phải có quy trình.
Quy trình tất nhiên có, nhưng nó chỉ là quy trình vận hành nội bộ, nó không có khả năng tác dụng đến dòng lũ bên ngoài.
NangluongVietnam Online