Thông tin mới nhất về dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà
16:04 | 12/03/2019
Nhìn nhận của VEA về dự án điện gió Kê Gà - Bình Thuận
Ông Ian Hatton.
Theo ông Ian Hatton, vào ngày 22/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Enterprize chuẩn bị và thực hiện chương trình khảo sát, báo cáo khả thi và đề xuất chính thức đưa 3.400 MW dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà (cách 20 - 50 km ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, nơi có tốc độ gió trung bình 9,5m/s) vào Quy hoạch điện VII.
Tiếp đó, ngày 11/3, bản khảo sát chi tiết và kế hoạch làm việc để khảo sát khu vực Kê Gà (rộng 2.000 km2) đã được Enterprize trình Bộ Công Thương để phê duyệt.
Nội dung của kế hoạch bao gồm: Đánh giá tác động môi trường toàn diện, nghiên cứu địa kỹ thuật, đánh giá tài nguyên gió, kết nối lưới điện và phân tích tác động của việc kết nối, cùng với thiết kế các công trình phụ cho tua bin, trạm phụ ngoài khơi, kế hoạch thực hiện dự án và kế hoạch tài chính.
Nhà thầu cho toàn bộ kế hoạch khảo sát là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện lực 3 (EVN PECC3), được hỗ trợ bởi đội ngũ kỹ thuật Enterprize Energy, cố vấn kỹ thuật từ các công ty của Anh như ODE, APEM và Braemar. Kế hoạch tài chính được hỗ trợ bởi Societe Generale, đơn vị do Enterprize đề nghị.
Enterprize đã nỗ lực thông qua một lịch trình xử lý song song để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng cho khu vực Kê Gà.
Trước đó, Enterprize Energy đã công bố lựa chọn MVOW là đối tác cung cấp máy phát điện tua bin gió, thiết kế các cấu trúc phụ của Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro), và đối tác thi công các cấu trúc này là Vietsovpetro và PVC-MS. Societe Generale là cố vấn chính cho phần tài chính và cấu trúc dự án.
Theo sự chấp thuận của Chính phủ, Enterprize đang đặt mục tiêu đưa vào hoạt động chuỗi tua bin đầu tiên vào cuối năm 2022 và hoàn thành đề xuất 600 MW của giai đoạn xây dựng ban đầu trong năm 2023.
Ông Ian Hatton nhấn mạnh Enterprize sẽ hợp tác với ODE để phát triển hơn nữa nền tảng cột gió có khớp nối (AWC), có thể cung cấp giải pháp hiệu quả về mặt kinh tế cho phần chân đế tua bin ở khu vực nước sâu 70 - 150m.
Ông nhận định rằng, giải pháp này rất phù hợp với điều kiện của Đài Loan, Việt Nam, và Nhật Bản. Và Enterprize đã xác định được các khu vực thích hợp tại Đài Loan và Việt Nam để triển khai. Đây là một ví dụ tuyệt vời về chuyển giao công nghệ từ ngành dầu khí, một lĩnh vực mà Vương quốc Anh nổi tiếng về kỹ thuật xuất sắc trong việc khai phá thành công các nguồn năng lượng mới trong điều kiện biển cực kỳ khó khăn.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM