Thị trường thiết bị điện mặt trời: Vẫn khó trong ngắn hạn
09:21 | 19/08/2015
Hoàn thiện cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời
Xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện mặt trời
Năng lượng mặt trời là một trong những loại năng lượng xanh hứa hẹn sẽ được áp dụng rộng rãi trong cuộc sống của con người trong tương lai. Năng lượng mặt trời được ông Ngô Văn Mơ khẳng định là “nguồn năng lượng không bao giờ cạn”.
Các nước công nghiệp phát triển đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu ứng dụng năng lượng mặt trời. Trong tương lai không xa, năng lượng mặt trời sẽ trở nên thông dụng.
Hiện nay, sản lượng điện mặt trời mới chỉ đạt 12,4GW, nhưng đến năm 2050 có thể tăng lên 2.000 GW. Theo ông Ngô Văn Mơ, công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời chủ yếu dựa vào quá trình biến đổi quang năng và nhiệt năng, với ba hình thức.
Thứ nhất, ứng dụng quang năng. Trong ứng dụng quang năng, người lợi dụng tác dụng của quang học hóa giải hydro và oxy, có thể lấy được năng lượng sạch là hydro, nguồn nguyên liệu cho thế giới trong thế kỷ XXI. Ứng dụng công nghệ quang hợp có thể cho phép tạo ra nguồn năng lượng sinh học.
Công nghệ sử dụng hiệu ứng quang điện cho phép tạo ra các pin mặt trời, nhờ đó có thể xây dựng các nhà máy phát điện bằng ánh sáng mặt trời. Pin mặt trời là phương pháp sản xuất điện trực tiếp từ năng lượng mặt trời qua thiết bị biến đổi quang điện.
Pin mặt trời có ưu điểm là gọn nhẹ có thể lắp bất kỳ ở đâu có ánh sáng mặt trời. Đặc biệt là trong lĩnh vực tàu vũ trụ. Ứng dụng năng lượng mặt trời dưới dạng này được phát triển với tốc độ rất nhanh, nhất là ở các nước phát triển. Ví dụ, ứng dụng pin mặt trời để chạy xe thay thế dần nguồn năng lượng truyền thống.
Thứ hai, ứng dụng trong công nghệ nhiệt năng. Năng lượng mặt trời được sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện.
Một nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời thường có hai loại hệ thống bộ thu chủ yếu.
Một là, hệ thống dùng parabol trụ để tập trung tia bức xạ mặt trời vào một ống môi chất đặt dọc theo đường hội tụ của bộ thu, nhiệt độ có thể đạt tới 400 độ C.
Hai là, hệ thống nhận nhiệt trung tâm bằng cách sử dụng các gương phản xạ có định vị theo phương mặt trời để tập trung năng lượng, năng lượng mặt trời đến bộ thu đặt trên đỉnh tháp cao, nhiệt độ có thể đạt tới trên 1.500 độ C.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã dùng năng lượng mặt trời để phát điện theo kiểu “tháp năng lượng mặt trời”. Australia đang tiến hành dự án xây dựng một tháp năng lượng mặt trời cao 1km với 32 tuốc bin khí có tổng công suất 200MWt. Tháp năng lượng mặt trời này sẽ cung cấp điện mỗi năm 650GWt/h cho 200.000 hộ gia đình ở miền tây nam New South Wales - Australia.
Thứ ba, ứng dụng quá trình quang hợp. Năng lượng mặt trời được ứng dụng khá phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp để sấy các sản phẩm như ngũ cốc, thực phẩm…nhằm giảm tỉ lệ hao hụt và tăng chất lượng sản phẩm. Các động cơ nhiệt - động cơ Stirling sử dụng năng lượng mặt trời được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi dùng bơn nước sinh hoạt hay tưới cây ở các nông trại.
Từ những phân tích trên, ông Ngô Văn Mơ khẳng định “Công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời sẽ phát triển và có tính đột phá”. Nhưng để ứng dụng năng lượng mặt trời có hiệu quả, ông Ngô Văn Mơ cho rằng “cần các công nghệ để giảm giá thành thiết bị, nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị.
Việt Nam là nước có tiềm năng về năng lượng mặt trời, trải dài từ vĩ độ 8 bắc đến 23 bắc, nằm trong khu vực có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, với trị số tổng xạ khá lớn từ 100-175 kcal/cm2/năm (4,2 - 7,3GJ/m2/năm) do đó sử dụng năng lượng mặt trời nước ta sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn.
Tiềm năng về năng lượng mặt trời đã được xác định, nhưng trên thực tế, hệ thống phát điện từ năng lượng mặt trời đang còn là lĩnh vực mới ở Việt Nam.
Một bộ phát điện năng lượng mặt trời với 18 tấm pin sử dụng thiết bị đã chính thức vận hành tại Trường Cao đẳng Simco Sông Đà hồi cuối tháng Ba, đánh dầu bước đầu tiên gia nhập thị trường kinh doanh thiết bị năng lượng tại Việt Nam của Công ty Birugiken Nhật Bản.
Với hệ thống này, lượng điện chuyển hóa từ ánh sáng mặt trời được đấu nối cho hệ thống đèn chiếu sáng và quạt trần tại Trường Cao đẳng Simco Sông Đà. Những ngày nắng, mỗi tấm pin có khả năng phát điện tối đa công suất 233 W/giờ, tương đương trên 4.000 W/giờ, tính tổng toàn bộ thiết bị.
Đặc biệt, bộ thiết bị phát điện năng lượng mặt trời được đấu nối chung với hệ thống điện lưới, có tích hợp điều khiển tự động. Khi trời nắng, các thiết bị tiêu thụ điện sẽ sử dụng điện năng lượng phát ra từ hệ thống pin năng lượng mặt trời. Đối với những nơi không có ánh nắng mặt trời hoặc ngày mưa, các thiết bị tự động chuyển đổi để vận hành bằng nguồn điện lưới.
Ông Daisuke Shindo, Giám đốc chi nhánh nước ngoài, Công ty Birugiken Nhật Bản, nhận xét, người dân và cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp công nghệ sử dụng nguồn năng lượng tái chế, năng lượng tự nhiên vừa giúp tiết kiệm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, việc Việt Nam vẫn duy trì chính sách trợ giá điện lưới quốc gia và nguồn điện từ năng lượng mặt trời, theo ông Daisuke Shindo, trong ngắn hạn khó phát triển thị trường thiết bị phát điện năng lượng mặt trời.
HẢI VÂN