RSS Feed for Tham khảo nhanh về cơ chế mua bán điện trực tiếp trên thế giới và Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 12/09/2024 15:50
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tham khảo nhanh về cơ chế mua bán điện trực tiếp trên thế giới và Việt Nam

 - Đầu tháng 7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Nghị định được dư luận trong và ngoài nước quan tâm, đánh giá cao, nhưng trong triển khai thực hiện dự kiến sẽ gặp phải một số khó khăn, vướng mắc... Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp các vấn đề liên quan đến DPPA trên thế giới và nỗ lực của chúng ta trên lộ trình hiện thực hóa cơ chế này để bạn đọc cùng tham khảo.
Cơ chế mua bán điện trực tiếp và một số khuyến nghị ban đầu cho các bên, đơn vị liên quan Cơ chế mua bán điện trực tiếp và một số khuyến nghị ban đầu cho các bên, đơn vị liên quan

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Dưới đây là nội dung chính của Nghị định, kèm theo một số nhận định, khuyến nghị ban đầu của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Cơ chế DPPA - Công cụ giúp mức giảm phát thải trên quy mô lớn:

Bối cảnh nhu cầu mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, phần lớn đến từ các tổ chức thương mại và công nghiệp (C&I) để duy trì thương hiệu và đáp ứng điều kiện do bên mua hàng đặt ra. Mặc dù có sẵn các lựa chọn khác, nhưng hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) đã được nhiều tổ chức C&I lựa chọn để đạt được chứng chỉ giảm phát thải carbon quy mô lớn.

Schneider Electric - Tập đoàn đa quốc gia của Pháp dẫn đầu thế giới về sản xuất các sản phẩm quản lý điện năng, tự động hóa và các giải pháp thích ứng năng lượng cho biết: Khi thị trường dành cho người mua năng lượng tái tạo phát triển, thì các C&I cần hiểu sâu hơn về việc mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Nó khác với các chiến lược tìm nguồn cung ứng năng lượng truyền thống. Thỏa thuận mua bán điện (PPA) là con đường có tác động mạnh nhất mà các tập đoàn lớn có mục tiêu sử dụng năng lượng sạch để giảm lượng khí thải trong hoạt động. Tuy nhiên, việc điều hướng hợp đồng và đàm phán PPA thường đi kèm với một chặng đường khó khăn đối với các doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia.

Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) là gì?

Về cốt lõi, DPPA là một hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa hai bên. Trong đó, một bên bán cả chứng chỉ điện và năng lượng tái tạo (REC) cho một bên khác. Trong DPPA năng lượng tái tạo của doanh nghiệp, “người bán” thường là nhà phát triển, hoặc chủ dự án nguồn điện năng lượng tái tạo, còn “người mua” là thực thể C&I.

DPPA năng lượng tái tạo có thể có hai hình thức chính: Vật lý, hoặc tài chính (hình thức sau thường được gọi là “ảo”).

⮚ DPPA vật lý:

DPPA vật lý được sử dụng phổ biến nhất bởi các khách hàng có phụ tải lớn, tập trung ở một vị trí, hoặc vùng lưới cụ thể (ví dụ như trung tâm dữ liệu). Điều này là do, theo DPPA vật lý, người bán giao điện năng lượng tái tạo cho người mua, người mua thực sự nhận và sở hữu lượng điện này. Một DPPA vật lý được cấu trúc như sau:

- Người mua mua năng lượng tái tạo trực tiếp từ người bán (qua đường truyền tải riêng).

- Trong một DPPA năng lượng tái tạo điển hình, nhà phát triển xây dựng, sở hữu, vận hành dự án năng lượng tái tạo, đồng thời bán sản phẩm đầu ra cho người mua tại một điểm giao hàng được chỉ định.

- Người mua có quyền sở hữu năng lượng tại điểm phân phối cũng như các REC liên quan.

- Người cung cấp chịu trách nhiệm truyền tải năng lượng từ điểm phân phối đến phụ tải của người mua (có thể được thực hiện thông qua các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ 3).

⮚ DPPA ảo (tài chính), hoặc VPPA:

Không giống như DPPA vật lý, DPPA ảo (VPPA) là một hợp đồng tài chính chứ không phải là hợp đồng về vật chất. Bên mua không nhận, hoặc có quyền sở hữu hợp pháp đối với năng lượng điện và theo cách này, đó là một hợp đồng mua bán điện “ảo”. Trong VPPA, bên mua đồng ý mua sản phẩm đầu ra của dự án và các REC liên quan ở một mức giá cố định. Cụ thể hơn:

- Tương tự như DPPA vật lý, người bán trong VPPA thường là nhà phát triển xây dựng, sở hữu và vận hành một số nguồn điện năng lượng tái tạo, đồng thời cung cấp năng lượng đầu ra đến điểm phân phối được chỉ định, thường là trạm biến áp - điểm nhận của hệ thống điện chung.

- Hai bên bán và mua ký một hợp đồng kỳ hạn, gọi là hợp đồng sai khác (CfD). Bên mua đồng ý trả cho người bán một mức giá cố định cho điện năng lượng tái tạo được giao đến một điểm cụ thể (thường là đến thanh cái trạm biến áp của người mua). Giá cố định này là mức giá đảm bảo mà bên bán sẽ nhận được - không hơn không kém - bất kể giá thị trường thả nổi ra sao.

- Người bán tạo ra và bán điện của dự án theo giá thị trường. Khi giá thị trường thả nổi vượt quá giá VPPA cố định, người bán sẽ chuyển phần chênh lệch dương cho người mua. Ngược lại, khi giá thị trường thấp hơn giá cố định VPPA - người mua phải trả cho người bán số tiền chênh lệch.

- Bên mua giữ lại tất cả REC liên quan đến năng lượng được giao, miễn là điều đó được quy định trong hợp đồng.

Cách thức hoạt động của VPPA:

Bằng cách này, người bán được đảm bảo mức giá cố định và khối lượng của sản phẩm mà họ bán - điều này rất quan trọng đối với các nhà phát triển đang tìm cách thu xếp vốn cho các dự án mới, tránh được rủi ro khi không có người mua cố định, với sản lượng điện mua được đảm bảo theo một thời gian được thỏa thuận. Những dự án này có thể đặc biệt hấp dẫn đối với những người mua có phụ tải điện lớn muốn đóng góp vào việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mới.

VPPA thường chỉ có sẵn ở các thị trường có tổ chức (như tổ chức truyền tải khu vực - RTO), hoặc nhà điều hành hệ thống độc lập (ISO) đóng vai trò bên thứ ba của hệ thống truyền tải, chịu trách nhiệm cuối cùng về dòng điện trong khu vực. Điều này là vì hai lý do quan trọng:

Đầu tiên, VPPA yêu cầu tính thanh khoản của thị trường. Trong đó, nhà phát triển, một nhà sản xuất điện độc lập (IPP) được phép bán điện trực tiếp vào lưới điện.

Tiếp đến là tính kinh tế của VPPA xoay quanh sự khác biệt giữa giá thị trường thả nổi và giá VPPA. Các khu vực RTO, ISO có giá thị trường được công bố công khai làm cơ sở để tính toán các khoản thanh toán tài chính của VPPA.

Lợi ích khi tham gia hợp đồng DPPA?

Có ba lợi ích chính của DPPA, bất kể đó là vật lý, hay ảo:

1. Tài chính: DPPA có thể cung cấp một hàng rào chống lại những biến động năng lượng trong tương lai. Trong DPPA vật lý, giá trị phòng hộ được hiện thực hóa do chi phí của lượng điện mua được giữ cố định ở mức DPPA trong khi giá điện lưới có xu hướng tăng theo thời gian. Trong VPPA, giá trị được hiện thực hóa khi doanh thu từ VPPA tăng do giá thị trường đã tăng cao hơn giá DPPA - bù đắp cho giá điện bán lẻ tăng tương tự.

2. Môi trường: Cả dự án năng lượng gió và mặt trời đều không có lượng phát thải liên quan và REC được tạo ra sẽ áp dụng cho phương pháp báo cáo dựa trên thị trường trong Phạm vi 2 của Nghị định thư Khí nhà kính (GHG). Và, nếu DPPA dành cho một dự án xây dựng mới, những người tham gia có thể tuyên bố một cách dễ dàng và đáng tin cậy rằng: Họ đang giúp bổ sung năng lượng tái tạo mới vào lưới điện.

3. Tiếp thị: DPPA là một cơ chế mua sắm năng lượng tái tạo được hiểu rõ và có thể được chia sẻ với các bên liên quan. Họ có được điểm mấu chốt kép - giúp đạt được các mục tiêu quan trọng về môi trường của công ty, đồng thời tạo ra tác động tích cực đến lưới điện thông qua việc bổ sung nguồn năng lượng tái tạo mới.

DPPA trực tiếp so với ảo:

Các DPPA vật lý và ảo khác nhau ở một số điểm cơ bản:

✔ Quy định: DPPA vật lý yêu cầu các bên tham gia phải có thẩm quyền tiếp thị điện của nhà nước để mua bán buôn điện từ nhà sản xuất điện. Việc làm như vậy có thể nằm ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi của bên cung cấp, hoặc đơn giản là quá tốn thời gian. Bên mua có thể thuê một bên thứ ba đã được ủy quyền để mua điện với giá bán buôn, đóng vai trò là bên tham gia thị trường.

✔ Tài chính: Tùy thuộc vào tiêu chuẩn kế toán mà công ty sử dụng, VPPA có thể được coi là một công cụ phái sinh, đòi hỏi phải xử lý kế toán phức tạp hơn. Nhìn chung, VPPA không được coi là phái sinh theo tổ chức U.S. GAAP, trong khi chúng thường đủ tiêu chuẩn là hợp đồng phái sinh, theo IFRS.

✔ Truyền tải/giao hàng: Bên cung cấp DPPA vật lý cần xem xét điều gì xảy ra với năng lượng sau khi họ nhận và sở hữu nó, đồng thời tìm giải pháp để truyền tải năng lượng đã mua đến địa điểm của bên mua, yêu cầu truyền tải, phân phối và giao hàng. Những người mua C&I thường ký hợp đồng với các nhà cung cấp bên thứ ba cho các dịch vụ này, vì việc đồng bộ hóa hoàn hảo các điều khoản thỏa thuận của các dịch vụ này (thường giới hạn trong một vài năm) với các điều khoản của DPPA dài hạn là khó xảy ra và có thể tạo thêm một lớp rủi ro phức tạp cho giao dịch tổng thể.

✔ Vị trí: Như đã đề cập ở trên, cấu trúc giao dịch vật lý, trong đó năng lượng được cung cấp đến cơ sở của bên mua bị giới hạn (nơi phát điện gần khách hàng, hoặc bên phát điện có lưới điện riêng). VPPA có tiềm năng rộng hơn, có thể có trong bất kỳ lưới điện nào. Hơn nữa, vì VPPA có bản chất tài chính và không liên quan đến việc truyền tải điện nên chúng không phụ thuộc vào địa điểm. Điều này có nghĩa là người mua có thể tìm thấy dự án hấp dẫn nhất và không bị giới hạn ở các dự án nằm gần trong khu vực. Nó cũng cho phép những người mua hàng củng cố nhu cầu trên toàn quốc của họ để nắm bắt lợi thế kinh tế nhờ quy mô.

✔ Phê duyệt nội bộ: DPPA yêu cầu tổ chức phải học hỏi ở nhiều cấp độ, vì VPPA có xu hướng trở thành một cơ chế mới cho hầu hết các bên mua, nảy sinh yêu cầu đào tạo về các vấn đề kỹ thuật và phi kỹ thuật. Để không bị đánh giá thấp, VPPA yêu cầu sự phối hợp giữa các bộ phận trong tổ chức và sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan. Sau khi có VPPA, các quy trình mới sẽ cần được phát triển để quản lý hợp đồng dài hạn và các khoản thanh toán tài chính hàng tháng.

Tất cả điều này cần có thời gian, nỗ lực và sự kiên trì.

Hợp đồng DPPA - Trở ngại và rủi ro:

Mặc dù DPPA ngày càng phổ biến trong phân khúc C&I, nhưng chúng yêu cầu người mua có thể cảm thấy tin tưởng với hồ sơ rủi ro cụ thể của loại hợp đồng này. Mọi cơ cấu thỏa thuận đều có sự cân bằng và cần đặc biệt chú ý đến những rủi ro sau đây, cũng như các biện pháp giảm thiểu tiềm năng:

✔ Rủi ro thị trường năng lượng: Trong VPPA, yếu tố rủi ro chính là thị trường điện bán buôn - đây không phải là điều mà hầu hết các doanh nghiệp đều quen thuộc như một phần hoạt động kinh doanh cốt lõi. Vì giá trị của VPPA dựa trên giá thị trường điện bán buôn giao ngay nên cần hiểu rõ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá đó - và đẩy giá lên, hoặc xuống - không thể bị phóng đại.

✔ Rủi ro phát triển dự án: Thông thường, người mua C&I đang tìm cách ký hợp đồng cho một dự án năng lượng tái tạo xây dựng mới - điều đó có nghĩa là luôn có rủi ro cho nhà phát triển dự án cuối cùng. Chẳng hạn như nhà phát triển sẽ không xây dựng được dự án mới, hoặc dự án không thể được xây dựng theo kế hoạch gốc, ngân sách, tiến độ đầu tư…

Với rất nhiều nỗ lực để có được DPPA, người mua luôn muốn giảm thiểu rủi ro này càng nhiều càng tốt, điều đó có nghĩa là phải kiểm tra đầy đủ tiến độ phát triển dự án, cũng như uy tín của bên bán.

✔ Rủi ro khi ký hợp đồng: Bản thân DPPA là một hợp đồng rất lớn, phức tạp, đòi hỏi phải đàm phán chuyên sâu giữa người mua C&I và nhà phát triển dự án tái tạo về nhiều điều khoản thương mại, cũng như pháp lý quan trọng. Do đó, người mua phải hiểu ý nghĩa của các điều khoản thương mại quan trọng này, vì chúng có tác động đáng kể đến giá trị tài chính của PPA, cũng như mức độ rủi ro chung mà người mua đang gặp phải.

Người thực hiện phải hiểu rõ ràng về tất cả các rủi ro liên quan đến giao dịch DPPA để họ có thể đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên kết quả tiềm năng, cuối cùng là cấu trúc giao dịch phù hợp với khả năng chấp nhận rủi ro cụ thể của họ. Cả DPPA vật lý và ảo đều mang lại câu chuyện về tác động môi trường mạnh mẽ cho các tổ chức C&I và chúng có thể hấp dẫn hơn về mặt tài chính so với các lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, chúng đi kèm với sự phức tạp và rủi ro về vật chất.

Cập nhật tiến độ xây dựng cơ chế DPPA ở Việt Nam:

Ngày 3/7/2024, Chính phủ đã thông qua Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Nghị định đã xác định hai cơ chế mua bán điện trực tiếp như sau:

“Mua bán điện trực tiếp là hoạt động mua bán giao nhận điện năng được thực hiện thông qua 02 hình thức như sau:

1. Mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng qua Đường dây kết nối riêng giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn theo quy định tại Chương II Nghị định này.

2. Mua bán điện trực tiếp qua Lưới điện quốc gia là hoạt động mua bán điện thông qua Hợp đồng kỳ hạn giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) và hoạt động mua bán điện thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định này bao gồm:

a) Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán toàn bộ điện năng sản xuất vào thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh;

b) Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực (hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp) để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu;

c) Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền mua bán điện thông qua Hợp đồng kỳ hạn”.

Khách hàng lớn được quy định là khách hàng tiêu thụ 200 kWh/tháng trở lên trung bình 12 tháng gần nhất, áp dụng cho cả khách hàng mua qua đường dây riêng, hay mua từ lưới.

Đối với trường hợp DPPA thông qua đường dây riêng, bên bán không bị giới hạn bởi các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp, và mục đích sử dụng điện, nhưng phải tuân thủ quy hoạch, giấy phép điện lực, an toàn PCCC, môi trường, đất đai và nhiều quy định khác với doanh nghiệp kinh doanh điện lực.

Trong khi đó, để tham gia DPPA thông qua lưới điện quốc gia, nhà máy điện gió, hoặc mặt trời phải có công suất lắp đặt từ 10 MW trở lên, đáp ứng mọi quy định về kinh doanh điện lực và khách hàng mua điện tối thiểu từ cấp điện áp 22 kV.

Nghị định mở rộng, cho phép đơn vị bán lẻ điện tại khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, cụm công nghiệp được tham gia như bên cung cấp điện.

Quá trình xây dựng Nghị định 80 đã trải qua nhiều khó khăn khi phải dung hòa lợi ích của nhiều bên và mục tiêu tăng trưởng bền vững. Bộ Công Thương và ngành điện đang nỗ lực để có những hợp đồng DPPA đầu tiên, qua đó sẽ rút được kinh nghiệm cho việc cải thiện quy trình ký kết các hợp đồng tiếp theo./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Link tham khảo:

1. https://perspectives.se.com/renewable-energy/what-is-the-difference-between-direct-and-financial-ppas-for-corporate-buyers

2. https://3degreesinc.com/resources/ppas-power-purchase-agreements/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động