Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Điện lực
02:09 | 21/06/2012
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, nhưng cũng chỉ ra những bất cập mà dự thảo chưa bàn tới.
Theo đại biểu, dự luật mới tập trung sửa đổi một số điều liên quan đến quy định về giá điện và quy hoạch điện, trong khi còn rất nhiều vấn đề phải xem xét qua hơn 7 năm thực hiện Luật Điện lực.
Cụ thể như việc cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển điện lực bền vững và an toàn, giảm bớt đầu tư của Nhà nước, nâng cao hơn nữa tính minh bạch về giá điện, tạo hành lang pháp lý và lộ trình rõ ràng về xây dựng thị trường điện cạnh tranh và chống độc quyền trong thị trường điện.
Đại biểu nhấn mạnh, cần xác định rõ cơ cấu giá điện, phân biệt giữa giá và phí, căn cứ pháp lý để quy định giá và phí điện lực. Đối với quy định trong việc xây dựng giá và duyệt giá điện, đại biểu cho rằng, trong các loại giá điện thì giá điện bán lẻ là quan trọng nhất, được nhiều người quan tâm nhất vì nó liên quan đến toàn bộ hoạt động của xã hội, tác động trực tiếp tới mỗi người dân sử dụng điện.
Để việc xây dựng giá bán điện lẻ được đảm bảo theo hướng tính đúng, tính đủ, được điều tiết linh hoạt theo cơ chế thị trường có sự định hướng của Nhà nước, đại biểu đề nghị quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung giá bán điện lẻ bình quân và cơ cấu giá bán lẻ điện, Tập đoàn Điện lực chịu trách nhiệm tổ chức các đơn vị bán lẻ xây dựng giá bán lẻ trình Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Xuân Thăng, đại biểu Dương Quang Sơn (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, để có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cần phải hạch toán được chính xác, đầy đủ các chi phí đầu vào hình thành giá điện. Việc hạch toán và giá điện phải hết sức minh bạch, chính xác, đồng thời phải có kiểm toán hàng năm.
Đại biểu Dương Quang Sơn dẫn theo Báo cáo của Bộ tài chính cho biết, trong 2 năm 2010 - 2011, ngành Điện phải “chi treo” một số khoản chưa hạch toán được vào giá, ví dụ như chênh lệch tỷ giá, huy động điện giá cao khi chúng ta thiếu điện, chi phí về tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn vv…
Quan tâm đến giá điện, đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đề nghị Bộ Công Thương đề ra những giải pháp để chống độc quyền, bởi nếu còn độc quyền sẽ không bao giờ có sự bình đẳng giữa người mua và người bán. Đại biểu cho biết, cử tri nói rằng, nếu cứ độc quyền của ngành Điện thì người dân xin không bao giờ là “thượng đế” của ngành Điện cả.
Về quy hoạch phát triển ngành Điện, đại biểu Bùi Thị An chỉ rõ, quy hoạch điện phải tránh manh mún, nhỏ lẻ, lãng phí - bởi trong giai đoạn vừa qua, quy hoạch thủy điện phát triển quá nhiều. Do đó, nên quy định công suất bao nhiêu thì cấp nào duyệt, có thể phân cấp nhưng phải kiểm tra.
Đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay, điện vẫn là loại hàng hóa đặc biệt nên cần có sự can thiệp của Nhà nước vào giá. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh hơn quá trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh, sớm bổ sung những quy định đảm bảo quyền bình đẳng và nghĩa vụ giữa bên bán điện và bên mua điện.
Phân tích những tồn tại của ngành điện, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (đoàn Nam Định) cho rằng, một số vấn đề như độc quyền, quy hoạch ngành điện, trang thiết bị, thu hút đầu tư, phát triển ngành Điện được đề cập khá mờ nhạt trong dự thảo.
Cũng theo đại biểu, dự thảo cần bổ sung rõ quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và có chế tài xử phạt rõ ràng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên.
Nguồn: Chinhphu