RSS Feed for Phê duyệt Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (2021-2025) của EVN | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 16/11/2024 18:16
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phê duyệt Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (2021-2025) của EVN

 - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 26/4/2024 phê duyệt Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Một số nhận định về các dự án thủy điện (đầu tư mới và mở rộng) theo Quy hoạch điện VIII Một số nhận định về các dự án thủy điện (đầu tư mới và mở rộng) theo Quy hoạch điện VIII

Như chúng ta đã biết, ngày 1/4/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Nhân dịp này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một số phân tích, nhận định ban đầu về các dự án thủy điện sẽ được triển khai (đầu tư mới và mở rộng) theo Quy hoạch. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là phát triển EVN thành Tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác; hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao. Góp phần chính trong nhiệm vụ bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân với giá điện hợp lý, đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Tập đoàn.

Mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho EVN là chỉ đạo công tác vận hành hệ thống điện quốc gia với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định, hiệu quả, đúng quy định, đảm bảo an ninh cung cấp điện. Thực hiện nhiệm vụ chính trị giữ vai trò chính trong bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.

Đầu tư phát triển các dự án nguồn điện và lưới điện được giao theo Quy hoạch phát triển điện lực và các khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư, nhất là các công trình quan trọng, trọng điểm, cấp bách như công trình đường dây 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên); xây dựng lưới điện thông minh, hiệu quả đồng bộ với nguồn điện và cung cấp điện cho phụ tải. Đồng thời đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình điện.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao về đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển và vận hành thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam theo các cấp độ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; sớm triển khai và thúc đẩy vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Thực hiện đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao từ khâu truyền tải tới khâu phân phối.

Các chỉ tiêu chủ yếu Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025):

- Điện sản xuất và mua: 1.404.891 triệu kWh.

- Điện thương phẩm: 1.288.064 kWh.

- Tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối: Phấn đấu giảm còn 6% vào năm 2025.

- Lợi nhuận định mức trên vốn chủ sở hữu: 3%.

- Nhu cầu vốn đầu tư: 479.000 tỷ đồng.

Đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân khoảng 7%/năm:

Quyết định nêu cụ thể kế hoạch triển khai các lĩnh vực: Cung ứng điện; đầu tư phát triển nguồn điện; đầu tư phát triển lưới điện; đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo.

Trong lĩnh vực cung ứng điện: Kế hoạch đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 7%/năm (trong đó tăng trưởng điện thương phẩm các năm 2022 - 2025 khoảng 7,82%/năm). Chuẩn bị phương án để có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm cao hơn.

Đối với lĩnh vực đầu tư phát triển nguồn điện: Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình (mở rộng), Thủy điện Ialy (mở rộng), Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Thủy điện Trị An (mở rộng), Thủy điện Tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Đưa vào vận hành 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 840 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình (mở rộng), Thủy điện Ialy (mở rộng) và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện trọng điểm để đưa vào phát điện 6 dự án còn lại (trong giai đoạn 2026 - 2030) với tổng công suất khoảng 5.803 MW gồm: Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Thủy điện Trị An (mở rộng); Nhiệt điện Dung Quất 1 và 3, LNG Quảng Trạch 2, Thủy điện Tích năng Bắc Ái.

Triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư mở rộng các nhà máy thuỷ điện hiện hữu, các nhà máy thủy điện tích năng và các dự án nguồn điện sử dụng khí hoá lỏng theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu bổ sung các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi, mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu còn lại (Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát), nhà máy thủy điện cột nước thấp… để có đủ cơ sở báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét, chấp thuận đưa vào quy hoạch/kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Tập trung hoàn thành công trình trọng điểm đường dây 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trong năm 2024:

Lĩnh vực đầu tư phát triển lưới điện: Đầu tư các công trình lưới điện 500 - 220 kV được giao trong Quy hoạch điện VIII, trong đó hoàn thành đưa vào vận hành 225 công trình lưới điện truyền tải 500 - 220 kV với tổng chiều dài khoảng 10.500 km và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 63.000 MVA. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành công trình trọng điểm đường dây 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trong năm 2024.

Lĩnh vực đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo: Triển khai đầu tư các dự án cấp điện nông thôn tại các địa phương được giao trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp mục tiêu Chương trình và khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục bố trí các nguồn vốn để cải tạo, mở rộng lưới điện hiện hữu, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng, đáp ứng yêu cầu sử dụng điện của người dân và các doanh nghiệp.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn Tập đoàn là 479.000 tỷ đồng:

- Quyết định nêu rõ, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn Tập đoàn là 479.000 tỷ đồng gồm:

+ Vốn đầu tư thuần: 278.215 tỷ đồng.

+ Góp vốn các dự án điện: 1.455 tỷ đồng.

+ Trả nợ gốc và lãi vay: 199.330 tỷ đồng.

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư Công ty Mẹ - EVN là 99.950 tỷ đồng, gồm:

+ Vốn đầu tư thuần: 50.402 tỷ đồng.

+ Trả nợ gốc và lãi vay: 49.548 tỷ đồng.

+ Đối với vốn góp để đầu tư dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 sẽ cập nhật, bổ sung sau khi được cơ quan có thẩm quyền thông qua chủ trương góp vốn.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, EVN sẽ triển khai các giải pháp về quản trị và quản lý doanh nghiệp; giải pháp về tài chính; giải pháp về đầu tư; giải pháp về vận hành các nhà máy điện và thị trường điện; giải pháp về khoa học công nghệ, an toàn, môi trường và phát triển bền vững; giải pháp về quốc phòng - an ninh - đối ngoại./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động