RSS Feed for Pháp sẽ kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 20:09
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Pháp sẽ kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân?

 - Điều này đi ngược lại với dự kiến trước đó của Pháp cho ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân. Vì sao vậy?

Trung tâm điện hạt nhân Cattenom của Pháp với 4 tổ máy vận hành từ 1986-1991.

Cuối tháng 2, trên kênh truyền hình France 3, Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Pháp Ségolène Royal tuyên bố "sẵn sàng bật đèn xanh" cho việc kéo dài thời hạn hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân nước này, "trừ phi có ý kiến của Cơ quan an toàn hạt nhân". 

Xuất phát từ nhu cầu trong nước 

Tuyên bố của bà Ségolène Royal chỉ là sự phản ánh dự định của Chính phủ Pháp xuất phát từ nhu cầu bảo đảm nguồn cung năng lượng thực tế của đất nước. 

Luật chuyển dịch năng lượng của Pháp, ban hành tháng 8/2015, dự kiến hạ tỷ lệ điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia từ 75% hiện nay xuống 50% vào năm 2025, đồng thời bù đắp khoản thiếu hụt bằng việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. 

Theo ước tính, việc hạ tỷ lệ điện hạt nhân xuống 50% trong cơ cấu năng lượng quốc gia sẽ dẫn tới khả năng phải cho ngừng hoạt động của 17-24 tổ máy từ nay đến 2025. Trước mắt, từ nay đến 2018, ngừng từ 5-8 tổ máy. Tuy nhiên, theo Tập đoàn Điện lực quốc gia Pháp EDF, về trung hạn, chỉ có một số ít tổ máy phải đình chỉ hoạt động vì quá cũ, ví như các tổ máy của trung tâm Fessenheim, và bù lại là việc đưa trung tâm EPR ở Flamanville (Manche) vào hoạt động vào cuối 2018 để duy trì tổng công suất 63,2 GW (gigawatts). 

Như vậy là mặc dù có bị cắt giảm, điện hạt nhân vẫn là nguồn điện năng chủ đạo của nước Pháp trong thời gian tới, khi mà các nguồn năng lượng khác chưa có khả năng thay thế. Việc duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân là một nhu cầu thiết thực.

Đa số các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp đã hòa với lưới điện trong khoảng từ cuối những năm 1970 đến cuối những năm 1980. Từ nay đến 2025 hơn một nửa trong số đó sẽ chạm ngưỡng 40 năm hoạt động theo thiết kế. 

Để bảo đảm tổng công suất tối thiểu 63,2 GW điện hạt nhân, nước Pháp cần duy trì hoạt động của 58 tổ máy điện hạt nhân hiện nay trên cơ sở kéo dài tuổi thọ của một số tổ máy, trừ phi thay thế chúng bằng những tổ máy mới.

Tập đoàn EDF hy vọng kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân tới 50 năm, thậm chí là 60 năm, nhằm đạt hiệu suất khai thác tốt hơn. EDF cho rằng những nhá máy đó đã được khấu hao, do vậy có thể duy trì hoạt động và cho một nguồn điện rẻ hơn. Luận điểm đó được Bộ trưởng Royale ghi nhận. 

Nhiều vấn đề đặt ra

Để kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân thêm trên 10 năm, không thể bỏ qua công tác tân trang và bảo đảm an toàn. Điều này đòi hỏi một ngồn vốn rất lớn.

EDF ước tính cần 55 tỷ Euro từ nay đến năm 2025, còn Vụ Ngân sách thì đưa ra con số 100 tỷ Euro từ nay tới năm 2030.

Tuy nhiên, đây là một trở ngại lớn, bởi EDF đang gặp khó khăn về tài chính và không thể chi một khoản lớn như vậy cho dự án.

Vấn đề đặt ra tiếp theo là số lượng các tổ máy, thuộc trung tâm điện hạt nhân nào sẽ được kéo dài tuổi thọ.

Sự phản đối từ các nước láng giềng

Dự án kéo dài tuổi thọ của các tổ máy thuộc các nhà máy điện hạt nhân của Pháp trùng lặp với sự phản đối của dư luận các nước láng giềng trước nguy cơ mất an toàn của chúng, đặc biệt là với các nhà máy nằm sát biên giới. 

Ngày 2/3, Lãnh đạo thành phố Genève (Thụy Sỹ) đã lên tiếng đầu tiên phản đối trung tâm hạt nhân Bugey của Pháp, cách đó 70 km theo đường chim bay. Một bản kiến nghị đã được gửi tới Paris cùng ngày.

Từ lâu, Genève đã yêu cầu đóng cửa trung tâm Bugey, có 4 tổ máy được đưa vào sử dụng từ những năm 1978-1979, được cho là đã cũ không an toàn. Genève cũng phản đối việc xây dựng ở Bugey cơ sở lưu trữ và xử lý chất thải phóng xạ, nhằm tiếp nhận một phần các thiết bị phóng xạ của 9 tổ máy đang trong quá trình hủy bỏ (Brennilis; Bugey 1; Chinon A1, A2, A3; Chooz A; Saint-Laurent A1 và A2; Creys-Malville).  

Về phần mình, các nhà bảo vệ môi trường Đức đang hướng sự chỉ trích vào trung tâm điện hạt nhân Cattenom với 4 tổ máy vận hành từ 1986-1991. Theo họ, các tiêu chuẩn an toàn của trung tâm là "không đầy đủ". Ông Anton Hofreifer, thủ lĩnh đảng Xanh trong Quốc hội Đức đã yêu cầu Chính phủ Liên bang mở cuộc đàm phán với Pháp nhằm đóng cửa trung tâm này.

Đức cũng đang yêu cầu Pháp nhanh chóng đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fessenheim (Haut-Rhin), một trong những trung tâm hạt nhân lâu đời nhất nằm ở gần biên giới hai nước. Nhà máy này được đưa vào hoạt động từ những năm 70 của thế kỷ trước, đã cũ và được cho là không bảo đảm an toàn. Nếu xảy ra sự cố, vòng ảnh hưởng của trung tâm này sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ của nước Pháp tới các nước láng giềng như Đức, Luxembourg hay Thụy Sỹ.

Bên cạnh phản ứng của các nước láng giềng là sự phản đối của các tổ chức chống hạt nhân của Pháp. Ủy ban đấu tranh chống hạt nhân ngày 3/3 đã trình một bản kiếm nghị lên Hội đồng Nhà nước nhằm hủy bỏ quyết định ngày 30/12/2015 liên quan đến các thiết bị hạt nhân.

Theo bà Marie Toussaint, Chủ tịch Ủy ban, quyết định ấy "trên thực tế cho phép các nhà công nghiệp tránh những trách nhiệm bảo đảm an toàn căn bản".

5 tổ chức phi chính phủ, trong đó có các tổ chức Từ bỏ hạt nhân, Những người bạn của trái đất, Thiên nhiên và môi trường Pháp, đã yêu cầu Hội đồng Nhà nước xem xét lại một quyết định khác do Bộ trưởng Môi trường Ségolène Royal ký ngày 15/1 liên quan đến giá thành dự án bãi chôn chất thái hạt nhân tại khu vực Bure.

Cơ quan quản lý chất thải phóng xạ quốc gia (ANDRA) ước tính trị giá xây dựng bãi chôn là 34,4 tỷ Euro. Những người phản đối dự án này cho đây là "món quà cho các công ty hạt nhân đang xuống dốc" và "dự án này sẽ là gánh nặng nợ nần cho các thế hệ tương lai".

Việt Nam-Pháp hợp tác đào tạo nhân lực điện hạt nhân
Pháp sẽ giúp Việt Nam đào tạo nhân lực điện hạt nhân
Năng lượng nguyên tử: Những bước tiến về hợp tác quốc tế

Theo VOV-Paris

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động