RSS Feed for Phản biện, kiến nghị giải pháp an ninh năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 06/12/2024 15:44
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phản biện, kiến nghị giải pháp an ninh năng lượng Việt Nam

 - An ninh năng lượng (ANNL) ngày nay và một trong hai thập kỷ tới đang là những quan ngại của nhiều quốc gia. Ngoại trừ Nga, Mỹ và một số nước Trung Đông, còn lại các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam sẽ sớm đối mặt với nguồn cung năng lượng. Phản biện và đề xuất giải pháp về chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam, Tòa soạn NangluongVietnam giới thiệu bài viết của ThS. Nguyễn Anh Tuấn (Phó Viện trưởng Viện Năng lượng - Bộ Công Thương).

Biểu đồ lượng tiêu thụ và dự đoán theo nguồn năng lượng (của Tổ chức OECD/ EIA International Energy Outlook & UN's World Populations)


Việt Nam tuy mới là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển và mới đạt được mức độ thu nhập trung bình. Hiện tại, cung cầu năng lượng nói chung và cung cầu điện năng nói riêng ở nước ta đang có những bức xúc. Xem xét nghiên cứu một cách nghiêm túc và sâu sắc về giải pháp ANNL là vấn đề không chỉ của Nhà nước, Chính phủ mà là trách nhiệm của mọi người dân.

Đánh giá năng lượng toàn cầu

Thuỷ điện vốn là nguồn năng lượng có thể tái tạo đã được khai thác khá mạnh, đang ngày càng gặp phải những vấn đề về môi trường (mất đất, xói lở, biến đổi sinh thái, di dân,…); Than đá chỉ đủ dùng cho khoảng 150 - 200 năm; Dầu thô, khí đốt chỉ còn cho khoảng 60 - 70 năm; Nhiên liệu Urani cho nhà máy điện hạt nhân cũng chỉ đủ cho 70 năm, nếu không có biện pháp tái xử lý nhiên liệu đã chạy.

Nhiều quốc gia giàu có cũng đang đau đầu về giải bài toán cung cấp đủ năng lượng cho nền kinh tế, đáp ứng phát triển bền vững trong điều kiện giá cả năng lượng đang tăng nhanh.

Trong công cuộc đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, năng lượng ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn.

Năm 2009, Việt Nam khai thác trên 16 triệu tấn dầu thô, gần 44 triệu tấn than, khoảng trên 8 tỷ m3 khí đốt, nhập khẩu 12,7 triệu tấn sản phẩm dầu các loại, xuất khẩu 25 triệu tấn than và sản xuất 83,2 tỷ kWh điện.

Theo thống kê và đánh giá, giai đoạn từ 2001 - 2010, tổng sản xuất năng lượng sơ cấp (các loại than, dầu khí, thuỷ điện) tăng từ trên 32 triệu tấn dầu quy đổi (triệu TOE) đến 62 triệu TOE, gấp 1,9 lần với bình quân tăng 6,8%/năm; tổng tiêu thụ năng lượng thương mại cuối cùng (không tính năng lượng phi thương mại như: củi, than bùn, phụ phẩm nông nghiệp…) tăng từ 11,9 triệu TOE lên đến 35 triệu TOE, gấp 2,9 lần; điện tiêu thụ bình quân đầu người tăng từ 289 kWh lên đến 998 kWh/ người/năm, gấp gần 3,5 lần.

Dự báo trong giai đoạn 10 năm và 20 năm tới, đến năm 2020 và 2030, tổng nhu cầu năng lượng thương mại cuối cùng sẽ đạt tương ứng 78,8 - 83,6 triệu TOE và 152 - 175 triệu TOE, nghĩa là đến năm 2020 nhu cầu năng lượng cuối cùng ở nước ta sẽ gấp 2,2 - 2,4 lần hiên nay.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có đa dạng nguồn nhiên liệu năng lượng, song không thực sự dồi dào. Tiềm năng kinh tế - kỹ thuật nguồn thuỷ điện nước ta được đánh giá có thể sản xuất hàng năm khoảng 65 - 70 tỷ kWh sẽ được khai thác hết với các công trình thuỷ điện đang vận hành, đang và sẽ xây dựng từ nay đến năm 2017.

Theo quy hoạch khai thác của ngành than, sản lượng than chỉ đủ cung cấp cho khoảng 12.000 MW, nghĩa là sản xuất được không quá 72 tỷ kWh mỗi năm, kể cả đến những năm 2025 - 2030.

Với nguồn khí đốt tại các mỏ ngoài khơi, theo tính toán chỉ đủ cho phát triển các nhà máy điện khí để sản xuất trên 100 tỷ kWh/năm và khoảng 3 - 5% lượng khí đốt cần cung cấp cho các hộ công nghiệp khác.

Còn tiềm năng khai thác dầu thô sẽ sớm đạt tới mức trần (khoảng 17 - 18 triệu tấn/năm) và suy giảm dần giai đoạn sau năm 2015.

Trên cơ sở đánh giá mức tăng nhu cầu năng lượng và khả năng khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, các chuyên gia đã tính toán cân đối nhu cầu tổng thể và khả năng đáp ứng các loại năng lượng sơ cấp trong dài hạn như bảng và hình minh hoạ sau:

 

Dạng NL

2010

2015

2020

Đơn vị tự nhiên

KTOE

Đơn vị tự nhiên

KTOE

Đơn vị tự nhiên

KTOE

Nhu cầu NL sơ cấp

 

61123

 

91675

 

148786

Khả năng cung cấp nội địa

 

76889

 

89402

 

96172

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

Than

49,8

tr. tấn

27888

60

tr. tấn

31680

70

tr. tấn

34562

Sản phẩm dầu thô

19,86 tr. tấn

20217

20

tr. tấn

20360

20,7

tr. tấn

21073

Khí đốt

7,98 tỷ m3

7183

11,43 tỷ m3

10288

12,68 tỷ m3

11413

Thuỷ điện

30,13

TWh

6478

54,4

TWh

11695

60,4

TWh

12994

Thuỷ điện nhỏ

1,99

TWh

428

4,2

TWh

905

6,46

TWh

1391

Năng lượng tái tạo

44,5

tr. tấn

14695

43,8

tr. tấn

14474

44,6

tr. tấn

14740

Thừa (+) thiếu (-)

 

+15766

 

-2273

 

-52614

 

Giải pháp an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam

Trong “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050” đã nêu hai quan điểm phát triển năng lượng dài hạn, thể hiện sự chú trọng của Chính phủ như sau:

Một là, phát triển năng lượng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đi trước một bước, với tốc độ cao, bền vững, đồng bộ, đi đôi với đa dạng hoá các nguồn năng lượng và công nghệ tiết kiệm năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Hai là, phát triển năng lượng quốc gia phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước kết hợp với việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, thiết lập an ninh năng lượng quốc gia trong điều kiện mở, thực hiện liên kết hiệu quả trong khu vực và trên toàn cầu, gắn với giữ vững an ninh quốc gia và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Một số giải pháp an ninh năng lượng được cho là quan trọng và phù hợp với Việt Nam được tóm tắt như sau:

Thứ nhất: Tiết kiệm và hiệu quả năng lượng được đánh giá là giải pháp luôn được ưu tiên, bởi đây là giải pháp đòi hỏi đầu tư thấp hơn nhiều so với các giải pháp khác.

Nhiều nội dung vận động mọi người có ý thức tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng đang được triển khai mạnh mẽ trong chương trình mục tiêu quốc gia.

Các cuộc vận động người dân với khẩu hiệu: “Tắt bới đèn khi không cần thiết và trước khi ra khỏi phòng”, “đặt máy điều hoà ở mức 270 - 280 ”; khuyến khích người tiêu dùng “Thay bóng đèn sợi đốt bằng đèn huỳnh quang và đèn compact”; chương trình “Tiến hành dán nhãn các thiết bị tiết kiệm năng lượng và khuyến khích người dân sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng”; thực hiện công tác kiểm toán năng lượng để các hộ công nghiệp và thương mại có các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả nhất…

Theo đánh giá, thực hiện tốt “Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng” có thể giảm được nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng có thể đạt 10% trong vòng 5 năm tới.

Thứ hai: Tăng cường công tác khảo sát, thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng để nâng cao tiềm năng và trữ năng là giải pháp thường xuyên, nhằm tăng cường khả năng khai thác sản xuất các nguồn năng lượng sơ cấp, giảm bớt sự phụ thuộc bên ngoài.

Với ngành Than, các giải pháp này bao gồm: đẩy mạnh công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng than trên mức - 300m và tìm kiếm sâu từ - 400 đến -1.100 tại vùng than Quảng Ninh; khuyến khích các địa phương có các điểm than đầu tư thăm dò để khai thác phục vụ cho nhu cầu tại chỗ; tranh thủ các nguồn vốn để thăm dò, đánh giá trữ lượng và nghiên cứu khả năng khai thác vùng than Đồng bằng Sông Hồng.

Với ngành Dầu khí: khuyến khích và đẩy nhanh công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí; xây dựng một hệ thống tổ chức rõ ràng, hiệu quả để giám sát hợp đồng và xét trao thầu các lô thăm dò; định kỳ xem xét; điều chỉnh các điều khoản về tài chính để việc đầu tư thăm dò, phát triển dầu khí ở Việt Nam cạnh tranh được với các nước khác.

Ưu tiên phát triển, khai thác và sử dụng khí thiên nhiên. Khuyến khích và ưu đãi cho các nhà đầu tư thăm dò và khai thác các mỏ khí, đặc biệt là các mỏ khí có trữ lượng giới hạn biên. Đa dạng hóa hình thức đầu tư, có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao để khai thác các mỏ dầu, khí có trữ lượng giới hạn biên…

Thứ ba: Đa dạng hóa các nguồn năng lượng là các giải pháp tổng hợp bao gồm giải pháp đa dạng hóa khai thác sử dụng các loại nguồn năng lượng khác nhau. Song song với khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, cần nghiên cứu ứng dụng các loại nguồn nguyên liệu khác như: phát triển sử dụng năng lượng hạt nhân cho phát điện; nhập khẩu điện và xây dựng các nguồn điện từ các nước láng giềng như: Lào, Campuchia, Trung Quốc để đưa điện về nước ta, nhập khẩu khí hóa lỏng LNG cho sản xuất điện…

Đa dạng nguồn năng lượng còn biểu hiện ở đa dạng hóa các chủ sở hữu trong nước và nước ngoài (ví dụ các dự án nguồn điện IPP, BOT...) nhằm huy động vốn, nguồn lực và công nghệ hiện đại cho đảm bảo cung cấp năng lượng.

Thứ tư: Tăng cường năng lực nội địa về cung cấp các sản phẩm năng lượng là một giải pháp có tính nguyên tắc, trong đó cần quan tâm tới xây dựng các sản phẩm năng lượng là một giải pháp có tính nguyên tắc, trong đó cần quan tâm tới xây dựng các cơ sở chế biến, dự trữ năng lượng …

Trong quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng đã đưa vào kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu thứ hai và thứ 3 nhằm chủ động sản xuất các sản phẩm (xăng, dầu hỏa, diesel, dầu FO, mazut, xăng máy bay, khí LPG…) cung cấp cho nền kinh tế, đồng thời có kế hoạch xây dựng các kho xăng dầu để tăng số ngày đảm bảo dự trữ nhiên liệu quốc gia lên tới 60 ngày và 90 ngày vào năm 2020 và 2030 tương ứng.

Thứ năm: Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) là một trong những giải pháp ngày càng được quan tâm, nhất là khi thị trường thế giới về nhiên liệu - năng lượng phi tái tạo (than, dầu khí) đang càng có nhiều thách thức về khả năng khai thác, về giá cả và về các cuộc khủng hoảng chính trị.

Mặc dù NLTT có những đặc điểm hạn chế về tính phụ thuộc thời tiết, giá cả thiết bị cao, khả năng khai thác thiết bị thấp hơn các loại nguồn khác, nhưng Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách khuyến khích mạnh mẽ để dạng năng lượng này ngày càng chiếm tỉ trọng cao hơn trong tổng thể các nguồn năng lượng. Đặc biệt phát triển NLTT ở các vùng miền núi, biên giới, hải đảo còn có ý nghĩa về tăng cường năng lực an ninh quốc phòng.

Thứ sáu: Giải pháp giá, hình thành và phát triển thị trường năng lượng, thị trường điện lực cạnh tranh là giải pháp tất yếu lâu dài, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy sự cạnh tranh hiệu quả trong sản xuất - truyền tải - phân phối và sử dụng năng lượng.

Chính sách giá năng lượng được coi là một trong những chính sách đột phá, nhanh chóng xoá bỏ độc quyền, bao cấp trong cả sản xuất và tiêu dùng năng lượng. Giá năng lượng cần được xác định phù hợp với cơ chế thị trường, Nhà nước điều tiết giá năng lượng thông qua chính sách thuế và các công cụ quản lý khác. Đưa giá năng lượng về mức phản ánh đúng giá trị đầu vào còn nhằm mục tiêu hỗ trợ các giải pháp về đa dạng hoá đầu tư năng lượng, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào thị trường sản xuất, cung cấp năng lượng.

Những năm qua, thực hiện chính sách hỗ trợ một số ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển, đồng thời hỗ trợ người nghèo, thu nhập thấp, Nhà nước đã duy trì giá năng lượng khá thấp so với khu vực và thế giới.

Giá than cho sản xuất điện chỉ bằng 1/3 giá than xuất khẩu, giá điện bình quân sau nhiều lần tăng giá cũng chỉ khoảng bằng 1/3 giá điện Singapo và một nửa giá điện Thái Lan hiện nay (tuy nhiên, so sánh như vậy vẫn chưa tính đến khả năng chi trả của người dân với mức GDP đầu người chỉ bằng ¼ Thái Lan và 1/40 Singapo).

Nhưng bất luận như thế nào, giá năng lượng thấp đã gây ra một số hệ luỵ khó khăn như: nhiều hộ duy trì nếp sử dụng năng lượng lãng phí, dây chuyền công nghệ lạc hậu, sản phẩm kém cạnh tranh, người dân chưa có ý thức sử dụng điện tiết kiệm, một số nhà đầu tư trong ngành thép, xi măng… lợi dụng giá điện thấp đã xây dựng các nhà máy với quy mô vượt quy hoạch; nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước còn chần chừ khi phát triển các công trình nguồn cung cấp năng lượng.

Hơn nữa, các đơn vị nhà nước được giao nhiệm vụ đầu tư sản xuất cung cấp điện như: EVN, PVN, TKV cũng gặp khó khăn về hoàn vốn…

Riêng năm 2010, do thời tiết không thuận lợi, lượng nước về các hồ thuỷ điện giảm kỷ lục so với nhiều năm, cộng với giá các nhiên liệu dầu nhập khẩu tăng cao, EVN đã thua lỗ và nợ tiền điện và tiền mua khí, mua than của 2 tập đoàn PVN và TKV tới 10.000 tỷ đồng. Dự kiến trong 1-2 năm tới EVN cũng chưa thể trả được số nợ này, đồng thời thiếu nhiều ngàn tỷ đồng vốn cho đầu tư xây dựng các nhà máy điện mới.

Trong 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QHĐ) giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025, tổng công suất nguồn điện vào vận hành là trên 14.000 MW, nhưng thực tế do những nguyên nhân về thiếu vốn, giá thiết bị, nhiên liệu tăng cao, giá điện thấp, năng lực nhà thầu hạn chế… tổng công suất đưa vào chỉ đạt trên 10.000MW, đạt 70% so với quy hoạch.

Sự chậm trễ này xảy ra không chỉ với một số công trình thuộc EVN đầu tư mà với hầu hết các nhà đầu tư ngoài EVN.

Trong QHĐ VII (giai đoạn 2011 - 2020 có xét tới 2030) mà Chính phủ vừa phê duyệt, dự kiến có trên 20.000 MW cần xây dựng đưa vào vận hành trong giai đoạn 2011 - 2015. Thách thức sẽ còn lớn hơn 5 năm trước, nếu chúng ta thiếu các giải pháp đồng bộ.

Với những dự báo về nhu cầu năng lượng của thế giới trong tương lai và khả năng khai thác các nguồn năng lượng đã hạn chế dần, xu thế giá cả năng lượng, nhiên liệu khó có thể quay lại mức như những năm đầu thế kỷ này, mà sẽ tiếp tục tăng.

Giải pháp đưa giá cả năng lượng phản ánh đúng đầu vào và được điều chỉnh bởi cơ chế thị trường, có những biện pháp điều tiết vĩ mô của Nhà nước là thực sự cần thiết và cấp bách.

Chính vì vậy mà ngày 15/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg về việc giá điện tại Việt Nam được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

Theo đó, giá điện có thể được điều chỉnh tối đa 4 lần trong một năm, tùy theo các yếu tố đầu vào (giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu sản lượng điện phát) mà giá điện có thể tăng, giảm thông qua cơ chế giám sát của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Sau đó, ngày 19/8/2011 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 31/20/TT-BCT về quy định điều chỉnh giá điện theo thông số cơ bản đầu vào.

Trong dài hạn, trong Văn bản phê duyệt QHĐ VII, Chính phủ đã có định hướng đưa giá điện lên tới 8,8 - 9 US cent/kWh vào năm 2020.

Ngoài các giải pháp nêu trên, các giải pháp khác được cho là cần thiết với an ninh trong phát triển năng lượng dài hạn cũng cần được quan tâm như: giải pháp huy động và bố trí nguồn vốn cho ngành năng lượng, giải pháp về bảo vệ môi trường sinh thái…

Năng lượng là huyết mạch cho phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Trong bối cảnh chung toàn cầu và điều kiện cụ thể của Việt Nam, an ninh năng lượng ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn.

Với trách nhiệm cao, Chính phủ đã có những cơ chế năng động và hiệu quả để năng lượng được đảm bảo cung cấp ngày càng đầy đủ với giá cả hợp lý, đảm bảo đủ năng lượng cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trách nhiệm của mỗi người chúng ta là hiểu và tham gia vào việc tuyên truyền, sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất, nhằm góp phần cho đất nước Việt Nam phát triển bền vững, giàu đẹp hơn, văn minh hơn.

ThS. Nguyễn Anh Tuấn
(Đầu đề bài viết do NangluongVietnam đặt)




 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động