RSS Feed for Nhập khẩu than cho các dự án điện của PVN: Thách thức và giải pháp [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 00:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhập khẩu than cho các dự án điện của PVN: Thách thức và giải pháp [Kỳ cuối]

 - Có thể nói, việc nhập khẩu than với khối lượng lớn cho sản xuất điện của Việt Nam là vấn đề hết sức phức tạp. Đã đến lúc chúng ta cần có đơn vị đầu mối có năng lực, kinh nghiệm để nhập khẩu than cho tất các dự án điện than trong tương lai tới... Để kết thúc chuyên đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Nhập khẩu và Phân phối than Điện lực Dầu khí (PV Power Coal) thuộc PV Power - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 1]
Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 2]
Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 3]
Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 4]
Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 5]
Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 6]

 

TẠM KẾT: PV POWER/ PV POWER COAL VỚI CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ QUẢN TRỊ CHUỖI CUNG ỨNG THAN NHẬP KHẨU TỐI ƯU CHO CÁC DỰ ÁN ĐIỆN PVN

 

Năng lượng Việt Nam: Ông có thể cho biết nhu cầu sử dụng than của các nhà máy nhiệt điện do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư?

Ông Lê Minh Tuấn: Theo QĐ số 403/QĐ-TTg ngày 14/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than, nhu cầu than nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) rất lớn, khoảng 27,5 triệu tấn năm 2020 và tới 87 triệu tấn năm 2030.

Các dự án của PVN, sau năm 2020 lượng than cần nhập khẩu tới 7 triệu tấn/năm than bitum, á bitum cho các NMNĐ Long Phú 1 và Sông Hậu 1.

Ngoài ra, theo các báo cáo nghiên cứu gần đây cho thấy, nguồn cung từ Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho các NMNĐ dùng than anthracite của PVN là Vũng Áng 1 và Thái Bình 2  sẽ khó đáp ứng đủ nhu cầu, dự kiến phải nhập khẩu bổ sung hàng năm 10-20% (khoảng 0,6-1,2 triệu tấn/năm) cho hai nhà máy này.

Năng lượng Việt Nam: Với kế hoạch về nhu cầu sử dụng than như vậy, là một đơn vị đã được Chính phủ giao làm đầu mối nhập khẩu than cho các NMNĐ của PVN (cụ thể là tại Văn bản 3508/VPCP-KTN ngày 15/5/2015), PV Power/PV Power Coal đã chuẩn bị như thế nào để thực hiện tốt nhiệm vụ này thưa ông?

Ông Lê Minh Tuấn: Thu xếp nguồn than ổn định lâu dài và chuẩn bị cơ sở hạ tầng vận chuyển/chuyển tải than bài bản, đồng bộ là hai vấn đề then chốt trong hoạt động nhập khẩu than cho sản xuất điện, ngay từ năm 2009, PV Power Coal đã được thành lập để đảm nhiệm việc đảm bảo nguồn cung và chuẩn bị cơ sở hạ tầng tiếp nhận than cho các NMNĐ của PVN. Từ đó đến nay, chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ được giao và đạt được các kết quả chính cụ thể như sau:

Thứ nhất, về thu xếp nguồn than:

Với vai trò là đầu mối nhập khẩu than cho các dự án của PVN, chúng tôi đã đàm phán ký kết các COFA (Thỏa thuận khung mua bán than dài hạn) với khối lượng than cam kết 15 triệu tấn/năm. Các đối tác được chúng tôi lựa chọn ký kết đều là chủ sở hữu mỏ, hoặc những công ty kinh doanh hàng đầu trong lĩnh vực than tại Indonesia và Australia, có kinh nghiệm và năng lực tài chính, có cơ sở hạ tầng khai thác, vận tải, xuất khẩu than hoàn chỉnh, đảm bảo cung cấp than lâu dài, ổn định theo đúng yêu cầu về chất lượng và khối lượng.

Thứ hai,  chuẩn bị cơ sở hạ tầng nhập khẩu than:

Sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ tự lo phương án vận chuyển và chuyển tải than cho các NMNĐ Long Phú 1 và Sông Hậu 1 trong khi Cảng trung chuyển được Chính phủ giao cho TKV chưa được đầu tư xây dựng. Chúng tôi đã chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án vận chuyển than nhập khẩu, trong đó có sử dụng công nghệ chuyển tải nổi mang tính đột phá; lựa chọn Gò Gia là khu vực neo đậu và chuyển tải. Đến nay, phương án đã được Bộ Công Thương phê duyệt là khu vực chuyển tải nổi để trung chuyển than cho các dự án NMNĐ Long Phú 1 và Sông Hậu 1 của PVN, dự án các bến phao neo trên sông Gò Gia; Bộ GTVT đưa vào quy hoạch nhóm cảng biển số 6 và Bộ TNMT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho phép phục vụ chuyển tải nổi than khối lượng lớn. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chấp thuận cho PVN nghiên cứu, phát triển dự án đầu tư xây dựng cảng nổi trung chuyển than theo hình thức xã hội hóa.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyển tải nổi than tại Gò Gia có nhiều ưu việt:

Một là: Có điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi để hình thành khu cảng nước sâu, đón được tàu biển tải trọng lớn tới 150.000DWT, rất phù hợp với chiến lược phát triển cảng biển và công tác Logistics của Chính phủ.

Hai là: Có thể hoạt động quanh năm do không chịu ảnh hưởng của mưa bão.

Ba là: Chi phí đầu tư thấp, thời gian  đầu tư nhanh; giá thành chuyển tải 1 tấn than chỉ bằng khoảng 1/3 giá chuyển tải theo phương thức cảng trung chuyển trên bờ truyền thống do sử dụng công nghệ tiên tiến hơn. Trong khi TKV đã chính thức đề nghị dừng phát triển dự án cảng trung chuyển, khu chuyển tải nổi Gò Gia đã và đang chuyển tải thành công cho các dự án của EVN và có thể nâng công suất chuyển tải nổi lên tới trên 20 triệu tấn/năm để phục vụ cho các dự án ở khu vực phía Nam nếu được quan tâm đầu tư nâng công suất.

Thứ ba: về nguồn nhân lực:

Với định hướng là đơn vị cung cấp than nhập khẩu chuyên nghiệp, chúng tôi luôn chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực bài bản, kiến thức chuyên sâu trong các vấn đề liên quan đến công tác nhập khẩu than.

Năng lượng Việt Nam: Vậy, Chính phủ đã có những cơ chế chính sách gì trong công tác nhập khẩu than khối lượng lớn cho các NMNĐ và ông đánh giá thế nào về sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong vấn đề này?

Ông Lê Minh Tuấn: Trước đây Việt Nam vốn là nước xuất khẩu than. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ nội địa ngày một tăng cao, vì vậy kể từ năm 2014 chúng ta đã nhập khẩu. Theo đó, Chính phủ cũng có những cơ chế chính sách liên quan như sau:

Một là: Đối với công tác nhập khẩu than: Như chúng ta đều thấy, thị trường than thế giới trong 10 năm qua có sự thay đổi phức tạp, giá than diễn biến phức tạp, việc đưa ra các chính sách phù hợp với diễn biến thị trường là vô cùng quan trọng. Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số văn bản về công tác nhập khẩu than có thể phân thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn trước năm 2015:

Chính phủ chỉ đạo hoạt động nhập khẩu than thông qua Ban chỉ đạo nhập khẩu than; Hình thành các đầu mối nhập khẩu than (trong đó PV Power là đầu mối nhập khẩu than cho PVN); Cho phép đàm phán trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu than.

Có thể thấy rằng, các chỉ đạo trong giai đoạn này khá phù hợp với thông lệ quốc tế khi giá than tăng cao kỷ lục và việc thu xếp nguồn cung gặp rất nhiều khó khăn.

Giai đoạn sau năm 2015:

Các chỉ đạo theo hướng cho phép các NMNĐ chủ động nhập khẩu than bằng hình thức đấu thầu quốc tế thay vì phải thông qua các đơn vị đầu mối.

Việc tổ chức đấu thầu quốc tế sẽ phù hợp với điều kiện giá than thấp và nguồn cung phong phú. Tuy nhiên, trong những năm gần đây giá than lại tăng cao trở lại và nhu cầu tăng như giai đoạn trước năm 2015, dẫn tới các doanh nghiệp khó khăn khi thực hiện công tác nhập khẩu than.

Hai là: Đối với cơ sở hạ tầng nhập khẩu than cho các NMNĐ khu vực ĐBSCL:

Từ năm 2010, Chính phủ đã chỉ đạo TKV nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển than với địa điểm được lựa chọn là khu vực bể cảng Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Trà Vinh. Cho tới nay, dự án vẫn chưa hoàn thành công tác nghiên cứu khả thi. Nguyên nhân có thể là do vai trò các đơn vị đầu mối nhập khẩu than chưa được quan tâm đúng mức nên chưa có đơn vị nào đứng ra thực hiện công tác đầu tư xây dựng hạ tầng nhập khẩu.

Đến thời điểm hiện tại, TKV cũng đã chính thức đề nghị không tiếp tục thực hiện dự án và đề xuất nghiên cứu bổ sung phương án xây dựng cảng trung chuyển tại Cù Lao Ông Chó. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa có chỉ đạo đối với đề xuất này của TKV.

Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết về những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong khi thực hiện công tác nhập khẩu than cho PVN?

Ông Lê Minh Tuấn: Theo tôi, không chỉ PVN mà cả các đơn vị khác như EVN, TKV cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai hoạt động nhập khẩu than.

Đối với các NMNĐ sử dụng than nhập khẩu nguồn than chất lượng, ổn định giữ vai trò quyết định tới hiệu quả hoạt động. Vì vậy, trong khu vực và trên thế giới thường hình thành các công ty chuyên nghiệp lo việc nhập khẩu than khối lượng lớn cho sản xuất điện (như chúng ta đã hình thành các đơn vị đầu mối nhập khẩu than). Tuy nhiên, với các chỉ đạo hiện nay, khi các NMNĐ được quyền tự lo nguồn than nhập khẩu sẽ mất vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, hiện tượng manh mún, không bài bản, thiếu ổn định có thể dẫn tới kém hiệu quả…

Còn về cảng trung chuyển than nhập khẩu: việc Chính phủ vẫn chưa có chỉ đạo đối với đề xuất mới của TKV, do đó chưa có cơ sở pháp lý để các đơn vị nhập khẩu than cho sản xuất điện tại khu vực tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chuyển tải than thay thế cũng là một vấn đề cần được giải quyết.

Trong dài hạn, khi nhập khẩu than với khối lượng lớn, việc không có cảng trung chuyển ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình vận hành của chuỗi cung ứng, không chỉ PVN, EVN mà cả các hộ tiêu thụ nhỏ lẻ khác. Khi doanh nghiệp phải tự chủ động tìm giải pháp sẽ gây ra hiện tượng manh mún, chồng chéo, không có quy hoạch, gây ảnh hưởng đến môi trường và khó đảm bảo nguồn cung ổn định.

Ví dụ: Gần đây, một số các NMNĐ mua than nhập khẩu theo phương thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, điều kiện CIF (trong khi thông lệ quốc tế, chủ yếu mua bán than theo điều kiện FOB) do đó đã không lựa chọn được các nhà cung ứng than lớn, uy tín để đảm bảo nguồn cung, chất lượng ổn định.

Bên cạnh đó, việc cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ cũng dẫn tới các đơn vị nhập khẩu phải chịu nhiều khoản chi phí phát sinh (như phạt dôi nhật với số tiền lớn, mất uy tín của doanh nghiệp với các đối tác quốc tế…).

Đối với phương án chuyển tải nổi than tại khu vực Gò Gia của chúng tôi, mặc dù đã được các bộ phê duyệt và áp dụng thành công trên thực tế. Tuy nhiên, Chính phủ cũng chưa có các chỉ đạo tiếp theo để chúng tôi có thể tham gia đầu tư xây dựng cảng nổi trung chuyển than để nâng công suất, phục vụ không những cho PVN mà có thể cho các dự án khác tại khu vực.

Ngoài ra, các NMNĐ Vũng Áng 1 và Thái Bình 2 của chúng tôi có khả năng cao sẽ phải nhập khẩu than bổ sung để đảm bảo khối lượng than tiêu thụ theo công suất thiết kế. Trong khi nguồn than anthracite trên thị trường rất khan hiếm, nhiều khi đòi hỏi phải được phối trộn.

Năng lượng Việt Nam: Vậy theo ông, giải pháp nào để có thể giải quyết được những vướng mắc trong công tác thu xếp nguồn than nhập khẩu cho PVN?

Ông Lê Minh Tuấn: Việc nhập khẩu than với khối lượng lớn cho sản xuất điện là vấn đề hết sức phức tạp, cạnh tranh khốc liệt từ các nước nhập khẩu truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc. Để đảm bảo cung ứng than nhập khẩu với khối lượng lớn (hơn 7 triệu tấn/năm) cho tất các dự án nhiệt điện than của PVN cho cả vòng đời dự án là nhiệm vụ rất quan trọng và mang tầm chiến lược.

Để giải quyết những khó khăn hiện nay của PVN, theo tôi, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ cụ thể là:

Thứ nhất: Cần hình thành thị trường than nhập khẩu với việc các đầu mối chủ động thu xếp nguồn than ổn định lâu dài thông qua việc đàm phán trực tiếp với chủ mỏ (từ 60% đến 80% tổng khối lượng than) đảm bảo yêu cầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế về mô hình tổ chức và giá mua theo thị trường.

Thứ hai: Đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý chuỗi cung ứng tối ưu nhất giảm giá thành sản xuất điện để tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.  

Thứ ba: Đối với nguồn than anthracite cần có các giải pháp chủ động tìm kiếm nguồn, nghiên cứu khả năng phối trộn, lưu trữ để đáp ứng đủ nhu cầu.

Ngoài ra, theo tôi, Chính phủ cần sớm có các văn bản chính thức với các kiến nghị về việc xây dựng phương án cảng trung chuyển, cũng như có các hỗ trợ và chỉ đạo mang tầm chiến lược, ổn định lâu dài để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư dài hạn, quản lý hiệu quả nâng cao sức cạnh tranh lâu dài được với các doanh nghiệp trên thế giới.

Năng lượng Việt Nam: Trong vấn đề cơ sở hạ tầng cho công tác nhập khẩu than, xin ông cho biết những giải pháp có thể giải quyết được những vướng mắc nêu trên?

Ông Lê Minh Tuấn: Việc quan tâm đến việc đầu tư cảng trung chuyển cần được đặt lên hàng đầu, bởi kế hoạch nhập than trong thời gian tới tăng sẽ từ 38 triệu tấn đến 87 triệu tấn/năm, chi phí trung chuyển sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành than nhập khẩu.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh dự án cảng trung chuyển than khu vực ĐBSCL chưa có chỉ đạo của Chính phủ; với điều kiện thuận lợi, khu vực Gò Gia có thể thực hiện chuyển tải than không những cho PVN/PV Power mà còn cho EVN và các hộ tiêu thụ khác, với công suất chuyển tải nổi trên 20 triệu tấn/năm. Do đó, Chính phủ, Bộ Công Thương nên có các chỉ đạo kịp thời về công tác đầu tư, xây dựng và áp dụng vào thực tế công nghệ chuyển tải nổi ưu việt tại khu vực này.

Trong dài hạn, để đảm bảo cung cấp than ổn định, an ninh năng lượng quốc gia và nâng cao hiệu quả sản xuất điện, theo tôi, Chính phủ cần sớm phê duyệt đề án hình thành các "Trung tâm than" (Coal center) với chức năng xếp dỡ, lưu trữ, chế biến phối trộn nhằm đa dạng hóa nguồn cung theo hướng xã hội hóa để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm giảm áp lực đầu tư công.

Năng lượng Việt Nam: Xin chân thành cảm ơn ông!

NGUYỄN TIẾN SỸ (THỰC HIỆN)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động