RSS Feed for Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 1]: Thiếu điện và những thách thức trong cơ cấu nguồn điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 03:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 1]: Thiếu điện và những thách thức trong cơ cấu nguồn điện

 - Ở Nhật Bản, sự sụt giảm đột ngột của điện hạt nhân và xu hướng giảm dần sự phụ thuộc vào nhiệt điện đã mở ra cơ hội cho năng lượng tái tạo. Trong 10 năm qua, tỷ trọng của nguồn năng lượng tái tạo đã tăng gần gấp đôi, từ 9,5% vào năm 2010 lên 18% vào năm 2020. Tuy nhiên, từ ngày 7/1/2021, Nhật Bản đã bắt đầu xảy ra tình trạng thiếu hụt điện trên toàn quốc. Liên đoàn các Công ty Điện lực Nhật Bản (FEPC) đã thông báo 2 lần vào ngày 10 và 12/1 về "Tình hình cung cầu điện và đề nghị tiết kiệm điện" tại quốc gia này. Vậy, vấn đề gì đã xảy ra ở Nhật Bản? Dưới đây, chúng tôi giới thiệu nội dung phân tích của JENED về tình trạng trên để bạn đọc và các nhà quản lý, nhà đầu tư tham khảo.


Lựa chọn nào để Việt Nam có cơ cấu nguồn điện hợp lý?


Thông thường, lượng điện năng phải được tạo ra phù hợp với nhu cầu sử dụng, FEPC cũng đã dự kiến thặng dư khoảng 3% để chuẩn bị cho trường hợp nhu cầu biến động đột ngột. Tuy nhiên, có những khu vực tỷ lệ sử dụng vượt quá 97% lượng cung, đây là tình trạng hết sức nguy hiểm.

Giả sử một nhà máy điện nào đó ngừng hoạt động vì một lý do nào đó, thì sự cố mất điện lớn là hoàn toàn có thể xảy ra. Tình trạng thiếu điện hiện nay có nguyên nhân sâu xa. Trước hết, là bởi sự cố điện hạt nhân 10 năm trước đã để lại cho nhiệt điện một gánh nặng rất lớn. Nhật Bản đã phải huy động và sử dụng đến cả những nhà máy nhiệt điện cũ, đương nhiên cũng có rất nhiều vấn đề. Do đó, FEPC vẫn đang cố gắng hết sức để vừa bảo trì vừa vận hành. Tuy nhiên, nếu lại có một đợt không khí lạnh nghiêm trọng, được cho là 10 năm mới có một lần như cuối năm 2020, thì lượng điện sản xuất ra sẽ không thể đáp ứng kịp nhu cầu. Hơn nữa, điều nghiêm trọng hơn là hết nhiên liệu dự trữ cho sản xuất điện.

Một nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đó là nhu cầu sử dụng điện giảm trong thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid, lượng tồn kho LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) tăng đúng vào thời điểm phải mua (nhập khẩu) LNG thì không khí lạnh ập đến, khiến lượng LNG dự trữ thiếu. Thêm vào đó, biển động, đặc biệt là vùng biển phía Nhật Bản, khiến cho nhiều ngày tàu vận chuyển không thể vào bến cũng là một nguyên nhân.

Hiện tại, nhiên liệu sản xuất điện ở Nhật Bản khoảng 40% là LNG , 30% là than và chưa đến 10% là dầu mỏ và được vận chuyển đến từ khắp các nơi trên thế giới bằng tàu. Nếu là các nước châu Âu, họ có thể mua LNG từ Nga, hoặc Na Uy thông qua các đường ống như hiện nay, nhưng Nhật Bản là một quốc đảo, nên điều đó là không thể. LNG cần được hóa lỏng ở nhiệt độ âm 162 độ C và vận chuyển bằng tàu chuyên dụng. Bởi vậy, dù huy động ngay lập tức thì cũng phải mất 1 đến 1,5 tháng LNG mới cập cảng. Và bởi chi phí vận chuyển này, nên LNG mà Nhật Bản đang sử dụng có lẽ có giá cao nhất trên thế giới.

Thêm vào đó, gần đây Trung Quốc bắt đầu mua một lượng lớn LNG khiến cho giá LNG cũng bắt đầu tăng nhanh từ cuối năm ngoái. LNG sau khi được vận chuyển lên đất liền, sẽ trở lại thành khí trong Terminal chuyên dụng. Khí LNG này, nếu trải qua 2 tuần sẽ dần dần bốc hơi, vì vậy không thể mua LNG với số lượng quá lớn cùng lúc.

Hơn nữa, những năm gần đây, để hưởng ứng lời kêu gọi về giảm sự nóng lên của trái đất, các công ty điện lực đều tiến hành dỡ bỏ những nhiệt điện cũ kỹ. Năm 2019 đã dỡ bỏ các nhà máy nhiệt điện với công suất gấp 5 lần so với công suất dỡ bỏ của năm 2018. Xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục trong tương lai. Vì lý do đó, nguồn điện dự phòng trong trường hợp khẩn cấp đang giảm dần.

Ngoài thời tiết giá lạnh khắc nghiệt, còn có lý do khác dẫn tới việc thiếu hụt điện. Đó là việc gia tăng điện năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Gần đây, Nhật Bản đang thúc đẩy đầu tư vào năng lượng mặt trời. Vào những ngày thời tiết tốt, có những nơi lượng điện mặt trời chiếm gần 60% tổng lượng điện năng của khu vực. Nhưng nếu thời tiết xấu, lượng điện sẽ giảm mạnh, gần như về 0. Trong trường hợp đó, nếu nhu cầu sử dụng điện tăng đột ngột thì cung và cầu sẽ bị mất cân bằng nghiêm trọng.

Chính sách giá FIT (feed-in tariff) của Nhật Bản được áp dụng cho điện mặt trời vào năm 2009 và đã được mở rộng cho các loại năng lượng tái tạo khác từ năm 2012. Mặc dù FIT đã tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường năng lượng, nhưng nhược điểm của hệ thống này là chuyển gánh nặng chi phí sản xuất lên người dân. Các công ty điện lực sẽ phải mua toàn bộ lượng điện tái tạo được tạo ra, với giá cố định, trong 20 năm. Đây là chính sách mơ ước cho những người đầu tư sản xuất điện tái tạo. Cơn sốt năng lượng mặt trời nổi lên ở khắp mọi nơi. Nhật Bản, nơi có ít địa hình bằng phẳng, các rừng cây đã bị chặt đi để lắp đặt các tấm pin năng nượng mặt trời. Tuy nói là năng lượng xanh, nhưng chúng ta đang lần lượt hy sinh những rừng cây giúp hấp thụ CO2.

Nói đến gia tăng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời sẽ có 2 kết quả thường xảy ra. Trước tiên, đó là vào những ngày thời tiết đẹp, năng lượng điện tái tạo dư thừa, khi đó nhiệt điện phải giảm công suất hết mức có thể. Ngược lại, vào những ngày thời tiết xấu, lượng điện tái tạo ít, nhiệt điện sẽ phải phát hết công suất. Dù là trường hợp nào thì những người sản xuất điện tái tạo cũng sẽ không có tổn thất gì. Tuy nhiên, đối với nhiệt điện, nếu giảm công suất phát thì doanh số cũng sẽ sụt giảm. Trong khi đó, sản lượng điện năng lượng tái tạo lại có sự khác biệt giữa ngày và đêm, phụ thuộc vào sự thay đổi của thời tiết. Vì không biết khi nào mặt trời bị che khuất, lặn, nên phải luôn ở chế độ chờ (dự phòng nóng) và không thể giảm thiểu thiết bị.

Nếu xem xét từ góc độ điện lực, đây cũng là một khoản đầu tư kép lãng phí. Bao gồm cả gánh nặng chi phí do chính sách giá FIT, tiền điện ở Nhật Bản đang tăng lên qua từng tháng năm. Ngoài ra, việc tăng giảm công suất đột ngột thường xuyên diễn ra, sẽ khiến các thiết bị nhiệt điện có vấn đề về tuổi thọ và dẫn đến nhiều sự cố xảy ra. Hậu quả của những việc bất hợp lý này là sự gia tăng tình trạng mất điện ngoài kế hoạch của nhiệt điện, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt điện trong tháng 1 vừa qua.

(Đón đọc kỳ tới...)

NGUYỄN HOÀNG YẾN (TỔNG HỢP, BIÊN DỊCH)

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động