RSS Feed for Năng lượng gió Việt Nam: Đầu tư và lợi nhuận | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 02:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Năng lượng gió Việt Nam: Đầu tư và lợi nhuận

 - Ngày 7/12, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với Công ty Vestas tổ chức hội thảo năng lượng gió Việt Nam: Đầu tư và lợi nhuận từ gió. Nội dung của hội thảo nhằm chia sẻ, tìm hiểu về bài toán kinh doanh ở tất cả các giai đoạn của vòng đời dự án, từ rủi ro về mặt kỹ thuật, chiến lược giảm thiểu rủi ro đến lợi nhuận của dự án.

Sẽ có các trang trại điện gió tại Quảng Trị
Động thổ dự án điện gió Bình Đại

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, công nghệ năng lượng tái tạo đang ngày càng phát triển, với chi phí phát triển dự án năng lượng tái tạo ngày càng cạnh tranh so với các nguồn năng lượng truyền thống.

Tại Việt Nam, các nguồn thủy điện đã khai thác gần như tối đa, kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử tạm dừng nên đã và đang phải nhập khẩu điện... Việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa và tự chủ nguồn cung điện, bảo vệ môi trường.

Tới thời điểm hiện nay, Việt Nam mới chỉ có 6 dự án vào vận hành phát điện, tổng công suất khoảng gần 200MW. Theo ông Đỗ Đức Quân, một trong những nguyên nhân chủ yếu là khả năng hạn chế của chủ đầu tư trong việc phát triển một dự án khả thi để có thể tiếp cận nguồn vốn thương mại trong nước và quốc tế.

Ông Đỗ Đức Quân cho biết, để thúc đẩy đầu tư, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách và cơ chế khuyến khích, ưu tiên. Cụ thể, giảm giá FIT (giá mua điện) hợp đồng mua bán điện mẫu cho phát triển năng lượng điện sinh khối, điện sản xuất từ rác thải rắn, điện mặt trời và điện gió. Riêng giá FIT hỗ trợ phát triển điện gió cũng đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Đồng thời, hàng loạt các quy hoạch phát triển điện lực tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo và quy hoạch phát triển điện gió ở địa phương cũng đã được UBND các tỉnh tổ chức lập và Bộ Công Thương phê duyệt ban hành.

“Đan Mạch với công nghệ và kinh nghiệm hàng đầu thế giới về phát triển điện gió, có thể tiếp tục giúp Việt Nam chuyển giao công nghệ, nâng cao khả năng chuyên môn, cung cấp nguồn tài chính thông qua hợp tác doanh nghiệp và hợp tác nghiên cứu phát triển”, - Ông Đỗ Đức Quân nhấn mạnh.

Theo ông Đỗ Đức Quân, trong lộ trình phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn chỉnh khung chính sách pháp lý, đề xuất ban hành các cơ chế để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong thời kỳ mới, nghiên cứu công nghệ lưới điện thông minh, kỹ thuật lưu trữ năng lượng và khả năng dự báo, nhằm tối ưu hóa khả năng tiếp nhận nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo...

Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, nhiều năm nay, Việt Nam và Đan Mạch đã hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Trong tháng 12 năm nay, Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam sẽ được công bố - đây sẽ đưa những cơ hội đối với Việt Nam để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững. Báo cáo sẽ chỉ ra hệ thống điện Việt Nam có thể tích hợp thêm lượng lớn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời trong cơ cấu nguồn điện dài hạn.

"Phía Đan Mạch sẽ hỗ trợ để Việt Nam có thể đạt mục tiêu tương lai năng lượng xanh hơn, củng cố quan hệ Việt Nam - Đan Mạch trong ngành năng lượng", - Bà Charlotte Laursen phát biểu.

Tiếp đó, hội thảo đã được nghe các diễn giả trình bày các tham luận liên quan đến vấn đề đầu tư phát triển điện gió, tập trung vào 3 phần chính: Phần 1. Đảm bảo bài toán kinh doanh trước khi có sự phát triển của nhà máy năng lượng; Phần 2. Đảm bảo bài toán kinh doanh trong quá trình xây dựng và vận hành của nhà máy năng lượng gió; Phần 3. Hoạt động cấp vốn dự án năng lượng gió  - Tổng quan và các thông lệ tốt nhất trong phát triển dự án.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động