RSS Feed for Một số điểm cần được bổ sung trong chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 12/09/2024 15:53
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Một số điểm cần được bổ sung trong chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam

 - Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) đã cung cấp một khung pháp lý khá chi tiết cho việc phát triển nguồn điện này tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi, cần bổ sung một số điểm, nhằm tạo động lực thúc đẩy điện mặt trời mái nhà của nước ta trong thời gian tới.
Chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà - Đề xuất của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà - Đề xuất của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Trong đó có đề cập đến nội dung điện nối lưới điện, sản lượng ghi nhận, nhưng có giá “0 đồng”. Sau khi nghiên cứu nội dung dự thảo này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một vài ý kiến mang tính khoa học - kỹ thuật trao đổi dưới đây.

Phát triển điện mặt trời:

Điện mặt trời có khả năng đạt công suất lắp đặt 8.519 GW và giúp giảm 4,9 tỷ tấn CO2 trên phạm vi toàn cầu vào năm 2050.

Một số điểm cần được bổ sung trong chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam
Một số điểm cần được bổ sung trong chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam

Tại Việt Nam, theo Quy hoạch điện VIII: Tổng công suất điện mặt trời 20.591 MW (13%) vào năm 2030. Trong đó, ước tính điện mặt trời có liên kết lưới điện khoảng 2.600 MW (thêm 2%, tổng công suất điện mặt trời 15%) và tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Còn định hướng tới năm 2050 cho nguồn điện mặt trời là 189.294 MW.

Dưới đây là phân tích hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, môi trường khi triển khai hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng tại 2 khu vực có điều kiện thời tiết và nguồn bức xạ khác nhau, là khu vực miền Bắc (Đông Bắc bộ, Tây Bắc bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ) và khu vực miền Trung, miền Nam (Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ).

Giá điện được tính biểu giá theo Quyết định 1062 của Bộ Công Thương ngày 9/11/2023 theo nhóm đối tượng khách hàng ở cấp điệp áp dưới 6 kV (áp dụng mức thuế VAT 10%, sau ngày 30/6/2024).

1. Đối với hộ tiêu thụ mua theo giá bán lẻ điện sinh hoạt chia làm 3 trường hợp: Tiêu thụ 100%, 75% và 50% điện năng từ nguồn điện mặt trời mái nhà (tương ứng với trường hợp sử dụng 100% công suất, hoặc chỉ sử dụng một phần thời gian trong 5 ngày làm việc và 100% vào 2 ngày cuối tuần), đồng thời tính theo mức giá điện bậc 3 (2.167 VNĐ); bậc 4 (2.729 VNĐ); bậc 5 (3.050 VNĐ); bậc 6 (3.151 VNĐ).

2. Đối với khách hàng mua theo giá bán lẻ kinh doanh (văn phòng, trụ sở doanh nghiệp…) tạm tính điện năng tiêu thụ là 30% giờ cao điểm (4.937 VNĐ) và 70% giờ bình thường (2.870 VNĐ), tính tổng thời gian làm việc là 7 ngày/tuần (hệ số sử dụng công suất từ hệ thống 100%).

3. Đối với khách hàng mua theo giá bán lẻ sản xuất tạm tính 30% giờ cao điểm (3.314 VNĐ); 70% giờ bình thường (1.809 VNĐ).

4. Đối với khách hàng là công sở, đơn vị hành chính sự nghiệp tính theo giá cố định 2.027 VNĐ, thời gian làm việc 5,5 ngày/tuần (hệ số sử dụng công suất 80%).

5. Đối với nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông tính theo đơn giá 1.886 VNĐ, thời gian làm việc 5,5 ngày/tuần (hệ số sử dụng công suất 80%).

6. Đối với bệnh viện, tính theo đơn giá 1.886 VNĐ, thời gian làm việc 7 ngày/tuần (hệ số sử dụng công suất 100%).

Hệ số phát thải CO2 được tham khảo từ kết quả tính toán hệ số phát thải của lưới điện Việt Nam năm 2022 là 0,6766 tCO2/MWh theo công bố số: 327/BĐKH-PTCBT ngày 19/3/2024 của Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Kết quả tính toán thông số năng lượng, lợi nhuận thu được và giảm phát thải CO2 như sau:

Một số điểm cần được bổ sung trong chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam
Một số điểm cần được bổ sung trong chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam

Các kiến nghị về phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam:

Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà đã cung cấp một khung pháp lý khá chi tiết cho việc phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi, cần bổ sung một số điểm sau:

1. Khung pháp lý chung:

- Vai trò của các chủ thể: Nên làm rõ hơn vai trò của các chủ thể tham gia như nhà đầu tư, chủ sở hữu công trình, đơn vị thi công, đơn vị bảo hành và cơ quan quản lý.

- Cơ chế khuyến khích đa dạng: Bên cạnh các chính sách về thuế, cần nghiên cứu thêm các cơ chế khuyến khích khác (như tín dụng ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật và các chương trình hỗ trợ).

- Cơ chế giải quyết tranh chấp: Xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp rõ ràng, nhanh chóng và hiệu quả giữa các bên liên quan.

2. Thủ tục đăng ký và phê duyệt:

- Đơn giản hóa thủ tục: Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đăng ký, đặc biệt đối với hộ gia đình. Có thể xem xét áp dụng cơ chế tự công bố cho các hệ thống điện mặt trời quy mô nhỏ.

- Hệ thống thông tin một cửa: Xây dựng một hệ thống thông tin một cửa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình đăng ký và thực hiện các thủ tục liên quan.

3. Thực hiện và vận hành:

- Tiêu chuẩn kỹ thuật: Nên cụ thể hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật cho thiết bị và hệ thống điện mặt trời, đảm bảo tính tương thích và an toàn.

- Bảo hành, bảo trì: Quy định rõ trách nhiệm bảo hành, bảo trì của các nhà cung cấp và đơn vị thi công.

- Kết nối với lưới điện: Xây dựng cơ chế hỗ trợ các đơn vị điện lực trong việc kết nối các hệ thống điện mặt trời vào lưới điện, đặc biệt ở các khu vực nông thôn.

- An toàn điện: Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn điện, đặc biệt đối với các hệ thống điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà.

- Quản lý chất lượng: Thiết lập một hệ thống quản lý chất lượng cho các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến điện mặt trời mái nhà.

- Bên cạnh các dự án nguồn điện cho hệ thống điện, cũng cần lưu ý phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các dự án giao thông xanh, giảm lượng phát thải khí nhà kính và giảm quá tải cục bộ cho hệ thống điện. (Theo dự báo của ADB, xe điện ở Việt Nam có thể tiêu thụ trên 5% tổng sản lượng điện toàn quốc).

- Liên kết giữa điện mặt trời mái nhà và trạm sạc xe điện: Khuyến khích lắp đặt trạm sạc tại các hộ gia đình và doanh nghiệp có hệ thống điện mặt trời. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị cho các doanh nghiệp đầu tư trạm sạc tại các địa điểm có lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Cung cấp các nguồn vốn ưu đãi cho các dự án đầu tư đồng bộ điện mặt trời mái nhà và trạm sạc.

- Phối hợp quy hoạch: Phối hợp quy hoạch phát triển điện mặt trời mái nhà với quy hoạch hệ thống trạm sạc xe điện, đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả.

- Tiêu chuẩn kỹ thuật: Ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất về kết nối giữa hệ thống điện mặt trời mái nhà và trạm sạc xe điện, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Một số điểm cần được bổ sung trong chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam

Một số khó khăn do điện mặt trời mái nhà gây ra đối với hệ thống điện 22 kV:

1. Ban ngày phải giữ điện áp TC 22 kV ở mức 22,4 kV, nếu để điện áp TC 22 kV cao quá thì điện áp tại điểm hòa lưới sẽ cao hơn gây ảnh hưởng đến thiết bị của khách hàng, đối với một số thiết bị khách hàng có bảo vệ điện áp cao, tự động sa thải phụ tải làm ảnh hưởng đến sản xuất của khách hàng.

2. Một số phát tuyến của TC 22 kV không có điện mặt trời mái nhà hòa lưới, nếu ban ngày phải giữ điện áp TC 22 kV ở mức 22,4 kV thì điện áp các phát tuyến này thấp làm ảnh hưởng đến sản xuất của khách hàng.

3. Đối với một số phát tuyến 22 kV có phụ tải thấp, nguồn điện mặt trời mái nhà đấu nối nhiều sẽ phát ngược công suất lên lưới gây khó khăn khi điều chỉnh điện áp các xuất tuyến 22 kV trong cùng 1 máy biến áp 110 kV.

4. Nếu đưa F90 vào vận hành tại các trạm 110 kV càng khó khăn hơn, F90 luôn giữ điện áp TC 22 kV ở mức 22,7 kV. Khi đó, điện áp tại điểm hòa lưới sẽ cao hơn, do đó, ban ngày phải chuyển sang vận hành tay, ban đêm chuyển sang chế độ F90.

5. Đối với trạm phân phối 3 pha có nhánh rẽ hạ áp 1 pha đấu nối điện mặt trời mái nhà thì ban ngày bị lệch pha, quá áp, ban đêm sụt áp, quá tải, cân bằng tải khó khăn.

6. Tụ bù hạ áp cố định vận hành khó khăn hơn giữa ban ngày và ban đêm, phải chuyển sang tụ bù hạ áp ứng động không kinh tế.

7. Việc thay đổi trào lưu công suất liên tục trên các ngăn lộ trung áp có đấu nối nhiều nguồn điện mặt trời mái nhà làm ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng.

8. Nguồn năng lượng tái tạo nói chung cũng gây ảnh hưởng đến số lần khởi động, dừng máy của các nhà máy nhiệt điện, so sánh trong giai đoạn chưa có và khi có nhiều nguồn năng lượng tái tạo phát lên hệ thống điện, số lần khởi động, dừng máy năm 2021 gấp hơn 10 lần năm 2019.

Một số điểm cần được bổ sung trong chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam
Số lần khởi động, dừng máy của các nhà máy nhiệt điện. (Nguồn: A0).

Đón đọc kỳ tới: Điện mặt trời mái nhà trong cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) của Việt Nam

NGUYỄN HỮU KHOA - TRƯỜNG CAO ĐẲNG ĐIỆN LỰC TP HCM, THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động