RSS Feed for Luận bàn về giá bán lẻ điện [Kỳ cuối]: Phản biện về các phương án | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 17:01
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Luận bàn về giá bán lẻ điện [Kỳ cuối]: Phản biện về các phương án

 - Trên tinh thần “cầu thị, sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến về dự thảo biểu giá điện mới” của Ban soạn thảo của Bộ Công Thương khi gửi văn bản lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, chuyên gia, người dân về Dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; Căn cứ vào các đặc điểm của sản phẩm điện, của các khách hàng sử dụng điện và đặc điểm, yêu cầu của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đã nêu trong [Kỳ 1], chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin đóng góp vài ý kiến gửi tới cơ quan soạn thảo dưới đây. Rất mong nhận được ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.


Luận bàn về giá bán lẻ điện [Kỳ 1]: Nguyên tắc, căn cứ xác định giá


KỲ CUỐI: Ý KIẾN PHẢN BIỆN VỀ DỰ THẢO CÁC PHƯƠNG ÁN GIÁ BÁN LẺ ĐIỆN


I. Tóm lược dự thảo của Bộ Công Thương:

Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được Bộ Công Thương đề xuất các phương án sửa đổi để lấy ý kiến như sau:

1/ Đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt: Đề xuất 2 phương án:

Phương án 1: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc. Trong đó:

- Ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành.

- Giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến từ 101-200 kWh.

- Ghép các bậc từ 201-300 kWh với 301-400 kWh thành bậc mới.

- Tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: 401-700 kWh và trên 700 kWh.

Phương án 2: Có 2 trường hợp:

A. Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như trên và giá bán lẻ điện một giá: Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc, hoặc giá bán lẻ điện một giá. Trong đó, giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc tại Phương án 1 được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700 kWh là các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình. Giá điện ở bậc 5 - bậc cao nhất là 5.100 đồng/kWh. Còn giá điện một giá áp dụng ở trường hợp này là 2.703 đồng/kWh.

B. Có sự khác biệt với A là ở bậc 5. Bậc 5 của trường hợp này có mức giá thấp hơn nhiều so với A, chỉ là 3.499,2 đồng/kWh (thấp hơn 1609,36 đ/kWh). Giá điện một giá áp dụng ở trường hợp này là 2.889 đồng/kWh (cao hơn A 186,0 đ/kWh).

2/ Đối với Khách hàng sử dụng điện cho mục đích ngoài sinh hoạt:

Đề xuất 2 phương án:

Phương án 1: Khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt bao gồm 3 nhóm: Sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh. Trong đó nhóm sản xuất đã bao gồm cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Phương án 2: Gộp các nhóm sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 1 nhóm là khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt.

Các phương án sửa đổi nêu trên nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại chính hiện nay của biểu giá điện, theo hướng phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của các khách hàng sử dụng điện hiện nay.

II. Ý kiến phản biện:

Ý kiến chung:

Dự thảo có sự thay đổi chủ yếu là: (i) Biểu giá điện bậc thang của khách hàng sinh hoạt giảm số bậc thang từ 6 bậc xuống 5 bậc, theo đó điều chỉnh lại cơ số điện trong từng bậc; (ii) Đối với khách hàng sinh hoạt thêm biểu giá điện 1 giá, theo đó khách hàng có thể lựa chọn biểu giá điện bậc thang, hoặc biểu giá điện một giá tùy theo biểu giá nào có lợi hơn đối với họ; (iii) Hợp nhất các loại khách hàng ngoài sinh hoạt thành 1 loại.

Nói chung, dự thảo đã có thêm 1 sự lựa chọn mới cho khách hàng sinh hoạt: Đó là Giá điện 1 giá, là một trong những yêu cầu của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh: Tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng và với tinh thần “thuận mua vừa bán”, đồng thời theo đó tạo ra sự cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh điện nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp điện và sử dụng điện tiết kiệm. 

Tuy nhiên, Dự thảo không nêu các căn cứ cụ thể làm cơ sở để sửa đổi và đề xuất phương án cho nên rất khó để nhận xét, đánh giá sự “phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của các khách hàng sử dụng điện hiện nay” cụ thể là như thế nào. Dự thảo cũng không nêu rõ với phương án đề xuất mới khắc phục được những bất cập nào trong biểu giá điện hiện nay, cũng như trong việc thực hiện chúng. 

Một trong những bất cập lớn nhất là vẫn không đưa vào áp dụng giá điện hai thành phần gồm giá công suất và giá điện năng. Mặc dù giá bán lẻ điện 2 thành phần là công bằng hơn, có ý nghĩa đối với các hộ sử dụng điện và bên cung cấp điện, góp phần sử dụng điện tiết kiệm. Trên thế giới đã được nhiều nước áp dụng.

Đặc biệt, theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, đã đề ra nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt” cơ chế giá bán lẻ điện hai thành phần gồm giá công suất và giá điện năng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép. Cần phải nêu rõ lý do việc chưa triển khai thực hiện.

Thiết nghĩ, với thời gian đã 7 năm kể từ khi ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, hơn nữa vấn đề không phải là quá phức tạp, trong khi lại có ý nghĩa rất lớn, cho nên dù bất kỳ lý do gì cũng nên nỗ lực triển khai thực hiện.

Một bất cập nữa là giá điện 1 giá chỉ có 1 “gói” duy nhất cho tất cả các loại khách hàng. Điều đó không những không phù hợp với quy mô sử dụng điện của từng hộ: Hộ sử dụng nhiều, hộ sử dụng ít, hộ sử dụng vừa mà còn không phù hợp với tinh thần của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là tạo ra nhiều sự lựa chọn cho khách hàng trên cơ sở “nhiều người bán, vạn người mua” để tạo ra sự cạnh tranh trong việc cung cấp điện trên thị trường.   

Bất cập tiếp theo là các thông tin cần thiết đã chưa được đưa ra như sau đây, để mọi người có thể kiểm tra, giám sát và phân tích, đánh giá phương án giá điện đề xuất:

Thứ nhất: Giá thành điện và nội dung chi phí của giá thành điện để làm cơ sở xác định giá bán lẻ điện, cũng như xác định các biểu giá điện thành phần (như sẽ nêu dưới đây). Chẳng hạn, về nội dung chi phí bao gồm: Chi phí sản xuất điện, Chi phí truyền tải điện, Chi phí phân phối điện, Chi phí tổn thất điện năng (trong khâu truyền tải và phân phối), Chi phí quản lý ngành và phụ trợ (hay gọi là Chi phí quản lý chung), Các khoản thuế, phí.

Thứ hai: Chi phí biên của các nguồn điện được huy động vào phát điện. Ví dụ như năm 2016 chi phí biên của từng phần sản lượng như sau:

(i) Các nguồn điện với mức chi phí giao nhận và giá mua từ 1.000 đ/kWh trở xuống có tổng sản lượng là 42.074,26 triệu kWh (chiếm 24,3%) và mức chi phí bình quân là 639,6 đ/kWh.

(ii) Các nguồn điện với mức chi phí giao nhận và giá mua từ trên 1.000 đ/kWh đến 1.250 đ/kWh có tổng sản lượng là 55.962,28 triệu kWh (chiếm 32,3%) và mức chi phí bình quân là 1.116,8 đ/kWh.

(iii) Các nguồn điện với mức chi phí giao nhận và giá mua từ trên 1.250 đ/kWh đến 1.500 đ/kWh có tổng sản lượng là 52.864,01 triệu kWh (chiếm 30,6%) và mức chi phí bình quân là 1.393,7 đ/kWh; Các nguồn điện với mức chi phí giao nhận và giá mua trên 1.500 đ/kWh có tổng sản lượng là 22.185,68 triệu kWh (chiếm 12,8%) và mức chi phí bình quân là 1.801,0 đ/kWh.

Theo phân khúc mức chi phí giao nhận và giá mua nêu trên ta có 4 sản lượng biên và 4 mức chi phí biên tương ứng với chi phí bình quân tuần tự là (đ/kWh): 639,6; 1.116,8; 1.393,7; 1.801,0.

Theo đó, về nguyên tắc, mức giá bán lẻ của từng phần sản lượng điện biên sẽ bằng: Chi phí biên khâu phát điện + Giá thành khâu truyền tải + Giá thành khâu phân phối + Giá thành khâu quản lý ngành và phụ trợ + Lợi nhuận định mức theo quy định.

Ví dụ của giá bán lẻ của phần sản lượng biên cuối cùng bằng: 1.801,0 đ/kWh + Giá thành khâu truyền tải + Giá thành khâu phân phối + Giá thành khâu quản lý ngành và phụ trợ + Lợi nhuận định mức, và đó là mức giá cao nhất (coi như các thành phần giá thành khác như nhau cho cả 4 phần sản lượng biên). Vậy, chi phí biên của từng nguồn điện hiện nay thế nào? Và liệu có được lấy làm một trong những căn cứ để xác định các mức giá điện hay không?

Từ năm 2021 thị trường điện bán lẻ điện cạnh tranh theo dự kiến sẽ đi vào hoạt động (thực tế có thể chậm hơn), song Dự thảo cần thiết nêu ra các yêu cầu đối với giá bán lẻ điện cần phải đáp ứng để có thể vận hành phù hợp với thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, và cũng cần nêu các phương án đề xuất đã đáp ứng như thế nào khi áp dụng vào thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sắp tới. Do vậy, để dự thảo biểu giá bán lẻ điện đi vào cuộc sống của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cần chú ý xem xét giải quyết vấn đề này.

Ví dụ, cần tạo ra nhiều biểu giá điện để có nhiều lựa chọn cho khách hàng, nhất là lựa chọn nhà cung cấp điện có giá thấp, đảm bảo chất lượng và khuyến khích cạnh tranh phát điện giá thấp, theo đó biểu giá điện phải rạch ròi các khoản một cách minh bạch: Giá cung cấp điện, giá kết nối hệ thống phân phối và giá phân phối điện. Hoặc xây dựng nhiều biểu giá điện phù hợp với các trường hợp sử dụng điện khác nhau để khách hàng lựa chọn biểu giá phù hợp với mục đích, đặc điểm sử dụng điện của mình. Chẳng hạn, biểu giá cho trường hợp tiêu thụ ít điện, dùng cho chiếu sáng và các thiết bị sinh hoạt thông thường; biểu giá cho trường hợp tiêu thụ nhiều điện, dùng cho chiếu sáng và các thiết bị sinh hoạt thông thường công suất lớn; biểu giá cho trường hợp sử dụng các thiết bị điện tiêu thụ điện nhiều hơn về đêm; biểu giá cho trường hợp các nhà nghỉ của gia đình chỉ tiêu thụ điện vào ngày nghỉ cuối tuần, v.v...

Sau đây là một số ý kiến cụ thể:

Thứ nhất: Về các phương án đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt:

1/ Về biểu giá điện bậc thang 5 bậc:

Ta biết rằng, vấn đề cốt yếu trong việc xác định giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang là xác định số lượng bậc thang, cơ số điện và giá điện của từng bậc thang có căn cứ hợp lý, đảm bảo công bằng, phù hợp với giá thành điện và đáp ứng nhu cầu điện theo khả năng chi trả của các hộ sử dụng điện, cũng như có tác dụng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.

Việc đề xuất biểu giá 5 bậc thang có một số vấn đề sau:

Cũng như trước đây, với biểu giá 6 bậc và nay đề xuất 5 bậc, nhưng cần nêu rõ căn cứ nào để xác định tại sao 6 bậc và tại sao 5 bậc. Về mặt tư duy, việc giảm từ 6 bậc thang trước đây xuống còn 5 bậc có sự “ngược” là: Trước đây với quy mô 400 kWh chia thành 5 bậc thang với cơ số điện trong từng bậc chỉ từ 50 đến 100 kWh, nay với quy mô 700 kWh lại chia làm 4 bậc với cơ số điện lớn gấp đôi trong 3 bậc: 1, 2 (từ 50 lên 100 kWh), bậc 3 (từ 100 lên 200 kWh) và gấp 3 lần trong bậc 4 (từ 100 lên 300 kWh).

Ta biết rằng, một trong những mục đích của biểu giá điện bậc thang là khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Để đạt được điều đó, ngoài mức giá điện của từng bậc, cơ số điện trong mỗi bậc phải xác định sao cho vừa để luôn dè chừng khách hàng chú ý sử dụng điện không vượt quá sang bậc khác có giá cao hơn. Nếu xác định cơ số điện quá lớn thì tạo cho khách hàng cảm giác cứ sử dụng thoải mái đi, vì còn lâu mới vượt lên bậc thang trên.

Theo tư duy đó, lẽ ra quy mô lượng điện tiêu dùng của 1 hộ càng nhỏ thì phải chia ra ít bậc, quy mô càng lớn thì phải chia ra nhiều bậc. Việc giảm số bậc thang trong biểu giá từ 6 bậc xuống còn 5 bậc cần đi theo tư duy “thuận”.

Tỷ trọng cơ số điện trong 4 bậc đầu (700 kWh) là bậc 1: 14,29%; bậc 2: 14,29%; bậc 3: 28,58%; bậc 4: 42,86%. Liệu trong thực tế sản lượng điện tiêu dùng của các khách hàng trong từng bậc thang từ 1 đến 4 có chiếm tỷ trọng tương đương trên tổng sản lượng điện của tất cả khách hàng trong 4 bậc thang đầu hay không để đảm bảo giá bình quân của cả 4 bậc trong biểu giá sát với giá bình quân trong thực tế nhằm để cho ngành điện không bị thâm hụt, hoặc quá hời.

Tiếp theo, mức giá điện của từng bậc thang được xác định là (đ/kWh): Bậc 1: 1.677,99; bậc 2: 2.013,55; bậc 3: 2.628,86; bậc 4: 2.983,1; bậc 5: 5.108,56; chênh lệch giữa các mức như sau (đ/kWh): Bậc 2 so với bậc 1: 335,56; bậc 3 so với bậc 2: 613,31 (cao hơn chênh lệch giữa bậc 2 và 1: 1,83 lần); bậc 4 và bậc 3: 354,24 (chỉ bằng 0,58 lần chênh lệch giữa bậc 3 và 2); bậc 5 và bậc 4: 2.125,46 (cao hơn chênh lệch giữa bậc 4 và 3 đến 6 lần).

Giá của 4 bậc thang đầu, về cơ bản dựa vào giá của 5 bậc thang đầu trong Biểu giá bán lẻ điện theo Quyết định số 648/2019/QĐ-BCT. Tuy nhiên, có vấn đề là giá bán lẻ điện bình quân hiện hành còn hiệu lực theo Quyết định số 648/2019/QĐ-BCT là 1864,44 đ/kWh. Như vậy, so với giá bán lẻ điện bình quân này thì chỉ có giá bậc thang 1 thấp hơn 186,45 đ/kWh (tương ứng 10%), còn giá của tất cả các bậc thang còn lại cao hơn, thậm chí cao hơn rất nhiều. Trong khi cơ số điện bậc 1 chỉ 100 kWh, còn lại các bậc thang khác 2, 3, 4 là 100, 200 và 300 kWh, chưa kể cơ số của bậc 5.

Chắc chắn rằng, giá điện bình quân của toàn bộ biểu giá mới sẽ cao gấp bội lần giá bán lẻ điện bình quân hiện hành 1864,44 đ/kWh, vì chỉ cần bậc 1 và 2 đã đảm bảo xấp xỉ mức giá bình quân này rồi. Suy ra, biểu giá điện sinh hoạt mới này có sự bù chéo cho lĩnh vực sử dụng điện nhất định nào đó.

Có ý kiến nói rằng, mức giá điện của bậc thang 1 xác định thấp hơn giá bình quân là để “hỗ trợ” hộ gia đình có thu nhập thấp, hộ chính sách, v.v... Điều đó là không đúng cho các hộ này. Vì với phần nhu cầu thấp thì không những họ mà cả các hộ khác đều được mua và được quyền hưởng mức giá điện thấp tương ứng với chi phí biên thấp của phần sản lượng điện có giá thành thấp như đã minh họa cho năm 2016 trên đây.

Chẳng hạn, giả dụ có 25 triệu khách hàng với cơ số điện bậc 1 là 100 kWh thì mỗi tháng tiêu thụ 2,5 tỷ kWh và cả năm là 30 tỷ kWh thuộc bậc 1, mức sản lượng đó vẫn nằm trong giới hạn phần sản lượng 42 tỷ (chiếm 24,3%) có mức giá thành bình quân thấp nhất (639,6 đ/kWh) của năm 2016 nêu trên.

Hơn nữa, Nhà nước đã có quy định tách chính sách xã hội ra khỏi giá điện. Theo đó tại Quyết định 28/2014/QĐ-TTg đã quy định hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Vậy câu hỏi đặt ra là: Các mức giá đó được xác định theo nguyên tắc và căn cứ nào? Có phù hợp với nguyên tắc huy động nguồn điện theo nhu cầu và theo giá thành của chúng hay không: Nhu cầu càng cao thì phải huy động nguồn điện có giá thành cao, tức chi phí biên của các nguồn điện huy động thêm cao hơn? Liệu có nguồn điện nào có giá thành 5.100 đ/kWh chưa? Cần minh chứng bằng số liệu cụ thể. Điều này cũng cần phải làm sáng tỏ để vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch trong huy động nguồn điện theo cơ chế thị trường, vừa thúc đẩy sự cạnh tranh phát triển nguồn điện giá thấp.

Theo chúng tôi, không rõ cái gọi là mức giá điện trong các bậc thang đầu không tác động đến “các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình” nghĩa là thế nào và được thực hiện như thế nào? Có phải các mức giá đó được xác lập căn cứ vào chi phí biên của phần sản lượng điện tương ứng với cơ số điện trong các bậc thang đó hay thấp hơn, hoặc liệu có sự bù chéo hay không? Chỉ khi thấp hơn giá thành và/hoặc có bù chéo thì mới có thể nói có “chủ ý” để giá điện không tác động đến “các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình”. Vấn đề số người khác nhau trong mỗi hộ được xử lý như thế nào trong việc thực hiện giá điện bậc thang: Liệu hộ nhiều người (ví dụ 5 người) và hộ ít người (ví dụ 1 người) cùng sử dụng 500 kWh/tháng, hay 700 kWh/tháng, hoặc hơn thì việc áp dụng giá bậc thang như nhau liệu có công bằng không? Hộ 1 người có đáng được hưởng giá điện như hộ 5 người hay đông hơn hay không? Khi đó có được coi là khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm hay không?

Để khắc phục bất cập này, có thể áp dụng giải pháp sau: Để áp dụng hiệu quả Biểu giá điện bậc thang nên gắn liền với mức điện sử dụng bình quân đầu người trong hộ.

Ví dụ, quy định mức điện bình quân đầu người là bao nhiêu thì được áp dụng giá bậc 1, bậc 2, bậc 3, bậc 4, bậc 5.

Chẳng hạn, hộ có lượng điện bình quân đầu người ≤ 50 kWh/người/tháng thì được áp dụng giá bậc 1, ≤ 100 kWh/người/tháng thì áp dụng giá bậc 2,  ≤ 150 kWh/người/tháng thì áp dụng giá bậc 3, v.v... Như vậy đảm bảo công bằng cho tất cả các hộ bất kể ít người hay đông người. Theo đó, hàng tháng khi tính hóa đơn tiền điện của các hộ, cần xác định mức điện sử dụng bình quân đầu người bằng cách lấy tổng lượng điện sử dụng chia cho số người trong hộ. Sau đó căn cứ vào quy định về mức giá bậc thang theo mức điện sử dụng bình quân đầu người mà áp dụng phù hợp theo thực tế của từng hộ. Để thực hiện được điều này cần phải tìm cách quản lý số người sử dụng điện trong hộ. (Đây chỉ là ý tưởng để nghiên cứu xem xét). 

2/ Về biểu giá điện 1 giá:

Biểu giá điện 1 giá được áp dụng đồng thời với biểu giá điện bậc thang. Có vấn đề là: (1) Trong trường hợp A (trên đây) giá điện một giá là 2.703 đồng/kWh và giá điện ở bậc 5 của Biểu giá bậc thang lên tới hơn 5.100 đồng/kWh. Còn trong trường hợp B giá điện một giá là 2.889 đồng/kWh và giá điện ở bậc 5 của Biểu giá bậc thang là 3.499,2 đồng/kWh. Trong khi giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định số 648/2019/QĐ-BCT là 1864,44 đ/kWh. Vấn đề đặt ra là:

- Giá 1 một giá của 2 trường hợp là 2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh, hai mức giá này cao hơn nhiều so với mức giá bán lẻ điện bình quân 1864,44 đ/kWh còn hiệu lực theo quy định của Quyết định số 648/2019/QĐ-BCT. Tại sao như vậy? Giả dụ toàn bộ khách hàng sinh hoạt và ngoài sinh hoạt đều mua lẻ điện với giá bình quân 1864,44 đ/kWh thì liệu ngành điện có bị lỗ hay không? Nếu giả dụ bị lỗ thì có nghĩa giá điện bình quân 1864,44 đ/kWh thấp hơn giá thành điện bình quân toàn bộ. Điều đó là không thể được, vì:

Theo quy định tại Khoản 18, Điều 4, Luật Giá năm 2012: Mức giá bán lẻ điện bình quân là giá bán điện được xác định theo nguyên tắc tính tổng chi phí sản xuất, kinh doanh và mức lợi nhuận hợp lý bình quân cho 01 kWh điện thương phẩm trong từng thời kỳ, được sử dụng cùng với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để tính giá bán lẻ điện cụ thể cho từng đối tượng khách hàng sử dụng điện.

Theo quy định của Thông tư số 12/2014/TT-BCT tại Điều 3 Khoản 1: “Giá bán điện bình quân được lập hàng năm trên cơ sở chi phí sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ và lợi nhuận định mức của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu tư”.

- Trong trường hợp A, giá điện một giá là 2.703 đồng/kWh và giá điện ở bậc 5 của Biểu giá bậc thang là 5.100 đồng/kWh. Còn trong trường hợp B giá điện một giá là 2.889 đồng/kWh (cao hơn A 186,0 đ/kWh) và giá điện ở bậc 5 của Biểu giá bậc thang là 3.499,2 đồng/kWh (thấp hơn A 1609,36 đ/kWh). Đối chiếu và so sánh 2 trường hợp cho thấy Giá điện một giá có mối quan hệ với giá điện trong bậc 5 của Biểu giá bậc thang: Giá bậc 5 cao thì giá điện một giá thấp và ngược lại. Điều đó chứng tỏ có sự bù chéo giữa giá điện một giá và giá điện bậc 5 của biểu giá điện bậc thang. Vậy sự bù chéo đó dựa vào lý do và căn cứ nào?

- Việc áp dụng đồng thời 2 biểu giá sẽ có nguy cơ gây phức tạp trong quá trình thực hiện và các hệ lụy kèm theo. Ví dụ, có thể xảy ra trường hợp cùng 1 hộ nhưng khi biểu giá nào có lợi hơn (tức ít tiền điện hơn) người ta lại tìm mọi cách xin áp dụng biểu giá đó bằng được. Giống như biểu giá điện bậc thang, để hưởng lợi giá điện bậc thấp người ta đã tìm cách tách hộ gia đình thành nhiều hộ, thậm chí mỗi hộ chỉ 1 người. Do vậy, cần đề ra các giải pháp phòng ngừa để hạn chế các sự phức tạp hóa có thể xảy ra, nếu như thực hiện phương án áp dụng đồng thời 2 biểu giá: Biểu giá bậc thang và giá điện 1 giá.

- Việc áp dụng Giá điện một giá có ưu điểm là đơn giản hơn nhiều so với biểu giá điện bậc thang, theo đó cũng giảm được nhiều thủ tục quản lý giá điện. Tuy nhiên, có sự không công bằng ở chỗ hộ sử dụng điện ít cũng phải trả giá cao hơn so với giá lẽ ra họ đương nhiên được quyền hưởng như đã phân tích về mối quan hệ giữa nhu cầu và giá thành điện.

Thứ hai: Về phương án đối với khách hàng ngoài sinh hoạt:

Việc hợp nhất các loại khách hàng ngoài sinh hoạt thành một loại, mặc dù mục đích sử dụng điện là khác nhau. Cơ quan soạn Dự thảo cần phải làm rõ lý do sự hợp nhất này và mục đích là gì? Vấn đề không chỉ là đơn giản hóa mà quan trọng hơn là có đáp ứng các yêu cầu đề ra của chính sách giá điện hay không như đảm bảo sự công bằng, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với vai trò, đặc điểm của chúng trong từng thời kỳ, từng địa bàn, v.v...

Ví dụ như bệnh viện (để gián tiếp hỗ trợ cho người bệnh mà nhà nào cũng sẽ có), trường học, nhất là khối mầm non, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học (gián tiếp hỗ trợ cho trẻ nhỏ, thiếu nhi mà nhà nào cũng lần lượt sẽ có), các sản phẩm mới công nghệ cao, các sản phẩm thay thế nhập khẩu trong thời kỳ đầu, v.v...

Thiết nghĩ, để phục vụ cho xây dựng chính sách giá điện phù hợp với từng lĩnh vực trong từng thời kỳ và thực hiện, quản lý việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, không nên hợp nhất 3 loại khách hàng ngoài sinh hoạt./.

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động