Lịch sử môi trường và thiên tai ở Việt Nam
09:00 | 27/12/2017
"Cuộc chiến nguồn nước" trên dòng Mê Kông và nguy cơ Việt Nam
Kêu gọi dừng xây "thủy điện quy mô lớn" trên dòng Mê Kông
Thủy điện có phải là nguyên nhân chủ yếu chiếm rừng Tây Nguyên?
Bắc Ninh trong trận lụt năm 1923 (ảnh: EFEO, Olivier Tessier 2011).
VŨ ĐỨC LIÊM (*)
Môi trường và thiên tai: Bài học từ lịch sử
Các nghiên cứu gần đây cho thấy lịch sử môi trường thực sự mang lại những hiểu biết quan trọng trong cách thức nhân loại đối phó với thách thức biến đổi khí hậu hay cạn kiệt tài nguyên. GS. Jared Diamond, ở Đại học California, Los Angeles (UCLA) viết trong công trình quan trọng về tương tác giữa con người với môi trường và đặt ra câu hỏi: Tại sao các xã hội lại thất bại hoặc thành công? Ông chỉ ra nguyên nhân cốt lõi chính là cách thức các xã hội tương tác với môi trường, sử dụng các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai, nguồn nước và rừng. Sự suy thoái của các nhân tố này sẽ đóng vai trò quyết định đến sống còn của các xã hội, trước khi thay đổi thời tiết, bệnh dịch, hay ngoại xâm ra những đòn cuối cùng.
Jared Diamond dẫn một vài ví dụ thất bại, trong đó có sự sụp đổ của xã hội trên đảo Phục Sinh. Đây là dải đất xa nhất của trái đất có tồn tại con người cư trú. Vùng đất liền gần nhất là Chile cách đó 2.300 dặm và quần đảo Polynesia cách đó 1.300 dặm. Hòn đảo rộng 164 km2 này ngày nay để lại hàng trăm bức tượng đổ nát, mỗi bức cao từ 5 đến 21 m và nặng từ 10 đến 270 tấn.
Trong nhiều thập kỷ, nền văn minh bị đổ vỡ này đặt ra câu hỏi lớn cho các nhà khoa học về nguyên nhân suy tàn. Khi người châu Âu đến đây lần đầu tiên vào năm 1728, cả hòn đảo hầu như không có cây cối, không có các loài động vật lớn, không có các công cụ vận chuyển, máy móc, và đồ sắt. Khảo cổ học đã giúp vén bức màn bí ẩn của hòn đảo này. Những cư dân đầu tiên xuất hiện trên hòn đảo khoảng năm 900. Lúc đó, trên đảo được bao phủ bởi rừng rậm nhiệt đới, bao gồm cả loài cọ lớn nhất thế giới. Dân số lúc cao nhất của hòn đảo ước tính khoảng 6.000 đến 30.000 người, những người này đã chặt cây lấy gỗ làm nhà, đóng thuyền, làm công cụ xây các bức tượng lớn, cho đến khoảng năm 1650, họ chặt hạ những cây cuối cùng.
Không còn cây cối, cả hòn đảo rơi vào nạn đói và chiến tranh vì không còn môi trường tìm kiếm thức ăn hay chế tạo công cụ đánh cá. Việc ăn thịt người trở nên phổ biến, dân số của hòn đảo giảm 90%. Khi đó, câu nói phổ biến được dùng để nhục mạ kẻ thù: "thịt của mẹ mày vẫn còn dính trong kẽ răng của tao" (Jared Diamond 2008).
Sự sụp đổ của Angkor, hay đế chế của người Maya cũng được mô tả trong những khung cảnh tương tự, liên quan đến phá rừng hay biến đổi khí hậu. Hạn hán là nhân tố góp phần làm sụp đổ đế chế Angkor, đặc biệt là các đợt hạn kéo dài cả thập kỷ vào cuối thế kỷ XIV và đầu XV, khiến vương quốc này suy yếu và trở thành nạn nhân của người Thái.
Liệu người Việt có sẵn sàng học được điều gì từ bài học thất bại và thành công của nhân loại trong lịch sử ứng phó với môi trường, tài nguyên và biến đổi khí hậu?
Lịch sử môi trường ở Việt Nam?
Trên thế giới, lịch sử môi trường đang trở thành ngành được quan tâm và các sử gia về lịch sử môi trường gần đây đã có nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là kết hợp sử dụng tư liệu lưu trữ và ghi chép với thành tựu nghiên cứu của các khoa học liên ngành khác.
Mặc dù vậy, lịch sử môi trường ở Việt Nam vẫn là một chủ đề mới ít được quan tâm.
Các khảo sát về lịch sử môi trường và thiên tai trong thập kỷ vừa qua chủ yếu chú ý đến quá trình khai thác hai vùng châu thổ sông Hồng và sông Mê Kông, liên quan đến mở rộng đất đai canh tác, việc phá rừng, sử dụng và quản lý nguồn nước, và lụt lội. Mặc dù vậy, bức tranh về lịch sử môi trường đối với cả hai vùng châu thổ hiện mới chỉ sơ khai. Chúng ta chú ý nhiều đến lịch sử khai phá, lập nhà nước, xác lập chủ quyền lãnh thổ. Còn lịch sử khai thác tự nhiên như thế nào, đê điều, khai hoang, kỹ thuật khai hoang, trị thủy, cách thức đối phó với lụt và hạn hán, thiên tai, quản lý hệ thống đê điều… thì hầu như còn là khoảng trống.
Đê ở châu thổ sông Hồng năm 1803 (Li Tana 2016).
Tiếp nối các học giả người Pháp như Paul Mus và Pierre Gourou, sử gia người Nhật Yumio Sakurai khảo sát mối tương tác giữa "đất, nước, lúa, và con người" trong việc định hình mô hình nông nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội sơ kỳ Việt Nam. Địa hình, nguồn nước và các vùng nông nghiệp đã đóng vai trò quyết định hình thành nên cấu trúc dân cư và phân bổ trung tâm chính trị ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Sự tương tác giữa các vùng này, như GS Sakurai lập luận, định hình nên cấu trúc không gian xã hội và chính trị Việt Nam từ các thế kỷ đầu CN cho đến nhà Lý. Chuyển sang giai đoạn sau đó, TS. Phùng Minh Hiếu gần đây hoàn thành luận án tại ĐH Hawaii về "Đất và nước: lịch sử thế kỷ XV của Việt Nam nhìn từ góc độ môi trường", cung cấp góc nhìn mới về sự tương tác giữa các nhân tố tự nhiên như đất, nước, và lúa nước với nhịp điệu thăng trầm của cấu trúc chính trị - xã hội Đại Việt thời Lê.
Li Tana từ Đại học Quốc gia Australia tập trung khảo sát lịch sử môi trường khu vực phía Đông của châu thổ sông Hồng trong một chuỗi các tương tác giữa gia tăng dân số, mở rộng đất đai, xây dựng các công trình công cộng, thủ công nghiệp với việc phá rừng lấy gỗ, củi đốt, và hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh trong khoảng năm 900 đến 1400. Khảo sát gần đây của bà liên quan đến hệ thống đê điều trong 23 thế kỷ qua và lập luận rằng khu vực châu thổ này là một trong những nơi có địa hình thay đổi nhiều nhất trên thế giới. Nhân tố quan trọng nhất giúp định hình liên tục cấu trúc lãnh thổ này chính là việc các con đê được xây dựng, phá bỏ, tái tạo không ngừng bởi vô số các dự án lớn nhỏ trong 2000 năm qua.
Về khu vực này ở thế kỷ XIX, GS Yumio Sakurai và TS. Olivier Tessier (EFEO, 2011) tìm hiểu hệ thống đê điều thời Nguyễn gắn với tình trạng thiên tai, lũ lụt và mất mát dân cư. Các nghiên cứu này phác thảo mối liên hệ chặt chẽ giữa các trận lụt và biến động xã hội đầu thời Nguyễn, mặc dù triều đình Huế có nhiều nỗ lực nhằm củng cố hệ thống đê điều. Lụt lội và thiên tai vì thế gắn trực tiếp với bạo lực xã hội và tình trạng nổi loạn tại Bắc Kỳ.
Quá trình lịch sử về mối tương tác giữa con người với tự nhiên ở đồng bằng Bắc Bộ là phức tạp và là chủ đề nghiên cứu quan trọng vì nó giúp hiểu rõ quá trình định hình nên châu thổ sông Hồng như một trong những lưu vực sông có mật độ dân cư đông nhất trên thế giới.
Vùng hạ lưu Mê Kông dường như ít được quan tâm hơn. Có lẽ một trong những người mở đầu là Sơn Nam với Lịch sử khẩn hoang miền Nam. David Biggs là học giả gần đây có đóng góp quan trọng đối với lịch sử môi trường của vùng đất này. Cuốn sách của ông (2010) phân tích sự gắn kết giữa xây dựng quốc gia với sự thay đổi môi trường tự nhiên châu thổ Mê Kông thông qua các hệ thống thủy lợi thời hiện đại. Công trình là một phác họa sống động về các dự án chính trị của nhà Nguyễn, chính quyền thuộc địa, và chính quyền Nam Việt Nam trong việc đưa nhà nước vào các vùng sình lầy và rừng rậm. Sự xác lập của quyền lực trung ương, các dự án định cư, đặc biệt là thủy lợi đã thay đổi cấu trúc và diện mạo của vùng châu thổ, xác lập một khung cảnh địa lý nhân văn hoàn toàn mới theo thiết kế của chính quyền.
Sự phát triển của người Việt và các cộng đồng cư dân đa dạng ở miền Đông bán đảo Đông Dương cung cấp một khung cảnh hấp dẫn cho các nhà lịch sử môi trường. Sự đa dạng của các loại hình tương tác giữa con người với tự nhiên, khí hậu nhiệt đới gió mùa, thiên tai, và bệnh dịch… là những sự kiện không hề hiếm gặp.
Thực tế cho thấy ảnh hưởng cực kỳ to lớn của chúng đối với khung cảnh xã hội và tổ chức chính trị của người Việt. Charles Wheleer đưa ra ví dụ về sự cần thiết tái định vị vai trò của biển và nước trong lịch sử Việt Nam thông qua khảo sát về Hội An và vùng Thuận Quảng thời sơ kỳ hiện đại (2002). Những nỗ lực như thế sẽ giúp các sử gia giải thoát mô hình xưa cũ của lịch sử Việt Nam ra khỏi sự cầm tù của lũy tre làng, và tìm kiếm những liên hệ mới của người Việt Nam trong tương tác khu vực và toàn cầu.
Chiến tranh là nhân tố chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tự nhiên, đồng thời cũng đưa lại sự tàn phá khốc liệt đối với môi trường và tài nguyên. Việc lấy gỗ đóng tàu phục vụ quân sự ở Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII là một ví dụ, gắn liền với việc khai thác gỗ từ các khu rừng thượng nguồn ở Quy Nhơn, Quang Hóa (Tây Ninh), vùng Hà Tiên, An Giang, dọc duyên hải Cambodia (Vu Duc Liem 2017).
Chúng tôi cũng đã chỉ ra vai trò của hệ thống kênh rạch và điều chỉnh hệ thống thủy lợi, kênh đào ở hạ lưu Mê Kông đã làm thay đổi cấu trúc dân cư, địa hình, lãnh thổ, và đường biên giới Việt Nam - Cambodia. Khai hoang, xác lập khu dân cư, và hệ thống dẫn nước, kênh đào là quá trình tương tác giữa con người với tự nhiên, chiếm lĩnh địa hình để xác lập chủ quyền của con người lên tự nhiên.
Những chủ đề này chỉ là phần nhỏ trong những vấn đề rất hứa hẹn còn đang bỏ ngỏ của lịch sử môi trường Việt Nam.
***
Thực tế cho thấy hiện vẫn chưa thực sự xuất hiện ngành nghiên cứu lịch sử môi trường và thiên tai ở Việt Nam. Thiên tai và tác động của tự nhiên ghi dấu ấn cực kỳ quan trọng trong lịch sử loài người. Phần lớn các dân tộc trên thế giới trong tâm thức sơ khai của mình đều có câu chuyện về hồng thủy. Lũ lụt, động đất, sóng thần, hạn hán, lở đất, côn trùng… ghi dấu trên bước đường đi của nhân loại, ảnh hưởng trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội, từ tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh đến tổ chức chính trị. Việc giải mã các nhân tố này không chỉ là cách giúp tìm câu trả lời cho những vấn đề cấp thiết về tài nguyên, môi trường ở Việt Nam, mà còn giúp hiểu rõ hơn bản sắc và những đặc trưng cội rễ của dân tộc.
Mô hình thống kê các trận lụt, hạn hán, nạn đói và dịch bệnh ở Hà Nội, 1300-1800 (Brendan M. Buckley et al, 2014).
Một trong những vấn đề cốt lõi của nghiên cứu lịch sử môi trường và thiên tai là tìm kiếm cách thức hiệu quả mà các nhóm bản địa đã theo đuổi nhằm duy trì cuộc sống hài hòa với tự nhiên. Đó có thể là cách thức người Tây Nguyên khai thác tài nguyên rừng, các nhóm dân cư hạ lưu Mê Kông dựa vào mùa nước lên xuống để tồn tại, cách thức chống hạn hán của cư dân Nam Trung Bộ, hay những giống cây con bản địa có khả năng chống chọi tốt với sự khắc nghiệt của thời tiết… Những tri thức này là cực kỳ hữu ích đối với xã hội hiện đại.
Cuối cùng, kỷ nguyên của chinh phục và chế ngự tự nhiên đã qua. Con người giờ đây tìm kiếm những cách thức chung sống hòa đồng và bền vững cùng tự nhiên. Đó cũng chính là lúc lịch sử có thể góp tiếng nói của mình. Quá khứ luôn cho chúng ta những bài học sống động, và không bao giờ lỗi thời.
Vua thứ hai triều Nguyễn là Minh Mệnh có mối ưu phiền lớn đối với các cư dân ở châu thổ Mê Kông: tại sao dân ở đây không lập làng định cư mà đi lại tự do theo con nước? Tại sao triều đình khuyến khích họ làm nông nghiệp, bắt sống trong làng xã nhưng một lượng không nhỏ dân cư theo mùa nước lên xuống buôn bán? Vua Minh Mệnh đã đúng từ góc độ nhà nước, để quản lý được dân cư, chính quyền phải đưa dân vào các không gian xác định, buộc chặt họ với đất đai, thuế khóa, tuyển lính, xây dựng bản đồ dân cư… Nhưng điều đó cũng có nghĩa là tạo ra xung đột giữa lối sống bản địa và đặc thù tương tác của họ với tự nhiên.
Một nhà nước kiến tạo phát triển và một xã hội theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững cần lắng nghe và tôn trọng lợi ích của các cộng đồng bản địa gắn với tự nhiên, gắn phát triển với bảo tồn. Với những điều này, lịch sử chắc chắn là một phần của câu trả lời.
Bản đồ địa hình và vùng sinh thái của châu thổ sông Mekong (David Biggs).
(*) Vũ Đức Liêm - giảng viên Khoa Lịch sử Đại học Sư phạm Hà Nội. Nghiên cứu Lịch sử tại Đại học Hamburg. Hướng nghiên cứu chính: Lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á cận hiện đại.
-----------
Tài liệu tham khảo:
Brendan M. Buckleya et al, (2009). Climate as a contributing factor in the demise of Angkor, Cambodia. PNAS 13/04/2009, vol. 107, no. 5
David Biggs, (2010). Quagmire: Nation-Building and Nature in the Mekong Delta, University of Washington Press
Jared Diamond, (2005). Collapse: How Societies Choose to Fail or Succeed. Viking.
Jared Diamond, (2008). https://www.youtube.com/watch?v=bc4bXIg8JDk&t=209s
Li Tana, (2014). Towards an environmental history of the eastern Red River Delta, Vietnam, c.900–1400. Journal of Southeast Asian Studies, 45, pp 315-337
Li, Tana (2016). A Historical Sketch of the Landscape of the Red River Delta. TRaNS: Trans -Regional and -National Studies of Southeast Asia, 4(2), 351-363
Phùng Minh Hiếu. (2017). “Land & Water: A History of Fifteenth-Century Vietnam from an Environmental Perspective”, PhD Dissertation, Hawaii University at Manoa.
Vu Duc Liem, (2017). The age of the Sea Falcons: Naval Warfare in Vietnam, 1771- 1802, in Beyond Courts and Colonists: New Sources and Reconstructions of Indigenous Warfare in Early Modern Southeast Asia, edited by Michael Charney and Kathryn Wellen (Nordic Institute of Asian Studies Press - NIAS Press).
Yumio Sakurai. (n.d.) Land, Water, Rice, and Men in early Vietnam: Aggrarian Adaptation and Socio-political Organization, ed. Keith W. Taylor, transl. Thomas A. Stanley, Cornell University.
Yumio Sakurai, (1997). “Peasant Drain and Land- Mortgage in the Red River Delta between 1750-1850”, pp. 133-152 in The Last Stand of Asian Autonomies, ed. Anthony Reid, 1997.