RSS Feed for Kiên quyết dừng thực hiện các dự án hồ, đập hiệu quả thấp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 07:30
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kiên quyết dừng thực hiện các dự án hồ, đập hiệu quả thấp

 - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 22CT-TTg về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước. Một chi tiết đáng chú ý của Chỉ thị này là Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, rà soát các dự án đập, hồ chứa nước chưa triển khai xây dựng, kiên quyết dừng thực hiện các dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội, không đảm bảo phát triển bền vững.

Quản trị và sử dụng hiệu quả tài nguyên thủy điện

Chỉ thị nêu rõ: Hiện nay, trên cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động, đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, phần lớn các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đã được xây dựng từ nhiều năm trước, trong điều kiện thiếu kinh phí, số liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật thi công hạn chế. Đặc biệt, đa số hồ chứa nhỏ được thi công bằng thủ công, nhiều đập, hồ chứa nước không phù hợp với điều kiện mưa, lũ cực đoan hiện nay.

Mặt khác, lực lượng quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy lợi còn mỏng, không bảo đảm năng lực chuyên môn, nhất là hồ nhỏ thiếu kinh phí tu sửa, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên nhiều hồ đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn và đe dọa tính mạng người dân và tài sản vùng hạ du.

Công tác quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước của các bộ, ngành, địa phương dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn lúng túng, bị động. Công tác quản lý, giám sát chất lượng công trình xây dựng trong thiết kế, thi công một số đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ, nhất là đối với công trình do chính quyền cơ sở, các hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư còn hạn chế, chưa chặt chẽ. Việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước chưa đầy đủ, nghiêm túc; chưa xây dựng phương án bảo vệ, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho đập, hồ chứa nước; chưa thực hiện kiểm tra, kiểm định và kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ, khả năng xả lũ của đập, hồ chứa nước...

Triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn hồ, đập

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao thành lập ngay các đoàn công tác phối hợp với các địa phương kiểm tra các đập, hồ chứa nước có quy mô lớn, các đập có nguy cơ mất an toàn, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách để bảo đảm an toàn, đồng thời chủ động xây dựng phương án ứng phó trong mọi tình huống, bảo đảm an toàn cho đập và vùng hạ du.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong việc quản lý đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước. Rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Rà soát, quy định chặt chẽ về năng lực của chủ đầu tư, tổ chức tư vấn và nhà thầu thi công đập, hồ chứa nước để nâng cao chất lượng công trình. Tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật, hiệu quả quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương đối với công tác quản lý đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa nước.

Lắp đặt hệ thống giám sát vận hành hồ chứa, hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho đập

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, rà soát các dự án đập, hồ chứa nước chưa triển khai xây dựng, kiên quyết dừng thực hiện các dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội, không đảm bảo phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, củng cố lực lượng quản lý chuyên trách, đủ năng lực chuyên môn để quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, đặc biệt là đối với các đập, hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ, các đập, hồ chứa thủy điện do tư nhân đầu tư, quản lý. Mặt khác, thường xuyên thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, vận hành hồ chứa.

Rà soát, chấn chỉnh việc kê khai đăng ký an toàn đập. Lập, phê duyệt và thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nước. Lắp đặt thiết bị quan trắc công trình, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa nước. Lắp đặt hệ thống giám sát vận hành hồ chứa, hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du. Lưu trữ hồ sơ, hệ thống cơ sở dữ liệu. Xây dựng quy trình vận hành cửa van, quy trình bảo trì công trình. Thực hiện cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước. Xây dựng phương án bảo vệ, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho đập, hồ chứa nước. Thực hiện kiểm tra, kiểm định và kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ, khả năng xả lũ của đập, hồ chứa nước...

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động