RSS Feed for Kêu gọi dừng xây Thứ sáu 29/03/2024 20:43
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kêu gọi dừng xây "thủy điện quy mô lớn" trên dòng Mê Kông

 - Trước thềm cuộc họp Hội đồng lần thứ 24 của Uỷ hội sông Mê Kông, ngày 28/11/2017, Liên minh Cứu sông Mê Kông (Save the Mekong Coalition) đưa ra Bản tuyên bố bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc phát triển các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đang hủy hoại an ninh lương thực khu vực và gia tăng nghèo đói. Cho rằng, Chính phủ các nước hạ lưu sông Mê Kông cần cam kết tạm dừng các dự án thủy điện quy mô lớn trong khi các chính sách khu vực và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo đang tiến triển. Điều này sẽ giúp đảm bảo sự tăng trưởng bền vững thực sự mà không mất đi lợi ích mà một con sông trù phú có thể mang lại.

"Cuộc chiến nguồn nước" trên dòng Mê Kông và nguy cơ Việt Nam

Các đập trên sông Mekong

Các đập trên sông Mê Kông

Hủy hoại phát triển bền vững

Theo Liên minh Cứu sông Mê Kông, hiện nay, hàng loạt các dự án đập thủy điện quy mô lớn hiện đang được đề xuất và xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông đang đe doạ nghề cá của khu vực, tác động đến nguồn cung thực phẩm của hàng triệu người. Nếu được xây dựng, những con đập này sẽ ngăn chặn luồng di cư chính, vốn cực kỳ thiết yếu trong vòng đời của khoảng 70% lượng cá đánh bắt thương mại trên sông Mê Kông. Điều này có thể dẫn đến tổng thiệt hại thủy sản ước tính từ 26 đến 42%, đặt hàng triệu người dân hạ lưu vực sông Mê Kông vào nguy cơ mất sinh kế và an ninh lương thực.

Bên cạnh đó, sông Mê Kông còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt và duy trì năng suất nông nghiệp cho cả lưu vực, hỗ trợ tưới tiêu đồng ruộng. Sông Mê Kông cung cấp cho người dân trong khu vực tới 80% nhu cầu protein động vật. Viện Nghiên cứu và Phát triển Nghề cá Nội địa (IFReDI) thuộc Cục Quản lý Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Nghề cá Campuchia (MAFF) đã chỉ ra rằng, các tác động cộng hưởng của các đập dòng chính ở Campuchia và tăng trưởng dân số có thể gây giảm tiêu thụ cá từ 49kg xuống còn 22kg/người/năm vào năm 2030 (nghĩa là giảm 55%).

Ở Việt Nam, nông dân và ngư dân khu vực hạ nguồn cũng đang bị giảm năng suất nông nghiệp do tác động của các con đập ở dòng chính của sông Mê Kông, khiến nền xuất khẩu lương thực 10 tỷ USD hàng năm ở ĐBSCL có nguy cơ bị tổn thất. ĐBSCL, nơi sản xuất hơn một nửa lượng gạo của Việt Nam và cung cấp gạo cho hơn 145 triệu người ở châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì các con đập làm thay đổi chế độ dòng chảy và ngăn phù sa về khu vực này.

Trong khi đó, theo Liên minh Cứu sông Mê Kông, việc lập kế hoạch và ra quyết định phát triển các dự án thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông hiện nay đang được thực hiện trên cơ sở từng dự án, thiếu các dữ liệu nền phù hợp, thiếu các đánh giá tác động xuyên biên giới, cũng như tác động tích lũy của các dự án đang được xây dựng.

Hơn nữa, việc không có kế hoạch toàn diện để giám sát dài hạn các tác động của dự án và tác động toàn lưu vực cũng là một vấn đề.

Liên minh Cứu sông Mê Kông cho rằng, quá trình tham vấn trước hiện nay vẫn chưa quan tâm đúng mức đến những mối quan ngại chính đáng của người dân địa phương, những người chịu thiệt hại nhiều nhất khi nguồn tài nguyên của con sông bị hủy hoại. Tất cả vấn đề này đã tồn tại suốt từ quá trình quy trình lập kế hoạch, phê duyệt và tham vấn trước của dự án Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng.

Đầu tháng 11/2017, Toà án Hành chính Tối cao Thái Lan xác nhận việc sẽ xem xét kháng cáo trong vụ kiện về những thiệt hại do đập Pak Beng gây ra. Việc Tòa án chấp nhận xem xét vụ kiện là sự thừa nhận về trách nhiệm của các cơ quan chính phủ theo luật Thái Lan và Hiệp định Mê Kông 1995 trong việc thông tin và tham vấn ý kiến của người dân về các tác động xuyên biên giới của các dự án như đập Pak Beng.

Quyết định này cho thấy xu hướng gia tăng sự tham gia của công chúng, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong việc lập kế hoạch, phát triển và phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Giải pháp thay thế 

Các chính phủ Mê Kông cho rằng, các đập Mê Kông là cần thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng trong khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế, 11 dự án dòng chính chỉ cung cấp khoảng 8% dự báo nhu cầu điện hạ lưu sông Mê Kông. Nếu không xây dựng đập thủy điện thì cũng không ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng. 

Theo Liên minh Cứu sông Mê Kông, các giải pháp thay thế hiện có thể đáp ứng nhu cầu này một cách có trách nhiệm và bền vững hơn. Trong những năm tới, các dự án thủy điện mới của GMS sẽ phải cạnh tranh với các lựa chọn rẻ hơn, kể cả giá khí đốt tự nhiên cũng như các công nghệ năng lượng mặt trời và gió ngày càng có giá cả phải chăng và hiệu quả.

Trên thực tế, giá của các nguồn năng lượng tái tạo không phải là thủy điện đang giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Chỉ riêng trong giai đoạn 2015-2016, giá trung bình toàn cầu của điện mặt trời giảm 13% và điện gió giảm 10,75% . Chi phí giảm nhanh chóng đã đặt giá năng lượng mặt trời xuống mức gần với giá với thủy điện, trong khi lại ít gây ra tác động môi trường hoặc xã hội.

Ngoài ra, cơ hội tiếp cận với các nguồn hỗ trợ phát triển điện gió và năng lượng mặt trời thông qua quỹ hỗ trợ tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển hiện đang rộng mở.

Cuộc họp của Hội đồng MRC lần thứ 24 là cơ hội để MRC và chính phủ các nước hạ lưu sông Mê Kông thể hiện định hướng và tầm nhìn cho một tương lai bền vững và ưu tiên bảo tồn các nguồn lợi thủy sản phong phú của khu vực và các nguồn tài nguyên khác của sông.

Thay vì tiếp tục hỗ trợ các dự án đập thủy điện đang hủy hoại môi trường và xã hội, MRC cần thừa nhận tiềm năng của các công nghệ điện tái tạo và công nghệ năng lượng phi tập trung sẵn có với giá cả cạnh tranh.

Do vậy, Liên minh Cứu sông Mê Kông đề nghị Chính phủ các nước hạ lưu sông Mê Kông cam kết tạm dừng các dự án thủy điện quy mô lớn trong khi các chính sách khu vực và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo đang tiến triển. Điều này sẽ giúp đảm bảo sự tăng trưởng bền vững thực sự mà không mất đi lợi ích mà một con sông trù phú có thể mang lại.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động