RSS Feed for Indonesia và Philippines đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 21/01/2025 04:49
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Indonesia và Philippines đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

 - “Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, xây dựng nhà máy điện hạt nhân không phải là một giải pháp thân thiện với môi trường, nhưng ít nhất đã có hai quốc gia ở Đông Nam Á quan tâm đến vấn đề này. Gần đây, Indonesia và Philippines đã đề xuất tái khởi động dự án năng lượng hạt nhân” - Giáo sư Jun Arima, Uỷ viên chính sách cao cấp về năng lượng và môi trường bày tỏ.


Góp ý về kịch bản lựa chọn cho Quy hoạch điện VIII


Indonesia và Philippines hiện thực hóa giấc mơ điện hạt nhân

Để tạo ra lượng điện tương đương sẽ cần tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch phải tăng từ 83% đến 88%, bao gồm cả việc sử dụng lượng than nhiều hơn trước kia, do đó lượng khí thải carbon dioxide sẽ tăng gấp gần bốn lần, từ đó dẫn theo một loại các tác động có hại đến môi trường.

Hạt nhân, cùng với thủy điện được xem là công nghệ duy nhất hiện nay có thể cung cấp một lượng điện lớn và ổn định cũng như không phát thải carbon. Đó là lý do các quốc gia Indonesia và Philippines lại lên kế hoạch khởi động lại dự án điện hạt nhân. Các nước ASEAN luôn có chung nỗ lực bảo đảm tương lai nguồn năng lượng bền vững bằng cách cải thiện hiệu quả và nâng cao tỷ lệ năng lượng phi hóa thạch.

Các kế hoạch hiện tại dựa trên nhiên liệu hóa thạch chắc chắn sẽ làm tăng sự phụ thuộc của các quốc gia ASEAN vào than, dầu và khí nhập khẩu, khiến các nước càng dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài. Hơn nữa, theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2016, mục tiêu giảm tối đa lượng khí thải CO2 được xem là yêu cầu bức thiết với các nước hiện nay.

Chi phí dành cho hệ thống đa dạng hóa năng lượng tái tạo (VRE) như năng lượng mặt trời và năng lượng gió liên tục giảm mạnh khiến cho các dạng năng lượng này ít lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn năng lượng thông thường trong khi ở hầu hết các nước ASEAN lại đang thúc đẩy năng lượng tái tạo. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió có thể mang lại lợi ích ở những vùng nông thôn chưa được kết nối với lưới điện quốc gia.

Tuy nhiên, hệ thống VRE lại tồn tại những khó khăn riêng do năng lượng mặt trời và năng lượng gió là các điều kiện tự nhiên không thể duy trì liên tục nên việc lắp đặt VRE trong hệ thống năng lượng đòi hỏi những biện pháp cân bằng tốn kém khác như điều chỉnh các nhà máy điện hóa thạch hiện có, mở rộng hệ thống lưới điện và đầu tư vào các tấm pin. Nếu tỷ lệ sử dụng VRE càng cao sẽ kéo theo chi phí cũng tăng, do đó cần phải xem xét thêm yếu tố chi phí sản xuất.

Tất cả những lý do trên giúp cho hạt nhân trở thành giải pháp thay thế hữu ích nhất hiện nay. Các nhà máy hạt nhân với lợi thế sử dụng ít không gian hơn so với các nhà máy điện thông thường để sản xuất cùng một lượng điện. Ví dụ, một gigawatt năng lượng hạt nhân cần không gian 0,67 km2, để sản xuất trong khi để tạo ra cùng một lượng điện tương tự, công nghệ điện mặt trời cần tới diện tích lên đến 58 km2.

Tất nhiên năng lượng hạt nhân cũng tồn tại vô số thách thức như tiêu chuẩn an toàn, chi phí… để người dân có thể tin tưởng chọn lựa. Trên thế giới, những lo ngại xoay quanh vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân tăng lên đáng kể từ sau sự cố điện hạt nhân ở Fukushima vào năm 2011, khi một đợt sóng thần đột ngột ập tới.

Việc đặt ra các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân khắt khe và giám sát thực thi cần được quản lý bởi một cơ quan độc lập với yếu tố minh bạch là điều kiện tiên quyết. Những yêu cầu này đòi hỏi năng lực quản lý và một thể chế mạnh mẽ hơn.

Hơn hết, sự chấp thuận của người dân là trở ngại lớn nhất. Sự tin tưởng giữa nhà điều hành và cộng đồng địa phương nơi đặt nhà máy điện hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong mỗi dự án. Những vấn đề về an toàn hạt nhân và xử lý chất thải phóng xạ thường nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Điều này gây ra khó khăn cho quá trình phê duyệt dẫn đến những khoản đầu tư tốn kém và mang lại nhiều rủi ro hơn.

Để cải thiện vấn đề này, chính phủ các quốc gia, cơ quan quản lý và nhà điều hành buộc phải xây dựng chính sách cơ bản về năng lượng hạt nhân và các quy tắc toàn diện về an toàn, chuẩn bị ứng phó với sự cố khẩn cấp, cũng như quản lý chất thải phóng xạ trong thời gian dài.

Chính phủ cần có trách nhiệm hơn trong việc ra quyết định một cách minh bạch, tích cực mời các bên liên quan tham gia vào các đề án, nâng cao hiểu biết của người dân về an ninh năng lượng, rủi ro và các vấn đề nóng lên toàn cầu hiện nay.

Chi phí vận hành nhà máy điện hạt nhân thấp hơn rất nhiều so với chi phí đầu tư xây dựng ban đầu bởi quá trình phê duyệt và thời gian vận hành.

Công nghệ hạt nhân đang ngày càng phát triển. Để giải quyết những khó khăn này, lò phản ứng mô-đun đang chiếm ưu thế với quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp, khả năng linh hoạt đặt tại các địa điểm không thể xây dựng cả một nhà máy lớn.

Việc phát hiện các mỏ nhiên liệu hóa thạch có thể trì hoãn thêm quyết định của chính phủ. Nhiều nhà bảo vệ môi trường chỉ ủng hộ năng lượng tái tạo như các dạng năng lượng không phát thải và loại bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, sẽ thật bất hợp lý nếu tách biệt hoàn toàn giữa năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo. Trên thực tế, năng lượng hạt nhân hoàn toàn có thể kết hợp với các nguồn năng lượng tái tạo bằng cách điều chỉnh hoạt động để đáp ứng nhu cầu sản xuất không liên tục của VRE.

Trong tương lai, sẽ còn rất nhiều thách thức tồn tại song song với lựa chọn năng lượng hạt nhân, dù cho Indonesia và Philippines đã coi năng lượng hạt nhân là chiến lược dài hạn thì trước mắt họ vẫn còn một chặng đường dài phải vượt qua.

Philippines: Bước tiến lớn đến gần hơn với năng lượng hạt nhân

Hồi cuối tháng Tư vừa qua, ngay sau khi Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte thành lập Hội đồng liên ngành để nghiên cứu áp dụng chính sách năng lượng hạt nhân quốc gia, Bộ trưởng Năng lượng nước này đã tuyên bố trước báo giới rằng: Philippines đã có một bước tiến dài trong việc khai thác năng và sử dụng lượng hạt nhân.

Được biết đến là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh bậc nhất thế giới, nhu cầu năng lượng của Philippines trong những năm qua luôn ở mức cao, do đó đề xuất sử dụng năng lượng hạt nhân nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của Bộ trưởng Năng lượng, ông Alfonso G. Cusi, bất chấp những lo ngại của người dân về vấn đề an toàn ở một quốc gia thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Mặc dù năng lượng hạt nhân được xem là giải pháp tiềm năng để giải quyết các vấn đề của Philippines như nguồn cung bấp bênh và chi phí điện cao nhất Đông Nam Á, nhưng Tổng thống Duterte vẫn chưa thể ủng hộ hoàn toàn những đề xuất của ngài Bộ trưởng.

Trong một sắc lệnh được ban hành vào ngày 24/7, ông Duterte đã thành lập một Ủy ban để tiến hành nghiên cứu về vấn đề này. Đây là động thái cho thấy mong muốn khôi phục lại năng lượng hạt nhân của quốc gia này.

Philippines từng chi 2,3 tỷ đô la để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bataan với công suất 621 megawatt duy nhất ở Đông Nam Á, tuy nhiên nhà máy đã phải đóng cửa trước khi đi vào hoạt động do thảm họa Chernobyl tàn khốc và sự sụp đổ của chế độ độc tài dưới thời ông Ferdinand Marcos.

Bộ trưởng Cusi nhiệt liệt hoan nghênh động thái của Tổng thống và gọi đây là “một bước tiến lớn trong việc hiện thực hóa chương trình năng lượng hạt nhân của Philippines” nhằm mục đích “bảo vệ người tiêu dùng của khỏi những biến động giá điện truyền thống”.

Ủy ban do Tổng thống Duterte thành lập sẽ tiếp tục đánh giá tính khả thi của việc kết hợp hạt nhân vào hỗn hợp cơ cấu năng lượng của Philippines sau khi tính đến những ảnh hưởng về kinh tế, an ninh và môi trường.

Những nỗ lực theo đuổi năng lượng hạt nhân của quốc gia này từng bị bỏ dở do những lo ngại về vấn đề an toàn và biến động trong chính trường dưới thời tổng thống Marcos, nên nếu đề xuất này được thực hiện, Philippines có thể tính đến việc xây dựng các cơ sở mới hay cải tạo lại nhà máy Bataan.

Mặc dù chưa có chính sách hạt nhân, tuy nhiên, Philippines đã đàm phán với Tập đoàn Rosatom của Nga về việc nghiên cứu tính khả thi nhằm triển khai các nhà máy hạt nhân nhỏ ở khu vực vùng sâu, vùng xa./.

BIÊN DỊCH: TRẦN THIỆN PHƯƠNG ANH - VINATOM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động