RSS Feed for Hợp tác chiến lược giữa EVN, PVN, TKV là khách quan và cấp thiết | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 21:01
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hợp tác chiến lược giữa EVN, PVN, TKV là khách quan và cấp thiết

 - An ninh năng lượng luôn là mục tiêu tối trọng của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, trách nhiệm này đè nặng lên vai 3 tập đoàn: Dầu khí Việt Nam (PVN), Điện lực Việt Nam (EVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Vừa qua, tại Hà Nội, Lễ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa ba tập đoàn đã được tổ chức. Sau sự kiện này, một số người lo ngại rằng, liệu đó có phải là tăng thêm “hàm lượng độc quyền” trong lĩnh vực này không? Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định: Đáng lẽ từ lâu EVN, PVN, TKV đã được liên kết với nhau chặt chẽ, trước tiên là tổ chức xây dựng chiến lược, quy hoạch dài hạn giữa ba phân ngành (điện, than, dầu - khí), tiếp đến là cung cấp nhiên liệu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung (các trung tâm nhiệt điện, cảng than), trao đổi kinh nghiệm quản lý dự án, vận hành các nhà máy... Còn PGS, TS. Bùi Huy Phùng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng - VEA, Chủ tịch Hội đồng Phản biện và Biên tập Tạp chí Năng lượng Việt Nam/ NangluongVietnam.vn cho rằng, có nhiều yếu tố khách quan dẫn đến cuộc hợp tác chiến lược này!

Ông Trần Viết Ngãi: “Hợp tác chiến lược nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”

Lý do rất dễ hiểu, bởi ba phân ngành này có sự liên quan với nhau hết sức mật thiết (ngành Than và Dầu khí đảm bảo đầu vào cho ngành Điện, sản phẩm của ngành Điện lại là đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành Than và Dầu khí). Ngoài ra, trong nhiều năm qua, 2 ngành Than và Dầu khí cũng đã được Chính phủ giao đầu tư phát triển nhiều nhà máy điện để hỗ trợ EVN tạo thêm nhiều nguồn điện mới, bổ sung thêm công suất cho toàn hệ thống điện quốc gia.

"Trên thế giới, nhiều nước thành lập Uỷ ban Năng lượng quốc gia, đóng vai trò “nhạc trưởng” cho “Bản trường ca năng lượng” cũng vì lẽ này!"

Việt Nam chúng ta có số dân gần 90 triệu người, tiêu thụ điện tính theo đầu người hiện chỉ đạt 1.170kWh/năm, tổng công suất toàn hệ thống mới chỉ mới đạt 27.000 MW. Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước có mức tiêu thụ điện thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điện sản xuất và mua ngoài (năm 2012) là 117,59 tỷ kWh, điện thương phẩm 105,33 tỷ kWh, giá bán điện bình quân 1.361 VNĐ/kWh.

Trong phê duyệt Quy hoạch điện VII (QHĐ VII), Chính phủ đã lấy mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tổng công suất nguồn điện cả nước phải đạt được 75.000 MW, với điện năng là 330 tỷ kWh. Đây là mức tăng mang tầm chiến lược rất cao của Đảng, Chính phủ, là thách thức đối với ngành năng lượng Việt Nam.

Để thực hiện nhiệm vụ trọng đại này, nhất thiết cần phải có sự liên kết, hợp tác chiến lược lâu dài và bền vững của ba tập đoàn kinh tế số một của đất nước. Ở đây không có khái niệm là ba tập đoàn liên kết để tạo nên sự “độc quyền”, mà sự liên kết này nhằm đảm bảo sự phối hợp liên hoàn, nhằm khắc phục những tồn tại mất cân đối giữa đầu vào và đầu ra của ba phân ngành này.

Mặt khác, sự hợp tác này sẽ khắc phục được những mâu thuẫn trong các khâu sản xuất kinh doanh, cung cấp nhiên liệu và kinh doanh điện năng… Nếu ba tập đoàn này không liên kết mang tính chiến lược chặt chẽ và bền vững thì QHĐ VII khó đạt được mục tiêu đã đề ra. Do vậy, việc đầu tiên là cần có sự gắn bó trong nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể về ba phân ngành năng lượng này với một tầm nhìn trước mắt và tầm nhìn lâu dài.

Theo tính toán, nguồn than cung cấp cho điện từ nay tới 2015 phải đảm bảo 55 triệu tấn than và tới năm 2020 phải là 76 triệu tấn than cho sản xuất điện. Trong QHĐVII, ngoài các nhà máy thủy điện, hiện EVN, PVN, TKV đang đầu tư xây dựng và còn phải xây dựng thêm 52 nhà máy nhiệt điện chạy than, với tổng công suất là 36.000 MW, được bố trí đều từ miền Bắc tới miền Nam.

Nhưng hiện tại, công suất khai thác tối đa của ngành Than mới chỉ đạt 40 triệu tấn/năm, trong đó, than dành cho điện chỉ khoảng 20 triệu tấn/năm. Ngành Than đang tìm mọi phương án vốn, giải pháp khoa học kỹ thuật, nhân lực để xây dựng các mỏ mới, cải tạo các mỏ cũ. Trên thực tế, hiện các mỏ lộ thiên đã hết, còn lại chủ yếu là khai thác hầm lò, có độ sâu từ 400-500m, điều kiện khai thác hết sức khó khăn.

Với năng lực của ngành Than hiện tại thì không thể đảm bảo được nguồn than cho QHĐ VII. Do vậy, bắt đầu từ năm 2015 trở đi, Việt Nam phải tính đến phương án nhập than và tổ chức quy hoạch hệ thống cảng than, đường sá, băng chuyền… phù hợp với các nhà máy nhiệt điện. Việc quy hoạch các cảng than để vận chuyển than là một thách thức rất lớn, một mình ngành Than không thể thực hiện được mà cần phải có sự hợp tác của EVN, PVN.

Vấn đề liên kết thứ hai là tổ chức quy hoạch hệ thống khí của Việt Nam để đến năm 2020 và sau 2020, ngành Dầu khí Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ khí cho các trung tâm điện lực chạy khí như: Cà Mau, Ô Môn, Phú Mỹ - Bà Rịa và Nhơn Trạch… Hiện tại, nguồn khí chỉ mới đáp ứng khoảng 40% công suất của các nhà máy, do đó vào mùa khô phải huy động một lượng công suất lớn chạy dầu làm cho chi phí sản xuất điện của EVN tăng cao. Nếu không có sự liên kết giữa ngành Dầu khí với ngành Điện thì việc cung cấp khí sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Một vấn đề cần liên kết nữa là về giá điện. Hiện giá điện của chúng ta đang còn thấp so với khu vực và thế giới. Nhiều năm qua, EVN đã bị lỗ nhiều chục nghìn tỷ đồng do phải chạy dầu vào mùa khô, vấn đề này cần sự phối hợp giải quyết mối quan hệ hài hoà giữa giá các dạng năng lượng.

Trong quy hoạch ngành Dầu khí, lượng khí tự nhiên chúng ta đang sử dụng trong tương lai là rất hạn chế, nên cần phải nghiên cứu nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG). Do vậy, cần có sự tính toán, tổ chức quy hoạch sử dụng LNG cho các nhà máy điện chạy khí để xây dựng hệ thống hạ tầng nhập LNG. Đây là vấn đề quan trọng cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ để hỗ trợ lẫn nhau giữa EVN và PVN.

Trong lĩnh vực quản lý, vận hành hệ thống điện, vận hành quản lý các nhà máy điện (thủy điện, nhiệt điện, tua bin khí hỗn hợp và điện nguyên tử sau này, cũng như vận hành đường dây và trạm biến áp...), EVN đã có nhiều kinh nghiệm trong hàng chục năm qua. Do vậy, việc EVN hỗ trợ cho PVN, TKV trong đào tạo nhân lực quản lý vận hành là rất quan trọng và cần thiết hiện nay, cũng như sau này.

Về đầu tư các dự án trung tâm điện lực của QHĐ VII, nhiều dự án của 3 tập đoàn này có liên quan với nhau, nên việc hợp tác với nhau nhằm giải quyết tốt vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung, cũng như hỗ trợ vốn, hỗ trợ cán bộ quản lý dự án cũng là điều hết sức bức thiết.

"Chúng ta cần có một đội ngũ chuyên gia giỏi, nghiên cứu nội dung đổi mới, minh họa và làm rõ ràng sự hợp tác giữa các phân ngành mà hiện tại ba tập đoàn là đại diện, đưa lên các công cụ truyền thông chuyên ngành chính thống, chắc chắn sẽ tránh được những nghi ngại và thắc mắc của dư luận" - TS. Bùi Huy Phùng

Còn vấn đề hợp tác trong lĩnh vực truyền thông, 3 tập đoàn kinh tế này là thành viên thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA). Hiệp hội có Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Trang thông tin điện tử NangluongVietnam.vn (Diễn đàn kinh tế, khoa học, kỹ thuật, tiếng nói hợp nhất: Năng lượng Việt Nam).

Mục tiêu của công tác truyền thông ở đây là kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn,những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của 3 tập đoàn cùng liên kết với Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Ngoài thông tin của 3 tập đoàn ra, còn có nhiều thông tin về nhận định, dự báo, về hoạt động năng lượng của các nước trên thế giới, như đổi mới công nghệ, đổi mới trang thiết bị, phát triển năng lượng tại tạo và nhiều lĩnh vực khác mà 3 tập đoàn cần quan tâm. Bên cạnh đó là thông tin phản biện, kiến nghị chủ trương, chính sách phát triển ngành, đính chính những thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, cũng như trong vận hành, kinh doanh để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nền kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.

Theo chúng tôi, đây là 3 tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước trong quá trình hoạt động có sự kiểm tra giám sát của Đảng, Chính phủ, các bộ chức năng, các ngành liên quan, do đó việc hợp tác chiến lược ở đây không thể có chuyện “liên kết độc quyền”, mà là sự hợp tác hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau trong nhiều lĩnh vực hoạt động, nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà của Đảng, Chính phủ đã giao phó.

PGS, TS. Bùi Huy Phùng: “5 yếu tố khách quan chính dẫn đến hợp tác chiến lược”

Một là, hệ thống năng lượng quốc gia vốn là một thể thống nhất, nó bao gồm tất cả các đối tượng năng lượng (từ thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến,... cho đến các đối tượng tiêu thụ) được kết nối với nhau bằng những mối quan hệ vật lý - kĩ thuật và mối quan hệ về kinh tế năng lượng (giá cả, đầu tư, thị trường...) trong nội bộ và ngoài hệ thống.

Vì là một thể thống nhất như vậy, cho nên cần phải có một chiến lược chung, quy hoạch chung. Lâu nay chúng ta lại tách ra, làm quy hoạch riêng lẻ, dẫn đến thiếu thống nhất về mục tiêu, nội dung, tương quan đầu tư giữa các phân ngành chưa hợp lý, lệch nhau cả về thời gian quy hoạch, đã gây những bất cập đáng tiếc. Bởi vậy cần có hợp tác, phối hợp nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, làm cơ sở phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trên thế giới, nhiều nước thành lập Uỷ ban Năng lượng quốc gia, đóng vai trò “nhạc trưởng” cho “Bản trường ca năng lượng” cũng vì lẽ này!

Hai là, Than - Điện - Dầu khí là 3 phân ngành trọng yếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hiện tại ba tập đoàn là đại diện, nhưng thực tế và tới đây các thành phần khác sẽ được phát triển và góp phần không nhỏ trong việc cung cấp năng lượng cho quốc gia. Với tính thống nhất và liên hệ hữu cơ của ngành năng lượng, sản phẩm đầu ra của phân ngành này là đầu vào của phân ngành kia, vì thế kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cho 3 phân ngành phải đồng bộ, thống nhất, đảm bảo cung cấp tin cậy, hiệu quả năng lượng cho nền kinh tế quốc dân.

Ba là, vấn đề giá năng lượng: Đã nói đến quy hoạch năng lượng tổng thể là phải nói đến giá năng lượng hài hoà, thống thất. Giá là đòn bẩy, là quy luật phát triển kinh tế. Từ trước đến nay chúng ta xây dựng giá các loại nhiên liệu - năng lượng cũng còn riêng lẻ như kiểu xây dựng quy hoạch.

Để khắc phục vấn đề này cần có sự hợp tác không chỉ ba tập đoàn mà cần sự phối hợp của các thành phần khác tham gia cung cấp năng lượng, cùng các cơ quan chức năng của nhà nước, xây dựng giá hài hoà, minh bạch giữa các dạng nhiên liệu - năng lượng. Đây là điểm mấu chốt để tránh độc quyền, hình thành và phát triên thị trường điện nói riêng, cũng như thị trường năng lượng nói chung.

Bốn là, ngày nay công tác ứng phó với biến đổi khí hậu có tính thời đại, Việt Nam chúng ta hưởng ứng và tham gia rất tích cực với cộng đồng quốc tế. Ngành năng lượng là lĩnh vực gây ảnh hưởng lớn nhất đối với biến đổi khí hậu. Hoạt động năng lượng ở nước ta hiện nay phát thải khí nhà kính chiếm trên 60% tổng phát thải quốc gia, dự báo vào 2030 sẽ chiếm tới 90%. Nhà nước vừa phê duyêt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó nhiệm vụ của năng lượng rất lớn. Tiêu thụ năng lượng không chỉ phải tiết kiệm mà phải sử dụng hợp lý, hiệu quả, cung cấp năng lượng hướng tới những ngành đưa lại giá trị gia tăng cao - đó mới là điều quan trọng.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, ngoài việc có chiến lược phát triển hợp lý, cần có nhân tài vật lực lớn, ba tập đoàn/phân ngành có cùng mục tiêu chung, việc hợp tác là khách quan và cần thiết.

Năm là, vấn đề truyền thông: Ngày nay, nhờ sự bùng nổ công nghệ thông tin, truyền thông đến mọi nơi, mọi lúc. Vì hệ thống năng lượng quốc gia vốn là một thể thống nhất, tính kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành cao, nên việc truyền thông mọi vấn đề về ngành năng lượng cũng cần thông suốt, minh bạch và chính xác. Chúng ta cần có một đội ngũ chuyên gia giỏi, nghiên cứu nội dung đổi mới, minh họa và làm rõ ràng sự hợp tác giữa các phân ngành mà hiện tại ba tập đoàn là đại diện, đưa lên các công cụ truyền thông chuyên ngành chính thống, chắc chắn sẽ tránh được những nghi ngại và thắc mắc của dư luận.

Sự liên kết chiến lược mới đây giữa EVN, PVN và TKV đã khiến một số người lo ngại rằng: Liệu đó có phải là tăng thêm “hàm lượng độc quyền” trong lĩnh vực này không? Tôi cho rằng, sự nghi ngại này là có lý do, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, với các nội dung hợp tác - lấy lợi ích quốc gia đặt trên lợi ích doanh nghiệp, có những tiêu chí rõ ràng, Nhà nước và các cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện một cách chặt chẽ, chắc chắn giảm thiểu được những lo ngại đó.

Nội dung hợp tác giữa EVN, PVN và TKV bao gồm các lĩnh vực: Quy hoạch phát triển ngành; Thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện; Đầu tư khai thác và vận chuyển than trong nước và ở nước ngoài; Vận hành các nhà máy điện; Sử dụng các dịch vụ và trong lĩnh vực truyền thông.

Theo thỏa thuận hợp tác, hằng năm, ba tập đoàn thông báo cho nhau quy hoạch, các điều chỉnh bổ sung quy hoạch của ngành mình, nếu liên quan đến thực hiện quy hoạch ngành. Bên cạnh đó, EVN, PVN và TKV sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xây dựng các dự án nguồn điện, các bên hỗ trợ để cho nhau và phấn đấu đảm bảo tiến độ. Thống nhất hợp tác vận hành hiệu quả các nhà máy điện.

Ba tập đoàn cùng nhau tìm kiếm cơ hội nhập khẩu than từ nước ngoài. Cùng hợp tác trong lĩnh vực vận chuyển than để cung cấp than cho các nhà máy điện chạy than. Cùng hợp tác nghiên cứu xây dựng các cảng nhập than và cơ sở hạ tầng liên quan.

TKV cam kết đảm bảo đầy đủ, liên tục than cho các nhà máy điện của PVN, EVN. PVN cam kết cung cấp tối đa khí phù hợp với khả năng khai thác từng mỏ cho các nhà máy điện của EVN. EVN cam kết đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các cơ sở sản xuất của PVN và TKV, huy động tối đa sản lượng điện của các nhà máy điện của PVN, TKV theo yêu cầu hệ thống điện quốc gia và theo các quy định của thị trường điện.

Ba tập đoàn sẽ hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ nhau trong việc đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật, quản lý, cùng trao đổi kinh nghiệm vận hành, sửa chữa các nhà máy điện...

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động