RSS Feed for Hệ thống điện Pakistan và nguyên nhân sự cố mất điện gần như toàn bộ đất nước | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 17:43
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hệ thống điện Pakistan và nguyên nhân sự cố mất điện gần như toàn bộ đất nước

 - Ngày 23/1/2023 lưới điện Pakistan bị sập kéo dài 12 giờ gây mất điện gần như toàn bộ đất nước trong khi nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 1 - 2 độ C. Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu về hệ thống điện của Pakistan và phân tích nguyên nhân sự cố mất điện của quốc gia này.
Nhận diện rủi ro và dự báo triển vọng năng lượng thế giới năm 2023 Nhận diện rủi ro và dự báo triển vọng năng lượng 8thế giới năm 2023

Năm 2022 sắp kết thúc, phân ban Tình báo kinh tế - EIU (trực thuộc Tập đoàn Economist của Anh) đã công bố dự báo cho 8 lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực năng lượng. Dưới đây chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp về những “điểm nhấn” trong dự báo đang được dư luận quan tâm trong năm 2023.

Pakistan là nước có mức thu nhập trung bình thấp với dân số 231 triệu người. Bình quân GDP đầu người năm 2022 là 1.505 USD [1], tốc độ tăng trưởng GDP chỉ có 2,8%/năm, trong khi tốc độ tăng dân số khá cao, ở mức 1,8%. Trước Covid-19, Pakistan đã có một số năm tăng trưởng GDP tương đối tốt, ở mức 5 - 6%/năm.

Hệ thống điện của Pakistan được coi là khá lớn. Tổng công suất đặt của hệ thống điện năm 2021 là 43.657 MW. Sản lượng điện năm 2020 của Pakistan là 133 tỷ kWh. Đóng góp lớn nhất cho điện năng đến từ các nhà máy điện khí, 33,29%, sau đó là thủy điện và điện than. Cơ cấu sản xuất điện năng năm 2020 được trình bày trong hình dưới đây.

Hệ thống điện Pakistan và nguyên nhân sự cố mất điện gần như toàn bộ đất nước
Cơ cấu sản xuất điện năng từ các nguồn khác nhau của Pakistan (số liệu IEA, 2020).

Do thiếu nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp trong nước nên Pakistan sớm phát triển điện hạt nhân. Hiện tại Pakistan vận hành 6 tổ máy điện hạt nhân tại 2 vị trí với tổng công suất 3.620 MW.

Như trong đồ thị ở trên, điện khí chiếm phần lớn nhất trong cơ cấu sản xuất điện của Pakistan, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn LNG nhập khẩu. Năm 2021 Pakistan phải bỏ ra 2,6 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 8 triệu tấn LNG. Hệ thống vận chuyển khí bị rò rỉ nhiều nơi hoặc đơn giản là "gas thất thoát - UFG" không rõ nguyên nhân. Giá khí LNG tăng vọt năm 2022 khiến cho nền kinh tế không chịu nổi, phải hủy nhiều chuyến tàu nhập khẩu LNG.

Than và dầu để phát điện cũng phải nhập khẩu, trong điều kiện giá than và dầu thế giới tăng cao hai năm qua, trước cả khi có xung đột Nga - Ukraina. Tuy vậy, giá điện bán lẻ ở Pakistan lại không thể tăng theo giá khí LNG vì đất nước còn nghèo. Giá điện sinh hoạt vẫn ở mức rẻ, bậc thấp nhất 5 US cent/kWh còn bậc cao nhất 10 cent/kWh. Giá thành điện sản xuất nằm trong khoảng 7,5 đến 9 US cent/kWh.

Sản xuất đình đốn sau hai năm Covid và trận lụt lội lịch sử làm Pakistan rơi vào vòng xoáy: Nghèo không có tiền trả tiền điện, thiếu điện làm tăng giá thành sản phẩm trong nước khiến sản xuất không tăng trưởng nên lại vẫn nghèo. Một mẻ sợi đang hấp nhuộm mà mất điện thì coi như bỏ đi toàn bộ chứ không thể có điện lên lại hấp tiếp được. Mà ngành dệt may đang là nguồn thu ngoại tệ của Pakistan.

Vay nợ để đầu tư, trong đó có đầu tư vào ngành điện, trong khi tăng trưởng kinh tế lại không được như dự kiến đã khiến cho Pakistan vài lần vỡ nợ. Lần gần đây nhất, sau trận lụt lịch sử với lượng mưa gấp hàng chục lần trung bình năm, Pakistan phải nhờ đến IMF cho vay khẩn cấp hơn 1 tỷ USD để hỗ trợ cán cân thanh toán.

Thiếu ngoại tệ dẫn đến việc cả nước hô hào tiết kiệm điện năng và cắt điện luân phiên để giảm nhập khẩu nhiên liệu sản xuất điện. Ngành điện không có lãi để tái sản xuất, các dự án đầu tư, thay thế, sửa chữa lưới điện bị trì hoãn liên tục khiến lưới điện liên tục gặp sự cố. Cứ thế cái vòng xoáy lặp lại.

Chính phủ hô hào cắt điện vào ban đêm để tiết kiệm nguồn ngoại tệ nhập khẩu khí, than, dầu cho phát điện. Vì thế, ban đêm nhiều nhà máy điện phải tắt máy rồi sáng sớm lại khởi động. Vô hình chung, việc tiết kiệm điện lại dẫn đến chi phí phát điện cao hơn!

Mặc dù mùa đông tiêu thụ điện ở Pakistan chỉ bằng 60% so với mùa hè nhưng do lưới điện hoạt động không đồng bộ, nhiều thiết bị trục trặc nên năng lực điều độ yếu, không sẵn sàng cho các tình huống xấu. Vào sáng sớm ngày 23/1 khi các nhà máy nhất loạt khởi động lại máy phát điện, hệ thống đã gặp phải tình huống điện áp tăng vọt ở một số điểm khiến các trạm biến áp tự ngắt. Phản ứng của điều độ không kịp thời dẫn đến rã lưới, buộc tất cả các nhà máy điện phải dừng đột ngột.

Gần như toàn bộ đất nước Pakistan mất điện. Ước tính có 220 triệu người không có điện trong nhiều giờ. Để khởi động lại các nhà máy đó cần nhiều giờ nên phải mất 12 giờ sau, cung cấp điện mới dần dần khôi phục trở lại. Còn để khôi phục hoàn toàn hệ thống cần nhiều thời gian hơn thế. Ngay cả khi đó, hệ thống điện Pakistan vẫn mang tính vá víu.

Đợt mất điện ngày 23/1 là đợt mất điện diện rộng thứ hai chỉ trong vòng ba tháng ở Pakistan. Nước này không chỉ khủng hoảng điện mà còn khủng hoảng nhân đạo sau trận lụt lịch sử năm 2022 và nhiều lần khủng hoảng tài chính.

Về lâu dài, Pakistan cần ổn định chính trị, tạo môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài cho khu vực ven biển. Nhưng ổn định chính trị có lẽ là thứ hàng xa xỉ ở đất nước có đường biên dài với Afghanistan hỗn loạn và đường biên chưa định hình với Ấn Độ. Dẫu sao có đầu tư nước ngoài mới tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho dân số lớn của Pakistan. Ngành điện chỉ có thể phát triển ổn định trong một đất nước có kinh tế tăng trưởng ổn định./.

ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nguồn:

- Tổng quan của IEA về năng lượng Pakistan. https://www.iea.org/countries/pakistan

- Pakistan begins restoring power after second major grid breakdown in months. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/pakistan-suffers-major-power-outage-after-grid-failure-2023-01-23/

- Bảng giá điện Pakistan. https://nepra.org.pk/consumer%20affairs/Electricity%20Bill.php

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động