Giai đoạn 2011-2015: Tăng 18,1 nghìn MW công suất nguồn
08:40 | 26/03/2016
2 tháng đầu năm sản lượng điện tăng 12,18% so với cùng kỳ
Số liệu trên được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ngày 22/3/2016, trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ.
Trong 5 năm qua, nước ta đã tăng thêm khoảng 7,6 nghìn km truyền tải 500 kV, 220 kV và 37,4 nghìn MVA công suất các trạm biến áp.
Theo Thủ tướng, 5 năm qua, nhiều công trình lớn đã hoàn thành: Nhà máy thuỷ điện Sơn La; phát điện tổ máy 1 Nhà máy thủy điện Lai Châu; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, phát điện 2 tổ máy; đưa điện lưới ra các đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Cô Tô, Vân Đồn…
Cùng thời gian này, Chính phủ đã phê duyệt 53 dự án viện trợ với tổng số vốn cam kết của các nhà tài trợ khoảng 152,76 triệu USD, trung bình mỗi năm huy động hơn 30 triệu USD.
Riêng Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) đã huy động được hơn 1.300 triệu USD từ các đối tác phát triển (JICA, AfD, WB, K-Eximbank, DFAT, CIDA…) để triển khai các dự án cấp bách, trọng điểm. Triển khai thực hiện các cam kết quốc gia trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP21.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, theo Thủ tướng đã tạo những chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách; thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm; đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng và tăng cường quản lý khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên đất đai, rừng, khoáng sản và nguồn nước.
Chính phủ đã chú trọng ngăn chặn và xử lý ô nhiễm; bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống, đồng thời tích cực triển khai thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.
Trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao song vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn chưa đồng bộ, nhiều mặt còn hạn chế, nhất là việc điều tra cơ bản và quy hoạch sử dụng tài nguyên; quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn nước; phát triển hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ rừng...
Chính phủ cũng chưa có chính sách khuyến khích mạnh sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên vật liệu thân thiện môi trường. Năng lực dự báo và nguồn lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu.
Những hạn chế, yếu kém trên đây do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thủ tướng tin tưởng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phát huy những thành tựu và kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
HẢI VÂN