RSS Feed for Nhận định, Phản biện Chủ nhật 17/11/2024 23:10
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đường dây 500kV (Quảng Trạch - Phố Nối): Bằng cách nào để vận hành trước tháng 6/2024?

 - Theo Quy hoạch điện VIII, cụm các dự án đường dây 500 kV cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định 1 - Phố Nối dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2025 - 2026. Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương xây dựng đường dây này để đưa vào vận hành trước tháng 6/2024. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao phải gấp rút xây dựng và bằng cách nào để hoàn thành nhiệm vụ này? Phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
Thiếu điện - Những thách thức không mới của ngành điện Việt Nam Thiếu điện - Những thách thức không mới của ngành điện Việt Nam

Trong bối cảnh các hồ thủy điện thiếu nước nghiêm trọng, thì một số tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống cũng bị suy giảm công suất, hoặc bị sự cố do vận hành liên tục nhiều giờ trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài, dẫn đến thiếu hụt nguồn điện nghiêm trọng. Dưới đây là phân tích, đánh giá của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về những thách thức cung ứng điện trong cao điểm nắng nóng của Việt Nam năm 2023.

Hệ thống điện ‘bị bỏ quên’ ở Nam Phi và bài học cho Việt Nam Hệ thống điện ‘bị bỏ quên’ ở Nam Phi và bài học cho Việt Nam

Như chúng ta đều biết, hồi đầu tháng 2/2023, Tổng thống Nam Phi tuyên bố tình trạng “thảm họa quốc gia” vì thiếu điện. Trong khi đó, hệ thống điện của quốc gia này đã từng khá mạnh, có quy mô tương đương với hệ thống điện của Việt Nam hiện nay. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích quá trình phát triển hệ thống điện Nam Phi để tìm nguyên nhân và rút ra bài học cho chúng ta.

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối có tổng chiều dài 514 km, bao gồm 4 dự án thành phần:

- Dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu (dài 226 km).

- Dự án đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa (2 mạch, dài 91 km).

- Dự án đường dây 500 kV Thanh Hóa - Nam Định 1 (dài 73 km).

- Dự án đường dây 500 kV Nam Định 1 - Phố Nối (dài 123 km).

Cụm dự án này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc. Khi đi vào hoạt động dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch - Phố Nối sẽ giúp nâng cao khả năng truyền tải lên khoảng 5.000 MW (hiện nay khả năng truyền tải mạch 1 từ miền Trung ra miền Bắc chỉ đạt khoảng 2.200 MW). Dự án được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII, dự kiến đưa vào vận hành năm 2025 - 2026 với tổng vốn đầu tư 23.000 tỷ đồng.

Do thời tiết diễn biến phức tạp ngay từ đầu năm 2023, lưu lượng nước về các hồ thủy điện trong vài tháng đầu mùa hè có nhiều diễn biến bất lợi, thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm, làm suy giảm công suất và sản lượng của các nhà máy thủy điện trên toàn hệ thống, nhất là tháng 3 và tháng 4/2023 với lượng thiếu 20 - 50% so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt năm nay không có lũ tiểu mãn (thông thường lũ tiểu mãn xuất hiện vào tháng 4 đến tháng 5 hàng năm) nên nguồn nước về các hồ chứa lại càng thiếu trầm trọng. Nguồn cung cấp nước đã ít, lại do nắng nóng kéo dài khiến độ bốc hơi lớn (tổn thất từ bốc hơi cũng làm giảm một lượng lớn nước ở trong hồ).

Trong tháng 5 và khoảng 20 ngày đầu tháng 6/2023, mực nước các hồ thuộc khu vực phía Bắc đã giảm rất nhanh, nhiều thời điểm xuống dưới mức mực nước chết nên không thể huy động được công suất từ nguồn thủy điện, do vậy, phải huy động tối đa nguồn nhiệt điện để bù đắp sự thiếu hụt công suất cho hệ thống.

Ngoài ra, giai đoạn 2020 - 2022, EVN đã cắt giảm chi phí sửa chữa lớn theo định mức từ 10% - 50% do không cân đối được nguồn vốn, dẫn đến một vài tổ máy của các nhà máy nhiệt điện do làm việc quá tải đã xảy ra sự cố trong vận hành trùng với thời gian các hồ thủy điện ở phía Bắc không có nước để phát điện.

Cũng tại thời điểm này, việc truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc cũng gặp khó. Hiện khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500 MW đến 2.700 MW). Nếu vượt quá mức giới hạn này, sẽ dẫn đến nguy cơ rã lưới, ảnh hưởng đến việc cấp điện cho toàn hệ thống. Vì thế, nâng cao năng lực truyền tải từ miền Trung ra Bắc được đặt ra cấp bách, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc vào các năm 2024 - 2025. Do đó, cần có những giải pháp kịp thời và hiệu quả để phát triển nguồn điện và truyền tải điện cho khu vực này. Đó là lý do đường dây 500 kV Quảng Trạch - Phố Nối phải hoàn thành càng sớm càng tốt.

Ngày 8/7/2023, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN phải triển khai ngay công việc xây dựng đường dây này và đưa vào vận hành trong tháng 6/2024 - tức là chưa đầy 11 tháng nữa.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu kế hoạch này có khả thi?

Những khó khăn khi xây dựng đường dây truyền tải điện:

Khi xây dựng đường dây truyền tải 500 kV Bắc - Nam đầu tiên (giai đoạn 1992 - 1994), lúc đó chúng ta hoàn toàn không có bất kỳ kinh nghiệm gì trong việc nghiên cứu, thiết kế và thi công loại hình công trình này. Nền kinh tế lúc đó vô cùng khó khăn, vì nước ta mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài 20 năm, tiếp đến là cuộc chiến tranh biên giới phía Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc trong vòng 10 năm. Thiếu ăn, thiếu mặc đồng hành với việc thiếu điện để sản xuất và sinh hoạt. Khi đưa ra phương án xây dựng đường dây 500 kV Bắc - Nam để đưa điện từ công trình Thủy điện Hòa Bình vào miền Nam đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối từ các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia về điện trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, với quyết tâm không để miền Nam thiếu điện trong khi miền Bắc lại thừa điện, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã cùng ban lãnh đạo Bộ Năng lượng thời đó đã chỉ đạo quyết liệt, vận dụng các cơ chế đặc thù để áp dụng trong thiết kế, thi công nên trong vòng 2 năm (từ năm 1992 đến năm 1994) chúng ta đã hoàn thành công trình thế kỷ, đưa điện từ Hòa Bình vào miền Nam. Một kỳ tích không tưởng.

Nhiêu chuyên gia từng tham gia thiết kế, thi công công trình đường dây truyền tải Bắc - Nam giai đoạn 1992 - 1994 đều có chung nhận xét: Việc xây dựng đường dây truyền tải 500 kV Bắc - Nam đầu tiên đã khó khăn, thì bây giờ việc thi công đường dây truyền tải còn khó khăn hơn gấp bội.

Vậy đó là những khó khăn gì?

Sau khi đường dây truyền tải 500 kV Bắc - Nam đưa vào vận hành, chúng ta đã xây dựng hàng loạt đường dây truyền tải 110 kV, 220 kV và đường dây 500 kV mạch 2, tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, thiết kế và thi công các dự án này. Nhưng dự án nào cũng chậm tiến độ, mà vướng mắc nhiều nhất là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đặc thù của các dự án truyền tải là đi qua nhiều địa phương và chiếm dụng nhiều loại hình sử dụng đất khác nhau và chính sách đền bù của từng địa phương cũng khác nhau, cách thức tiến hành giải phóng mặt bằng cũng không giống nhau nên luôn luôn bị chậm tiến độ bàn giao mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ đưa công trình vào vận hành.

Thực tế cho thấy, dự án đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 dài gần 742km, khởi công tháng 12/2018, nhưng cũng phải mất 4 năm (tháng 8/2022) mới hoàn thành (chưa kể thời gian dành cho các thủ tục cần thiết trước đó để khởi công).

Đặc biệt là hiện nay xuất hiện khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng do thủ tục rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Vướng mắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng từng khiến nhiều dự án truyền tải “nín thở” như các dự án: Trạm biến áp 220 kV Nghĩa Lộ và đường dây 220 kV Nghĩa Lộ - 500 kV Việt Trì, đường dây 220 kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ, Nha Trang - Tháp Chàm... Thông thường phải mất 3 năm để xây dựng một đường dây 500 kV, nhưng đường dây 500 kV Quảng Trạch - Phố Nối, Chính phủ yêu cầu chỉ có 11 tháng phải hoàn thành.

Theo nhận định của giới chuyên môn: Nếu vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành, chắc chắn không thể đưa dự án này vào vận hành đúng tiến độ.

Hiện trạng dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch - Phố Nối:

Theo trình tự hiện hành để thực hiện đầu tư một dự án, thì trước hết phải có chủ trương đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là đơn vị thẩm định chủ trương đầu tư dự án, rồi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, trình Chính phủ phê duyệt. Sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, thì cơ quan chủ quản được phép lập báo cáo nghiên cứu khả thi và khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, mới tiến hành lập thiết kế kỹ thuật. Sau khi thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu, sau đó mới đến giai đoạn tiến hành khởi công xây dựng công trình. Quá trình này thông thường cũng mất cả năm trời.

Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, dự án đường dây 500 kV mạch 3 (Quảng Trạch - Phố Nối) chưa có chủ trương đầu tư. Vì vậy, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN khẩn trương hoàn tất hồ sơ các dự án trong tháng 7/2023 để trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong tháng 8/2023 và phê duyệt dự án đầu tư trong tháng 9/2023.

Cần có cơ chế đặc thù:

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện cấp bách. Việc ban hành các cơ chế đặc thù đã giúp cho ngành điện triển khai ngay được nhiều công trình điện trọng điểm đúng tiến độ, góp phần đảm bảo cung cấp điện trong suốt thời gian qua. Vì vậy, đối với dự án đường dây 500 kV mạch 3 (Quảng Trạch - Phố Nối) với yêu cầu chỉ có 11 tháng triển khai thực hiện, thì việc Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù cho dự án càng cần thiết hơn bao giờ hết. Những cơ chế cụ thể cho dự án có thể được xem xét, cho phép thực hiện như sau:

Thứ nhất: Cho phép chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia chỉ định nhà thầu tư vấn, không qua đấu thầu. Có thể chỉ định 1 nhà thầu tư vấn chính và một vài tư vấn phụ nhằm đảm bảo tính thống nhất bố trí tuyến dường dây.

Thứ hai: Cho phép tiến hành đồng thời lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật, sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt thì hiệu chỉnh thiết kế kỹ thuật.

Thứ ba: Cho phép tiến hành chuẩn bị nguyên vật liệu và thiết bị phục vụ cho dự án bao gồm:

- Đối với cột điện và dây dẫn: Cho phép sớm tiến hành chế tạo cột và dây dẫn.

- Đối với thiết bị nhập ngoại, bao gồm: Thiết bị trạm, sứ cách điện, kháng, tụ trên đường dây cho phép tiến hành đặt hàng (đấu thầu, hoặc chỉ định thầu) ngay từ thời điểm có chủ trương đầu tư.

Thứ tư: Công tác đền bù, tái định cư (nếu có), giao cho cấp huyện chủ trì thực hiện.

Thứ năm: Thực hiện biện pháp thi công đồng thời từ 4 dự án thành phần: Từ Quảng Trạch - Quỳnh Lưu (dài 226 km), từ Quỳnh Lưu - Thanh Hóa (2 mạch, dài 91 km), từ Thanh Hóa - Nam Định 1 (dài 73 km) và từ Nam Định 1 - Phố Nối (dài 123 km).

Thay lời kết:

Thực hiện dự án đường dây truyền tải 500 kV với chiều dài trên 500 km trải dài suốt 9 tỉnh mà dự kiến hoàn thành trong 11 tháng là hoàn toàn không tưởng (nếu vẫn tiến hành như quy trình hiện hành). Tuy nhiên, khi được Chính phủ cho phép thực hiện các cơ chế, chính sách đặc biệt, phù hợp với tình hình của dự án kết hợp với sự nỗ lực của chủ đầu tư, sự hợp tác của các bộ, ngành liên quan, sự phối hợp linh hoạt, nhịp nhàng, hiệu quả của chính quyền và nhân dân các địa phương dự án đi qua... hy vọng dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ, kịp thời cung cấp điện cho miền Bắc trong mùa hè 2024 sắp tới./.

NGUYỄN HUY HOẠCH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động