RSS Feed for Thiếu điện - Những thách thức không mới của ngành điện Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 21:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thiếu điện - Những thách thức không mới của ngành điện Việt Nam

 - Trong bối cảnh các hồ thủy điện thiếu nước nghiêm trọng, thì một số tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống cũng bị suy giảm công suất, hoặc bị sự cố do vận hành liên tục nhiều giờ trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài, dẫn đến thiếu hụt nguồn điện nghiêm trọng. Dưới đây là phân tích, đánh giá của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về những thách thức cung ứng điện trong cao điểm nắng nóng của Việt Nam năm 2023.
Hệ thống điện ‘bị bỏ quên’ ở Nam Phi và bài học cho Việt Nam Hệ thống điện ‘bị bỏ quên’ ở Nam Phi và bài học cho Việt Nam

Như chúng ta đều biết, hồi đầu tháng 2/2023, Tổng thống Nam Phi tuyên bố tình trạng “thảm họa quốc gia” vì thiếu điện. Trong khi đó, hệ thống điện của quốc gia này đã từng khá mạnh, có quy mô tương đương với hệ thống điện của Việt Nam hiện nay. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích quá trình phát triển hệ thống điện Nam Phi để tìm nguyên nhân và rút ra bài học cho chúng ta.

Ngay từ đầu tháng 5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xác định: Với tháng cao điểm nắng nóng của mùa hè năm 2023, hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh trong các tháng 5, tháng 6 với công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới 1.600 MW cho đến 1.900 MW. Điển hình như ngày 6/5/2023, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng công suất tiêu thụ toàn quốc cũng đã lên tới hơn 43.300 MW và sản lượng tiêu thụ ngày này trong toàn quốc đã lên tới hơn 895 triệu kWh.

Dự báo trong tháng 6 này và 7 tiếp theo, thời tiết miền Bắc nếu vẫn chịu ảnh hướng của cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng, cao hơn kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Cơ cấu công suất thủy điện trong hệ thống điện nước ta tính đến cuối năm 2022 chiếm tỷ lệ 29%. Sản lượng điện năng sản xuất từ thủy điện năm 2022 đạt 95,4 tỷ kWh, tăng 20,8% so với năm 2021 và chiếm tỷ lệ 35,4% tổng lượng điện sản xuất, nhập khẩu toàn hệ thống năm 2022 (268,4 tỷ kWh). Khi điều kiện thời tiết thuận lợi, thủy điện cung cấp sản lượng điện ổn định, nhưng khi thời tiết bất ổn, lượng mưa ít, sản lượng điện năng từ nguồn thủy điện sẽ thấp hơn mức trung bình nhiều năm.

Trong năm 2023, tình hình thủy văn các hồ thủy điện trong vài tháng trở lại đây có nhiều diễn biến bất lợi, thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm. Nhiều hồ thủy điện trên toàn quốc nước về rất ít, lưu lượng nước về 4 tháng đầu năm của các hồ thủy điện phía Bắc chỉ đạt khoảng 60 - 70% so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam, nước về cũng kém.

Riêng tháng 4 và đầu tháng 5, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt lượng nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.

Thiếu điện - Những thách thức không mới của ngành điện Việt Nam
Hình ảnh Thủy điện Lai Châu những ngày đầu tháng 6/2023. Ảnh: Sơn Vương.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường: Với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa khô năm 2023. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung bộ được dự báo thấp hơn từ 15 - 35%, khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung bộ thấp hơn từ 15 - 40%, khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 10 - 25% so với trung bình nhiều năm.

Như vậy, nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa khô năm nay sẽ diễn ra nghiêm trọng. Tính đến ngày 6/6, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mực nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng hai hồ Thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết. Duy nhất Thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12 - 13/6.

Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000 MW khi hồ Thủy điện Hòa Bình về mực nước chết.

Như vậy, công suất khả dụng của thủy điện là 3.110 MW, chỉ đạt 23,7% công suất lắp đặt.

Trong bối cảnh các hồ thủy điện thiếu nước nghiêm trọng, thì một số tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống cũng bị suy giảm công suất, hoặc bị sự cố do vận hành liên tục nhiều giờ trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài. Chẳng hạn tại Quảng Ninh, chỉ có 3/7 nhà máy nhiệt điện hoạt động hết công suất do một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động vì nóng, chạy liên tục, có nguy cơ xảy ra sự cố.

Tại thời điểm ngày 5/6/2023, tổng công suất các tổ máy bị suy giảm công suất khoảng 926 MW, bao gồm: S1 Cẩm Phả, S1-S4 Hải Phòng, S1 Mạo Khê, S5 Phả Lại 2, S1-S4 Quảng Ninh, S1-S2 Sơn Động, S1-S2 Thăng Long, S7 Uông Bí, S1-S2 Mông Dương 2, S2 Formosa Hà Tĩnh. Còn tổng công suất các tổ máy nhiệt điện bị sự cố khoảng 3.250 MW, bao gồm: 1L-S1, 2L-S2, 1L-S3, 2L-S4 Phả Lại 1, S6 Phả Lại 2, S2 Cẩm Phả, S2 Nghi Sơn 2, S1 Vũng Áng 1, S2 Mạo Khê, S2 Thái Bình 2, S1 Nghi Sơn 1.

Đối với nguồn điện gió, theo dữ liệu vận hành năm 2022, công suất tương ứng mức tần suất xuất hiện 50% trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 của các nguồn điện gió chỉ đạt từ 350 - 750 MW.

Năm 2023, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Khả năng phát điện của các nguồn điện gió trong các tháng 5,6,7 có thể thấp hơn năm 2022 và càng về cuối giai đoạn mùa khô, khả năng huy động công suất có xu hướng càng giảm, đặc biệt là thời gian cao điểm tối hàng ngày.

Với nguồn điện mặt trời chỉ đạt hiệu quả phát điện tối ưu vào buổi trưa, bức xạ nhiều. Các loại hình này có những đặc tính về mùa, vùng, miền và tác động của thời tiết... không phải lúc nào cũng sẵn sàng để phát lên lưới.

Trong những tháng cao điểm nắng nóng của mùa hè năm 2023, với những số liệu theo diễn biến thực tế và qua tính toán của EVN cho thấy: Trong trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra như: (i) công suất cực đại (Pmax) của miền Bắc tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2022 (những ngày nắng nóng kéo dài); (ii) sự cố tổ máy, hoặc chậm tiến độ sửa chữa, đưa vào vận hành nguồn mới; (iii) mức nước của các hồ thủy điện lớn tiếp tục giảm sâu do ít mưa, hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng rất khó khăn, nhất là vào các giờ tiêu thụ điện cao điểm.

Nếu tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng, không có lũ, hoặc lũ về ở mức thấp thì tình hình cung cấp điện có thể tiếp tục còn khó khăn trong thời gian tiếp theo.

Các biện pháp ứng phó với thiếu hụt công suất của hệ thống điện:

Thứ nhất: Huy động mọi nguồn lực:

Về giải pháp đảm bảo cung cấp điện trong bối cảnh hệ thống không còn dự phòng, EVN đang dồn sức, làm mọi cách để đảm bảo cung ứng điện. Cụ thể, EVN đã đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Thủy điện Sông Lô 7, Thủy điện Nậm Củm 3, Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 để bổ sung nguồn điện cho hệ thống.

Tại khu vực phía Nam, thời gian qua các nhà máy nhiệt điện chạy dầu (nguồn điện có chi phí đắt đỏ) đã phải tái khởi động để đảm bảo cung ứng điện. Trong đó, nhà máy điện chạy dầu tại Thủ Đức, Ô Môn, Cần Thơ, Cà Mau, với giá thành hơn 6.000 đồng/kWh, đã được huy động phát lên lưới với sản lượng lớn.

Thứ hai: Tăng cường nhập khẩu điện:

Để bổ sung nguồn điện, EVN sẽ tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào. Nhưng hiện tại lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc qua Lào Cai và Hà Giang khó có thể nâng công suất do giới hạn của đường dây 220 kV. Do vậy, EVN đang đàm phán với Công ty Quốc tế Vân Nam, Trung Quốc để tăng sản lượng, công suất trên các đường dây 220 kV hiện hữu và bổ sung mua điện thông qua đường dây 110 kV.

Riêng mua điện từ Lào, EVN đang chờ phía Lào hoàn thiện đường dây để đấu nối trực tiếp với hệ thống đường dây đi qua huyện Tương Dương, Nghệ An (đã thi công xong) và dự kiến trong năm nay sẽ nhập khẩu điện qua nhánh này.

Thứ ba: Biện pháp cắt điện:

Việc cắt điện đột ngột ở nhiều nơi hiện nay là do lệnh giảm phụ tải để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện khi vận hành liên tục, nguy cơ xảy ra sự cố chứ không có lịch từ trước. Những ngày qua, tình hình thủy văn không thuận lợi, sản lượng điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện rất thấp, trong khi nhiệt điện than chạy hết công suất nên không tránh khỏi sự cố xảy ra.

Trong tháng 6/2023, dự báo miền Bắc tiếp tục đối mặt với nắng nóng kéo dài trong gần 2 tuần liên tục, dự kiến phụ tải sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các ngày tới. Do đó, nhiều thiết bị trên lưới điện phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm. Khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500 MW đến 2.700 MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố. Vì thế, nguy cơ quá tải, sự cố gây gián đoạn cung cấp điện, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao so với bình thường.

Như vậy, để giảm phụ tải, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện trong điều kiện vận hành liên tục còn diễn ra trong mùa khô năm nay thì việc tiếp tục phải cắt điện là khó tránh khỏi.

Thứ tư: Vận động toàn dân tham gia tiết kiệm điện:

Để đối phó với tình hình nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu điện tiếp tục, ngày 15/5/2023 EVN đã có văn bản 2466/BC-EVN kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn như sau:

1/ Đẩy mạnh truyền thông về tình hình cung ứng điện khó khăn trong năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, người dân biết, cùng chia sẻ khó khăn và tăng cường thực hành tiết kiệm điện.

2/ Tăng cường các giải pháp về tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR). Cụ thể là:

- Các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 10% so với cùng kỳ.

- Các trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 5% so với cùng kỳ.

- Các đơn vị chiếu sáng công cộng áp dụng các biện pháp để tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 50% so với cùng kỳ.

- Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào ban đêm, tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của đơn vị điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện.

- Chỉ đạo/thông báo đến các khách hàng sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn, thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện (DR) theo Thông tư số 23/2017/TT-BCT ngày 16/11/2017 của Bộ Công Thương, khi có thông báo của đơn vị điện lực.

- Tăng cường công tác truyền thông đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt để các hộ chủ động giảm nhu cầu tiêu thụ, không sử dụng nhiệt độ điều hòa dưới 26 độ C.

3/ Thường xuyên theo dõi trang https://sudungdien.evn.com.vn/ để cập nhật thông tin về tình hình tiêu thụ điện/tháng/năm của các cơ quan hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm để điều hành công tác tiết kiệm điện trên địa bàn.

4/ Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020, có biện pháp xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không tuân thủ.

5/ Chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp với các tổng công ty điện lực, công ty điện lực xây dựng kế hoạch và thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện trên địa bàn theo Điều 5 và Điều 6 của Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 09/9/2020 của Bộ Công Thương về quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.

Thay lời kết:

Hàng năm vào mùa khô, khi thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài, khả năng cung ứng điện sẽ lại gặp khó khăn. Khi các hồ chứa thủy điện không đủ nước để phát điện thì cần các nguồn điện khác bổ sung vào sự thiếu hụt công suất từ thủy điện. Mặc dù điện gió, mặt trời hiện có công suất lắp đặt chiếm gần 30% hệ thống, nhưng "thừa, mà lại thiếu", vì lúc cao điểm cần huy động thì không có gió, hoặc không còn nắng.

Mặc dù EVN đã hết sức cố gắng trong việc đầu tư, xây dựng các nguồn điện mới, nhưng nguồn vốn hạn chế cũng là những khó khăn không nhỏ đối với EVN.

Sự thiếu hụt công suất điện trong mùa khô năm nay là rất lớn, nhất là ở miền Bắc, nhưng EVN đã có những giải pháp tích cực, hiệu quả, thậm chí huy động các nguồn điện chạy dầu giá cao để giảm bớt việc thiếu điện, cắt điện luân phiên. Tuy nhiên, những biện pháp nêu trên chỉ là tạm thời trong ngắn hạn. Giải pháp ổn định, lâu dài để đảm bảo an ninh năng lượng chính là đầu tư, xây dựng hệ thống điện dự phòng đủ lớn, đồng bộ với hệ thống truyền tải, đồng thời xây dựng hệ thống lưu trữ điện năng nhằm đáp ứng được mọi điều kiện thời tiết cực đoan, hay các sự cố trong vận hành.

Về dài hạn, Việt Nam cần có chiến lược phát triển lưới điện liên vùng, thúc đẩy thoả thuận mua, bán điện và phối hợp điều độ lưới điện trong ASEAN, tương tự như Liên minh châu Âu./.

TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động