Dự thảo toàn bộ xe buýt chạy bằng điện vào năm 2030 - Còn băn khoăn, lo lãng phí
09:04 | 04/12/2024
Tiêu tốn 34.000 tỷ đồng:
Theo Đề án Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông (giai đoạn 1) chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP. HCM do Sở Giao thông Vận tải soạn thảo: Mục tiêu đến năm 2030 có 3.317 xe buýt phục vụ vận tải công cộng và 100% phương tiện sử dụng điện, hoặc năng lượng xanh.
Theo dự thảo Đề án Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông giai đoạn 1, đến năm 2030 toàn bộ xe buýt chạy bằng điện. |
Theo đó, những tuyến xe buýt có trợ giá sử dụng điện, khí CNG, nhiên liệu diesel được tiếp tục thực hiện cho đến khi hết thời hạn hợp đồng đã ký kết. Xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel được tiếp tục hoạt động cho đến năm 2029. Năm 2030 tất cả chuyển sang sử dụng xe điện. Các tuyến xe buýt mở mới từ năm 2025 trở đi phải sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện và đầu tư xây dựng hạ tầng trạm sạc điện giai đoạn 2025-2030 khoảng 34.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm chi phí 5.667 tỷ đồng. Dự kiến nguồn vốn từ ngân sách là 18.324,1 đồng, sẽ phân bổ như sau:
- Trợ giá cho các tuyến mở mới là 1.685,1 tỷ đồng.
- Đầu tư, vận hành trạm sạc điện là 1.347 tỷ đồng.
- Trợ giá trên các tuyến hiện nay 13.867 tỷ đồng.
Về vốn của doanh nghiệp dự kiến 15.680 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư, thay thế phương tiện là 14.740 tỷ đồng và đầu tư, vận hành trạm sạc điện là 939,7 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2030, TP. HCM sẽ có 25 trạm sạc với 269 trụ. Trong giai đoạn này, TP. HCM sẽ mở mới 72 tuyến xe buýt với 1.108 xe, 69 tuyến có trợ giá. Về giá xe buýt điện, theo tham chiếu từ giá của Công ty Vinbus: Xe lớn giá bán 7,438 tỷ đồng/xe, xe trung bán 5,748 tỷ đồng/xe, xe nhỏ là 4,057 tỷ đồng/xe.
Đề án cũng nêu rõ, việc mua xe buýt, TP. HCM sẽ trả cố định 3%/năm đối với phần vốn vay, phần chênh lệch lãi suất còn lại do Nhà nước hỗ trợ; mức vốn vay tối đa 85% phần vốn đầu tư, thời gian hỗ trợ tối đa 7 năm. Về đầu tư trạm sạc điện, TP. HCM hỗ trợ 5% lãi suất đầu tư xây dựng, mức vốn vay tối đa 85% và thời gian hỗ trợ tối đa 7 năm.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải: Giải pháp này phù hợp với cơ sở pháp lý và thực tiễn, đủ hấp dẫn để khuyến khích nhà đầu tư tham gia xe buýt sử dụng năng lượng xanh, đầu tư xây dựng trạm sạc điện phục vụ cho phương tiện giao thông trên địa bàn TP. HCM.
Nợ cũ chưa xong, lo gánh nợ mới:
Việc chuyển đổi sang xe buýt điện tuy mang lại lợi ích môi trường lớn, nhưng chi phí đầu tư cao đang là thách thức đối với các doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải. Với giá mỗi xe buýt điện không dưới 4 tỷ đồng, các xã viên cần có ít nhất 1 tỷ đồng vốn đối ứng để đầu tư và vay ngân hàng (phần còn lại) với lãi suất được hỗ trợ trong 7 năm.
Ông Phùng Đăng Hải - Giám đốc HTX Quyết Thắng cho biết: Chi phí vận hành xe buýt hiện tại không đủ bù đắp lãi vay, chi phí đầu tư. Các xã viên đã gặp khó khăn trong việc hoàn vốn đầu tư từ các khoản vay cũ, nên không thể gánh thêm nợ mới.
Còn theo ông Nguyễn Văn Triệu - Giám đốc HTX Vận tải 19/5: Xe buýt là phương tiện chuyên dụng và rất khó thanh lý khi hết thời gian sử dụng. Như vậy, các xã viên gặp nhiều rủi ro khi đầu tư vào xe buýt điện.
Trong khi đó, đơn vị vận hành, nhà cung cấp khí CNG cho xe buýt hiện nay cũng hết sức tâm tư. Theo tính toán, chi phí đầu tư và trợ giá cho xe CNG thấp hơn xe điện. Do đó, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP. HCM đề xuất: Thành phố nên tiếp tục khai thác các xe buýt CNG hiện có - rất thân thiện với môi trường, thay vì chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện. Hiệp hội khuyến nghị gia hạn hoạt động cho các xe buýt CNG thêm 3-5 năm, cho phép các đơn vị vận tải có thời gian hoàn tất việc trả nợ vay ngân hàng.
Lãnh đạo Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO) thông tin về việc chuẩn bị xuất xưởng hơn 100 xe buýt CNG và cho rằng: Mục tiêu sau năm 2030 không còn xe buýt CNG là chưa phù hợp với lộ trình được đầu tư xe CNG đối với xe buýt không trợ giá trong giai đoạn 2025-2029. Do vậy, đơn vị đề xuất sau năm 2030, các xe buýt CNG được hoạt động đến hết niên hạn của phương tiện.
Là đơn vị duy nhất cung cấp khí CNG cho xe buýt, ông Đặng Văn Vĩnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh khí miền Nam, ngày 17-9 đã gửi văn bản góp ý đề án nói trên đến Sở Giao thông Vận tải. Theo đó, TP. HCM hiện có 516 xe buýt chạy bằng CNG, nhưng chỉ có 3 trạm nạp khí CNG tại bến xe An Sương, bãi xe Phổ Quang và bến xe buýt Đại học Quốc gia TP. HCM, thường xuyên bị quá tải, ùn tắc. Công ty đã đề xuất Thành phố cho phép tăng 4 trạm nạp mới tại 4 bến xe: Miền Tây, Ngã tư Ga, quận 8, miền Đông mới.
Về niên hạn xe, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định, xe buýt có niên hạn sử dụng không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất). Trên thực tế, Saigon Bus vừa đưa vào sử dụng 44 xe buýt CNG (từ ngày 1/5/2024), hiện nay có 102 xe chạy bằng CNG chưa đưa vào sử dụng. Như vậy, có thể thấy, đến năm 2030 có đến 386 xe buýt còn thời hạn sử dụng. Nếu dừng hoạt động toàn bộ số lượng xe CNG từ năm 2030 sẽ gây lãng phí lớn và khó khăn cho nhiều doanh nghiệp.
“Do vậy, để không gây ảnh hưởng lớn hoạt động của doanh nghiệp, Công ty đề xuất chỉ dừng toàn bộ xe buýt sử dụng CNG vào năm 2040 (tương tự lộ trình của TP Hà Nội)” - ông Đặng Văn Vĩnh đề xuất./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM