RSS Feed for Đề xuất giải quyết nhiên liệu than cho nhiệt điện Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 15/10/2024 03:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đề xuất giải quyết nhiên liệu than cho nhiệt điện Việt Nam

 - Giải quyết tốt nguồn nhiên liệu than để các dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) đốt than vận hành ổn định trong suốt đời dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì trong hệ thống điện quốc gia loại nguồn điện này hàng năm sản xuất ra một sản lượng điện lớn không phụ thuộc vào thời tiết đóng góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.

Phát triển nhiệt điện than trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Bến đổi khí hậu và xu thế phát triển nhiệt điện than trên thế giới
Nhiệt điện than vẫn giữ mức đáng kể trong cơ cấu nguồn

TÔ QUỐC TRỤChuyên gia Năng lượng

Giải quyết tốt nguồn nhiên liệu than để các dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) đốt than vận hành ổn định trong suốt đời dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì trong hệ thống điện quốc gia loại nguồn điện này hàng năm sản xuất ra một sản lượng điện lớn không phụ thuộc vào thời tiết đóng góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.

Để có thể đưa ra các đề xuất hợp lý trước tiên cần tổng kết chính xác các dự án NMNĐ đốt than của Việt Nam, bao gồm các dự án đã có từ trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (QHĐ VII) và Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 về việc Điều chỉnh đanh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013-2020 và các dự án được quy định trong (QHĐ VII) kể cả loại bỏ, bổ sung. Dưới đây nêu lên đầy đủ 6 loại dự án NMNĐ đốt than của Việt Nam đến năm 2030.

Loại một là: 26 dự án NMNĐ đang vận hành có tổng công suất 13.105MW, trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 14 dự án, với tổng công suất 8.445MW, bao gồm Ninh Bình 4x25MW, Uông Bí (#5+6) 50+55MW, Phả Lại I 4x110MW, Phả Lại II 2x300MW, Hải Phòng II 2x300MW, Quảng Ninh I 2x300MW, Quảng Ninh II 2x300MW, Nghi Sơn I 2x300MW, Vĩnh Tân II 2x622,5MW, Duyên Hải I 2x622,5MW và Mông Dương I 2x540MW; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) 7 dự án, tổng công suất 1.505MW, bao gồm Na Dương I 2x50MW, Cao Ngạn 2x57,5MW, Sơn Động 2x110MW, Cẩm Phả I 1x300MW, Cẩm Phả II 1x300MW, Mạo Khê 2x220MW và Nông Sơn 1x30MW; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 1 dự án là Vũng Áng I 2x600MW=1200MW; Các nhà đầu tư IPP, BOT 4 dự án với tổng công suất là 1.955MW, bao gồm An Khánh I 2x57,5MW, Mông Dương II 2x620MW, Formosa Đồng Nai 1x150MW và Formosa Hà Tĩnh (#1,2,5) 3x150MW.

Loại hai là: 16 dự án NMNĐ đã khởi công, đang triển khai xây dựng có tổng công suất 15.125MW, trong đó EVN có 4 dự án với tổng công suất 3.705MW bao gồm Duyên Hải III 2x622,5MW, Duyên Hải III MR 1x660MW, Thái Bình I 2x300MW và Vĩnh Tân IV 2x600MW; TKV có 2 dự án với tổng công suất 1310MW, bao gồm Na Dương II 1x110MW và Quỳnh Lập I 2x600MW; PVN có 4 dự án với tổng công suất 4800MW bao gồm Thái Bình II 2x600MW, Long Phú I 2x600MW, Sông Hậu I 2x600MW và Quảng Trạch I 2x600MW; Các nhà đầu tư IPP, BOT 6 dự án với tổng công suất 5.310MW, bao gồm Công ty cổ phần Nhiệt điện: Thăng Long 2x300MW, Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh: Công Thanh 1x660MW, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa: Formosa (#6,7,10) 3x150MW, Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc: Vĩnh Tân I 2x600MW, Liên danh Nhà đầu tư Marubeni - Kepco: Nghi Sơn II 2x600MW và liên danh JAKS Resources Bhd (Malaysia) và China Power Engineering Consulting Group (Trung Quốc) Hải Dương 2x600MW.

Loại ba là: 12 dự án NMNĐ đã xác định chủ đầu tư, chưa khởi công đang triển khai các bước chuẩn bị và thực hiện đầu tư có tổng công suất là 16.660MW, trong đó TKV 2 dự án với tổng công suất 2.840MW, bao gồm Cẩm Phả II 2x220MW và Hải Phòng II 4x600MW; Các nhà đầu tư BOT 10 dự án, với tổng công suất 13.820MW, bao gồm Tập đoàn Mitsubishi & Công ty Cổ phần Nhiệt điện Vũng Áng (VAPCO): Vũng Áng II 2x600MW, Công ty Cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân IV (VTEC): Vĩnh Tân III 3x600MW, Công ty TNHH Janakusa Malaysia: Duyên Hải II 2x600MW, Tổ hợp Công ty TaekWang và Công ty Acwa Power: Nam Định I 2x600MW, Tập đoàn Sumitomo và Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp xây dựng Hà Nội: Vân Phong I 2x660MW, Công ty EGATI Thái Lan: Quảng Trị I 2x600MW, Công ty Tata Power Ấn Độ: Long Phú II 2x600MW, Công ty Samsung C&T Hàn Quốc: Vũng Áng III.1 2x600MW, Công ty Toyo Ink Malaysia: Sông Hậu II 2x1000MW và Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo (TEC): Kiên Luơng I 2x600MW.

Loại bốn là: 19 dự án NMNĐ nằm trong QHĐ VII chưa triển khai đầu tư có tổng công suất là 30.320MW. Các dự án này chưa xác định chủ đầu tư, chưa quy định hình thức đầu tư (trừ dự án Nam Định II 2x600MW có quy định hình thức đầu tư là BOT), bao gồm Vân Phong II 2x660MW, Quảng Trạch II 2x600MW, Kiên Lương II 2x600MW, Phú Thọ 2x300MW, Long An I 2x600MW, Nam Định II 2x600MW, Long Phú III 2x1000MW, Bắc Giang 2x300MW, Bình Định 2x600MW, Kiên Lương III 2x1000MW, Quỳnh Lập II 2x600MW, Bạc Liêu 2x600MW, Yên Hưng 2x600MW, Uông Bí III 2x600MW, Sông Hậu III 2x1000MW, Bình Định II 2x1000MW, An Giang 2x1000MW, NMNĐ than miền Bắc 2x1000MW và NMNĐ than miền Nam 5x1000MW.

Loại năm là: 3 dự án NMNĐ đã loại bỏ khỏi QHĐ VII có tổng công suất là 550MW Formosa Đồng Nai (#2) 1x150MW chủ đầu tư là Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Nhơn Trạch, An Khánh II 2x150MW Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh, Lục Nam 2x50MW chưa xác định chủ đầu tư.

Loại sáu là: 2 dự án NMNĐ được đề xuất bổ sung vào QHĐ VII có tổng công suất 2800MW, gồm Quảng Trị II 2x600MW chưa xác định chủ đầu tư và Long An II 2x800MW do Tổ hợp nhà đầu tư Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) & Công ty TNHH Vinakobalt đề xuất.

Ngoài 2 dự án này còn có Dự án NMNĐ Dung Quất 2x600MW chủ đầu tư là Sembcorp Singapore, nhưng ngày 27/5/2015 Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thay đổi công nghệ từ sử dụng than sang sử dụng khí (năm 2020 khí của mỏ Cá Voi Xanh sẽ vào bờ) nên dự án này không còn là Dự án NMNĐ chạy than nữa.

Tổng kết lại, kể cả các dự án NMNĐ đã có trước QHĐ VII và các dự án NMNĐ thuộc QHĐ VII bao gồm cả loại bỏ và bổ sung thì tính đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 78 dự án NMNĐ chạy than, tổng công suất là 78.760MW; nếu trừ đi 3 dự án QHĐ VII đã loại bỏ thì còn 75 dự án có tổng công suất là 78.210MW. Trong Quyết định phê duyệt QHĐ VII của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 1208) có nêu tổng công suất các NMNĐ than năm 2030 khoảng 75.000MW là chưa tính đến các NMNĐ đã đưa vào vận hành trước năm 2011.

Về nhu cầu than, Quyết định 1208 đã nêu: “Ở kịch bản cơ sở vào năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 36.000MW, sản xuất khoảng 156 tỷ kWh (chiếm 46,8% sản lượng điện sản xuất) tiêu thụ 67,3 triệu tấn than; đến năm 2030 tổng công suất nhiệt điện than khoảng 75.000MW sản xuất khoảng 394 tỷ kWh (chiếm 56,4% sản lượng điện sản xuất) tiêu thụ 171 triệu tấn than”. Nếu tính cả các NMNĐ than đã đưa vào vận hành trước năm 2011 có tổng công suất 78.210MW thì năm 2030 nhu cầu than cho các NMNĐ than của Việt Nam sẽ là khoảng 178 triệu tấn.

Trong khi đó khả năng cung cấp than dựa trên cơ sở Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 số 60/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 (QH60) thì sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành năm 2020 là 60~65 triệu tấn và năm 2030 là 75 triệu tấn. Năm 2015, TKV đã lập Đề án điều chỉnh QH60 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đề án điều chỉnh này sản lượng than giảm so với QH60: Năm 2020 là 59,1 triệu tấn và năm 2030 là 70,2 triệu tấn.

Trước tình hình mất cân đối cung cầu về than nói trên, cần tìm mọi biện pháp giải quyết mà mục tiêu cuối cùng là đảm bảo được an ninh năng lượng cho đất nước giai đoạn từ nay đến năm 2030, một số đề xuất được trình bày như sau:

Một là, xác định lại một cách chính xác nhu cầu điện của Việt Nam phải thấp hơn so với kịch bản cơ sở QHĐ VII mà Quyết định 1208 quy định mục tiêu cụ thể năm 2020 đạt 330 tỷ kWh và năm 2030 đạt 695 tỷ kWh. Một trong các biện pháp quan trọng để có nhu cầu điện đưa ra có tính thuyết phục cao là phải thực hiện có hiệu quả cao nhất Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hai là, phát huy mọi khả năng triển khai và thực hiện tốt các Quyết định Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được tỷ lệ tăng trưởng năng lượng tái tạo cao hơn nêu trong QHĐ VII.

Ba là, các dự án NMNĐ than đang và sẽ xây dựng ở Việt Nam nêu trong QHĐ VII, đều sử dụng công nghệ truyền thống tuabin ngưng hơi thuần túy. Để đảm bảo nhà máy đạt được hiệu suất cao nhất và hạn chế tối đa phát thải khí nhà kính, giảm tác động xấu đến môi trường thì việc lựa chọn chủng loại than hợp lý sẽ cho phép chọn lò hơi có thông số hơi siêu tới hạn, cực siêu tới hạn, do đó hai ngành Than và Điện cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau giải quyết tốt nguồn than nhập khẩu, biết được chính xác chủng loại than ngay trong giai đoạn dự án NMNĐ được triển khai ở bước chuẩn bị đầu tư. Ngành Than cần có sự chuẩn bị tốt kế hoạch nhập than trong ngắn hạn, trung hạn từ thị trường Úc, Indonexia (bitum, á bitum) kể cả trong dài hạn khi mở rộng sang thị trường Nga, Nam Phi (anthracite…).

Bốn là, cần sớm cải tạo 3 NMNĐ: Ninh Bình 4x25MW, Uông Bí (#5,6) 50+55MW và Phả Lại I 4x110MW là các NMNĐ cũ đã vận hành trên 40 năm (Ninh Bình, Uông Bí (#5,6) và trên 30 năm (Phả Lại I) có hiệu suất thấp từ sử dụng than sang sử dụng sinh khối rắn. Nếu thực hiện được, hàng năm sẽ giảm khoảng 2 triệu tấn than nội địa mà vẫn duy trì được sản lượng điện khoảng 3,5 tỷ kWh/năm của 3 nhà máy nhiệt điện này. Ngoài ra nên triển khai xây dụng chương trình nghiên cứu nhằm sớm áp dụng công nghệ đồng đốt sinh khối với than trong các NMNĐ tuabin ngưng hơi công suất lớn (công suất tổ máy ≥300MW) hiện có và đang xây dựng vì đây là giải pháp góp phần giảm carbon trực tiếp bằng cách giảm khối lượng than sử dụng trong NMNĐ.

Năm là, gần đây nhiều tổ chức, cơ quan trong ngoài nước đã có nghiên cứu đề xuất điều chỉnh QHĐ VII đưa ra các giải pháp giảm nhiệt điện than song vẫn công nhận đây là nguồn điện chính của hệ thống điện quốc gia. Do đó trừ các dự án NMNĐ than đã khởi công xây dựng, đã xác định được chủ đầu tư đang triển khai các bước chuẩn bị và thực hiện đầu tư thì cần nghiên cứu lại 19 dự án NMNĐ than thuộc loại 4 nêu ở trên có tổng công suất 30.320MW chưa triển khai đầu tư nằm trong QHĐ VII sẽ đưa vào vận hành giai đoạn 2021-2030, xem xét khả năng loại bỏ dự án nào. Nếu như có nguồn điện từ năng lượng tái tạo, hoặc nguồn điện sử dụng nhiên liệu ít tác động xấu đến môi trường thay thế. Đây là nội dung quan trọng cần quan tâm giải quyết trong Đề án điều chỉnh QHĐ VII trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới; thời gian xem xét có thể kéo dài thêm 5 năm so với QHĐ VII, tức đến năm 2025 có xét đến năm 2035 dựa trên cơ sở các Chiến lược quốc gia về năng lượng nói chung, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo nói riêng của Việt Nam đã hoạch định tầm nhìn đến năm 2050.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động