RSS Feed for Cuba bắt đầu bỏ chính sách trợ giá năng lượng, nhưng phía trước vô cùng gian nan | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 28/01/2025 09:42
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cuba bắt đầu bỏ chính sách trợ giá năng lượng, nhưng phía trước vô cùng gian nan

 - Trong điều kiện bị bao vây cấm vận, với nỗ lực bỏ bù giá cho năng lượng, Chính phủ Cuba có kế hoạch dần tăng giá xăng, dầu, khí hóa lỏng (LPG) và điện gần với giá thị trường. Tuy nhiên, điều đó không dễ thực hiện ở một đất nước có quá nhiều thứ được bù giá. Nhìn cách xử lý của Chính phủ Cuba, dường như chúng ta được thấy lại những khó khăn chồng chất của chính Việt Nam vào những năm 1980 của thế kỷ trước.
Tính toán, dự báo tác động của giá nhiên liệu than, khí, LNG đến cơ cấu giá điện Việt Nam Tính toán, dự báo tác động của giá nhiên liệu than, khí, LNG đến cơ cấu giá điện Việt Nam

Trong bài báo này, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cung cấp thông tin cập nhật gần đây về giá nhiên liệu (than, khí, LNG) cho phát điện (bao gồm giá trong nước và thị trường quốc tế); đồng thời sử dụng phương pháp tính thông dụng hiện nay để xác định ước tính giá thành bình quân cho các nguồn nhiệt điện truyền thống tại Việt Nam. Đó là phương pháp tính “chi phí quy dẫn” (Levelised Cost of Electricity - LCOE). Các tính toán LCOE với điện than, chúng tôi chỉ xét tới công nghệ phổ biến hiện nay - lò hơi siêu tới hạn (SC), với giá nhiên liệu than khai thác trong nước và nhập khẩu. Còn với điện khí, là công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp đang chiếm tỷ trọng lớn trong công suất các nhà máy hiện hữu, cũng như đang xây dựng và sẽ đầu tư phát triển ở Việt Nam. Về giá nhiên liệu khí, được tính toán từ các mỏ: Nam Côn Sơn, Cửu Long, Sao Vàng Đại Nguyệt, PM3-CAA, Cái Nước 46 (khu vực chồng lấn với Malaysia), Lô B, Cá Voi Xanh... và các dự báo về giá LNG nhập khẩu.

Sau lần tăng giá nhiên liệu bất thành vào ngày 1/2/2024 do “sự cố mạng”, Cuba vẫn kiên quyết phải thay đổi giá năng lượng (bao gồm xăng, dầu, LPG và điện). Theo đó, từ ngày 1/3/2024, giá xăng và giá điện của Cuba bắt đầu tăng.

Cuba có hệ thống điện công suất 6.700 MW chủ yếu dựa vào nhiệt điện dầu, khí (chiếm 80%), còn lại là sinh khối và năng lượng tái tạo. Nguồn than trong nước không có, dầu khí khai thác được trong nước, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Sản lượng điện khoảng 19 tỷ kWh/năm cho dân số 11,6 triệu người. Điện áp tiêu dùng ở Cuba vẫn đang ở giai đoạn chuyển từ 110 V sang 220 V.

Mặc dù kinh tế Cuba vẫn hết sức khó khăn do bị cấm vận lâu dài và Covid-19, tiêu thụ điện năm 2023 tăng 10,8% so với năm 2022 do thời tiết nắng nóng, thiết bị sử dụng điện tăng nhanh chóng. Tỷ lệ điện sử dụng cho sinh hoạt tăng nhanh trong những năm gần đây và chiếm 61% sản lượng điện, trong khi đó tỷ lệ điện cho công nghiệp lại giảm. Nhu cầu phụ tải tối đa cũng tăng, đạt kỷ lục mới 64,5 triệu kWh vào ngày 24/7/2023.

Cuba bắt đầu bỏ chính sách trợ giá năng lượng, nhưng chưa đủ
Hình 1: Đồ thị tiêu thụ điện hàng tháng ở Cuba năm 2023 so với 2022. Nguồn: http://www.cubadebate.cu.

Do các nguồn nhiên liệu để phát điện chủ yếu phải nhập khẩu, nên Nhà nước Cuba phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn để bù giá. Ngân sách không đủ để sửa chữa, cũng như xây mới các nhà máy điện khiến cho hệ thống không ổn định, thường xuyên phải cắt điện. Nhiều hộ dân vẫn chưa có công tơ điện mà dùng điện theo kiểu khoán.

Để tránh sự phản đối của người dân, giá điện mới chỉ áp dụng cho những hộ tiêu thụ điện trên 500 kWh/tháng. Những hộ dùng trên 500 kWh chiếm có 2,7% số khách hàng điện sinh hoạt ở Cuba. Con số này đặc biệt tăng cao vào 2 tháng nóng ở Cuba là tháng Bảy và Tám, nhưng vẫn là thiểu số. Mức tiêu thụ dưới 500 kWh vẫn được tính giá trung bình 4,9 Peso/kWh (tương đương 4 Cent/kWh theo tỷ giá chính thức cho khách du lịch). Phần trên 500 kWh được tính giá mới 7,2 Peso/kWh (tương đương 6 Cent/kWh). Nhưng tỷ giá chính thức cho khách du lịch (1USD-120 Peso) vẫn thấp hơn tỷ giá chợ đen ở Cuba, nên giá điện thực tế rẻ hơn cả những nước có giá điện rẻ và rẻ hơn giá thành sản xuất điện.

Giá xăng, dầu còn tăng mạnh hơn nhiều do tình hình cung ứng xăng, dầu bị thiếu hụt nghiêm trọng. Sau khi được cởi bỏ cấm vận, Venezuela đã quan tâm hơn đến những thị trường trả giá sản phẩm dầu mỏ theo mức giá quốc tế nên giảm bớt cung cấp xăng, dầu giá rẻ cho Cuba. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ xăng, dầu trong nước vẫn tăng và phần lớn điện ở Cuba được phát từ nguồn dầu.

Do giá bán điện thấp hơn nhiều so với giá thành nên các nhà máy điện ở Cuba bỏ qua nhiều khâu bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa định kỳ, nhiên liệu không được mua dự trữ cho nhà máy, lưới điện không được duy trì và mở rộng. Mất điện thường xuyên xảy ra.

Tồi tệ nhất là ngày 18/10/2024, Nhà máy Nhiệt điện Antonio Guiteras - một nguồn điện lớn ở Cuba gặp sự cố. Do lưới điện không phản ứng kịp, 7 nhà máy nhiệt điện khác đang bảo trì, hoặc thay thế thiết bị, nên mất một nhà máy gây ra sập lưới, toàn bộ hòn đảo xinh đẹp đã bị mất điện. Toàn bộ các trường học, bảo tàng và nhiều cơ quan phải đóng cửa. Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel phải hủy chuyến đi tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nga để ở nhà xử lý khủng hoảng mất điện.

Cuba bắt đầu bỏ chính sách trợ giá năng lượng, nhưng chưa đủ
Hình 2: Hiện trạng khôi phục điện lưới sau ngày 18/10/2024 ở Cuba.

Vài ngày sau, khi cả nước còn thiếu điện nghiêm trọng, cơn bão Oscar đã đổ bộ vào Cuba làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ngày 21/10/2024, khoảng 70% Havana có điện trở lại. Cả tuần sau đó, các nhà máy nhỏ lần lượt được huy động phát điện để cấp một phần cho riêng Thủ đô Havana, nhưng các tỉnh khác vẫn phải chịu mất điện. 11 ngày sau sự cố, công suất hệ thống vẫn chỉ đạt 1.900 MW, thiếu hụt ít nhất 1.300 MW vào cao điểm phụ tải lúc ban đêm nên vẫn phải sa thải phụ tải. Chính phủ Cuba đã phải kêu gọi sử dụng điện tiết kiệm hơn nữa.

Ngày 24/10/2024, bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan - Nga, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez Parrilla. Thủ tướng bày tỏ Việt Nam rất quan tâm theo dõi và chia sẻ những khó khăn, thách thức mà Chính phủ và nhân dân Cuba đang phải đối mặt do tình hình mất điện trên diện rộng dưới tác động của các cơn bão. Khẳng định, Chính phủ, cũng như nhân dân Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ và mong Cuba sớm khắc phục sự cố, ổn định cuộc sống, sinh hoạt cho người dân.

Là một đất nước đã trải qua thời kỳ tương tự kéo dài khoảng 10 năm (từ đầu những năm 1980 đến đầu 1990), người Việt Nam hiểu khá rõ khó khăn rất lớn của Chính phủ Cuba trong giai đoạn chuyển đổi này. Mặt khác, chúng ta đánh giá cao quyết tâm chuyển đổi của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong những năm đó để có được thành công về kinh tế như hiện nay. Đồng thời, nhìn vào Cuba, chúng cũng cần lưu ý: Quyết định bù giá cho mặt hàng nào đó thì rất dễ, nhưng quyết định bỏ bù giá sẽ vô cùng gian nan./.

ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động