RSS Feed for Chuyện "giải cứu" PVTex: Đâu là sự thật khách quan? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 11/10/2024 00:00
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyện 'giải cứu' PVTex: Đâu là sự thật khách quan?

 - Gần đây, tưởng chừng vụ việc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợ Dầu khí (PVTex) đã chìm lắng, vì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có giải trình, thì một số tờ báo vẫn còn đăng tin tạo dư luận không tốt. Nội dung báo đăng chủ yếu dựa trên đơn của 01 luật sư ở Hà Nội gửi các lãnh đạo cao cấp hồi cuối tháng Năm vừa qua. Theo chúng tôi, đây là thông tin không khách quan, phiến diện, cố ý bôi xấu và quy chụp trách nhiệm cá nhân đối với các ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch HĐTV và Lê Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc PVN. Vậy đâu là cách hiểu đúng và khách quan nhất? Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ làm rõ trong bài báo dưới đây.

Dự án PVTex: Từ kết luận thanh tra đến hiện trạng



Từ chủ trương giải cứu PVTex

Như chúng ta đã biết, sau khi chạy thử và đi vào hoạt động từ tháng 9/2013 nhưng do nhiều nguyên nhân như chậm tiến độ, khi đi vào vận hành thương mại lại rơi vào chu kỳ đi xuống của thị trường xơ sợi; năng lực tài chính yếu kém dẫn đến thua lỗ kéo dài. Đến hết tháng 3/2015, lỗ lũy kế của đơn vị lên tới 1.732 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cũng giảm còn 520 tỷ đồng, vì vậy, sau đó PVTex phải tạm ngưng hoạt động từ tháng 10/2015.

Trong quá trình tạm ngưng, PVN và PVTex đã chủ động tìm kiếm hợp tác ở trong và ngoài nước. Năm 2017, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (Gọi tắt là Ban chỉ đạo), PVTex đã đánh giá, xây dựng phương án khôi phục nhà máy trên cơ sở nhận định các khó khăn, thuận lợi. Các phương án và giải pháp cho PVTex giai đoạn tiếp theo đã được nghiên cứu, đánh giá trên các mặt (pháp lý, quản trị, kỹ thuật, thương mại, tài chính và xây dựng) cụ thể gồm:

Phương án 1: Cho phá sản PVTex theo quy định.

Phương án 2: Duy trì sản xuất (sau đó thoái vốn), trong phương án này gồm:

2 (a): Tự duy trì sản xuất (sau đó thoái vốn).

2 (b): Hợp tác với đối tác trong, ngoài nước để duy trì sản xuất (sau đó thoái vốn).

Trên cơ sở đánh giá và phân tích ưu, nhược điểm của các phương án nêu trên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã báo cáo, đề xuất phương án tối ưu nhất là phương án 2 (b) - Hợp tác với đối tác trong, ngoài nước để duy trì sản xuất (sau đó thoái vốn). 

Ngày 29/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1468/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương". Tiếp đó, ngày 14/11/2017, Ban Chỉ đạo cũng đã có Quyết định số 4269/QĐ-BCĐDADNCT, về việc ban hành "Kế hoạch hành động thực hiện Đề án". Đây là cơ sở để PVN thực hiện các bước tiếp theo để giải cứu, nhằm đưa PVTex hoạt động ổn định trở lại [1].

Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ lũy kế và tạm ngưng hoạt động, việc tìm kiếm được đối tác có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm sản xuất xơ sợi, mua bán nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, quản trị sản xuất, các cam kết về các điều kiện tài chính, thương mại là không dễ, cần nhiều thời gian. Họ muốn thấy PVTex hoạt động trở lại trước khi đầu tư góp vốn. Vì lý do này, tháng 3/2018, PVN đã hỗ trợ để PVTex triển khai phương án ngắn hạn - (vận hành 3/25 dây chuyền) sản xuất sợi DTY trước khi thực hiện phương án dài hạn là hợp tác với các đối tác (hoạt động 100% công suất). Sau đó 4 tháng, PVTex cùng với Tập đoàn An Phát và Công ty CP Xơ sợi Tổng hợp An Sơn đã ký kết Hợp đồng hợp tác (ngày 24/7/2018), giải thích điều này.

"Việc xử lý các vấn đề tồn tại ở PVTex là trăn trở trong nhiều năm qua, nay đã được đi đúng hướng và phát triển đúng hướng".

Gần như song song, PVTex cũng phải giải quyết dứt điểm các tranh chấp với nhà thầu EPC làm cơ sở quyết toán dự án; cơ cấu được các khoản nợ; xử lý dứt điểm công nợ giai đoạn trước với KCN Đình Vũ (DVIZ) theo phán quyết của Tòa án để DVIZ tiếp tục cung cấp điện, nước, phụ trợ để gìn giữ nhà máy; và khi hoạt động trở lại phải hỗ trợ một phần chi phí ban đầu để xử lý, bảo dưỡng máy móc thiết bị tránh hư hỏng. Đây là các vấn đề phải xử lý trong mọi trường hợp kể cả không khởi động lại.

Để hỗ trợ PVTex khi chưa bố trí được nguồn vốn, Chủ tịch HĐTV PVN, đã ký các Nghị quyết 1312 và 2327, cho phép PVN hỗ trợ tạm ứng (có hoàn trả) với khoản tài chính khoảng 100 tỉ đồng để Nhà máy PVTex hoạt động trở lại. Các nghị quyết trên được căn cứ theo các công văn đề xuất của ông Lê Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc PVN (phụ trách dự án PVTex).

Sau 3 năm tạm ngưng, với nỗ lực của PVN và các cổ đông cùng đối tác Tập đoàn An Phát Holding như trên, tháng 4/2018 nhà máy đã khởi động 3 dây chuyền; quý 1/2019 là 10 dây chuyền DTY. Dự kiến quý 3/2019, PVTex sẽ hoạt động toàn bộ nhà máy. Các tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu cũng đã giải quyết ổn thỏa.

Đến việc dùng quỹ phúc lợi giải cứu PVTex

Về luật kinh doanh và luật thuế ở Việt Nam, phải nói một cách thẳng thắn là còn một số điều khoản còn chồng lấn, chưa quy định chi tiết nên khi thực hiện đôi khi vẫn có sự khác nhau ở nhiều doanh nghiệp.

Ví dụ như các nhà thầu nước ngoài cử người qua Việt Nam, có thể đóng thuế phát sinh thu nhập đối với lao động (nếu là nhân sự thời vụ). Nhưng nếu là nhân sự của họ cử biệt phái (secondee) thì có nơi đóng (thuế), có nơi không đóng do nhân sự ấy là nhân sự cố định của nhà thầu, hoặc tùy thuộc vào loại hợp đồng họ ký với khách hàng. Đối với các nhà thầu dịch vụ trong nước điều động nhân sự đến làm dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), hay các dự án liên doanh với nước ngoài tại Việt Nam, cũng đã có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến áp dụng cũng khác nhau.

Đó là lý do vì sao, hàng năm, Tổng cục thuế thường cho thanh kiểm tra các doanh nghiệp để có các điều chỉnh về thuế cho phù hợp.

Theo được hiểu, đối với các nhân sự do PVN cử đi biệt phái (secondee) ở NSRP cũng ở tình huống gần giống vậy, nhưng hơi khác ở chỗ, PVN là đối tác trong dự án NSRP, chiếm 25,1% cổ phần. PVN là một trong những nhà điều hành dự án chứ không phải nhà thầu dịch vụ. Nhân sự biệt phái "secondee" là người do PVN và các đối tác ở NSRP cùng trả lương thông qua NSRP (trong thời gian đi dự án PVN không trả lương nhưng vẫn là nhân sự cố định của PVN). Vì vậy, số tiền của gói nhân sự đấy, PVN thu về, trừ lương và các khoản phụ cấp biệt phái thì số dư còn lại, nhập vào quỹ phúc lợi, cũng không sai. Đơn giản là vì họ là nhân sự của PVN, vẫn hưởng đầy đủ các khoản BHXH, BHYT, theo hợp đồng dài hạn. Các khoản thuế thu nhập cá nhân của họ, PVN cũng đã chi trả đầy đủ cho cơ quan thuế.

Nếu có quan điểm khác nhau giữa PVN và Tổng cục thuế, hoặc có quy định mới về thuế, cơ quan thuế có thể yêu cầu PVN điều chỉnh nộp thêm, chỉ vậy thôi. Nếu có điều chỉnh, cũng là một hoạt động bình thường của doanh nghiệp. 

Vì vậy, hiểu theo cách diễn giải trong một số bài báo gần đây cũng như cách lập luận và quy kết trách nhiệm của 01 luật sư ở Hà Nội đối với ông Thanh và ông Hùng là không đúng và chưa khách quan.

Về chủ quan, như đã diễn giải ở trên, từ phương án đã được Ban Chỉ đạo phê duyệt, PVN cần hỗ trợ PVTex tái hoạt động. Về khách quan, với quỹ phúc lợi, đây là quỹ do PVN quản lý và các quyết định chi, hạn mức chi nằm trong phạm vi quyết định của HĐTV và Ban Tổng giám đốc PVN. Đây là khoản tiền nhàn rỗi chưa sử dụng của đơn vị, lấy đi cho PVTex vay tạm ứng - xin nhấn mạnh là "cho vay tạm ứng có hoàn trả" - thông qua Thỏa thuận có "cam kết hoàn trả" giữa các bên thì không có gì sai. Việc PVN cho PVTex tạm ứng quỹ không vì lợi ích cá nhân mà hoàn toàn vì lợi ích tập thể và PVTex cũng sẽ hoàn trả ngay khi có lợi nhuận (chậm nhất đến cuối năm 2022).

Các đánh giá của các cơ quan hữu quan thay cho lời kết

Đánh giá của Ban Chỉ đạo: Tại văn bản số: 132/TB-VPCP ngày 8/4/2019 của VPCP, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương, các bộ, ngành và PVN đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm và quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo trong thực hiện Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017.

Đặc biệt, kết luận của Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Một kết quả nổi bật là xử lý xong tranh chấp pháp lý lên quan đến hợp đồng EPC của dự án Nhà máy PVTex bằng phương pháp hòa giải nhờ nỗ lực rất lớn của PVN" [2].

Đánh giá của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Ngày 05 và 16/11/2018, tại buổi làm việc với PVN, PVTex, lãnh đạo Ủy ban này cho rằng: Những nỗ lực hiện tại đánh dấu một phần sự hồi sinh của nhà máy và là thành công trong sự quyết liệt tái cơ cấu nhà máy. Việc xử lý các vấn đề tồn tại ở PVTex là trăn trở trong nhiều năm qua, nay đã được đi đúng hướng và phát triển đúng hướng [3].

Đánh giá của Bộ Công Thương: Tại buổi làm việc vào tháng 10/2018, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng đánh giá cao khi PVTex đưa vào sản xuất thêm các dây chuyền mới. Và điều quan trọng hơn là "PVTex đã biết chắt chiu từng đồng từ tiêu hao điện, nước, sợi, tiêu hao cọc lõi, phế liệu để hiệu quả từng bước tốt hơn" và khẳng định "các tiến trình xử lý PVTex đang đi đúng hướng" [4].

Qua sự việc này, cũng dễ thấy rằng, lâu nay, thông tin về các hoạt động kinh doanh, các dự án của PVN vẫn đang rất hạn chế nên đôi khi một số nhà báo và người ngoài cuộc hiểu sai và phiến diện. Sáng nay, chúng tôi có liên hệ với Ban truyền thông PVN và họ có gửi một số thông tin liên quan. Dù chưa giải thích đầy đủ, nhưng cũng đã cho thấy, PVN đã rất nỗ lực trên tinh thần minh bạch, có trách nhiệm cao và tuân thủ các quy định hiện hành để đưa dự án PVTex hoạt động trở lại.

Theo quan điểm của người viết, qua đây các cơ quan báo chí cũng nên thật sự khách quan và cẩn trọng khi tiếp nhận, xử lý các thông tin về PVN. Thông tin cần được kiểm chứng từ nguồn chính thống, tránh rơi vào "bẫy thông tin" lệch lạc. Các sự việc ở PVN, có cả vấn đề do "lịch sử để lại" nên nhiều khi chúng ta nên thật sự khách quan, độc lập trong đánh giá, nhận định, không nên quy kết các cá nhân khi chưa có kết luận từ cơ quan hữu quan. Xa hơn, "việc đưa những thông tin không đúng sự thật sẽ làm hoang mang những cán bộ, người lao động đang ngày đêm tích cực giải cứu PVTex. Những gì đang xảy ra làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động và các đối tác của PVN" - như lời của ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch HĐTV PVN trong phát biểu gần đây.

Chúng ta cũng cần biết, nhân sự Tổng giám đốc điều hành PVN (CEO) là vị trí quan trọng liên quan đến vận mệnh và thành bại của ngành Dầu khí Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Vì lẽ đó, sau khi có các đơn thư, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan đã đánh giá, thẩm định và xem xét rất kỹ trước khi ra quyết định phê chuẩn. Trước khi Ban cán sự Chính phủ họp, họ cũng đã tham vấn đầy đủ các cơ quan chuyên môn, cơ quan hữu quan để đi đến quyết định chấp thuận với phương án nhân sự được đề xuất.

Theo đó, việc quyết định song song, bổ nhiệm chức danh Thành viên HĐTV và Tổng giám đốc điều hành PVN đối với ông Lê Mạnh Hùng sẽ được công bố chính thức trong những ngày tới. Hy vọng, sau khi có bổ nhiệm chính thức, những thông tin một chiều và có hơi hướng quy kết trách nhiệm cá nhân sẽ không còn xuất hiện nữa.

NGUYỄN LÊ MINH
 


Chú thích: 

[1] - Trong bài có sử dụng một số thông tin của PVN. 

[2] https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/san-pham-cua-pvtex-da-xuat-sang-thi-truong-hoa-ky-572868

[3] http://www.pvn.vn/chuyen-muc/Tin-tap-doan/Ra-mat-san-pham-moi-soi-AnPoly/70505064-e9dd-4154-a902-18777cd81834

[4] http://cand.com.vn/doanh-nghiep/PVTEX-hop-tac-voi-Tap-doan-An-Phat-da-dem-lai-hieu-qua-ro-ret-518928/ 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động